VNTB-Nguyễn Tường Thụy
(VNTB) – Clip cô giáo quỳ gối trước Ủy ban Đắk Lắk để “dâng đơn” cho lãnh đạo tỉnh trước hết nói lên một hệ thống hành chính thối nát tới mức người dân không thể chịu được nữa.
Cả một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu lực không vận hành nổi. Nguyên nhân là do nguyên lý chế tạo sai, phản qui luật, hệ thống truyền động ì ạch, bánh răng sứt mẻ, vênh váo, những con bu lông ốc vít rỉ sét… và toàn cỗ máy được chế tạo bằng loại thép không có khả năng chống ô xy hóa.
Đất nước này có lẽ là đất nước nhiều dân oan nhất thế giới. Tôi đã viết bài “Cường quốc dân oan” được nhiều người vào chia sẻ và có cả những lời đe dọa.
Dân oan là những người bị oan ức. Theo khái niệm này thì có cả những quan lớn bị oan nhưng cũng từng gây oan cho biết bao người dân lương thiện khác, hoặc từng gây tội với dân như tham nhũng. Vì vậy, khái niệm dân oan ở ở đây chỉ đề cập đến những người dân không có quyền chức, làm ăn lương thiện mà bị oan ức mà thôi, trong đó có cả cô giáo quỳ trước ủy ban tỉnh Đắk Lắk vừa nhắc trên đây.
Họ là những người bị cướp đất đai, nhà cửa, mất việc làm hay bị xử án oan do bộ máy công quyền thối nát gây nên trong đó có cả những cơ quan tư pháp như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Đó là một lần oan. Lần oan tiếp theo là họ tố cáo, khiếu kiện không có cơ quan nào giải quyết. Hồ sơ của họ hoặc là bị ngâm trong tủ, bị đùn đẩy vòng quanh thậm chí bị mang đi bán đồng nát mà đã từng bị cụ Lê Hiền Đức và dân oan bắt quả tang. Tại sao quan chức dám gây oan và không giải quyết chuyện kêu oan là vì bọn này có mạng lưới bảo kê chằng chịt từ trên xuống dưới, từ trung ương đến cơ sở, không ai làm gì được. Chúng thường thách thức dân: “Chúng tôi giải quyết thế đấy, muốn kiện đâu thì kiện”.
Tôi tiếp xúc với dân oan ba miền đã nhiều nên rất hiểu tình trạng này. Bản thân tôi cũng đã khiếu nại, tố cáo rất nhiều vụ nhưng không vụ việc nào được giải quyết, ví dụ vụ chúng tôi bị công an Thái Bình đánh, vụ công an xông vào nhà tôi đánh đập và bắt người. Sự cù nhầy trong giải quyết đơn từ khiến nhiều người không đủ thời gian và tiền của theo kiện nên phải bỏ cuộc. Tuy vậy, cũng có người kiên trì theo đuổi một vài chục năm nhưng không bỏ cuộc.
Sự bức xúc của dân oan dẫn đến nhiều phản ứng khác nhau. Họ không còn biết nể người nhà nước nữa và người nhà nước xứng đáng bị họ chửi. Có lần tôi bị dân oan chửi té tát vì họ tưởng tôi là cán bộ. Có người phản ứng bằng cách chống lại như Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, Đặng Văn Hiến… Có người tự thiêu và có người phản ứng bằng cách quỳ trước cửa quan như cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh kia.
Còn nếu theo trình tự của luật khiếu nại tố cáo thì không ai giải quyết như tôi vừa trình bày ở trên.
*
Tôi phải diễn giải về tình hình giải quyết đơn từ của dân và tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của cô giáo Hoa Anh để hiểu tại sao cô phải làm như thế.
Theo một trang mạng thì cô là một giáo viên giỏi từng dạy ở vùng khó khăn nhiều năm nhưng bị luân chuyển về lại nơi cũ với án kỷ luật “Dạy thêm trái phép”. Theo đó, thực chất “lớp được gọi là dạy thêm trái phép ấy chỉ là mấy đứa trẻ hàng xóm quanh nhà, cha mẹ đi làm suốt ngày không thể chăm sóc mà để chúng ở nhà lại không yên tâm. Là mấy đứa cháu ruột ở thành phố về quê chơi với dì ruột, là con của một vài đồng nghiệp ở trường vừa chơi cừa ôn bài cho đỡ quên kiến thức,… Tất cả không một đồng học phí”.
Còn tại sao cô quỳ? Trong đoạn clip cô giải thích: “Tại vì không cho người ta đăng ký, không cho người ta gặp thì người ta phải quỳ chứ sao. Điện đi điện lại chỉ có văn thư ra nhận đơn mà cũng không ra”
Một người dân khác xen vào: “Cả một cái ủy ban tỉnh mà không giải quyết được gì cho dân hết, hỏi làm sao mà chịu được?
Như vậy, quỳ là một lựa chọn của cô Hoa Anh để tạo sự chú ý gây sức ép để người có trách nhiệm phải giải quyết đơn của cô. Quả nhiên là lúc ấy, công an buộc phải ra để mời cô vào. Nếu cô không làm thế thì có lẽ chẳng ai giải quyết nỗi oan cho cô và chúng ta cũng chẳng biết cô là ai.
*
Có nhiều phản ứng trước việc làm này của cô, cho rằng thầy cô hèn yếu thì sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của học sinh, rằng phải thầy cô phải biết đứng trên đôi chân của mình. Nếu tôi rơi vào hoàn cảnh của cô, tôi sẽ không làm thế nhưng cũng không biết làm thế nào. Chửi bới ư? Cô sẽ bị bắt đi tù vài năm vì tội gây rối trật tự công cộng mà lại càng có cớ chô người ta lờ đi đơn của cô. Theo đúng trình tự khiếu nại tố cáo ư? E rằng đến lúc giải quyết được cô đã hết tuổi lao động, hoặc không bao giờ được giải quyết. Hay là tự thiêu như một số dân oan khác? Hay cầm súng bắn vào bọn chúng? Vậy nên tôi tôn trọng cách lựa chọn của cô.
Cô quỳ trước cổng Ủy ban tỉnh không phải là để xin một thứ gì đó không phải của cô. Nếu cần một sự ưu tiên, ưu ái nào đó, người ta sẽ không làm thế mà bằng cách đi đêm với tiền hoặc tình như rất nhiều người khác đã làm.
Cái sự quỳ gối mà không làm động tác quỳ mới đáng lên án. Thử hỏi trong bộ máy công quyền, tỉ lệ đã từng quỳ theo nghĩa bóng (xu nịnh, dùng tiền hoặc tình) là bao nhiêu? Tỉ lệ ấy hẳn phải cao lắm, nếu không nói là tuyệt đại đa số. Và chính những kẻ này cũng bắt người khác “quỳ” trước mình. Cái sự “quỳ” ấy mới đáng khinh bỉ và ghê tởm.
Cho nên không thể nói cô không có tư cách hay hèn yếu. Việc làm của cô chỉ nhằm tạo sự chú ý, gây áp lực. Vì vậy, không nên mang những ngôn ngữ to tát mà áp đặt, suy diễn về cô.
Trước việc cô phải quỳ, tôi chỉ thấy đau xót, căm phẫn bộ máy hành chính thối nát, vô cảm và vô trách nhiệm.
Việc quỳ của cô nói lên sự tủi nhục chứ không phải là hổ thẹn. Đó là sự tủi nhục của hàng chục triệu người dân lương thiện bị đè nén, áp bức. Hình ảnh quỳ gối của cô là hình ảnh điển hình về thân phận của người dân Việt Nam trước tầng lớp lãnh đạo, quan chức khốn kiếp hiện nay. Chính chúng mới là những kẻ hèn hạ, không có nhân cách.