Chuyện BOT: Chỉ còn… xương

0
1091
Người dân vui mừng khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh dừng thu phí BOT Cai Lậy.

Tuần trước, trạm thu phí cho dự án BOT Ninh An, tọa lạc ở xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa lại… thất thủ liên tục vì nhiều tài xế dừng xe ngay tại trạm, không chịu di chuyển, cùng nhấn kèn bày tỏ sự bất bình, giao thông trên tuyến đường xuyên Việt bị tắc

Đại diện Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa tiếp tục kêu Trời vì “trên đe, dưới búa”. Hồi đầu năm nay, trước sự bất bình của dân chúng và áp lực từ giới điều khiển các loại phương tiện vận tải, Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đơn phương đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải cho phép họ không thu phí hoặc giảm mức phí đang thu đối với những phương tiện vận tải mà chủ của chúng cư trú ở thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên Bộ Giao thông – Vận tải không đồng ý.

Để hỗ trợ những chủ đầu tư như Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, Bộ Giao thông – Vận tải chỉ thị cấm dừng xe quá năm phút tại tất cả các trạm thu phí cho những công trình cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên tài xế bất chấp các thứ bảng “cấm”, bất chấp những răn đe, tiếp tục thực hiện các hành động phản kháng, giao thông tiếp tục tắc nghẽn. Sau một thời gian sát cánh với Bộ Giao thông – Vận tải để bảo vệ các công trình cầu đường được thực hiện theo hình thức BOT, dường như ngành công an đã nhận ra càng tích cực càng lắm “vạ” thành ra công an các cấp đã chủ động tránh sang một bên.

Với nhiều chủ đầu tư, các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT giờ là những khúc xương lỡ… xin, gặm hay không thì cũng hết… răng!

***

Cũng tuần trước, báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tải kết quả thanh tra dự án đầu tư đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế theo hình thức BOT.

Thanh tra của chính phủ Việt Nam cho biết, giống như nhiều dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông khác theo hình thức BOT, chủ đầu tư dự án đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia cũng được đặt trạm thu phí ngoài phạm vi dự án, thành ra từ tháng 8 năm ngoái tới nay, nhiều người bị buộc phải trả phí cho công trình giao thông mà họ không hề sử dụng. Cả Bộ Giao thông – Vận tải lẫn Bộ Tài chính cùng… phạm pháp khi công nhận sai tổng chi phí đầu tư, khiến chi phí này cao hơn thực tế đầu tư chừng… 95 tỉ đồng (đồng ý cho chủ đầu tư “rót” thêm 44 tỉ đồng vào dự án dù điều đó ngoài thẩm quyền, nghiệm thu khống khối lượng thi công hơn 50 tỉ đồng). Nhờ vậy, chủ đầu tư có thể thu phí với giá cao, thời gian buộc thiên hạ trả phí có thể… dài hơn chừng 11 năm, thu lợi lớn hơn nhiều so với mức mà luật pháp cho phép

Thanh tra của chính phủ Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Việt Nam chỉ đạo Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân của những viên chức có liên quan đến tiến trình thẩm định – phê duyệt – cho phép điều chỉnh – chuyển nhượng dự án đầu tư đường hầm xuyên qua đèo Phước Tượng, Phú Gia mà công đoạn nào cũng có sai phạm nghiêm trọng so với các qui định hiện hành nhưng đó chỉ là… đề nghị của Thanh tra, chẳng có gì bảo đảm những đề nghị này sẽ được xem xét nghiêm túc.

Từ 2016 đến 2017, hết Kiểm toán đến Thanh tra của chính phủ Việt Nam thay nhau “vạch mặt, chỉ tên” hàng loạt dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có hàng loạt sai phạm giống nhau: Trong khi mục tiêu của việc lựa chọn các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là phát triển hệ thống cầu, đường thì hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương thi nhau chọn những công lộ có sẵn, giao cho các chủ đầu tư sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí, tùy tiện thay đổi qui mô đầu tư để các chủ đầu tư có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn, chưa kể rất dễ dãi khi cho các chủ đầu tư đặt trạm thu phí bên ngoài phạm vi dự án đầu tư, ép chủ tất cả các phương tiện giao thông phải trả phí, bất kể họ có sử dụng công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT hay không.

Tuy Kiểm toán rồi Thanh tra của chính phủ Việt Nam từng khẳng định đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT còn có hàng loạt dấu hiệu bất thường làm thiên hạ không thể không liên tưởng đến tham nhũng trên diện rộng: Hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương thi nhau chỉ định chủ đầu tư chứ không tổ chức đấu thầu, thành ra gần như tất cả các chủ nhà đầu tư đều không đủ vốn, không đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, vốn liếng đổ vào các dự án BOT cầu đường chủ yếu là tiền vay của các ngân hàng… nhưng đến nay hệ thống công quyền từ trung ương tới địa phương vẫn chưa thể xác định những ai phải chịu trách nhiệm!

Điều duy nhất mà lãnh đạo chính phủ như ông Trịnh Đình Dũng, một trong các Phó Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải như ông Nguyễn Nhật, một trong các Thứ trưởng, khẳng định với dân chúng là về… cơ bản, tất cả các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đều đúng pháp luật, đúng qui trình, các ngành hữu trách, trong đó có… công an phải phối hợp với chính quyền địa phương, bảo đảm an ninh, an toàn giao thông, điều tra – xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự, tuyên truyền – thuyết phục nhân dân ủng hộ việc thu phí!

***

Nhìn một cách tổng quát, cho dù vẫn còn được hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương ủng hộ song càng ngày càng nhiều chủ đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT cảm thấy bất an bởi hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bị đẩy vào tình thế không… tiện điều động công an, quân đội tham gia cưỡng bức trả phí như trước, chưa kể để an dân, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đã yêu cầu giảm mức phí mà chủ đầu tư từng được phép thu.

Sau phong trào đầu tư vào hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, chuyện chủ đầu tư đòi hệ thống công quyền mua lại các dự án họ đã đầu tư đang có dấu hiệu trở thành… phong trào.

Chỉ trong hai tháng ba và tư, có tới hai chủ đầu tư các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thỏ thẻ chuyện bán lại công trình của họ cho nhà nước. Hạ tuần tháng ba, chính quyền tỉnh Thái Bình thay mặt Công ty Tasco – chủ đầu tư dự án cải tạo quốc lộ 39B – đề nghị chính phủ chi 460 tỉ để mua lại công trình, giúp chủ đầu tư khỏi… vỡ nợ. Hạ tuần tháng tư, tới lượt chủ đầu tư tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Cạn) và cải tạo quốc lộ 3 đề nghị chính phủ mua lại công trình này với giá 2.800 tỉ đồng, nếu không họ sẽ vỡ nợ

Cho dù đại diện Bộ Giao thông – Vận tải khẳng định như “đinh đóng cột” rằng, chính phủ sẽ không bỏ 460 tỉ mua lại công trình giao thông mà Công ty Tasco đã đầu tư ở tỉnh Thái Bình nhưng ở Việt Nam, chuyện “đóng” xong rồi “nhổ” là điều… bình thường. Theo báo chí Việt Nam, năm ngoái, đại diện Công ty Tasco – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT tại Việt Nam – từng tiết lộ, công ty này vay hệ thống ngân hàng 3.500 tỉ để thực hiện các công trình giao thông do họ làm chủ song phí thì Tasco thu còn lãi phải trả cho khoản đã vay ngân hàng để đầu tư thì được chính phủ… trả thay.

Năm ngoái, trong một báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính phủ Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2016, chủ các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đang nợ hệ thống ngân hàng khoảng 84.000 tỉ đồng. Khoản tiền khổng lồ này vốn là tiền dân chúng gửi ngân hàng theo hình thức ngắn hạn và được hệ thống ngân hàng cho chủ đầu tư các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vay dài hạn. Nếu việc thu phí của các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT không ổn định, hệ thống ngân hàng sẽ sụp. Nói cách khác, cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia đã trở thành “con tin” của những trạm thu phí.

Các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam là một loại xương của kinh tế, sinh hoạt xã hội. Nếu có một ngày, chính phủ đột nhiên vung tiền mua lại một số công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thì đó cũng chỉ là… xương và “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân” tiếp tục… gặm.

294700cookie-checkChuyện BOT: Chỉ còn… xương