Cần phân biệt bãi Tư Chính (Vanguard Bank) và bãi Vũng Mây (Rifleman Bank). Hai bãi này hoàn toàn khác với “bồn trũng Tư Chính – Vũng mây”.
Về địa lý, bãi Tư Chính là một “bãi chìm” dưới mặt nước khoảng 15m, cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý về phía đông nam.
Bãi Vũng Mây là một bãi cạn, bao gồm nhiều cụm san hô (mang nhiều tên khác nhau) chìm dưới nước khoảng 3m, cách bãi Tư chính 94 hải lý về hướng đông, cách đảo Trường Sa 40 hải lý về phía nam. Trên bãi Vũng Mây có những nhà giàn (ký hiệu DK1/x) do VN xây dựng.
Hai bãi cạn Tư Chính và Vũng Mây nằm trên “bờ rìa” thềm lục địa tự nhiên của VN. Từ bờ VN ra đến hai bãi cạn này chiều sâu mặt biển không quá 50 mét.
“Bồn trũng Tư Chính – Vũng Mây” là vùng nước sâu (khoảng 1.000m), ở khoảng giữa thềm lục địa bờ biển VN với thềm lục địa quần đảo Trường Sa. Điều này cho thấy cấu trúc địa lý cách biệt, (bị gián đoạn với đất liền) của quần đảo Trường Sa.
TQ vịn vào yêu sách “TQ có chủ quyền ở quần đảo Trường Sa”, cho rằng vùng trũng Tư Chính- Vũng Mây nằm trong vùng kinh tế độc quyền các đảo TS. Theo hồ sơ “thềm lục địa mở rộng” của TQ gởi LHQ trước đây, quốc gia này khảng định “vùng nước chung quanh” của các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Tức theo TQ, các đảo ở Trường Sa “có hiệu lực đảo” theo qui định của Luật quốc tế về Biển (UNCLOS 1982).
Lập luận của VN cho rằng hai bãi Tư Chính và Vũng Mây nằm trên “thềm lục địa tự nhiên” của VN. Lập luận này hiển nhiên là “kém thế” trước yêu sách của TQ. Bởi vì TQ yêu sách khu vực “bồn trũng Tư Chính – Vũng Mây”, có độ sâu 1.000 mét, kế cận các đảo Trường Sa, cách không quá 100 hải lý. Khu vực này không liên can đến bờ biển VN (cách xa đến trên 200 hải lý).
Từ (rất lâu) tôi cho rằng VN phải khẳng định vấn đề “chủ quyền” các đảo Trường Sa, chớ không phải khẳng định các đảo này không có vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý). Đây là một “sai lầm chiến lược”, mặc dầu phán quyết 13 tháng 7 năm 2016 của tòa Trọng tài cho rằng các đảo TS không có cái nào thực sự là đảo. Đơn thuần vì đa số các quốc gia cận biển không có quốc gia nào ủng hộ phán quyết này của Tòa. Trong khi đó, về chứng cứ lịch sử cũng như bằng chứng pháp lý, VN có chủ quyền không thể tranh biện ở HS và TS.
Vụ lùm xùm tàu địa chất TQ cho khảo sát địa chấn ở “bồn trũng Tư Chính-Vũng Mây”, bản đồ của nhà nghiên cứu Martinson cho thấy hôm kia 13-7, khu vực khảo sát địa chấn rộng lớn, ở khoảng giữa các đá Châu Viên, đá Chữ Thập của TQ mới xây dựng với đá Hòn Hải (thuộc cụm Phú Quí) của VN.
Sự lựa chọn sai lầm (chiến lược về chủ quyền biển đảo) đã khiến VN lui vào thế phòng ngự bất lợi. Không phản đối thì chấp nhận “việc đã rồi”. Mà phản đối thì phản đối với ai, ngoài việc đưa tranh chấp ra một Tòa quốc tế ?
VN luôn chọn chiến lược “đu dây”, giữa hai trụ cột Mỹ và TQ. Nhưng Mỹ thời TT Trump thay đổi, nước Mỹ co cụm không sẵn lòng làm “sen đầm thế giới” nữa. Đồng minh chí cốt với Mỹ thoát bỗng thành “kẻ thù”. Còn “kẻ thù truyền thống” thì trở thành “bạn tốt”. Đu dây phải có hai trụ cột (để mắc dây). Trụ cột Mỹ nghiêng qua ngã lại vô chừng.
Nhưng VN vẫn phải lên tiếng phản đối TQ, không thể để việc thăm dò địa chấn trở thành “chuyện đã rồi”. VN không phản đối bây giờ thì sẽ không thể phản đối khi TQ đem giàn khoan (cùng tàu chiến bảo vệ) xuống khai thác.
Về “đại cục”, không có cái “cục” nào lớn hơn “cục” chủ quyền lãnh thổ.