Chuyện xe đạp (kỳ 2)

0
450
Ảnh: Một mùa đông ở Hà Nội thời chiến tranh trước năm 1972 (ảnh tư liệu, Internet)

Nguyễn Thông cùng với Nguyễn Thông Cào.

Người đời có muôn vàn nỗi nhớ, nhớ tuổi thơ hoặc dòng sông tuổi thơ, nhớ về Hà Nội, nhớ mối tình đầu…, còn tôi nhớ về xe đạp. Cũng chả nên bảo cái nào sâu sắc, ý nghĩa hơn cái nào, dù xe đạp có vẻ thô thiển, không mướt mát bằng những thứ kia.

Bây giờ, con cái đòi bố mẹ mua xe, chẳng mấy đứa đòi xe đạp, ít nhất cũng phải xe máy, thậm chí xe máy tay ga đời mới. Xe đạp tầm thường lắm, đâu là cái đinh gì. Nhưng có một thời, nó là niềm ao ước của biết bao người, không dễ gì biến thành hiện thực.

Ở miền Bắc những năm 1960 – 1970, thậm chí cả vài năm sau đó, xe đạp là thứ hiếm hoi. Hồi giữa thập niên 60, làng quê tôi gần 1.500 nhân khẩu mà chỉ có lèo tèo vài chiếc. Mấy chiếc xe cũ mèm từ hồi Pháp, sau có thêm một hai chiếc xe Thống Nhất của cán bộ xã được phân phối, thêm chiếc nữa của chị nhân viên cửa hàng mậu dịch trên huyện sơ tán về. Nữ nhân viên mậu dịch hồi đó rất uy quyền, có khi còn được kính nể, trọng vọng hơn cả cán bộ huyện. Xe đạp là thứ quý hiếm, nếu có xách ra dạo vài vòng hoặc đi công chuyện thì ngay lập tức sau đó về lau lọt, chùi rửa kỹ lưỡng và… treo lên. Nể lắm, hiểu hoàn cảnh nhau lắm mới cho mượn. Cũng chả phải keo kiệt bủn xỉn gì nhưng nhỡ nó mòn nó hỏng lấy đâu phụ tùng thay. Bọn trẻ con chúng tôi nhìn người có xe đạp bằng con mắt ngưỡng mộ, với cả người lẫn xe. Cả làng hầu như không mấy người biết đi xe đạp bởi xe đâu mà tập, vả lại có tập cũng làm gì có xe mà đi. Thóc nhân khẩu đầu người mỗi vụ chỉ hơn 5 chục ký, ăn còn chả đủ, dám mơ xe. Mà trăm thứ đều trông vào hột thóc. Vả lại đi bộ quen rồi. Cả chục cây số cũng đi bộ. Tôi học cấp 3, mỗi ngày đi bộ chục cây số là chuyện thường.

Xe đạp hiếm hoi đến nỗi, trong làng nhà ai có xe, đám trẻ con chúng tôi cũng biết tường tận, thậm chí còn tỏ xe nam hay nữ, cũ hay mới, hiệu gì, chủ xe có thỉnh thoảng cho người khác mượn không, xe của ai nếu không đi chỉ treo trong nhà. Tôi còn nhớ đôi lúc lên nhà cụ Tành chơi với đám anh em Tịnh nhớn Tịnh con, cháu cụ, cùng lứa với mình. Ông Tự bố hai cu Tịnh có chiếc xe đạp Thống Nhất mới toanh, do làm cán bộ HTX được phân phối, thỉnh thoảng ông mới lôi xuống đi, chứ thường chỉ móc treo toòng teng góc nhà. Chả riêng ông Tự, phần lớn chủ xe đều vậy. Mượn được xe là cực khó, khó hơn lên giời.

Xe do miền Bắc sản xuất duy nhất có loại nhãn hiệu Thống Nhất. Công bằng mà nói, thời ấy chiếc xe nội địa này chất lượng khá tốt. Cả miền Bắc chỉ mỗn nhà máy, mỗn nhà sản xuất xe đạp, theo nền kinh tế bao cấp trung ương tập trung tập quyền nên cung không đủ cầu. Nhiều người cả đời làm cán bộ xã, cán bộ huyện cũng chỉ mong ngóng chờ tới lượt được phân phối xe Thống Nhất. Đông người quá thì bốc thăm cho… công bằng. Dân quèn không bao giờ được hưởng ơn mưa móc này của chính phủ. Như đã nói, muốn có xe đi thì ra chợ giời. Ở chợ Sắt, xe đạp Thống Nhất giá cao gấp đôi ba lần so với giá nhà nước bán cho cán bộ.

Bản thân tôi hồi thiếu nhi lẫn thanh niên, dù nhà mình không có xe đạp nhưng cũng từng biết, từng thấy nhiều loại xe khác nhau. Ngoài xe Thống Nhất đã kể, hồi dân phố sơ tán đợt 1 năm 1964, nhiều người đem xe đạp về theo. Lần đầu tiên được mục sở thị xe đạp xịn Sterling, Peugeot của Pháp, chắc gia đình họ có từ trước năm 1955. Rồi xe từ các nước XHCN viện trợ hoặc do nhập khẩu về. Phổ biến nhất là Phượng Hoàng và Vĩnh Cửu (hai xe này tên gọi khác nhau nhưng cùng loại, chỉ khác ở nhãn mác) của Trung Quốc, xích hộp (đây là thứ tiêu chuẩn đẳng cấp đối với xe đạp), cực kỳ nặng nhưng bền chắc số 1, nhất là những bộ phận xi mạ. Hồi ấy có câu chê trách những người mặt trơ trán bóng, được ví như nước mạ xe Phượng Hoàng. Ông Trác anh họ tôi làm cán bộ hợp tác xã mua bán huyện, được phân phối chiếc Vĩnh Cửu, dùng sà sã mấy chục năm, thay bao nhiêu đời săm lốp nhưng chiếc vành sắt xi mạ cứ bóng nguyên, không hề han gỉ. Nghe kể, sau tháng 4.1975, nhiều nhà giàu ở Chợ Lớn sẵn sàng đổi chiếc Honda 67 mới tinh để lấy chiếc Phượng Hoàng, hình như họ thấy ở nó có gì đó rất đặc biệt. (còn tiếp)

Nguyễn Thông 

Ảnh: Một mùa đông ở Hà Nội thời chiến tranh trước năm 1972 (ảnh tư liệu, Internet)

654180cookie-checkChuyện xe đạp (kỳ 2)