VOA
Khi con số vay nợ nước ngoài của Việt Nam – bao gồm nợ chính phủ, nợ do chính phủ bảo lãnh và nợ của các doanh nghiệp – đã vọt lên ngang bằng với toàn bộ GDP một năm, tức hơn 200 tỷ USD, đã quá muộn để Bộ Chính trị và hai cơ quan được đảng cầm tay chỉ việc – Quốc hội cùng Chính phủ – ra tay ‘siết chặt bảo lãnh cho vay’.
Ai sẽ trả nợ cho nợ nước ngoài của doanh nghiệp?
Kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2018 đã một lần nữa, trong nhiều lần kể từ sau thời ‘ăn ốc’ của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, cuống cuồng tìm cách chạy làng khỏi nạn ‘đổ vỏ’ bằng chủ trương được ‘gật toàn diện’ ở các cấp trung ương nhưng chưa hề được thông não bởi các tập đoàn kinh tế nhà nước: siết bảo lãnh cho vay.
Vào năm 2017, chính phủ của thủ tướng ‘đổ vỏ’ Nguyễn Xuân Phúc đã phải đề ra hạn ngạch bảo lãnh cho vay chỉ 1 tỷ USD – con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Nhưng sang năm 2018, hạn ngạch này thậm chí không còn tồn tại.
“Doanh nghiệp nhà nước vay nước ngoài tăng vọt, ai sẽ trả nợ?”- giới chuyên gia, báo chí và cả quan chức cùng hốt hoảng kêu lên. “Nếu các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối không có khả năng trả nợ thì nợ này ai trả, bởi đây đều là các doanh nghiệp nhà nước?”.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Thắt Cổ (một tục danh mà dân gian đặt cho Bộ Tài chính – địa chỉ chính yếu ‘kiến tạo’ vô số sắc thuế và đè đầu dân để siết thuế nhằm cứu vãn cho ngân sách đảng sắp vào hồi rỗng ruột và cho cả tỷ lệ chi thường xuyên cho bộ máy gần 3 triệu công chức viên chức chiếm hơn 70% tổng chi ngân sách) – Đinh Tiến Dũng – đã phải thừa nhận đúng là nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây: năm 2016 tăng 25,7% so với 2015; năm 2017 tăng 39,6% so với 2016. Nếu năm 2015, nợ nước ngoài của quốc gia là 42% thì đến cuối năm 2018 đã tăng lên mức 49,7%, sát với ngưỡng 50%.
“Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%,
trong đó có khoản vay của công ty Việt Nam Beverage trị giá 4,8 tỉ USD để mua cổ phần của Sabeco, chúng ta lại cộng vào nợ nước ngoài quốc gia” – cho đến giờ Đinh Tiến Dũng mới thừa nhận và tiết lộ ‘bí mật’.
Nhưng ông Dũng lại cho rằng nợ nước ngoài của doanh nghiệp mới là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, trong khi không thừa nhận nợ của chính phủ, mà đứng đằng sau là ‘đảng ta’, cũng cống hiến một phần không nhỏ vào gánh nặng nợ nước ngoài, nợ công quốc gia và khiến dân Việt sẽ không biết phải tính bao nhiêu đời con cháu mới trả xong.
Vậy làm thế nào để trả núi nợ nước ngoài của khối doanh nghiệp, chưa tính đến nợ nước ngoài của chính phủ?
“Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới. Chính phủ cũng sẽ không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn nước ngoài và không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại; không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu của ngân hàng và cấp vốn điều lệ cho các tổ chức tín dụng thương mại” – Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng ‘kiến tạo’ giải pháp.
Còn trước câu hỏi “nếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng vay không trả được thì ai sẽ trả nợ”, ông Dũng trả lời gọn lỏn: người vay sẽ là người trả.
Theo đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Quốc hội là không dùng ngân sách để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, theo quy định hiện nay, nợ nước ngoài của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, tổ chức tín dụng theo cơ chế tự vay tự trả do bên vay có trách nhiệm tích lũy để trả nợ…
Hết dám bảo lãnh cho vay!
Cần nhắc lại, Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) được Thủ tướng Phúc phê duyệt vào cuối tháng 4/2017 đã tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước. Điều đó có nghĩa là Chính phủ sẽ không còn chịu trách nhiệm gì về những khoản nợ vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, cho dù là vay từ các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước.
Trước đó vào đầu tháng 3/2017, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài Chính) đã phát ra thông tin Chính phủ chỉ bảo lãnh vay 1 tỷ USD cho doanh nghiệp trong năm 2017.
Mức bảo lãnh chỉ có 1 tỷ USD trên là giảm mạnh so với những năm trước (năm 2015 là 2,5 tỉ USD và 2016 là 1,5 tỉ USD), và giảm rất mạnh so với mức 6,6 tỷ USD của năm 2014.
Nhưng cho đến nay, có vẻ ngay cả con số 1 tỷ USD bảo lãnh cho năm 2017 cũng không còn nữa. Vào lúc này, Chính phủ và Bộ tài chính chỉ còn biết cắm đầu trả nợ.
Những năm trước, hiện tượng nhiều tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vay nợ tràn lan, đã cho thấy tâm lý vay là cực kỳ vô trách nhiệm. Và thậm chí một số doanh nghiệp còn có biểu hiện “xù nợ” khi làm ăn lỗ lã.
Có đến ít nhất 30% số tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đã rơi vào vòng lỗ lã, và đối mặt với nguy cơ phá sản kể từ năm 2008, khi kinh tế Việt Nam bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái. Con số cập nhật nhất vào đầu năm 2017 là từ một nhà nghiên cứu độc lập là Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu vụ trưởng vụ Thống kê Liên hiệp quốc – ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước đang gánh một khoản nợ công lên đến 231 tỷ USD – vượt hơn rất nhiều số “dự tính” khoảng 25 tỷ USD do một số cơ quan nghiên cứu của chính quyền Việt Nam đưa ra vào thời điểm đó.
Chỉ riêng năm 2016, một số dự án “khủng” như Dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam (ước toán đầu tư đến hơn 50 tỷ USD), Dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam (hơn 10 tỷ USD), Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận (20 tỷ USD) đã bị Chính phủ và Quốc hội “dũng cảm” đình hoãn vô thời hạn, nhưng ai cũng hiểu lý do thực chất là… hết tiền. Ngay cả dự án xây dựng sân bay Long Thành có ước toán đầu tư đến 15 tỷ USD (khoảng 60- 80% là vay ODA) cũng chưa biết làm cách nào để “xoay” ra tiền…
Nhưng nhiều doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước – vốn đã quen ‘ăn’, không thể nhịn và do đó vẫn tiếp tục tống ra các yêu cầu cần được bão lãnh vay đối với chính phủ.
Vào năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phát ra một đề nghị hoàn toàn mất “thiên thời”: muốn được Chính phủ bảo lãnh vay trong khi chính giới quan chức lãnh đạo của PVN đang lũ lượt tra tay vào còng.
Những đề nghị bảo lãnh trên vẫn được PVN nêu ra như một não trạng cùng thói quen không mấy thay đổi dù “triều đại Nguyễn Tấn Dũng” đã trôi qua từ khá lâu. Trong giai đoạn 2011-2015 của “triều đại” này, chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cấp bảo lãnh vay trong và ngoài nước cho 35 chương trình dự án với tổng số vốn khoảng 15,6 tỉ USD, trong đó vay nước ngoài lên đến 14 tỉ USD.
Một nửa nợ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới!
Khách quan mà xét, Nguyễn Xuân Phúc lại là đời thủ tướng “cực hình” nhất trong lịch sử tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam. Trả nợ nhiều nhất, kinh tế be bét nhất, xã hội hỗn tạp nhất, chính trị “tan nát” nhất… Nhưng phải sau nửa năm kế thừa chức thủ tướng từ Nguyễn Tấn Dũng, ông Phúc mới nhận ra được cảnh nạn đó để chính ông phải than “Nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” và cảnh báo về nguy cơ “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Còn bây giờ, hẳn nhiên ông Phúc không hề mong muốn mình phải trở thành nạn nhân “đổ vỏ” cho quá nhiều hậu quả gầy dựng bởi đời thủ tướng trước.
Trong bối cảnh giật gấu vá vai như thế, Ngân hàng thế giới lại đưa ra một cảnh báo giật mình: trong 3 năm tới, có đến 50% nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.
Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’.