CHUYỆN BIÊN DỊCH VÀ BIÊN TẬP TRÊN BÁO CHÍ THỜI NAY

0
1064

Tản mạn

Còn nhớ cách đây khá lâu, trong cuộc phỏng vấn “bỏ túi” của một tờ báo về chuyện biên dịch báo chí, người viết bài này có nhấn mạnh một ý là trong biên dịch, bên cạnh vốn ngoại ngữ đủ để hiểu và nắm vững nội dung nguyên bản thì khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ Việt cũng quan trọng không kém. Không ít bạn trẻ tốt nghiệp những trường đào tạo ngoại ngữ có uy tín, đủ tự tin trong nắm bắt nội dung nguyên tác, nhưng khi chuyển ngữ ra tiếng mẹ đẻ thì bài biên dịch lâm vào một tình trạng mà người trong nghề thường gọi là “sượng”, nửa Tây, nửa ta, người đọc không cảm thấy suôn sẻ, thoải mái như khi đọc một bài viết thuần túy bằng tiếng Việt. Song vốn ngoại ngữ, khả năng vận dụng, diễn đạt nội dung một tài liệu bằng tiếng nước ngoài ra Việt ngữ cũng chưa đủ, yếu tố cốt lõi thứ ba không thể thiếu ở người biên dịch là vốn kiến thức, cả trong đời sống lẫn trong lãnh vực chuyên môn có liên quan đến nội dung cần biên dịch. Có nhiều trường hợp “cười ra nước mắt” từng xảy ra trong quá khứ có liên quan đến các nhà biên dịch, chẳng hạn cách đây khá lâu, một cây bút biên dịch đã dịch trường École Normale Supérieure của Pháp theo kiểu “mot à mot” (từ ra từ) là “Trường Cao đẳng Bình thường”, mà không biết rằng đó chính là Trường Cao đẳng Sư phạm Paris nổi tiếng của Pháp. Lần nọ, một tờ báo ngày nổi tiếng đăng một bản tin ngắn về việc Việt Nam xuất khẩu “tôm hùm xám” sang các nước châu Âu, dù có thể biết rằng trong danh mục hàng thủy sản Việt Nam và thế giới không làm gì có loại tôm hùm này. Suy kỹ lại thì hóa ra người biên dịch đã hiểu lầm tên chính thức của loại tôm “black tiger”, thấy tiger nghĩa là cọp thì “cọp” với “hùm” cũng na ná nhau, còn black thì đen hay xám gì chẳng được, nên khai sinh ra loài tôm mới, trong khi trên thực tế “black tiger” là giống tôm sú vốn được thế giới tiêu dùng ưa chuộng, chứ chẳng phải hùm beo gì cả. Hẳn nhiên những người biên dịch như thế không đáng trách vì kiến thức nhân loại là vô cùng, vô tận, không ai có khả năng hiểu biết hết được. Nêu lên một vài trường hợp “trục trặc” nho nhỏ trong nghề biên dịch để chứng tỏ rằng trong biên dịch, xin đừng coi thường vốn Việt ngữ và vốn kiến thức.
Chuyện biên tập còn có nhiều vấn đề đáng nói hơn. Trước tiên là sự “bất đồng ngôn ngữ” giữa báo chí miền Nam trước 30.4.1975 và báo chí cả nước từ ngày thống nhất. Trước 30.4.1975, tại miền Nam, biên tập mang ý nghĩa của việc biên soạn, khởi thảo tài liệu cho chính mình, phù hợp với ngôn ngữ Pháp là rédaction (sự biên tập) hay rédacteur (biên tập viên). Song từ ngày thống nhất báo chí hai miền thì biên tập có một nghĩa khác, nặng về sự chỉnh sửa bài viết của người khác hơn là biên soạn tài liệu cho chính mình. Trước 30.4.1975, hai chức sắc cao cấp nhất tại một tòa soạn báo là chủ nhiệm và chủ bút. Chủ nhiệm chịu trách nhiệm về mặt chính trị, chủ bút chịu trách nhiệm về mặt nội dung bài vở và chất lượng của tờ báo. Thời đó, công việc gọi là “biên tập” (chỉnh sửa) theo nghĩa hiện nay được giới hạn ở mức tối thiểu, gần như các cây bút chuyên nghiệp còn được giữ nguyên văn phong, cách đặt câu, dùng chữ của họ. Họa hoằn có chỗ nào tòa soạn thấy cần sửa đổi một đoạn hay một câu thì sẽ liên lạc với tác giả trước khi cho in. Nếu tác giả đồng ý, báo đăng, không đồng ý, báo không đăng, không có chuyện tòa soạn tự ý sửa chữa bài viết của người ngoài theo ý mình. Còn nhớ cách nay khá lâu, trong một cuộc phỏng vấn báo chí đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, trước câu hỏi tại sao sau năm 1975 không thấy xuất bản hay tái bản sách của mình, nhà văn lão thành Nguyễn Văn Xuân, tác giả của Bão Rừng, Phong Trào Duy Tân, Khi Những Lưu Dân Trở Lại… đã trả lời khá gay gắt khi nhắc đến chế độ biên tập sau ngày thống nhất mà theo ông là đã làm tổn thương quyền tự do cá nhân của người viết. Khi đó, nhiều tòa soạn báo có một đội ngũ biên tập rất hùng hậu và thực hiện chủ trương tạo một văn phong chung cho toàn bộ các bài viết trên báo, những từ ngữ phổ biến thường có thể viết thế này hay thế khác mà không sai lạc cũng được đồng nhất hóa thành một cách viết duy nhất, cộng tác viên phải mất một thời gian mới thích nghi được với quan điểm của tờ báo. Chủ trương của tờ báo càng khúc mắc, biên tập viên càng có nhiều việc để làm, cố gò ép bản thảo của người viết vào đúng khuôn khổ định sẵn. Theo quan niệm thông thường, người có trách nhiệm (cũng là quyền hạn) sửa chữa bản thảo của người khác là người có một trình độ cao hơn tác giả, ít nhất là trong lãnh vực mà bài viết đề cập đến, song trên thực tế, điều này không hẳn là đúng, nhiều khi ngược lại. Cách biên tập tùy từng tòa soạn, có nơi chỉ chỉnh sửa khi thật cần thiết, có nơi bạ cái gì cũng sửa, sai sửa đã đành, mà đúng cũng sửa (sửa cái đúng này ra cái đúng khác). Nhiều biên tập viên coi việc sửa bản thảo của người cộng tác là một cách thể hiện quyền hạn, đồng thời chứng tỏ với lãnh đạo tờ báo lòng tận tụy với công việc của mình. Không ít cộng tác viên có dịp nhìn thấy bài của mình trước khi in báo, ở đó, màu đỏ (của biên tập viên) trộn lẫn với màu đen (của bản thảo) trông hoa cả mắt; khi báo phát hành rồi, nhìn thấy tên tác giả bài viết thì biết là tên mình, nhưng bài thì đọc một hồi lâu mới biết là bài của mình. Cũng như ở người biên dịch báo chí, vốn kiến thức hết sức cần thiết ở người làm công việc biên tập, vì có như thế thì việc phát hiện ra sự sai sót của người viết mới có hiệu quả và sự chỉnh sửa mới đạt được yêu cầu của tờ báo. Sự đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy, có người biên tập một bài viết lịch sử nhưng không có mấy kiến thức về lịch sử nên có khi báo ra rồi, người viết chỉ còn biết ôm tờ báo mà …khóc. Sử chép rằng thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), về mặt tổ chức hành chánh, chúa cho đổi vùng đất Đàng Trong thành 12 dinh và một trấn, chính dinh Phú Xuân sau gọi là Đô thành. Chính vì vậy mà đến đầu thế kỷ 20, khi Phú Xuân trở thành kinh đô Huế của nhà Nguyễn, hai chữ “Đô thành” vẫn còn tồn tại trong sách báo dùng để chỉ đất kinh đô. Năm 1914, người Pháp cho xuất bản tờ tập san nghiên cứu lịch sử có tên Bulletin des Amis du Vieux Hué, hiểu theo nghĩa ngày nay, và cách của một số người ngày nay dịch là “Những người bạn của cố đô Huế”, song ngay khi tập san này ra đời, sách báo Việt ngữ cùng thời đã dịch nó ra là “Tập san Đô thành Hiếu cổ”, trong đó chữ Hué ở tên báo bằng tiếng Pháp được thay bằng hai chữ Đô thành. Nhưng có những biên tập viên không thể hiểu lịch sử đến mức đó và điều này không đáng trách họ, chỉ tiếc là đã thế mà có người còn “vận dụng” quyền biên tập một cách triệt để bằng cách ngang nhiên sửa cụm từ “Tập san Đô thành Hiếu cổ” thành “Tập san Đô thành Huế cổ”, vì không biết “Đô thành” đã thay cho “Huế” rồi. Bài in xong, báo phát hành, tác giả đọc đến cụm từ “Tập san Đô thành Huế cổ” mà méo mặt, những độc giả có ít nhiều hiểu biết về lịch sử đọc đến đấy, có ai biết đó là một nỗi oan tình? Một lần khác, bài biên dịch viết về sự kiện xảy ra năm 1934, khi quốc vương Nam Tư Alexander I sang thăm nước Pháp và bị ám sát ngay trên đường phố Marseille. Vụ việc làm chấn động thế giới và tổ chức quốc tế cao nhất lúc bấy giờ là Hội Quốc Liên phải vào cuộc. Trong quá trình biên tập, từ “Hội Quốc Liên” của người biên dịch được biên tập viên sửa thành Liên Hiệp Quốc, một tổ chức ra đời sau Thế chiến thứ hai (1939-1945)! May mà vào thời điểm đó, người cộng tác viên biên dịch được tòa soạn nhờ rà soát chính tả hai ngôn ngữ Anh-Pháp, nhờ đó khi đọc đến cụm từ Liên Hiệp Quốc in trên “bông”, đã vội vàng tự sửa lại thành Hội Quốc Liên, nếu không thì không biết sự thể ra sao. Cần nói thêm là về mặt ngôn ngữ quốc tế, Hội Quốc Liên có tên tiếng Anh là League of Nations, còn Liên Hiệp Quốc là United Nations, do đó cách dịch ra tiếng Việt phải khác nhau, không thể tự ý khai sinh một tổ chức quốc tế trước khi nó chính thức ra đời đến 11 năm như vậy.
Một vài ý tản mạn như thế, đủ để thấy rằng biên dịch và biên tập là những nghề không đơn giản, đòi hỏi người theo nghề phải học hỏi, rèn luyện không ngừng, đủ tự tin, nhưng cũng phải đầy khiêm tốn, biết được sở trường, sở đoản của mình để tôn trọng, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Ngày nay, báo in đang trên đường …tuyệt chủng, nhắc lại chút kỷ niệm cũ với một chút bùi ngùi …

Lê Nguyễn
2013 – 21.6.2017

— cùng với Hoàng Thị Ngọc Trâm, Kim Lang LeHoa Ngoc.

316510cookie-checkCHUYỆN BIÊN DỊCH VÀ BIÊN TẬP TRÊN BÁO CHÍ THỜI NAY