Saturday, September 21, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIChuyện cũ viết tiếp

Chuyện cũ viết tiếp

Tương Lai

26-12-2017

Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 26

Những ngày sao mà da diết nhớ Hà Nội. Nghe Tùng Dương hát “Hà Nội tôi” của Nguyễn Cường càng nôn nao nỗi nhớ “Hà Nôi năm tháng rất xưa, tình yêu tôi không bao giờ cũ, chạm vào đâu cũng thấy thân thương, hàng cây góc phố con đường…”.

Liệu có phải vì vừa trải nghiệm điều mà nhân vật Batsana trong tác phẩm “Quy luật của muôn đời”của Dumbatzé tự chiêm nghiệm “Con người ta cần ốm nặng ít nhất một lần trong đời. Như vậy sẽ có dịp phân tích và đánh giá lại toàn bộ quãng đường đã qua”? Hay là vì đúng những ngày này nhớ về Hà Nôi một Mùa Giáng sinh B52, khi bom của Nixon lừng lững dựng những cột khói đen thay cho cây thông Noel mà người Mỹ tặng người Hà Nôi năm 1972. Trong ngọn lửa căm hờn ngút trời, người Hà Nôi vẫn tỉnh táo đón nhận những thảm họa trút xuống bất kể giây phút nào. Có lẽ cả hai.

Con trai tôi lên 6 tuổi vẫn hồn nhiên reo lên: “kìa bố, máy bay Mỹ rơi kia kìa”. Con trai tôi không hề biết, không cần biết rằng chúng nó trút bom xuống trước khi rơi và bom sẽ lấy đi mạng sống bé bỏng của con cũng như mạng sống của bao trẻ em khác. Và giờ đây con trai tôi điềm tĩnh nắm chặt tay tôi vửa tỉnh dậy sau những phút hiểm nghèo.

Kể cũng lạ cho sức đề kháng tự vệ của cơ thể con người. Khi bị tụt đường huyết đột ngột, trong nôn nao hoảng loạn, chẳng hiểu vì đâu tôi vẫn đủ sức để bấm Iphone gọi cho con gái “Con ơi, chưa bao giờ bố thấy cần có con bên cạnh như lúc này”. Là bác sĩ, con gái tôi hiểu ra ngay chuyện gì, đã gọi cho anh nó trên đường phóng ngay về nhà.. Nhưng cũng phải mất 30 phút mới lao được vào phòng tôi. Lạ một điều là chỉ khi đã nằm trong vòng tay của con tôi, áp đầu vào ngực nó, tôi mới thật sự mê man không biết gì nữa. Tỉnh dây trên giường phòng cấp cứu bệnh viện, chỉ thấy nhiều tấm áo choàng trắng vây quanh và nét mặt tươi cười của con tôi. Bác sĩ Giám đốc bệnh viện nắm tay tôi cười: “thôi ổn rồi”. Tôi cũng cười và thân mật nói với ông “con gái tôi nó khủng bố tôi anh ạ”, giáo sư bác sĩ PNV từ tốn: “Con gái bác cứu sống bác đấy”. Rồi ông quay sang dặn dò thêm các bác sĩ trước khi rời phòng cấp cứu. Từ nãy giờ đứng im lặng ở góc phòng, con trai tôi bước đến nắm chặt tay tôi “cũng là bài học Bố ơi, bất cẩn thì đành phải vậy thôi, Bố yên tâm điều trị, không phải lo lắng gì, mọi chuyện để chúng con lo”. Con trai tôi nói theo cách quen thuộc của nó trong những tình huống tôi phải vào bệnh viện như những lần trước. Chỉ có điều, khác đôi chút với những ngày phẫu thuật ung thư phải nằm viện trước đây, những ngày thao thức trên giường bệnh lần này tôi lại nghĩ nhiều về những chuyện đã qua và triền miên trong những hoài niệm về Hà Nội.

Gợi lại hình ảnh của hai con tôi, chính là gợi lại những kỷ niệm “Hà Nội tôi chẳng cũ bao giờ” như lời bài hát Nguyễn Cường trong giai điệu say đắm với giọng hát Tùng Dương giữa những ngày gợi nhớ trận “ Điện Biên Phủ trên không”. Hai con tôi là nhân chứng của Hà Nội khiến tôi hôm nay, sau cơn bạo bệnh, có thì giờ nằm thao thức trong bệnh viện để chiêm nghiệm những gì từng đọng sâu trong tiềm thức “chạm vào đâu cũng thấy thân thương

Vợ tôi hay nhắc lại rằng, có lẽ bây giờ bệnh tật giày vò vì dạo đẻ thằng con ở Bệnh viên C mỗi ngày phải lên xuống hầm cả chục lần theo tiếng loa cảnh báo “Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số” rồi “Máy bay địch đã bay xa…” Chưa kể đến chuyện trước đó, phải sơ tán lên xã Ký Phú, Thái Nguyên mà mỗi kỳ khám thai phải nhờ bạn đèo xe đạp ra ga Đại Từ cách đó hơn 50km. Có lần đến nơi thì bom Mỹ đã vừa đánh phá nhà ga, lại phải đi thêm hơn 10km nữa mới đến nơi tàu đỗ, lại buộc phải trèo qua cửa sổ tàu hỏa mới vào được toa tàu chật cứng, đứng suốt đêm mới về tới ga Hàng Cỏ.

Thế rồi những ngày “sơ tán B52”, chiếc xe đạp cọc cạch dồn ba mạng người, con trai ngồi phía trước, vợ ngồi phía sau, hai bên buộc chặt mấy túi cói đựng gạo, muối và đồ gia dụng cần thiết nhất. Đêm đứng ở cánh đồng làng Sêu, Mỹ Đức nhìn về Hà Nội đỏ rực đạn phòng không đan chéo như sao sa trên bầu trời mà hởi lòng hởi dạ vì B52 rơi. Gần đến Noel năm 1972, nghe tin sẽ có thỏa thuận ngừng ném bom, tranh thủ trở về để thu xếp đồ đạc và tiếp tế thực phẩm. Thế nhưng, đêm 26/12/1972, không quân Mỹ lại cấp tập ném bom trở lại. Cùng với nhiều nơi khác ở Hà Nôi bị B52 hủy diệt, Khâm Thiên nơi mật độ dân cư đông đúc vào bậc nhất của thủ đô bị nặng nhất. Toàn bộ 6 khối phố tại đây hầu như bị xóa sạch.

Mờ sáng, chụp vôi lên đầu chiếc mũ sắt xin được, tôi phóng lên Khâm Thiên. Gia đình của H… vợ chưa cưới của NĐA… bạn chí thiết của tôi ở đó. Bạn tôi đang ở mặt trận Quảng Đà sau khi lên đường đi B. Giờ đây trong tai tôi vẫn như còn vọng lại tiếng cuốc xẻng chạm vào những khối bê tông đổ sụp giữa đống gạch ngói ngổn ngang. Và trong sâu thẳm ký ức là những đôi mắt vằn lên trong tia phẫn nộ và sự kìm nén tiếng khóc để lầm lũi và điềm tĩnh hối hả đào bới tìm người thân và bà con lối xóm. Từ trong đổ nát Khâm Thiên tôi đạp vòng về Ô Cầu Dền, xuôi đường Hàng Bột, qua ga Hàng Cỏ xuống bệnh viện Bạch Mai đang ngổn ngang bởi trận bom Mỹ trút xuống vào mờ sáng ngày 22.12. 1972, đứng lặng trước hầm trú ẩn của bệnh viện đã đổ sập chôn vùi nhiều bệnh nhân và bac sĩ bị kẹt trong đó. Gạt nước mắt, tôi đạp xe ngược trở lại ga Hàng Cỏ, xuôi theo đường Trần Nhật Duật về Ô Quan Chưởng, qua đường Hàng Chiếu, ngược Hàng Lược, về Bờ Hồ để được chứng kiến và hòa vào không khí trầm tĩnh của bản lĩnh người Hà Nội.

Người, xe nườm nượp từ nhiều góc đường, con phố thủ đô đổ về. Đó là thói quen trong nét hào hoa, tao nhã của người Hà Nội trước những sự kiện lớn. Người ta dồn về đây để cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, bộc lộ những khát khao không thể chỉ giữ kín trong lòng. Nhất là những ngày như hôm nay, vừa trải qua một đêm thức trắng vời bầu trời Hà Nôi rực sáng như sao sa tên lửa, đạn pháo phòng không, khiến không ít người đã đẩy chiếc nắp hầm cá nhân bên vệ đường mình vừa chui xuống chéo về một bên, để có thể nhoi đầu lên nhìn trời, nhìn đât để réo gọi và la hét cùng với những người ở hầm bên cạnh. Dường như người vây quanh Hồ Gươm chỉ bận tâm đến chuyện Noel B52, rộn ràng trong râm ran chuyện nhìn thấy B52 rơi như thế nào, tên lửa ta như “pháo thăng thiên” ra sao, đạn pháo của tự vệ trực trên cầu Long Biên nổ giòn cỡ nào.

Một chiếc mũ sắt được lột ra để tạm ngồi lên đó mà nhâm nhi vại bia đang cầm tay và một vại đang đặt trước mặt do vừa xếp hàng mua ở quầy bia đầu phố Trần Nguyên Hãn đối diện với cây lộc vừng sát Hồ Gươm, chàng trai mặt còn sạm khói đang nói về chuyện pháo phòng không trên cầu Long Biên mà hoa mười giờ được trồng trên đó vẫn còn nguyên vẹn. Trả lời câu hỏi “ông tìm được bia ở đâu thế”, ông bạn chưa quen biết hất hàm chỉ vại bia đặt ngay dưới đất cách chiếc mũ sắt đang ngồi độ gang tay nói với tôi “ngồi xuống uống đi, bia của nhà máy bia Hoàng Hoa Thám vừa chuyển về đấy. Vừa uống tớ vừa kể cho chuyện tớ kẹt trên cầu Long Biên lại có dịp may nhìn thấy tên lửa và đạn phòng không ta xơi tái B52 ra làm sao”.

Nhìn chung quanh, những gương mặt xạm đen dưới những chiếc mũ sắt, mũ rơm vẫn ngời sáng trong ánh mắt, trong giọng nói hồ hởi, rộn ràng về câu chuyện máy bay rơi. Chắc là không thiếu những câu chuyện được “hư cấu” thêm cho rôm rả. Tạm quên đi những chết chóc và đau thương, người Hà Nội hào hoa vẫn hiên ngang trước mọi thách đố. Nét hào hoa đó càng đậm hơn, càng đẹp hơn nữa khi chính những người Hà Nội từng chịu đựng nỗi đau Bạch Mai, Khâm Thiên lại hồ hởi và vui vẻ đón chào John McCain khi ông đến lại Hà Nôi không phải với tư cách là một phi công Mỹ rơi xuống hồ Trúc Bạch, mà là Thượng Nghị sĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nguyên là ứng cử viên Tổng thống Mỹ tranh cử với Barack Obama.

Từ một tù binh phải ngồi trong trại giam Hà Nôi 5 năm rưỡi khi chiếc máy bay cường kích bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội ngày 26.10.1967, ông lại trở thành người bạn quý của Việt Nam cũng giống như nguyên ngoại trưởng Mỹ John Kerry vốn từng tham chiến tại Việt Nam năm 1968-1969, chỉ huy tàu tuần tra trên các kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long, đã hối thúc cho việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Do đâu?  Một phần vì “đã đến lúc hàn gắn… đó là một cách để kết thúc chiến tranh; đến lúc nhìn về phía trước” như McCain giải thích. Và một phần vì ông nhận thấy “điều đó đáng nên làm vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, đặc biệt là sự nhìn xa thấy rộng Việt Nam như một đối trọng trong vùng, đáng giá để đối đầu với Trung Quốc [dẫn theo James Walsh trong “Good Morning, VietNam” Brown, Frederick Z trong “The United States and Vietnam: Road to Normalization”.

Đừng quên rằng, bên mép hồ Trúc Bạch gần cuối đường Cổ Ngư [nay là đường Thanh Niên] có một tượng đài ghi lại sự kiện ngày 26 tháng 10 của năm mươi năm trước mà chính vị Thượng Nghị sĩ Mỹ khi tiếp đại sứ Nguyễn Tâm Chiến đã chỉ bức ảnh treo trên tường và nói với ông Đại sứ: “Đây là bức ảnh tôi quý nhất… Đại sứ biết không, đó là bức tượng duy nhất của tôi được dựng trên thế giới”! Và rồi John McCain có lời nhắn gửi pha chút hài hước “nhân đây, tôi có một lời đề nghị với phía Việt Nam (ông hạ giọng trịnh trọng), và nhờ Đại sứ chuyển về Hà Nội rằng, Thượng Nghị sĩ McCain mong sao cái tượng nhỏ bên hồ luôn được sạch sẽ”. Chắc khi đến thăm tượng đài ông Thượng nghị sĩ Mỹ nhìn thấy dấu phân chim trên bức tượng!

Chắc không phải nói thêm rằng sự tế nhị thân tình ấy của người đang nỗ lực hết mình cho việc hối thúc việc hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ Việt-Mỹ, đã diễn ra sau hành động ngu xuẩn của một nhân vật cũng thuộc loại một “ứng viên cho cái ghế chóp bu” đã dày công toan tính để “món quà ngoại giao được mang từ Việt Nam đem đến tặng ngài ứng viên tổng thống Mỹ lại chính là bức ảnh trượng đài nói trên.

Đối chiếu với những gì đã diễn ra sau sô diễn vụng về phơi bày tâm thế tiểu nhân đắc chí của kẻ đạo diễn, thì e rằng đây là một chủ trương có sự cân nhắc kỹ lưỡng nhằm chống lại tầm nhìn của những J. McCain, J. Kerry và những chính khách Mỹ khác nhìn thấy Việt Nam trong vị thế địa-chính trị của bán đảo hình chữ S là một đối trọng trong vùng, đáng giá để đối đầu với Trung Quốc như vừa dẫn ra! Đạo diễn cho sô diễn này không chỉ là “sáng kiến” của riêng Hà Nội, mà chắc phải có bàn tay của các “thày Tàu” thò vào, trực tiếp hay gián tiếp dàn dựng và chỉ đạo.

Cứ nghĩ kỹ câu chuyện hủy hợp đồng thăm dò khai thác của Tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha để rồi phải bỏ ra hơn 330 triệu USD để bồi thường cho đối tác là hiểu ra được nhiều điều, trong đó có chuyện vừa kể. Có nhiều uẩn khúc ẩn bên trong, song điều dễ thấy là Tập đoàn dầu khí vốn có một vai trò cực lớn trong nền kinh tế lại này chưa nằm trong vòng kiểm soát của thế lực thao túng nền kinh tế Việt Nam. Với Tổng giám đốc mới của Tập đoàn này vừa được bổ nhiệm sau khi gần như toàn bộ lãnh đạo cũ của Tập đoàn đã bị xử lý, thì toan tính đưa Tập đoàn dầu khí vào quỹ đạo mong muốn mới hoàn tất!

Có một sự kiện là điều chủ yếu khơi mào cho những diễn biến gay cấn sau đó  là một “tình tiết nho nhỏ” tưởng cũng nên gợi lại ra: “tội đồ” Đinh La Thăng là quan chức cao cấp duy nhất đã chỉ mặt mắng ngài tổng thầu Trung Quốc và dọa đuổi nếu vẫn cứ để gây ra sự cố và chậm tiến độ đã cam kết. Một sự xúc phạm không thể tha thứ, ngay hôm sau “Hoàn Cầu thời báo” đã lên tiếng hăm dọa. Phải trị những kẻ nào dám động đến thiên triều, cho dù trong tình thế nào đó đã được bầu vào Bộ Chính trị. Rồi lại trở thành bí thư Thành ủy của thành phố lớn nhất nước đang có mối quan hệ với các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và một số tập đoàn lớn của phương Tây để phục dựng lại “Hòn ngọc Viễn đông” mà lại không dưa chính vào các thế lực chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.

Đây chính là một tình tiết làm tăng nặng, ngược lại với tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự !Xúc phạm đến “thiên triều” là trọng tôi nằm ngoài mọi luật pháp hiện hành khi mà “quyền lưc nằm trong cái lồng” của người đồng chí cùng chung ý thức hệ XHCN với người láng giềng khổng lồ cùng chung vận mệnh, điều kiện phát triển của bên này là điều kiện phát triển của bên kia”!

Cũng chính vì vậy, khơi lại những kỷ niệm từng khắc ghi trong tâm thế người Hà Nội hào hoa và bất khuất để hun đúc, nuôi dưỡng khát vọng độc lập và tự do cũng là để vạch trần những thủ đoạn mờ ám, mượn cớ kỷ niệm sự kiện lịch sử để thực thi những toan tính đen tối nhằm tô điểm cho sự gắn kết với những người “đồng chí láng giềng cùng chung ý thức hệ XHCN đang cùng chung vận mệnh” từ đó khơi dậy tư tưởng ghét Mỹ, phỉ báng những giá trị của tự do, dân chủ và quyền con người, giá trị phổ quát của văn minh mà nhân loại đang hướng tới.

Có lẽ cần phải thêm đôi lời khi kể về những người Mỹ từng tham dự cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có người đã trực tiếp ném bom xuống Hà Nôi, lại trở thành người bạn tốt của Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối bang giao Việt-Mỹ, thì những kẻ xâm lược đến từ Trung Quốc, trực tiếp tàn sát nhân dân Việt Nam lại được phong là “anh hùng” như Lý Tác Thành, đương kim Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Y từng được đưa đến nhiều nơi trên đất nước Trung Quốc để “báo cáo thành tích” trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như cha ông y đã từng gây ra trong lịch sử của các triều đại Hán, Tùy, Đường, Tống , Nguyên, Minh , Thanh.

Là liên đội trưởng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 lúc 25 tuổi, y được thăng tiến rất nhanh, được phong “anh hùng” lúc 26 tuổi. Năm 1982 được chọn tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở tuổi 29. Tháng 12 năm 2015 khi Tập Cận Bình tiến hành đợt cải cách quân đội đầu tiên, Lý được chỉ định giữ chức Tư lệnh Lục quân và tháng 8. 2017 được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng. Báo chí thế giới khi đưa tin này đã viết rằng “khắc tinh của Việt Nam đã được Tập Cân Bình tấn phong làm Tổng tham mưu trưởng”! Phải chăng đây là ví dụ quá tiêu biểu cho cái gọi là “tình hữu nghị Việt -Trung là tài sản chung của nhân dân hai nước cần phải tôn trọng giữ gìn và vun đắp” mà Nguyễn Phú Trọng nêu lên trong chuyến thăm Trung Quốc?

Đúng, phải vun đắp cho mối quan hệ này như năm 1979 chúng tôi, những cán bộ khoa học của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam còn đủ sức gánh đất, đã cùng với cả mấy ngàn thanh niên Hà Nôi được huy động lên huyện Việt Yên, Bắc Ninh đắp phòng tuyến Sông Cầu, nơi có dòng Như Nguyệt uốn lượn từng đi vào lịch sử của thời Lý Thường Kiệt phá tan quân xâm lược nhà Tống. Quả là chúng tôi đã vun đắp cái phòng tuyến vững chãi trong lòng người dân Việt Nam quyết giữ gìn và phát huy ý chí độc lập tự cường “như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” như Lý Thường Kiệt đã khẳng định.

Hình ảnh những bại tướng như Quách Quỳ, Triệu Tiết thế kỷ XI từng tim đập chân run bên bờ sông Như Nguyệt chắc còn đủ tác dụng cảnh tỉnh cho những tên tướng Tàu thời Tập Cân Bình thế kỷ XXI! Đồng thời cũng đủ sức nhắc nhở và cảnh báo những bọn tay sai toan tính theo đóm ăn tàn trong thể kỷ XXI khi tự nhận “cùng chung vận mệnh” với kẻ thù đang diễu võ giương oai, nhe răng múa vuốt thực hiện cuồng vọng uy hiếp, nhằm biến Việt Nam thành chư hầu của chúng.

Và rồi hôm nay đây, khi ngồi viết những dòng này, tiếng hát Tùng Dương ngân nga trầm lắng giai điệu “Hà Nội Tôi” của Nguyễn Cường gọi dậy trong tôi một nỗi niềm thương nhớ khó viết nên lời, “chợt nhìn lên một thoáng mây xa, chuyện ngày xưa dấu xưa còn đóHà Nội tôi xưa mãi rất xưa. Dù rất xưa chưa bao giờ cũ”!  “Chưa bao giờ cũ” với những ai từng sống với Hà Nội hào hoa và bản lĩnh trong những bước thăng trầm của mảnh đất lịch sử ngàn năm này. Đặc biệt là kể từ những ngày các chàng trai, cô gái Hà thành thề “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, những ngày mà nhiều người dân Hà Nội đã mở tung chiếc nắp hầm cá nhân bên vệ đường để nhảy lên hoan hô bộ đội ta bắn rơi máy bay trên bầu trời Hà Nội, bất chấp bom đạn có thể trút xuống chính nơi họ đang đứng.

Những người ấy lại sẽ kiên cường đánh tan cuộc chiến tranh xâm lược của hơn nửa triệu quân Tàu theo lênh Đặng Tiểu Bình tiến hành cuộc chiến tranh tàn sát nhân dân sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Đó là món sính lễ bẩn thỉu để Đặng Tiểu Bình trao cho Richard Nixon sau cuộc hôn phối tồi tệ Mỹ-Trung khởi đầu từ màn “ngoại giao bóng bàn” tháng 4.1971 đến việc bằng “Thông cáo Thượng Hải” ngày 27.2.1972 Mao và Chu Ân Lai bật đèn xanh cho cho Nixon mở rộng việc ném bom ra Miền Bắc mà điểm đỉnh là trận B52 hủy diệt Hà Nội trong Mùa Giáng sinh tháng 12.1972.

Món sính lễ ấy nói rõ lòng dạ đen tối của chủ nghĩa bành trướng thấm sâu vào tim óc đế chế Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử của các triều đại phong kiến cho đến Mao, Đặng, Giang, Hồ, Tập hôm nay. Để thực hiện được điều ấy, Bắc Kinh sẵn sàng hủy bỏ mọi cam kết, tàn nhẫn chà đạp lên “tình hữu nghị”, sự “gắn bó keo sơn” để đạt được mục tiêu. Nên nhớ rằng, thời điểm Thông cáo Thượng Hải ra đời, thì Mỹ đã là một siêu cường còn Trung Quốc dù chiếm tỷ lệ dân số cao nhất thế giới vẫn đang là một nước chậm phát triển, GDP tính bằng Nhân dân tệ nếu quy theo thời giá hiện nay mới chỉ 251,8 tỉ, quy theo bình quân đầu người chỉ là 292 nhân dân tệ. Và vì Trung Quốc đã gây hấn với Liên Xô, từ đồng chí biến thành kẻ thù, sẵn sàng dùng chiến tranh để xử lý những tranh chấp, nên cần Mỹ là chỗ dựa để phát triển. Làm tất cả để thu phục lòng tin của Mỹ là điều Bắc Kinh cần.

Bàn tay của ngài đã vượt qua đại dương lớn nhất thế giới 25 năm vắng bóng đối thoại”, lời Chu Ân Lai nói với Nixon khi đón Tổng thống Mỹ lần đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc để “chấm dứt một kỷ nguyên và mở ra một kỷ nguyên mới” đã nói rõ gan ruột của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Và rồi, chính Richard Nixon trước khi qua đời, mới “ngộ” ra được cái gọi là “mở ra một kỷ nguyên mới” đó. Ông ta đã thừa nhận với nhà báo William Safire của New York Times rằng trong “tuần lễ làm thay đổi thế giới” khi đến Bắc Kinh để chơi “lá bài Trung Quốc”, Mỹ đã làm thế giới “thay đổi tồi tệ nhất”. Safire kể lại lúc đó, bằng một giọng buồn rầu, Nixon đã nói rằng, “chúng ta có thể đã tạo ra một con một quái vật Frankenstein”. Phải chăng đó cũng là lý do mà những J. McCaine, những J. Kerry và nhiều người Mỹ có tầm nhìn xa trông rộng khác, những người bạn quý của Việt Nam, đang dành cho nhân dân ta sự ủng hộ quý báu.

Lịch sử không lặp lại một cách thụ động theo lối sao y nguyên bản như các thủ đoạn “diệt hổ diệt ruồi”, thanh toán đối thủ chính trị dưới cái chiêu bài chống tham nhũng để tranh thủ quần chúng của Tập đang được sao chép một cách trung thành ở Việt Nam hiện nay. Lịch sử đang từng bước vận động theo quy luật phát triển mang tính phổ biến không thể đảo ngược được.

Truyền thống quật cường thà chết không chịu làm nô lệ đang cần được phát triển theo hướng nâng cao dân trí để tiếp cận với những thành tựu của văn minh mà thế giới đã và đang chứng kiến nhằm xây đắp ý chí tự cường quốc gia, nâng cao nội lực để có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới đa cực với nhiều biến động khó lường. Không tạo ra được nội lực để làm sức bật, biến thách thức thành cơ hội thì nguy cơ lệ thuộc vào Tàu khởi đầu từ mật ước Thành Đô sớm muộn cũng xảy ra như nó đang từng bước tự phơi  bày.

Miên man suy ngẫm trong những ngày nằm trên giường bệnh mà lẩn thẩn viết ra trong mênh mông thế sự chỉ mong được gió cuốn đi để rồi rơi vãi đâu đó. Có ai nhặt được hay không thì đó là câu hỏi của cuộc sống. Quy luật muôn đời là vậy.

____

Mời đọc lại: Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 10: Thật đáng xấu hổ!  —  Số 11: Tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng  —  Số 12: Thế Sự Du Du  —  Số 13: Chân lý là cụ thể  —  Số 14: Những bục vỡ khó tránh khỏi  —  Số 15: Đôi điều ngẫu hứng về “ngày Người Cao Tuổi”  —  Số 16: Những lời tâm huyết gửi cho ai  —  Số 17: Lan man về chuyện trích dẫn văn chương  —  Số 18: Thiên tài liền với thiên tai một vần  —  Số 19: Cây muốn lặng mà gió chẳng dừng  — Số 20: Giải khát bằng thuốc độc  —  Số 21: Chịu thua dân ư, chịu sao thấu!  —  Số 22: Hãy nghe và hãy nhìn vào người dân trên đường phố  —  Số 23: Giá lúc này có được tầm nhìn và bản lĩnh Sáu Dân  —  Số 24: Lịch sử sẽ phán xét bản án mà chúng đang quàng vào cổ dân ta, dìm chết tuổi trẻ chúng ta —  Số 25: Chuyện cũ viết lại

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular