BÁC TÁM

0
334
Tù nhân lao động bên ngoài Nhà tù Phước Cơ ở Vũng Tàu, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP

Thụy Mân

* Lyna

Bác Tám là ba của Lyna , một người bạn của tôi thời college.  Bởi vì cái sự học đi học lại chìm nổi của tôi, mà tôi đã ngồi chung lớp với người bạn còn nhỏ tuổi hơn em út mình.  Lyna thông minh, hiền, rất chịu khó.  Có mùa em học hơn 21 units (học phần) trong lúc vẫn đi làm 20 giờ /tuần.  Em hay than sao lúc nào người cũng cảm thấy lạnh, và tôi bảo em, chỉ có nước ngủ cho đủ thì mới không bị vậy nữa.  Mà làm sao ngủ cho đủ khi tiếng Anh mình chưa rành, cứ một giờ học trên lớp thì người ta lại phải bỏ đến hai giờ để làm bài tập về nhà? 

Một hôm hai chị em đang có giờ trên lab, thì Lyna biến đi đâu mất một lúc.  Em quay trở lại với một gói nhỏ trên tay, và khi ăn trưa, em giở ra mời tôi ăn, có cả bánh mì, xôi chè, bánh da lợn.  Thì ra bác gái trên đường đi chợ Việt Nam về đã ghé trường,  đưa quà cho con, giống như những ngày ở ngôi trường làng thuở nhỏ. 

Chúng tôi giới thiệu ba má mình cho nhau và hai bác đã trở thành bạn của ba má tôi kể từ ngày ba má tôi sang Mỹ.  Hai bác vô cùng tốt với ba má tôi, chuyện nhỏ chuyện lớn gì khi ba má tôi cần giúp,  hai bác đều không nề hà.  

Bác trai là người tôi muốn kể chuyện hôm nay. 

* Người tù từ các trại “cải tạo”

Bác Tám từng là sĩ quan thời VNCH.. Bác phục vụ trong lực lượng bộ binh tác chiến.  Bác nói lúc đầu đi bộ binh là do phải theo sự sắp đặt, nhưng đánh giặc riết đâm ra ghiền, và bác cứ rày đây mai đó khắp các tỉnh miền Trung, khi cả gia đình vẫn ở trong Nam. Bác là người chỉ huy giỏi, thắng được nhiều trận, và bác được thăng tiến nhanh trong sự nghiệp quân ngũ. Thỉnh thoảng về phép hội ngộ gia đình rất ngắn ngủi rồi bác lại đi.  Vậy nhưng những đứa con cách nhau hai năm vẫn đều đặn ra đời.  

Khi bác đi tù cộng sản sau năm 1975 thì bác gái một mình nuôi năm đứa nhỏ, nếu không nhờ gia đình ngoại giúp thì có lẽ cũng cận kề với đói rách. Ở tù ngoài Bắc tám năm, bác trai may mắn trở về nhà với một thân thể lành lặn, nhưng tâm hồn thì không ai biết độ tổn thương đã đến mức nào. 

Qua Mỹ theo diện HO từ đầu những năm 90, bác đi làm ngay cho một cây xăng trong thành phố với công việc cashier, tính tiền cho người mua xăng và những món hàng tạp hóa lặt vặt. Bác gắng làm cho đủ 40 quarters hoặc hơn, để có được 10 năm làm việc, đủ điều kiện để lãnh lương hưu. 

Như đa số những người trong nhóm cựu sĩ quan VNCH,  bác Tám ủng hộ đảng Cộng Hoà.  Với số lương hưu nhỏ nhoi của mình, trong những năm bầu cử, bác vẫn gởi đến đóng góp cho quỹ tranh cử của Đảng.  Mọi người, mọi điều thời ấy đều ở mức độ trung dung, hồn ai nấy giữ, thích ai nấy bầu, không ai chửi bới ai. 

Ba má tôi và bác vẫn đi lại thăm nhau, còn phần tôi thì một năm chỉ đến thăm hai bác được một đôi lần.  Nhưng năm nào đến gần Tết, tôi đều hái quít, tắc và đem mứt đến cho hai bác cúng đầu năm.  

Năm ngoái nghe tin bác Tám bị chứng bệnh Lou Gehrig quái ác.  Một người bạn ở chỗ làm trước đây đã bị bệnh đó và ra đi chỉ trong vòng một năm,  do nhóm cơ ở cổ họng không hoạt động, không thể ăn uống và thở được.  Từ một người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mỗi sáng chạy bộ vài ba dặm, sức khỏe bác Tám đi xuống rất nhanh.  Khi tôi đến thăm những ngày trước Tết,  bác đã ngồi một chỗ.  Tuy vậy, bác vẫn giữ được sự tươm tất cho mình.  Bác chỉ cho tôi xem cách bác tự chế một hệ thống dây ràng hai chân, có kết nối với hai tay cầm, để có thể tự nâng nhấc chân mình lên và di chuyển từ chiếc ghế dài lên xe lăn. Dù rất khó khăn, bác vẫn cố tự làm mà không nhờ bác gái và tôi đang có mặt ở đó.  Trong lúc nói chuyện với bác,  khi thấy bác cần gì, tôi hỏi bác có muốn tôi giúp không, thì bác nói bác tự làm được.  Bác mời tôi ăn kẹo chanh bác ưa thích, tôi cũng mở gói mứt dành riêng cho bác để bác nhâm nhi.  Bác đưa hồ sơ bệnh cho tôi xem, thì thấy những trợ giúp vật dụng, thuốc men đến người bệnh là từ Medicare và từ quỹ của ALS Association. Họ bao gồm những người giàu có hảo tâm,  những người sẵn lòng tình nguyện thời gian,  những người đang bệnh nhưng còn nhẹ, những người thân của ai đó đã mất vì chứng Lou Gehric này . Tất cả góp công, góp của để có thêm nhiều nghiên cứu, đồng thời gióng lên tiếng nói về căn bệnh, giúp xã hội biết thêm về nó. 

Sau khi đọc và trao đổi với bác về những điều các bác sĩ đề cập trong hồ sơ bệnh, tôi đổi đề tài sang việc hỏi thăm mọi người trong gia đình.  Mấy năm gần đây, tôi học bài học đắt giá là tránh nói những vấn đề xã hội, chính trị với người thân quen.  Don’t ask, don’t tell thì sẽ không phải thất vọng.  Chúng ta khó tưởng tượng nổi những gì đã thật sự thay đổi trong cộng đồng của mình. Bác mở đầu bằng tin tức về đám cháu.  Những đứa bé khoảng tuổi con tôi, có đứa đã học xong đi làm, có đứa vào lính, và đã giải ngũ, có đứa đã lập gia đình. Nói đến tụi nhỏ làm cho bác phấn chấn lên. 

Rồi tôi hỏi thăm đến người con lớn vì không rõ dạo này chị ấy ở đâu, thì bác nói một câu làm tôi bối rối không biết phải phản ứng thế nào: “Ồ,  tụi nó ổn.  Thằng chồng nó được.  Thằng này da đen nhưng nó có học, nên mọi chuyện đều tốt đẹp!”

Nghẹn một lúc tôi mới tìm được lời sao cho chừng mực để cãi mà không làm tổn thương bác:”Con nghĩ nhiều người ở thế hệ của bác có những thành kiến vô căn cứ, riêng con thấy da nào cũng có người này, người nọ hết bác ơi!  Nếu mình đọc lịch sử kỹ hơn thì sẽ thấy đất nước này đã quá bất công đối với họ, và mình bây giờ được dễ thở hơn cũng nhờ một phần lớn công lao đấu tranh của họ!” Bác Tám dường như chẳng để ý gì điều tôi vừa nói, tiếp tục nói lớn tiếng: “Tụi nó phải biết ơn người da trắng đã mang nó đến đây, để giờ này một số lớn bọn đó đã có được cuộc sống văn minh, nếu nó nhìn về gốc gác của nó ở Châu Phi, thì sẽ thấy đám kia đến giờ vẫn còn lạc hậu!”

Đến đây thì tôi chỉ buồn buồn đưa mắt nhìn xung quanh, quyết định không nói thêm gì nữa.  Trên cái TV, màn hình bị đứng lại vì bác dừng nó để nói chuyện với tôi,  tôi thấy bác đang xem tin tức từ Newsmax, một góc còn có hình của Trần Mai Cô, một tay mê Trump có tên tuổi và là cái loa phường khá bự trên Youtube. 

Tôi không giận, chỉ thấy buồn. Nếu những lời nói vừa rồi của bác mà đến từ một cái tên, một nickname trên Facebook, chắc hẳn tôi đã không ngần ngại nhanh nhảu nghĩ rằng con người này thật thiển cận, đầy kỳ thị, xấu tính.  Nhưng đây là bác Tám, một người tôi biết đã hơn 30 năm, một người với tấm lòng trong trẻo như trăng sao, một người như bao kẻ đã ngả vào vòng tay của “Thánh hoàng”, hoàn toàn có thể là những người tốt, mà chỉ cần bị “Thánh hoàng ” điểm huyệt vào cái gót chân Achilles của mình, là đã trở thành nạn nhân của một lão láo khoét bán trời không mời thiên lôi, và từ đó nhìn nhận mọi việc xung quanh hoàn toàn méo mó. 

*  Những vết thương chưa bao giờ lành 

Nhiều người trên Facebook đã nhân danh chính nghĩa để chửi rủa các chú, các bác như bác Tám không tiếc lời. Thật ra chúng ta chưa bao giờ phải trải qua hoàn cảnh của họ . Mỗi một người tù nhân dưới chế độ cộng sản là một tư liệu sống cho một quyển tiểu thuyết bi thương: bạn chưa bao giờ một đêm thức dậy, bất giác sờ thấy một chất nhờn nhợn trên nền xi măng lạnh gần chỗ mình nằm, và cuối cùng nhận ra người bạn tù bên mình đã tự cắt mạch máu và chết trong khi mình đang ngủ; bạn chưa bị theo lệnh của cai tù, khiêng xác chết của một người bạn tù vượt ngục bị họ bắn chết, rồi trói tứ chi vào nhau trong tư thế như súc vật, khiêng bạn mình về mà lâm râm khấn vái những lời đầy xót xa;  bạn chưa được tận mắt thấy người bạn tù của mình điên loạn nhảy vào cái chảo nước sôi khổng lồ dùng nấu ăn cho cả trăm người để tự tử, thì xin bạn hãy ngừng chửi để làm một điều gì đó có ích hơn, tử tế hơn, nhân văn hơn cho họ, những người đáng bậc cha chú mình. 

Hãy tự đặt mình vào cái hoàn cảnh: Chưa đến tuổi trung niên thì nước mất nhà tan, trong đời sống lưu đày khổ sai của những người sĩ quan như bác Tám, mục tiêu của những kẻ thắng cuộc là bẻ gãy cho đến cái thành trì cuối cùng của lòng tự trọng, hút cạn đến giọt cuối cùng của ý chí trong mỗi tù nhân, và họ đã khá thành công.  Người tù trở về với gia đình trong nỗi bất đắc chí lớn lao, họ vừa căm hận, vừa uất ức, vừa bất lực trước tương lai mờ mịt. Rồi các chú, các bác may mắn được ra đi để có lối thoát cho mình cùng gia đình, lòng canh cánh mong mỏi chế độ vô nhân đạo đó bị đánh sập.  Và chỉ cần một ai đó mang lại một tia hy vọng cho Việt Nam, thì họ đặt hết niềm tin vào…

Người ta thường nói đến những người lính Mỹ trở về sau những cuộc chiến và PTSD (hậu chấn tâm lý).  Tuy tình trạng này mới được biết đến không lâu, nhưng những người lính Mỹ sau khi được chẩn đoán và chăm sóc, họ đã vượt qua được để trở về với gia đình và cuộc sống bình thường. Đa số đã khỏi hẳn nếu được người thân nhận ra và yêu cầu được giúp đỡ sớm và đúng mực. 

Còn những người lính VNCH của chúng ta thì sao?Mấy ai trong số cha chú chúng ta, nạn nhân của  hâu chấn tâm lý, đã được giúp đỡ đến nơi đến chốn?  Hay cuộc sống đòi hỏi lăn lộn mưu sinh, đã buộc các chú bác bỏ rơi, lơ đi nỗi niềm riêng,  gạt nó sang bên, cho đến một ngày nó tràn bờ? Tôi nhớ một lần ngồi chăm chú nghe ông dượng kể lại những năm tháng tù đày của ông, ông xúc động nói lan man hết câu chuyện này đến câu chuyện khác. Trong khi tôi ước chi thu lại được những câu chuyện ông vừa kể, thì dì tôi, vợ ông, sốt ruột gạt ngang: ” Kể chi những chuyện buồn thảm đó hoài!” Con cái của chính những cựu tù này thường đặt câu hỏi tại sao cha họ lại phải đi hội họp Cựu Chiến Binh, tại sao phải kỷ niệm ngày 19 tháng 6 sau gần nửa thế kỷ mất nước, không thể hiểu rằng đó đơn giản là một cách để họ tự chữa bệnh cho mình…

Thế hệ chúng ta là cầu nối của các chú bác ấy với các thế hệ mà chiến tranh Việt Nam đã quá xa vời đối với họ.  Nó xảy ra và kết thúc trước cả khi họ ra đời.  Đã nhiều năm tháng tôi tự cảm thấy mình mắc một món nợ tinh thần với các chú bác ấy. Tùy sức, chúng ta có thể giúp họ ở những mức độ khác nhau.  Ở phạm vi gia đình,  chúng ta nên lắng nghe và thông cảm. Khuyến khích người thân mình nói ra được sẽ giúp các chú bác đỡ ấm ức, giảm bớt nỗi đau tinh thần.  Đây cũng là điểm căn bản trong chữa trị chấn thương tâm lý.  Bệnh nhân có thể đau xót khi tự đào sâu những ký ức đớn đau, sẽ phải chìm đắm trong sự tuyệt vọng và niềm tủi nhục, nhưng khi nói ra được, sẽ dần dần được chữa khỏi.  Chúng ta cũng có thể gọi vào cho các dân biểu của khu vực để những câu chuyện này trở thành một vấn đề xã hội được chú tâm đến nhiều hơn.  Về y tế, các chú bác ấy có thể có Medical, nhưng có thể bác sĩ không có chuyên môn về PTSD.  Cộng đồng chúng ta giờ đây đã lớn mạnh hơn nhiều, đã có rất nhiều bác sĩ tâm lý người Việt Nam giỏi và có tâm.  Cộng đồng chúng ta nên chung tay tìm cách giúp đỡ, để những  chấn thương tâm lý sau những năm tháng dài bị hành hạ trong tù ngục cộng sản có dịp được lành lặn trở lại.  Chửi bới hoặc cười nhạo các chú bác ấy rất dễ, nhưng điều đó rất nhẫn tâm và không mang được điều gì tốt đẹp hơn. 

* Đốm lửa dần tàn

Khi tôi đến thăm bác Tám vào tháng trước, bác đã không tự đưa mình lên xe lăn được nữa.  Ông bác cách đây mấy năm còn chạy nhanh hơn đám thanh niên chúng tôi, giờ đây co rút lại trong một hình hài xương xẩu xanh xao.  Bác nói chậm chạp từng tiếng một, rất khó khăn dù bác vẫn còn thích nói chuyện.  Bác dặn tôi phải chú tâm đến việc dự trữ thực phẩm, để đủ ăn trong vòng vài tháng.  “Chi vậy bác?”, tôi hỏi.  Bác nói sẽ có loạn lạc, sẽ thiếu thốn thực phẩm, sẽ có lúc không ai dám ra đường trong vài tháng trời, nhất là dân Á Châu như mình,  “tụi đen” sẽ đến nhà cướp bóc, giết hại mình.  Tôi đùa lại :” Nếu đúng như bác nói, mình dự trữ nhiều rồi sẽ có cái cớ để người ta đến cướp sao bác? ” Bác nhìn tôi, lắc đầu kiểu thất vọng vì đứa cháu cứng đầu còn dám giễu bác. 

Tôi nói với bác: “Bác à!  Tin tức truyền thông mang lại chỉ nên giúp mình biết được chuyện gì đang xảy ra, còn nếu lời bình luận của ai đó mà gieo rắc lo sợ triền miên cho mình, thì cháu nghĩ bác hãy nên tránh bớt nó đi!”

Từ giã bác hôm đó tôi nói :” Bác ráng nghen bác,  hôm nào con ghé nữa!”,  thì bác nói :” Giờ này bác chỉ ước được ra đi cho nhanh thôi con!”  

Bác Tám, cũng như nhiều người thân của tôi đi tù cộng sản về, thật ra là những người có sức mạnh tinh thần khó khuất phục. Đến giờ này họ đã sống thêm ít nhất là bốn thập niên và hơn nữa kể từ ngày đó.  Họ đã đủ mạnh mẽ để sống sót, để không tự sát, để trở về từ cái địa ngục trần gian có tên là Trại  Cải Tạo!  

Những người của thế hệ đó dần dần ra đi.   Chúng ta hãy nhanh tay lên vì thời gian không còn nhiều.  Hãy giúp đỡ họ, thông cảm, thấu hiểu cho họ, để những ngày tháng còn lại của các chú bác được nhẹ nhàng hơn, nhịp cầu giữa các thế hệ được nối lại bền chắc hơn.

Chúng ta còn mắc nợ họ!

————————————

614050cookie-checkBÁC TÁM