Monday, October 7, 2024
HomeDU LỊCHBLOGCON HÔNG ĐẺ

CON HÔNG ĐẺ

Cô gái đó sinh năm 1990, ở một vùng quê nghèo của miền Tây sông nước, gương mặt đẹp, học hết lớp 2. Quê nghèo nhà cũng nghèo, nheo nhóc nợ nần em út. Mười tám tuổi, cô gái xin mẹ đi lấy chồng nước ngoài đỡ đần cho gia đình.
Qua mai mối, người đi hỏi cưới là một chàng trai người Mã Lai không đẹp nhưng cũng được. Đám cưới xong cô theo chồng về bên bển. Gia đình chồng có 5 con đều lập gia đình rồi, mấy cô dâu trước đều là dân bản xứ có việc làm ổn định. Cô gái không biết tiếng, ở nhà giặt giũ nấu ăn cho cả nhà hơn chục người. Hoàn toàn không có tiền gửi về cho gia đình. Chuyện vợ chồng cũng diễn ra vào thời gian đầu, đến khi cô mang thai thì dừng lại, chồng gần như bỏ mặc cô chấp chới giữa nơi lạ xứ quê người. Cuối cùng, cô sanh ra một bé gái. Vừa chăm con, vừa làm việc nhà phục vụ nhà chồng. Bất đồng ngôn ngữ, không có lối thoát. Cô tìm đường ôm con trốn về Việt Nam.
Hồ sơ trình qua khi xin vào ở Nhà Trọ 0 Đồng Bình Trưng ghi: Võ Thị Trúc Ly, sinh năm 2011, quê quán Bạc Liêu. Bà ngoại chăm. Suy thận giai đoạn cuối, chỉ còn 1 mạch tay cuối cùng. Con bé ít tóc, môi thừ lừ, mắt hí, mũi tẹt lét bẹp sát mặt, mặt tròn như cái dĩa trẹt, tay chân tong teo. Người ta thường có thiện cảm với cái đẹp. Con bé xấu thiệt. Được cái giọng nói ngọt như mía lùi, lễ phép. Cả khoa ai cũng nói tốt cho nó, mấy đứa ở nhà trọ đều thương nó. Vậy thì duyệt cho chỉ về ở nhà trọ.
Thủ tục đăng ký hoàn tất. Nó về nhà trọ ở vui vẻ. Cho tới một bữa, nó đi lọc máu. Tắt mạch. Hai chữ ám ảnh nhất của mỗi đứa trẻ lọc máu chạy thận là tắt mạch. Tắt mạch bằng chết. Tắt mạch bằng mổ sống đặt catheter. Tắt mạch bằng một ca mổ khác và mấy tháng chờ đợi hên xui. Còn với nó, nó chỉ còn một mạch tay cuối cùng, sức khỏe nó rất yếu. Tắt hết mạch tay chỉ còn một mạch cuối cùng. Mổ mở mạch tim, ghim thẳng vào mạch tim. Nếu tắt mạch tim chỉ còn một con đường duy nhất. Chờ chết. Nó phát bệnh từ 6-7 tuổi. Nó hiểu chuyện gì đang diễn ra. Nó hỏi mình:
– Cô Dương ơi! Con kêu cô Dương bằng mẹ được không?
Mình bất giác nói “được”. Tự nhiên mình ôm nó vào lòng. Đứa con gái xấu xí mà mình thường né né. Mình xoa nhẹ đầu nó an ủi. Nó khóc nghẹn, huyết áp tăng, khó thở, uống thuốc, trợ thở…Một vòng tròn căng thẳng.
Nó nhớ mẹ nó. Mẹ ở quê lo cho 3 đứa em nhỏ. Giờ phút nó nguy cấp, mẹ nó mới sanh đứa em nhỏ nhất ở quê. Nó chỉ có bà ngoại. Trong lúc vỗ về nó, mình vô thức hỏi nó: Mẹ con tên gì vậy Ly?
Nó đáp tên mẹ nó. Tên ba nó. Mình chưng hửng. Tại sao nhà con mỗi người một họ vậy con.
Hóa ra, mẹ nó ôm nó từ Malaysia về sau 5 năm chịu khổ ở xứ người. Năm đó nó 4 tuổi. Ba nó có dẫn bạn trai của ba nó qua thăm nó. Đến khi phát hiện con gái bệnh nặng, ba nó không qua nữa. Cô ruột nó kêu mẹ nó gửi giấy tờ của nó cho cô để lãnh trợ cấp gì đó. Mẹ nó nghe theo, giao giấy xong, cả nhà nội cắt đứt hết liên lạc. Mẹ nó đi làm nuôi con, quen một người đàn ông hiền lành, lần lượt sanh 3 đứa con nữa. Mình hỏi bà ngoại nó:
– Trong dòng họ cô có ai trùng tên với con Ly không?
Bà nói có. Mình hiểu chuyện gì đang diễn ra. Mình đã cân nhắc, cân nhắc rất nhiều dưới góc độ của một người biết chút Luật. Nếu nó không qua nổi trận này, bệnh viện buộc cấp chứng tử dựa trên số Định danh thì đứa trẻ còn sống đang ở quê cũng bị khai tử về mặt pháp lý luôn. Bà ngoại nó không biết chữ nên bù trất. Sau nhiều đêm suy nghĩ, mình đã báo chuyện này cho bệnh viện kèm theo hướng giải quyết êm dịu nhất có thể.
Mạch của nó tắt không nuôi lại được. Sức khỏe yếu rõ, mọi người đều dự liệu nó không qua được. Nó không đủ sức để mở mạch cảnh hầm tim. Catheter cũng chỉ là tạm thời chứ không dùng được hoài. Bác sĩ quyết định mổ đường bụng thẩm phân. Kéo dài thời gian đi đến mạch tim. Bệnh viện nhanh chóng xác minh làm thủ tục xuất viện cho nó. Sau đó cho nhập viện lại với tên mới. Trong những gạch đầu dòng xin nhập tịch làm khai sanh cho nó. Mình viết, về nước năm 2014, đã liên hệ chính quyền địa phương xin hướng dẫn nhưng nhiều lần bị từ chối không hỗ trợ. Theo quy định công dân không rõ Quốc tịch hoặc Quốc tịch nước ngoài thường trú tại VN 5 năm liên tục có thể xin nhập Quốc tịch VN và với nó thì có thể xin làm khai sanh. Lỗi không hỗ trợ mẹ con nó để mẹ nó phải đi mượn khai sanh, mượn Bảo Hiểm cho nó nhập viện ngay từ đầu xuất phát từ đâu?
Nó được hỗ trợ làm khai sanh. Cha sau của nó nhận nó, nó theo họ cha sau. Đổi tên thành Phan Hồng Yến. Ca mổ của nó thành công nhưng nó phải chịu đau đớn vật vã suốt 3 tháng sinh tử chấp chới.
Nó xuất viện, lần khám đầu tiên tạm ổn. Bác sĩ nói với bà ngoại nó, lần sau tái khám nhất định phải kêu mẹ nó lên gặp bác sĩ. Mình nghe bà ngoại nó kể lại, mình thở dài, không nghĩ bệnh viện sẽ làm theo hướng này. Mình dặn: nói với mẹ con Yến, lần này lên có lẽ sẽ gặp công an đó. Chuẩn bị tâm lý, có sao khai vậy thật thà.
Bà nó không tin. Bà nói lẽ nào bác sĩ gạt bà. Mình thở dài, nhiệm vụ thôi.
Sáng ngày mẹ nó lên gặp bác sĩ. Bác sĩ nói có chuyện cần bàn mời mẹ nó vào trong khu tiếp khách nói chuyện. Vào tới nơi, hai anh áo xanh ngồi chờ sẵn. Bà nó gọi cho mình. Mình tự hỏi một người phụ nữ quê mùa ứng phó làm sao. Nó khám xong ra sảnh ôm em 7 tháng chờ mẹ. Em nó khóc dặt dẹo. Xế trưa, mình lên bệnh viện thì mẹ nó ra khỏi phòng rồi. Công an cho về, khi nào cần thì gọi phải tới. Nó ôm mẹ nó, khóc nức nở. Nó hỏi mẹ nó:
– Mẹ ơi! Bây giờ, con chết thì người ta có tha cho mẹ không mẹ? Mẹ ơi! Hay mẹ trốn đi, con hông có nhớ mẹ nữa đâu. Có phải tại con mà mẹ bị chú công an bắt không mẹ. Con làm khổ mẹ phải không mẹ?
Mẹ nó khóc không trả lời. Nó hỏi miết, mẹ nó nạt:
– Khùng quá à! Không có sao hết. Mẹ hông biết sao, nhưng mà mẹ làm sao nhìn con chết được. Con đừng có nói nhảm nữa.
Bà ngoại nó thì tự trách do mình nghèo, gia đình nợ nần rồi con gái chịu khổ, rồi cháu ngoại khổ. Thằng nhỏ trong tay thấy bà khóc, mẹ khóc, chị hai khóc. Nó cũng mếu khóc.
Đêm đó, mình ngồi ngoài sân cả đêm. Mình tự hỏi mình đúng hay sai? Tại sao mình không nghĩ cách nào che giấu đi tất cả, lách được tất cả mà lại là kết cục này.
Cũng đêm đó, nó khóc và lên huyết áp mấy lần. Mình nghe báo, bước ra phòng nó, ôm nó vỗ về. Trong thanh âm đứt quãng cùng tiếng khóc, nó hỏi mình một câu dài thòng:
– Mẹ Dương ơi! Con biết mẹ Dương không thương con như thương em Cò. Con biết mọi người đều ghê con vì con xấu xí. Nhưng mẹ Dương có cách nào giúp mẹ con không? Mẹ con đẹp lắm, con thấy mẹ con là đẹp nhứt. Tại con mà mẹ con khổ. Nếu mẹ con ở tù thì em con làm sao? Tại con hết. Nếu mẹ con để con chết thì mẹ con đâu có đi mượn giấy của người ta, mẹ con đâu có bị công an kêu đâu phải không mẹ Dương? Nếu mà đêm nay con chết, mẹ Dương nói với mẹ con là con xin lỗi mẹ con nhiều lắm. Con xin lỗi mấy em con nữa. Tại con hết.
Lương tâm của mình cắn xé mình. Mình đã làm gì? Mình đúng hay sai? Nếu đúng thì tại sao mình lại đau đớn như vậy? Nếu sai thì cuộc đời đứa bé cho mượn khai sanh sẽ ra sao? Một đứa nhỏ 7 năm lăn lộn trong bệnh viện, thấy đủ trắng đen như nó đã biết người ta nhìn nó ra sao. Vậy mà mình hèn hạ nhỏ mọn không đủ thương yêu nó. Hoá ra nó biết hết, hoá ra mình không che giấu được nó.
Nó vẫn ở nhà trọ vì nhà ở quê không đủ điều kiện cho nó thẩm phân vùng bụng. Mỗi ngày vẫn vài cơn sinh tử. Vẫn lâu lâu lê từng bước chân yếu ớt ra khỏi phòng, men theo tường ra nhìn trời rồi cười mãn nguyện: Còn sống nè!
Mấy đứa nhỏ trong nhà trọ mỗi lần rủ chị Hồng Yến qua phòng chơi là đợi hơn 10 phút để chị Yến đi tới. Vẫn nhiệt tình thương mấy em nhỏ tuổi hơn mình.
Hôm nay, sinh nhật nó. Nó ước vài ngày nữa về quê không bị biến chứng gì để được chơi với em, được ôm mẹ. Mẹ nó vẫn là đẹp nhất.
Mỗi tháng, nhà trọ vẫn cấp cho mấy trăm ngàn tiền xe về thăm nhà.
Nó dặn mình: chừng nào con yếu quá, mẹ Dương gọi xe cho con về nha. Con muốn nhìn thấy mẹ con. Đừng kêu mẹ con lên đây, đường xa, mẹ con đi xa, mẹ con mệt.
Hình gia đình nó vào tháng 3 năm 2024 lúc mẹ nó vừa ra khỏi phòng làm việc với Công an tại bệnh viện.
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular