Sunday, September 15, 2024
HomeBình Luận-Quan ĐiểmBài học từ Ukraine (P4): Công nghệ đang khiến người dân tham...

Bài học từ Ukraine (P4): Công nghệ đang khiến người dân tham gia vào chiến tranh nhiều hơn

Cù Tuấn

– Cù Tuấn biên dịch bài viết của The Economist.

Tóm tắt: Phần này trong báo cáo đặc biệt của chúng tôi về tương lai của chiến tranh sẽ xem xét các câu hỏi pháp lý lớn xuất hiện khi hoạt động dân sự và quân sự đã hòa lẫn vào nhau.

Thời điểm đầu cuộc chiến, 20 xe chở nhiên liệu của Nga đã tiến vào Sedniv, một thị trấn nhỏ ở tỉnh Chernihiv, phía bắc Kyiv. Thiếu tướng Viktor Nikolyuk, chỉ huy quân Ukraine ở phía bắc kể lại: “Người dân địa phương gọi cho chúng tôi và nói: chúng tôi nên làm gì?” Câu trả lời của ông rất đơn giản: “Rút hết xăng dầu của chúng đi.” Người dân địa phương liền cưỡi ngựa và máy kéo, mang theo chai lọ, thùng phuy và bình uống trà, đến lấy sạch nhiên liệu trên các xe này. Họ cũng hô khẩu hiệu Slava Ukraini—vinh quang cho Ukraine. Tướng Nikolyuk không thể tin nổi khi một đợt xe bồn chở xăng dầu khác xuất hiện ngay sau đó. Những chiếc xe chở nhiên liệu này cũng đã bị người dân hút lấy sạch. 

Các cuộc chiến nhỏ thường sẽ do các lực lượng vũ trang của một quốc gia tham gia chiến đấu. Các cuộc chiến tổng lực sẽ do toàn dân cùng tham gia. Những người dân thường đã đóng một vai trò to lớn trong việc bảo vệ Ukraine. Khi Ukrposhta, cơ quan bưu chính quốc gia của Ukraine, tổ chức một cuộc thi thiết kế tem thư, mẫu tem đoạt giải nhất mô tả một chiếc máy kéo đang kéo một chiếc xe tăng Nga đã bị bắt—một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của cuộc chiến. Khi Kyiv bị đe dọa, người dân đã chế tạo các chai cocktail Molotov để ném vào những chiếc xe bọc thép xâm lược. Các tình nguyện viên đã quyên góp tiền để mua các phương tiện và máy bay không người lái. Quỹ Serhiy Prytula, một tổ chức từ thiện dân sự, thậm chí đã mua một vệ tinh cho quân đội Ukraine. Hanna Shelest của think-tank Ukraine Prism đã viết: “Kyiv đã đặt sự phản kháng của toàn xã hội vào trung tâm của nền quốc phòng nước này.”

Không có gì lạ trong các cuộc chiến tổng lực, sự khác biệt giữa các hoạt động dân sự và quân sự đã bị xóa nhòa. Tướng Nikolyuk nói: “Người dân địa phương đã đóng một vai trò to lớn. Họ đã giấu điện thoại di động khi quân đội Nga tiến đến, và tiết lộ vị trí các xe quân sự Nga bằng cách thả các ghim ảo trên ứng dụng Google Maps (một ứng dụng chuyên dụng khác của chính phủ Ukraine, eVorog, hiện tại đã cung cấp cách thức để dân thường Ukraine có thể chuyển các thông tin tình báo). Đại tá Oleh Shevchuk, chỉ huy lữ đoàn pháo binh số 43 của Ukraine, và Serhiy Ogerenko, tham mưu trưởng của ông, khi trả lời phỏng vấn của báo Ukrainska Pravda, đã nói rằng dân thường đã giúp chỉ điểm cho pháo binh, thậm chí còn sử dụng máy bay không người lái thương mại của riêng họ để xác định vị trí chính xác của quân Nga.

Đại tá Shevchuk kể rằng, nếu người của ông biết rằng quân Nga đang ở gần một ngôi làng cụ thể nhưng không chắc chắn chính xác ở đâu, họ sẽ mở Google Maps, tìm một cửa hàng địa phương và gọi điện cho cửa hàng này. “Chào buổi tối, chúng tôi đến từ Ukraine! Bạn thấy bất kỳ kaptsaps [người Nga] nào không? Có hả? Ở đâu? Ở chỗ nào? Phía sau nhà bà Hanna. Đó là ngôi nhà nào? Chà, mọi người đều biết nhà bà ấy mà! Vì vậy, bạn nói chuyện một lúc với mọi người và tìm ra mọi thứ ở đâu.” Đại tá kể, có một lần, chủ một trạm xăng đã đọc mật khẩu của camera giám sát cửa hàng cho người gọi đến, giúp quân Ukraine có thể xem trực tiếp một đoàn lính Chechnya đang tiến về Kyiv.

Cách đây 15 năm, sự phản kháng của người dân được kỹ thuật số hỗ trợ ở quy mô cỡ này hầu như là không thể xảy ra. Jack McDonald của King’s College tại London chỉ ra rằng, khi Mỹ xâm chiếm Afghanistan vào năm 2001, chưa đến 1% dân số địa phương có thể truy cập internet. Ở Syria năm 2011, khi cuộc nội chiến bùng nổ và các cảnh quay chiến đấu trên điện thoại di động trở nên phổ biến, tỷ lệ này vẫn chỉ là 22%. Khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2014, tỷ lệ này đã lên tới 46%. Khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái, con số này đã tăng vọt lên gần 80%. “Những gì bạn đang thấy ở Ukraine,” ông nói, “là những thứ sẽ trở thành chuẩn mực.”

Khả năng kết nối này và sự phổ biến của điện thoại thông minh dựa trên nó đã tăng tốc, và tạo ra một hình thức hợp tác dân sự-quân sự mới, dựa trên hình thức hợp tác quen thuộc của các mạng lưới kháng chiến tại các vùng Pháp bị Đức chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai. Khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, tướng Sir Jim Hockenhull, giám đốc tình báo quốc phòng của Anh, cho biết trong một thời gian, quân đội đã cố gắng biến mỗi người lính và mỗi nền tảng xã hội trở thành những cảm biến. “Rất nhiều người đã trở thành một cảm biến thực sự.” Ông nói, kết quả là một “mạng lưới cảm biến dân sự” với hàng loạt người dân thường đã cho thấy là “thực sự, thực sự quan trọng”.

Mạng dân sự không chỉ tạo ra các hệ thống cảm biến. Vào ngày 26 tháng 2, hai ngày sau cuộc chiến, Mykhailo Fedorov, Thứ trưởng Ukraine, đã công khai kêu gọi các tình nguyện viên tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ của Nga. Kết quả là đội quân CNTT của Ukraine, một nhóm gồm gần 200.000 hacker tình nguyện, đã được hình thành. Ông Fedorov yêu cầu các hacker người Ukraine tấn công vào các cơ quan nhà nước, công ty nhà nước và ngân hàng của Nga.

Sự tham gia vào chiến tranh của người dân đã vượt ra ngoài biên giới Ukraine. Bằng cách cung cấp kết nối thông qua các vệ tinh Starlink của mình, SpaceX đã trở thành một phần không thể thiếu trong chuỗi vũ khí sát thương của quân đội Ukraine. Các vệ tinh do ICEYE, một công ty Phần Lan, vận hành, cung cấp hình ảnh radar chi tiết về các vị trí quân sự của Nga. Keir Giles của think-tank Chatham House, đã chỉ ra rằng ứng dụng Delta của Ukraine, về cơ bản là một bản đồ trực tiếp kết hợp thông tin tình báo quân sự từ các nguồn khác nhau, được lưu trữ trên các máy chủ đám mây ở nước ngoài.

1. Ai đang chiến đấu với ai?

Kubo Macak, một cố vấn pháp lý tại Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), cho rằng “việc dân sự hóa chiến trường kỹ thuật số” đang phát triển này sẽ có những hậu quả pháp lý. Các chuyên gia pháp lý cho biết vệ tinh ICEYE có thể trở thành mục tiêu quân sự hợp pháp. Ông Giles gợi ý rằng vì Delta đang tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chiến đấu, nên Nga sẽ coi các máy chủ đám mây của phần mềm này ở nước ngoài là các “mục tiêu có giá trị”. Các hoạt động của đội quân CNTT Ukraine đã gây ra sự băn khoăn nghiêm trọng trong giới học giả về luật quốc tế và không gian mạng.

Một nguyên tắc cốt lõi của luật nhân đạo quốc tế là các lực lượng vũ trang phải phân biệt đối xử giữa những người tham chiến và những người không tham chiến. Nhưng nếu dân thường tham gia chế tạo máy bay không người lái, vận chuyển thiết bị quân sự qua biên giới từ Ba Lan, báo cáo về các hoạt động di chuyển của quân Nga thông qua các ứng dụng, và chỉ điểm cho pháo binh bắn phá thông qua các cuộc nói chuyện video, liệu họ có trở thành các mục tiêu quân sự hợp pháp không? Công ước Geneva quy định rằng thường dân sẽ mất đi quyền được bảo vệ “trong khoảng thời gian họ tham gia trực tiếp vào chiến sự”. Nhưng thế nào là tham gia trực tiếp vào chiến sự là chủ đề đang bị tranh cãi gay gắt.

ICRC cho biết sự tham gia trực tiếp phải liên quan đến các hành động cố tình ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự có lợi cho một bên. Đó là một định nghĩa tiêu chuẩn rất cao. Các chuyên gia đồng ý rằng những người dân thường chỉ trả lời các câu hỏi của một người lính qua điện thoại thì không được coi là tham gia chiến tranh trực tiếp. Các cú điện thoại của đại tá Shevchuk sẽ không tự động biến những người dân thường nhấc máy thành binh lính có vũ trang. Hơn nữa, hầu hết thông tin tình báo do các ứng dụng truyền lại là “quá chung chung hoặc không đáng kể để đáp ứng ngưỡng tiêu chí gây sát thương,” ông Macak lập luận. Một thường dân sẽ phải thu thập và truyền thông tin “như một phần của hoạt động phối hợp nhằm một mục đích tấn công cụ thể”. Nhưng việc điều khiển máy bay không người lái để hướng dẫn vị trí để bắn pháo thì chắc chắn sẽ đủ tiêu chuẩn được tính là có tham gia vào cuộc chiến.

Một bài học là khả năng kết nối ngày càng trở thành một nguồn tài nguyên quân sự quan trọng. Taliban từ lâu đã phá bỏ các tháp điện thoại di động để ngăn dân làng tại Afghanistan gửi tin báo cho lực lượng an ninh. Các băng đảng ma túy Mexico hiện đang sử dụng thiết bị gây nhiễu tín hiệu. Tướng Nikolyuk nói rằng hỗ trợ của người dân ở Kharkiv và Donetsk ở phía đông là ít hơn, vì quân Nga đã làm gián đoạn mạng điện thoại di động ở những khu vực đó.

Tất cả điều này giả định trước rằng quân đội đang nỗ lực thiện chí để phân biệt dân thường và binh lính—rằng họ quan tâm đến công ước chiến tranh. Nếu dân thường Ukraine thường xuyên mạo hiểm cung cấp thông tin cho quân đội Ukraine, thì đó có thể là do quân đội Nga đã tỏ ra ít quan tâm đến việc đối xử tốt với người dân theo đúng công ước. Tướng Nikolyuk nhớ lại việc quân đội Nga thiết lập sở chỉ huy tại một trường học ở Yahidne, một ngôi làng phía nam Chernihiv. Hàng trăm người dân địa phương đã bị giam cầm trong tầng hầm của trường này. Trong một lần khác ở Lukashivka gần đó, ông nói rằng binh lính Nga, khi phát hiện ra một máy bay không người lái của Ukraine, đã buộc phụ nữ và trẻ em xuống đường để làm lá chắn sống. “Bạn sẽ làm gì nếu là tôi trong những trường hợp như vậy? Bạn chỉ có thể cắn môi bất lực vì không làm gì được cả.”

Nguồn : https://www.economist.com/special-report/2023/07/03/technology-is-deepening-civilian-involvement-in-war

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular