Luật sư Trần Đình Triển
Hơn 30 năm nay, bà con tiểu thương Chợ An Đông TP Hồ Chí Minh thường xuyên khiếu nại, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và TP Hồ Chí Minh về việc UBND Quận 5 và một số cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật (về vốn góp đầu tư xây dựng chợ từ năm 1990, quyền đối với quầy sạp, 217 tỷ năm 2012 thu của tiểu thương để làm gì? Nay tiền đó ở đâu? Sử dụng vào mục đích gì? Thời hạn và nội dung hợp đồng? Phí và lệ phí, mức thu,…); nhưng không hiểu vì sao chưa được giải quyết dứt điểm để bảo vệ quyền lợi của nhà nước; lợi ích hợp pháp của bà con tiểu thương; giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo môi trường kinh doanh cho bà con tiểu thương hỉ hả làm ăn, làm giàu cho gia đình mình và góp phần làm giàu cho đất nước.
Ngày 18 Tháng 9 năm 2020, UBND Quận 5 ban hành CÔNG VĂN số 2082/UBND-KT và tiến hành tổ chức các biện pháp theo nội dung công văn này.
Bà con tiểu thương Chợ An Đông phản ứng, một số tiểu thương khởi kiện đến Toà Hành chính Toà án nhân dân TP Hồ Chí Minh về CÔNG VĂN số 2082 đề nghị hủy bỏ công văn đó và hành vi hành chính của Chủ tịch UBND Quận 5; vì không đúng thẩm quyền và sai hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Khiếu kiện của các tiểu thương, có trường hợp đã được Toà án 2 cấp xét xử (Toà án TP Hồ Chí Minh và Toà án ND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh) xét xử đều bác yêu cầu khởi kiện của tiểu thương; công nhận CÔNG VĂN số 2082 là QUYẾT ĐỊNH hành chính đúng thẩm quyền và hành vi hành chính thực hiện theo QUYẾT ĐỊNH là đúng.
Tôi không và không thể hiểu nổi các thẩm phán xét xử vụ án này căn cứ vào đâu để ra Quyết định của bản án sai trái như vậy?!
1-/ Về thẩm quyền:
– Nghị định số 02/2003/NĐ/CP ngày 14/01/2003 về phát triển và quản lý chợ; quy định: chợ có trên 400 điểm kinh doanh của tiểu thương tại chợ là chợ loại I, và thẩm quyền quản lý chợ loại I là UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Chợ An Đông có trên 1200 tiểu thương, là chợ loại I, thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND TP Hồ Chí Minh. Do đó, UBND Quận 5 tiến hành tổ chức, tự đưa ra các quy định để quản lý, không chấp hành sự chỉ đạo của UBND TP về Chợ An Đông là lạm dụng và vượt thẩm quyền;
– Bà con tiểu thương khiếu nại UBND và một số cá nhân tại Quận 5. Căn cứ Luật Khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại là UBND TP Hồ Chí Minh. UBND Quận 5 bị khiếu nại, tự mình đi giải quyết khiếu nại đối với mình là vi phạm nghiêm trọng Luật Khiếu nại.
2-/ Vi phạm về hình thức văn bản:
– Công văn nói trên của UBND Quận 5 vi phạm Điều 6 “Các hành vi bị nghiêm cấm” tại Luật Khiếu nại: “Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”
– Điều 2, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”.
– Điều 14 “Những hành vi bị nghiêm cấm” tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định tại điều 14 của luật này, nhưng có chứa quy phạm pháp luật”.
Chứng cứ và quy định của pháp luật rõ ràng như vậy; UBND Quận 5 giải quyết trái thẩm quyền, hình thức văn bản sai, thực hiện trái với sự chỉ đạo của UBND và các sở ban ngành Thành phố;…
Vậy mà, kỳ lạ chưa? Ngạc nhiên chưa? Tòa Thành phố và Toà cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đều công nhận “Công văn” đó là như “Quyết định” giải quyết khiếu nại đúng thẩm quyền.
Nhân danh nhà nước mà như vậy đó! Dân biết dựa và kêu than đến đâu?! Nếu vì trình độ năng lực của thẩm phán còn non kém, thì còn tha thứ được, để còn đào tạo bồi dưỡng. Nhưng nếu vì mục đích, động cơ không lành mạnh, xét xử trái pháp luật, làm mất uy tín hệ thống cơ quan tòa án vốn dĩ gần đây rệu rã trong lòng dân,…thì phải làm rõ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật cả về hình sự về hoạt động tư pháp “Tội ra quyết định trái pháp luật”.
– Chợ An Đông, năm 1989 UBND TP Hồ Chí Minh đã có Quyết định phê duyệt xây dựng, cải tạo. Không hiểu lý do vì sao sau khi ông LÊ THANH HẢI được bổ nhiệm làm Bí thư Q5, thì Quận ủy, HĐND và UBND Q5 thay đổi nội dung cơ bản của UBND TP, giao cho Cty phát triển nhà Q5 và Cty tư doanh xây dựng Việt Hoa tiến hành đầu tư xây dựng chợ An Đông, vốn do Cty Việt Hoa huy động; trong đó có vốn lớn do tiểu thương góp vốn để được quyền sở hữu lâu dài quầy bán hàng theo như lời vận động của nhà đầu tư.
– Sự cố và vụ án tại Ngân Hàng TMCP Việt Hoa vào giữa những năm thập kỷ 90 của Thế kỷ 20, có liên quan đến lãnh đạo, cổ đông, nguồn vốn,.. Ngân hàng Việt Hoa đầu tư vào chợ An Đông, những việc làm trái nguyên tắc và tài chính thiếu lành mạnh,… Anh Nguyễn Hoà Bình biết rất rõ vụ việc này.
(Tôi có tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 1 tiểu thương trong vụ việc này, tính chất của các vụ kiện điều giống nhau, tôi sẽ đưa thông tin thêm sau phiên tòa phúc thẩm)
Ts, luật sư. Trần Đình Triển
( VP luật sư Vì Dân)