Thursday, September 19, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmBảo Vệ Cán Bộ Dám Nghĩ Dám Làm ( vấn đề nhân...

Bảo Vệ Cán Bộ Dám Nghĩ Dám Làm ( vấn đề nhân sự đảng )

Thanh Hieu Bui

Sau khi ban hành cái gọi là quy trình 5 bước để lựa chọn nhân sự bằng quyết định 80 của trung ương đảng ban hành tháng 8 năm 2022 và dự kiến quy hoạch nhân sự trung ương vào cuối năm 2023,  trong hàng ngũ quan chức cộng sản diễn ra một tình trạng tồi tệ là ai cũng muốn ngồi yên, không làm gì để tránh bị các phe phái đang mạnh trong Ban Nội Chính, Ban Kiểm Tra, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng đưa vào diện thanh tra, kiểm tra, điều tra.

Tình trạng tồi tệ này đã cản trở sự phát triển kinh tế đất nước khi các cán bộ không dám đưa quyết định.

Chính phủ phải cụ thể hoá kết luận số 14 của Bộ Chính Trị ký tháng 9 năm 2021 bằng nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm ban hành mới đây vào tháng 7 năm 2023.

Nghị định 73 của chính phủ tương đối cụ thể về việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Để đảm bảo uy tín cho nghị định này, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu  trước khi chính phủ ban hành nghị định về những điều  6 dám, 7 dám như dám nói, dám làm, dám nghĩ, dám chịu trách nhiêm, dám đổi mới…về nghị định này và phát biểu của ông Trọng ghi nhận là rất rành mạch và rõ ràng, cần thiết với tình hình hiện nay.

Tuy nhiên thì Nghị định 73 và kết luận số 14 cho thấy một điều.

 Đảng cộng sản VN thường để tình hình đến đâu thì ban hành chính sách đến đó. Ngay cả quy định về nhân sự cũng thay đổi, từ trường hợp đặc biệt duy nhất quá tuổi ở lại Bộ Chính Trị khoá trước, rồi đến hai trường hợp đặc biệt ở khoá này, rồi khoá tới đây có khi là 3, hay bốn uỷ viên BCT ở lại cũng nên. Mà không những uỷ viên BCT, đến cả uỷ viên trung ương quá tuổi cũng được giữ ở lại khoá. 

Khoá 13 này có đến 10 trường hợp đặc biệt.

2 trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại Bộ Chính Trị là ông Trọng và ông Phúc

4 trường hợp đặc biệt quá tuổi ở lại trung ương là ông Phan Văn Giang, ông Lê Minh Trí, ông Võ Văn Dũng, ông Nguyễn Chí Dũng

4 trường hợp đặc biệt qúa tuổi bầu vào trung ương lần đầu là các ông Nguyễn Duy Ngọc, Lương Tam Quang , Phạm Gia Túc, Nguyễn Tiến Hải.

Việc ban hành chính sách, quy định kiểu thích thế nào ra như thế  khiến các cán bộ trong đảng mất niềm tin. Kiểu thích thì bảo là công, không thích là tội. Ưng thì đủ tiêu chuẩn xét trường hợp đặc biệt, không ưng thì không đạt tiêu chí chọn lựa.

Cuộc càn quét thái quá của băng đảng Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên núp dưới công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến nhiều quan chức khiếp sợ.

Những băng đảng này có thế lực mạnh trong các ban kiểm tra, ban nội chính, bộ công an. Chúng lợi dụng vị trí của mình để reo rắc nỗi khiếp sợ cho quan chức khắp cả nước. Chúng sẵn sàng đào bới những vụ thất thoát nhỏ vài tỷ đồng để đưa một uỷ viên trung ương phải ra vành móng ngựa với mục đích răn đe những người khác.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, quyết định việc kỷ luật Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ

Nhìn thẳng sự thật nếu chỉ lặt vặt sai phạm gây thiệt hại vài tỷ hay vài chục tỷ với một quan chức tầm chủ tịch, bí thư, thứ bộ trưởng thì 100% trong sự nghiệp quản lý của mình, chẳng ai là không từng gây thất thoát như vậy. Nhất là trong những trường hợp không cần phải rườm rà quá, người quản lý họ có thể để các nhà thầu thực hiện công việc trước, rồi sau khi hoàn thành, mới làm hợp đồng và quyết toán. Có những việc trị giá tổng hợp đồng chỉ vài chục tỷ, thực sự không phải mất công làm theo đúng trình tự như lập ban bệ quản lý, hội đồng đấu thầu, hội đồng nọ kia đánh giá.

Chẳng hạn như vụ cây xanh Hà Nội , chủ tịch Nguyễn Đức Chung sai phạm dẫn đến thiệt hại 37 tỷ đồng như công an điều tra và ông này nhận hối lội 2,6 tỷ đồng. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và toà án khẳng định ông Chung cố tình làm sai, không cho đấu thầu , chỉ định người làm để được hưởng lợi 3 tỷ tiền hối lộ.

Ông Chung tù vì tội khác có đáng hay không chẳng bàn, vì ông nào giữ chức to đến thế đều đáng tù và đều có tội cả.

Nhưng nói tầm ông ấy cố tình bỏ qua thủ tục đấu thầu, để chỉ định đồng bọn làm dự án để mưu đồ nhận vài tỷ trong vụ cây xanh thì khó mà thuyết phục.

Cho dù Nguyễn Đức Chung đã nhận án tù vì tội khác nặng hơn nhiều, nhưng những phe phái kia vẫn lôi vụ cây xanh ra để đưa thông điệp đến những người khác là chỉ vụ nhỏ như thế chúng tao cũng lôi ra, thì cỡ chúng mày thằng nào chẳng có sai phạm như thế, biết thân, biết phận thì nghe theo chúng tao. Đến cả tầm thường trực ban bí thư, trưởng ban tổ chức như bà Trương Thị Mai còn bị Phan Đình Trạc đe doạ sẽ dùng quyền lực của Ban Nội Chính lôi ra những sai phạm từ thưở xa xưa bà làm chủ tịch hội thanh niên Việt Nam.

Trong khi những người khác khiếp sợ, thì những người của các phe phái này thản nhiên leo lên ầm ầm như Đặng Quốc Khánh, Trần Hồng Hà.

Thử hỏi Đặng Quốc Khánh có tài gì, thành tích gì, kinh nghiệm gì mà leo vùn vụt đến chức bộ trưởng tài nguyên môi trường?

Thử hỏi với tình trạng đất đai ban phát bừa bãi cho các doanh nghiệp, tình trạng khai thác tài nguyên nhức nhối, thảm hoạ Forrmosa thì ông Trần Hồng Hà lấy căn cứ gì mà từ bộ trưởng tài nguyên môi trường nhảy lên làm phó thủ tướng ?

Ông Khánh từ Hà Giang kéo về kế nhiệm chức bộ trưởng tài nguyên môi trường của ông Hà để lại. Hai ông này cùng quê. Uỷ ban kiểm tra trung ương là ông Tú cũng cùng quê, chẳng thấy uỷ ban này phát hiện sai phạm gì của hai ông kia cả. Trong khi các nơi khác nhỏ đến mấy cũng mò được ra.

Cho nên dù chính phủ có ban hành cụ thể chính sách bảo vệ cán bộ bằng nghị định 73, dù ông Trọng có cổ vũ bằng phát biểu khuyến khích cán bộ 6 dám, 7 dám thì chắc cũng không cán bộ nào dám tin lời mà manh động nếu không được sự đồng ý của các phe phái Nghệ An, Hà Tĩnh, Hưng Yên.

Hình dung trường hợp công an điều tra, uỷ ban kiểm tra thực hiện kiểm tra, ban nội chính kết luận, họp Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, trên cương vị thường trực ban này, ông Trạc đưa ra trường hợp cán bộ nào đó do sai phạm về quản lý, gây thiệt hại vài tỷ, chứng cứ rõ ràng đã được các ban, bộ làm kỹ càng và đưa ra đề nghị xử lý.

Liệu ông Trọng có dám bảo thôi bỏ qua cho họ không ? Trong khi tin tức về sai phạm kia đã được tuồn cho báo chí thổi phồng lên khiến dư luận hừng hực trông đợi ông Tổng Bí Thư sẽ ra tay bảo vệ uy tín của đảng ?

Trong trường hợp có đơn tố cáo những sai phạm của Trần Hồng Hà, uỷ ban kiểm tra trung ương nhận đơn rồi xếp xó, hoặc kết luận ông Hà không có sai phạm, ông Trọng có muốn xử thì cũng lấy đâu ra người đi thực hiện thanh tra, kiểm tra, kết luận.

Mục 3 và 4 , điều 3 của nghị định 73 của chính phủ ghi rằng.

-3. Cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

4. Vì lợi ích chung là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi.

Rất rõ ràng, tiến bộ và văn minh.

Thế nhưng xin hỏi các ông dân làm ăn, khi các ông táo bạo ra một quyết sách thay đổi trong làm ăn, kết quả nó có đến ngay không. Ví dụ ông làm quán ăn, quyết định thay thực đơn, thay cách phong cách phục vụ, thay đổi không gian nôi thất. Ngay hôm sau khách hàng có kéo đến ầm ầm không ?

90% là không, phải cần có một thời gian mới thấy được kết qủa.

Và trong thời gian đó, doanh thu giảm sút, các nguyên liệu cho thực đơn mới nhiều lúc phải đổ đi. Những người chung vốn hay gia đình các ông mắng các ông là thay đổi làm giảm doanh thu, làm lỗ vốn. Con số họ đưa ra rành rành, họ họp nhau cho ông biến luôn.

Rồi họ duy trì, nếu lỗ thì lỗi tại ông. Còn nếu thành công, đó là do họ, những người quản lý sau ông.

Quyết sách cho một quán ăn còn cần đến thời gian như vậy, thì quyết sách của cán bộ về kinh tế đất nước, về tỉnh thành địa phương, bộ ngành còn cần thời gian lâu hơn. Liệu ông có dám mạo hiểm khi mình đang cố gồng trụ từng ngày trong nhiệm kỳ dứoi sự đàn áp, soi mói gắt gao của bè lũ Ban Nội Chính,  Uỷ Ban Kiểm Tra trung ương, Bộ Công An ?

Ông mà tài, chả lẽ ông giỏi hơn người của phe chúng đưa ra à ?

 Thời gian đi lấy lòng chúng, ve vuốt chúng bao nhiêu còn chẳng đủ. Hơi đâu mà ra quyết sách để mang vạ. Trông chờ ông Trọng biết đến công trạng của mình, tấm lòng của mình với quyết sách mình đưa ra ư ?

Ai tấu cho đến tai ông ấy, có đến tai thì liệu ông ấy có thời gian xem không, có đủ kiến thức để biết về chính sách kinh tế không, xem xong ông ấy điều ai đi thanh tra kiểm tra ?

Lại là cái lũ kia.

Tốt nhất là ngồi im, đừng có dại mà dám nghĩ, dám làm.

Góp ý xây dựng.

Đảng CSVN nên xem xét nhiệm kỳ của các ban phòng chống tham nhũng, ban nội chính, uỷ ban kiểm tra trung ương, toà án, viện kiểm sát, bộ trưởng công an.

Thứ nhất những người giữ chức vụ này không cần phải là uỷ viên Bộ Chính Trị, để tiện cho việc luân chuyển thay đổi có nguồn nhân sự dồi dào bổ sung, chỉ cần là uỷ viên trung ương là được.

Thứ hai mỗi nhiệm kỳ của các vị trí này chỉ cần 30 đến 36 tháng. Không để trụ quá lâu gây nên cảnh bè phái tạo dựng người của mình và đàn áp người khác.

Thứ ba không sử dụng người cùng địa phương, cùng vây cánh để thay thế.

Thứ tư nâng cao quyền lực và trình độ của ban thi đua khen thưởng trung ương.

Thứ năm là cách dễ nhất, cho Bùi Thanh Hiếu về cai thầu xới gà chọi, bảo tồn văn hoá cổ truyền, từng bước hợp thức hoá các trường hợp cờ bạc dân gian như gà chọi, xóc đĩa. Bảo đảm cho nguồn tiền không bị thất thoát sang các xới gà, sòng bạc bên Campuchia. Thế là hết có chỉ trích, hết có góp ý, đảng CSVN đời đời quang vinh, vì dân vì nước.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular