Chuyện xe đạp

0
523
Ảnh: Đường phố Hà Nội năm 1986 (ảnh tư liệu, Internet)

Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào.

Trước khi nhà cháu biên kể về xe đạp, hẵng nói vài thứ liên quan tới nó đã.

Cách nay mươi năm, những người nước ngoài tới Việt Nam, sau khi mục sở thị chán chê chuyện đi lại xứ này hầu như đều có chung nhận định Việt Nam là vương quốc xe máy. Chiếc xe máy, còn có tên xe gắn máy, vừa là tài sản vừa là phương tiện giao thông của mọi gia đình, ở thành thị cũng như nông thôn. Xe máy nhan nhản trên đường phố, kẹt xe máy khi vào giờ tan tầm, giờ cao điểm là chuyện cơm bữa. Hôm nào không bị kẹt xe máy, chẳng hạn mấy ngày tết, đám con dân cứ ồ à reo vui như đón tin hòa bình. Có ông còn tâm sự không bị kẹt xe tự dưng chếnh choáng, thấy nhơ nhớ, cảm giác thiêu thiếu cái gì đấy. Người ta có thể quen với khổ, chứ sướng lại rất khó chấp nhận.

Nói đâu xa, nhà tôi 4 người 4 chiếc, đó là chưa kể đã mấy lần đổi xe, thay xe, lên đời. Cô em tôi có lần nhận xét, chẳng ai… ngu như bác, chỉ thích xe này xe nọ, tiền ném vào xe nhẽ ra để mua miếng đất, căn nhà, thì bây giờ đâu đến nỗi giữ mãi danh hiệu nghèo bền vững. Mà thật, năm 1997, mua chiếc Honda Dream do nhà máy ở Vĩnh Phúc xuất xưởng, tiền ta khoảng 23 triệu đồng, Honda VN còn chua rõ ngang 2.100 đô Mỹ, tính ra bằng 7 cây rưỡi vàng. Bà xã kêu trời, đắt quá mua làm gì, làm gì. Chỉ an ủi được mỗn điều, mình đang thực hiện tinh thần “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” mà chị nhà báo Kim Hạnh nguyên tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đang phát động. Số tiền ấy có thể tậu được mảnh đất kha khá hoặc căn nhà nho nhỏ. Giá như trước khi mua xe, báo cho cô em để được can gián thì đâu đến nỗi. Thật chả cái dại nào giống cái dại nào. Giờ tỉnh ra thì xong rồi, chỉ có điều lại vướng vào thứ dại khác. Nghe người ta bảo đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, còn mình chỉ từ dại tới dại.

Nhưng trước đó chưa xa, độ hơn chục năm, thì khác. Khoảng đầu thập niên 80 trở về trước, xứ này là vương quốc xe đạp. Thực ra nói thế cũng chưa chính xác. Gia đình tôi ở miền Bắc trước năm 1975 không thể sắm nổi cái xe đạp, một phần giá bán xe rất cao so với thu nhập, phần khác xe chỉ để phân phối cho cán bộ, người bình thường muốn mua xe chỉ còn cách ra chợ giời, giá cao gấp 2 – 3 lần so với giá gốc. Tới năm 1976, nhờ đất nước thống nhất, nhà tôi mới mua được chiếc xe đạp đầu tiên (không kể anh tôi hồi lớp 10, năm 1969 do học giỏi, nhà trương ưu tiên phân phối cho chiếc xe thiếu nhi Liên Xô bé tí vành 500, giá 70 đồng). Chuyện cái xe “đầu tiên” ấy, tôi sẽ kể sau. Đầu năm 1977 tôi vào Sài Gòn làm việc, một trong những điều được giác ngộ, tỉnh khỏi cơn u mê là nhận thấy cuộc sống kinh tế, sinh hoạt và xã hội miền Nam không như mình nghĩ, như được tuyên truyền nhồi nhét lâu nay. Hóa ra vào lúc cả làng mình mới chỉ có vài chiếc xe đạp, năm ngoái (1976) nhà mình mới sắm được chiếc xe đạp đầu tiên, thì trong này (miền Nam) đã bạt ngàn xe máy đủ loại thương hiệu, ô tô cũng phổ biến trong dân chúng chứ không phải như ở miền Bắc chỉ quan chức mới được dùng. Xe đạp khỏi cần bàn. Hai cuộc sống vênh nhau một trời một vực, dù một miền bị coi là phồn vinh giả tạo, một miền thì nghèo đói thực sự. Cái công lớn nhất của cộng sản, của chính quyền cách mạng là đem lại sự công bằng cho dân chúng cả hai miền, để đều nghèo như nhau. Nhiều năm liền, đám xe máy ô tô dần biến mất, thay vào đó là xe đạp. Hơn chục năm trời, từ 1975 tới 1986, xe đạp thành phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu, cả nước thực sự biến thành vương quốc xe đạp. (còn tiếp)

Nguyễn Thông 

Ảnh: Đường phố Hà Nội năm 1986 (ảnh tư liệu, Internet)

————————

654140cookie-checkChuyện xe đạp