Được sự giúp đỡ của tổ chức Việt Tân, em Nguyễn Trung Trọng Nghĩa đã đến Na Uy nhằm gặp gỡ các dân biểu của Quốc Hội nước này. Nơi đây Nghĩa đã có cơ hội nói lên câu chuyện của ba em là Mục sư Nguyễn Trung Tôn, trong hai ngày 14 và 15 tháng 3 năm 2018.
Tuy giờ họp rất giới hạn, Nghĩa, với khả năng Anh văn, đã diễn tả rất rành mạch những bạo hành mà ba em phải gánh chịu và những khó khăn trong tù giam. Những đòn ba-ton đập vào gối, vào ngực của ba; những bước chân đi lết, từng đêm khuya trăn trở vì lồng ngực đã bị thương nặng sau lần bị “côn đồ” hành hung và vứt trong rừng với cơ thể trần trụi… Những hình ảnh đó đã khiến bà Ingjerd Schou, người dân biểu cứng rắn, đã nhiều năm lăn lộn trong chính trường, phải rùng mình, đau theo với người bị hành hung. Rồi cảnh lạnh buốt vào mùa đông trong nhà tù của miền Bắc, bệnh đau không được chữa trị, những hình ảnh da thịt bị nấm ăn dần do nhà tù thiếu ánh sáng và những lúc như da thịt bị phỏng rộp khi gặp ánh sáng… Bà Ingjerd Schou đã rung lên, đôi mắt rưng rưng ướt.
Từ một người đàn ông bình thường như bao nhiêu người đàn ông Việt Nam khác, ông Nguyễn Trung Tôn đã trở thành mục sư, rao giảng tình thương yêu của Chúa đến dân làng, an ủi và bảo vệ những người bất hạnh, và ông cũng đã có lần khước từ tỵ nạn sang Hoa Kỳ để được ở lại quê hương, bảo vệ Hội thánh và giáo dân. Một sự thay đổi, hy sinh và chịu đựng, mà qua lời kể với đầy sự kính trọng, chân thành của một người con, Nghĩa, đã khiến bà Ingjerd Schou cũng như ông Aleksander Zlatanos Ibsen cũng phải nể phục mục sư Nguyễn Trung Tôn, và tấm lòng một người con hiếu thảo như em.
Họ hứa với Nghĩa sẽ làm việc với Bộ Ngoại Giao, để Đại Sứ Quán Na Uy tại Hà Nội can thiệp vào trường hợp của ba em, để tình trạng trong tù của ba em được tốt hơn và để phiên tòa sắp tới của ba em được đúng nghĩa hơn với hai chữ “phiên toà”.
Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, nguời thanh niên 23 tuổi, thích bay nhảy với những cú đá tung trong không gian, thích thám hiểm, năng động, lao vào rừng tuyết ở Sognsvann để thử trượt tuyết “cross country ski,” và với khả năng của mình, đáng lẽ phải được hồn nhiên lớn lên và phát triển cho chính tương lai riêng mình, nhưng em đã chọn con đường khác, rất nhân bản: Em đi khắp nơi, kêu gọi lòng nhân đạo của thế giới trong khi chính quyền ở chính quê hương của em chưa biết rõ định nghĩa hai chữ “nhân nghĩa”.
Việt Nam chúng ta còn những người con hiếu thảo và tài giỏi như em Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, thì chúng ta vẫn còn có thể tiếp tục hi vọng một sự thay đổi…
Chúc em và ba của em mục sư Nguyễn Trung Tôn nhiều may mắn và thành công!
Oslo, ngày 15 tháng 3 năm 2018.
Lilly Nguyễn