Ba thương nhớ,
Hôm nay là phiên phúc thẩm mà vì dịch bệnh cả mẹ và con đều không đến được, nhưng con biết là ba không cảm thấy cô đơn chút nào.
Học kỳ rồi con có lấy lớp vẽ minh hoạ các vấn đề về xã hội và chính trị. Bài tập cuối kỳ thầy cho đề tài tự do. Con quyết định vẽ bộ 3 tấm chân dung về một nhà báo, nhà hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến ở Việt Nam là ba. Thầy cho 4 tuần để hoàn thành bài và mỗi tuần thầy sẽ dành 10 phút nói chuyện riêng với từng bạn để góp ý về nội dung và kỹ thuật. Mỗi lần nói chuyện với thầy, con đều mở sổ tay với vô số ghi chép và hình ảnh mà con sưu tầm về ba. Con kể cho thầy biết nhà báo Trương Duy Nhất là ai, có những câu nói gì mang tính truyền cảm hứng, bị bắt bao nhiêu lần và mỗi lần khác nhau như thế nào. Và rằng vào năm 2014, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS) đã ghi danh nhà báo Trương Duy Nhất vào danh sách 100 anh hùng thông tin. Trong những lần nói chuyện với thầy, con đều dùng “nhà báo Trương Duy Nhất” thay vì ”ba của em” để thầy có thể đánh giá và đón nhận câu chuyện của con một cách khách quan nhất. Thầy chăm chú lắng nghe con kể về ba, về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, rồi đến hôm cuối cùng, thầy nói với con: “Thật ra thầy có một câu hỏi dành cho em ngay từ tuần đầu về lý do tại sao em không chọn một nhà báo, nhà hoạt động khác mà em lại chọn Trương Duy Nhất. Nhưng qua cách em kể, cách em ghi chép trong sổ và những gì thầy được nghe, thì thầy đã có câu trả lời cho mình rồi.”

Ba ơi, có người nói với con rằng ba với con đều đang đi trên cùng một con đường nhưng mỗi người có một cách thức riêng. Cả ba và con đều là những người kể chuyện. Ba kể những bất công của xã hội này qua câu chữ, còn con chọn tranh vẽ. Vì ba và con đều hiểu rằng, trách nhiệm của người kể chuyện, dù sử dụng công cụ gì, đều mong muốn những câu chuyện cuộc đời mà mình kể được nhiều người lắng nghe và biết đến.
Ba ơi, cho dù có là bao năm đi nữa, con vẫn đợi được. Người ta cầm tù nhà báo Trương Duy Nhất thì sẽ còn hàng ngàn nhà báo có lương tâm khác tiếp tục lên tiếng. Người ta bóp nghẹt các tiếng nói phản biện thì ngày mai, không sớm thì muộn các thế hệ con cháu của những nhà phản biện ấy cũng sẽ tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng này.
Con vẫn nhớ câu ba nhờ mẹ gửi cho con hôm phiên toà sơ thẩm hồi tháng 3: “Người ta càng bức hại ba, càng làm cho hình ảnh của ba đẹp hơn.”

Ba ơi, mẹ ơi, con luôn tự hào được làm đứa con “Duy Nhất” của ba mẹ. Dù nhiều người nói con gái không cần phải gai góc vậy, không cần phải quan tâm đến chính trị xã hội nhiều vậy; nhưng không, con tự hào vì vốn liếng ấy con được thừa hưởng từ ba Nhất mẹ Phượng. Lớn lên trong gia đình này, con chọn trở thành một người kể chuyện có tâm và trung thực hơn là một người vô tri vô giác trước những trái ngang của cuộc đời.
Thục Đoan luôn chờ ngày gặp lại ba và mẹ. Ráng lên ba mẹ hĩ!
Ôm ba! Ôm mẹ!
Canada, 4AM ngày 14/8/2020.