Sau khi Tòa Tối cao Hương Cảng, thứ Hai 18-11-2019, ra phán quyết “Đạo luật khẩn cấp” cấm người dân đeo mặt nạ khi biểu tình do bà Carrie Lam đưa ra là vi hiến thì Thượng viện Hoa Kỳ thứ Ba, 19-11-2019 giáng thêm một đòn vào chính quyền thân Bắc Kinh: 100% số phiếu thông qua dự luật Ủng hộ Dân chủ và Nhân Quyền Hong Kong.
Chiến thắng hôm nay của người Hong Kong là cả một bề dày của tinh thần tự chủ và tri thức hơn trăm năm lịch sử.
Anh quốc tiếp quản đảo Hong Kong năm 1842 sau khi đánh bại Trung Quốc trong Chiến tranh Nha phiến Thứ Nhất. Sau đó, Trung Quốc cho Anh thuê phần còn lại của Hong Kong trong 99 năm.
Là thuộc địa của Anh quốc, Hong Kong nhanh chóng trở thành một cảng giao dịch sầm uất, một trung tâm kinh tế mạnh mẽ, một bán đảo với nền văn minh tự trị của phương Tây.
Tất cả mọi chuyện dần thay đổi khi thời hạn 99 năm gần kết thúc. Ngay sau khi lên làm Thủ tướng Anh năm 1979, bà Margaret Thatcher đã phải giải quyết tương lai số phận Hong Kong trước năm 1997.
Hong Kong đã được trao trả về cho Trung Quốc như thế nào, cũng như cuộc đàm phán mật giữa cố Thủ tướng Anh, bà “Đầm thép” Margaret Thatcher với chính phủ của Đặng Tiểu Bình khi ấy ra sao thì tài liệu báo giới đã đề cập rất nhiều.
Cho đến ngày 19-12-1984, bà Thatcher đáp chuyến bay dài 19 tiếng đến Trung Quốc để đặt bút ký trả Hong Kong cho Trung Quốc ngày 1-7-1997. Tờ New York Times năm đó miêu tả “buổi tiếp đón rất nồng hậu, thân thiện và lịch sự.”
Sau khi bà Thatcher qua đời, South China Morning Post (SCMP) cho đăng tải một đoạn video phỏng vấn bà trước ngày Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Trong đó, bà nói bà tin Hong Kong sẽ có các quyền tự do, thậm chí hơn cả những tuyên bố chung và luật cơ bản…và Trung Quốc cũng sẽ dần như thế. SCMP gọi đó là “những lời đao to búa lớn” của “người đàn bà thép” Margaret Thatcher.
Một trang báo của Ý năm 2013 đã viết về bà Thatcher bằng tiêu đề: “Hong Kong, nhân chứng cho sự yếu đuối của bà Margaret Thatcher.”
Yếu đuối sẽ dẫn đến thất bại!
Bà Thatcher đã thất bại trong đàm phán với Trung Quốc. Điều duy nhất bà muốn giữ lại là quyền hành chính của Anh ở Hong Kong cũng không thành công. Và kể từ sau khi dự lễ trao trả Hong Kong năm 1997, bà Thatcher đã không bao giờ quay lại nơi ấy (theo tài liệu BBC.)
Số phận đã định sẵn. Hương Cảng từ đó phải tự khẳng định mình.
Trước tiên, đó là ý thức “mình là ai?”
Một bài báo của BBC từng viết: Các khảo sát từ Đại học Hong Kong cho thấy hầu hết mọi người tự nhận mình là “người Hong Kong” và chỉ có 15% tự nhận là “người Trung Quốc”.
Sự khác biệt thậm chí còn lớn hơn trong giới trẻ. Trong một cuộc khảo sát năm 2017 cho thấy chỉ có 3% người trong độ tuổi 18-29 tự nhận mình là người Trung Quốc.
Hong Kong bị trả về cho Hoa Lục năm 1997, nhưng đến năm 2000, những du học sinh Hong Kong ở Úc vẫn khẳng định họ không phải người Trung Quốc. Một du học sinh đến từ Hong Kong, học trường Đại học Melbourne, vào năm 2000 từng nói: “Chúng tôi không thích bị gọi là người Trung Quốc. Chúng tôi là người Hong Kong.” Cậu sinh viên khi đó khoảng 18 tuổi, nghĩa là cậu ấy 15 tuổi khi Trung Quốc tiếp nhận Hong Kong.
Tư tưởng tự do, tinh thần dân tộc, văn hoá 150 năm là thuộc địa của Anh đã thấm nhuần trong huyết mạch của người Hong Kong. Dù chỉ là một thiếu niên, họ cũng ý thức về pháp lý, xã hội và không dễ dàng chấp nhận bị tước đi nền dân chủ, nhân quyền.
Từ đó, tinh thần chống Trung Quốc ngày một tăng.
Cuộc biểu tình lớn với hàng trăm ngàn người xuống đường năm 2003 để bày tỏ sự tức giận về đề xuất luật An ninh quốc gia đã lần đầu tiên chứng minh điều đó.
Phong trào Dù vàng 2014 đòi hỏi người Hong Kong phải được bầu lãnh đạo của chính họ là một đánh động lớn đến thế giới. Dù Vàng với hình thức đấu tranh bất bạo động đã tạo ra một Joshua Wong (Hoàng Chi Phong); Nathan Law; Denis Ho… Đó là một thế hệ trẻ Hong Kong đi đầu cho phong trào đấu tranh dân chủ. Tuy phong trào chỉ diễn ra vài tuần, không có sự nhượng bộ nào của Bắc Kinh nhưng tiếng hô vang “Chúng tôi sẽ trở lại” năm 2014 đã là sự thật vào năm 2019.
Cuộc biểu tình năm 2019 đang đi vào lịch sử của sinh viên Hong Kong một lần nữa làm rung chuyển thế giới. Lần này, thế giới đã thật sự nhìn thấy một Hương Cảng tự đứng trên đôi chân của mình.
Và trên tất cả, đó là tinh thần “Ngã ái thủ túc” vượt ra lan rộng ra khắp Hương Cảng, vượt ra ngoài thế giới.
Một blogger, nhà báo tự do của Hong Kong có tên Terry đã có mặt trên các tuyến đường chính của trung tâm thương mại Hong Kong từ khi xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và sinh viên. Anh đã nhìn thấy máu, những cái chết do tự sát để phản kháng. Viết trên trang cá nhân và được tờ The Stand News của Hong Kong đăng lại, blogger Terry kêu gọi mạnh mẽ thế giới và cả những người Hong Kong chưa hoà vào cuộc tuần hành hãy đồng cảm và thương người biểu tình như anh em một nhà.
Điều mà nhà báo tự do này nhìn thấy trong cuộc chiến lịch sử của người Hong Kong những ngày qua, đó không chỉ là sứ mệnh Quang phục Hương Cảng (Bất thị quang phục Hương Cảng – 不是光復香港); không chỉ là cuộc cách mạng của thời đại (Dã bất thị thời đại cách mệnh – 也不是時代革命). Đó chính là Ngã ái thủ túc (我 愛 手 足), có thể hiểu như “Anh em như thể tay chân.”
Thế giới đã được chiêm ngưỡng những cái nắm tay thật chặt từ những người Hương Cảng không cùng dòng máu. Họ chiến đấu nhịp nhàng, thuần thục. Họ khóc cùng nhau, đau cùng nhau, tiến lên phía trước cùng nhau, lùi lại phía sau cùng nhau.
Đó là ngày 19-11, ngày thứ ba cảnh sát bao vây những người biểu tình ở trường Đại học Bách Khoa (PolyU), rất nhiều người đã đến hỗ trợ và giải cứu sinh viên. Hơn 200 người Hong Kong đã tham dự sự kiện cầu nguyện tại vườn Salisbury.
Đó là ngày 18-11, bất chấp đạn khói và sự đàn áp của cảnh sát, khoảng 100 người đã xông vào PolyU để cứu các bạn của họ. Hơn năm tháng qua, các bạn của họ đã không nhìn thấy giáo viên và lớp học.
Đó còn là những sinh viên “tuyến sau” với nhiệm vụ chuẩn bị thức ăn cho người ở “tuyến trước.”
Đó là một anh chủ nhà hàng Lung Mun đi vào trường Đại học Trung Văn để dạy cho sinh viên cách tự lo cho mình những bữa cơm no trong những ngày cố thủ quyết chiến.
Đó là những bức thư “sau cùng” gửi lại cha mẹ, người yêu, bạn bè vì họ không thể bỏ bằng hữu, bỏ tương lai dân tộc, và họ sợ họ sẽ chết bất cứ lúc nào.
Nếu không xem nhau là anh em một nhà, anh em như thể tay chân, người Hong Kong không thể thực hiện giấc mơ cách mạng Quang phục Hương Cảng.
“Vì vùng đất tự do và cho mái nhà của những người dũng cảm.
Chúng tôi không phải là những kẻ bạo loạn.
Chúng tôi là những con bạc đang đem cả tương lai của chính mình ra để đánh cược.” Dòng chữ của sinh viên biểu tình tại PolyU để lại trên sân trường ngày 18-11-2019.
Hôm nay, 19-11-2019, tuy tất cả chỉ là một đốm sáng hoả châu nhỏ trong trận chiến lớn chưa biết khi nào kết thúc, nhưng, tuổi trẻ Hong Kong đã chứng minh cho thế giới thấy sau 150 năm là thuộc địa, nay họ phải cùng tiến lên bằng tinh thần “Ngã ái thủ túc” để cùng “Quang phục Hương Cảng.”
-Cát Linh/#SaigonNho–
#biểutìnhHongKong #QuangphucHuongCang #Bewater#STAY_FOR_HONGKONG
Nguồn: NYT 1984/SCMP/BBC/The Stand News
Hình: Reuters/DC4HongKong/CNN
Hình 1: Ngăn cản cảnh sát tấn công vào trường đại học.
Hình 2: Ma trận dù; Bất bạo động.
Hình 3: Che chắn.
Hình 4: Đón đầu khói lửa, ủng hộ sinh viên.
Hình 5: Cùng tuần hành trong đêm.
Hình 6: Nhân viên xã hội đưa thẻ ngành yêu cầu phải cho họ cung cấp thức ăn, đưa nhân viên y tế vào trường đại học.
Hình 7: Cùng tấn công; Cùng che chở.
Hình 8: Phong toả đường vào đại học, yểm trợ sinh viên.
Hình 9: Tuần hành.
Hình 10: Tiếp thêm sức mạnh.
Hình 11: Cố gắng nhé!!!
Hình 12: Hãy cứu tụi nhỏ!
Hình 13: Nhóm lửa bếp.
Hình 14: Chủ nhà hàng Lung Mun vào trường dạy sinh viên nấu ăn.
Hình 15: Cho một vùng đất tự do!
Hình 16: “Hong Kong, nhân chứng cho sự yếu đuối của bà Margaret Thatcher.”