Ba nhà hoạt động ở Việt Nam vừa được vinh danh về “những đóng góp quan trọng” của họ cho nhân quyền tại một buổi lễ diễn ra hồi chiều ngày 9/12 ở thành phố Westminster, California.
Đứng ra tổ chức buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Nhân quyền Quốc tế, cũng là Ngày Tù nhân Lương tâm Việt Nam, là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam.
Tại buổi lễ, ban tổ chức đã trao Giải thưởng Nhân quyền 2018 cho ông Hoàng Đức Bình, bà Trần Thị Nga và bà Phạm Đoan Trang. Những người bạn bè của ba nhà hoạt động đã nhận giải thưởng thay mặt họ.
Ông Bình và bà Nga đang phải thụ án tù vì bị các tòa án của chính quyền khép vào các tội “chống người thi hành công vụ”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” và “tuyên truyền chống nhà nước”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên VOA tiếng Việt, bà Trang không thể rời Việt Nam, một mặt có thể do thương tật ở chân sau một lần bị đánh đập trong một cuộc biểu tình, và mặt khác là vì những rủi ro pháp lý có thể xảy ra nếu bà cố xuất cảnh. Tin cho hay, trong ít nhất hơn một năm tính đến nay, bà luôn trong tình trạng bị các nhân viên an ninh nhà nước theo dõi chặt chẽ.
… không ai trong chúng ta nên vui … khi chúng ta chúc mừng một người Việt Nam nhận được một giải thưởng nhân quyền nào đó, chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào, và cái thực tế ấy chẳng có gì đáng mừng.Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang
Theo các trích đoạn video được chia sẻ trên Internet, trong đó có trang Facebook của Người Việt Online, các đại diện ban tổ chức long trọng tuyên bố rằng ba nhà hoạt động được vinh danh vì “sự hy sinh và đóng góp” của họ trong cuộc tranh đấu “bảo vệ công lý và quyền làm người” cũng như “bảo vệ người lao động và ngư dân” ở Việt Nam.
Việc ba nhà hoạt động được chọn để nhận giải thưởng đã được công bố trong một thông cáo báo chí của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam hôm 30/11.
Theo thông cáo, kỹ sư Hoàng Đức Bình, 35 tuổi, là một nhà hoạt động tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, bảo vệ môi trường, và giúp dân khiếu kiện vụ Formosa gây thảm họa môi trường biển ở miền trung Việt Nam.
Các hoạt động gây nhiều tiếng vang nhất của ông diễn ra từ tháng 11/2015 cho đến khi ông bị công an Việt Nam bắt vào giữa tháng 5/2017. Đầu tháng 2 năm nay, một tòa án đã kết án ông 14 năm tù.
Vẫn theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, bà Trần Thị Nga, 41 tuổi, đã giúp đỡ những người lao động gặp nạn tại Đài Loan từ năm 2008-2010. Bên cạnh đó, bà cũng tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc chiếm biển đảo Việt Nam và phản đối Formosa xả thải hủy diệt môi trường.
Vì các hoạt động đó, bà Nga bị công an bắt vào tháng 1/2017 và đến tháng 7 cùng năm bị kết án 9 năm tù.
Nhà báo và blogger Phạm Đoan Trang, 40 tuổi, thực hiện nhiều hoạt động vì tiến bộ xã hội từ năm 2011, theo thông cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.
Bà đã tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, tham gia các cuộc vận động trong và ngoài nước cho nhân quyền ở Việt Nam, tổ chức các lớp đào tạo về báo chí, chính trị học, chính sách công quyền cho các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam. Bà cũng tham gia chiến dịch có tên “Cứu dân cứu biển” sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra hồi năm 2016.
Cả hai bà Nga và Trang đều “bị công an đánh đập đến tàn tật”, theo những cáo buộc của hai bà và nhiều nhà hoạt động khác.
Chia sẻ suy nghĩ của bà về việc được vinh danh với giải thưởng nhân quyền năm nay, bà Phạm Đoan Trang viết cho VOA qua email rằng trong khi bà “trân trọng cảm ơn” Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, tổ chức của những người Việt hải ngoại “luôn ủng hộ và sát cánh” bên người Việt trong nước trong cuộc chiến đấu bền bỉ vì nhân quyền, dân chủ cho Việt Nam, song bà “cũng không nén được cảm giác ngại và buồn”.
Bà giải thích rằng bà có cảm xúc như vậy vì thực tế là hai trong ba người nhận giải nhân quyền 2018 hiện đang ngồi tù, hơn nữa, ngoài ông Bình và bà Nga ra, hàng trăm người khác cũng đang ngồi tù vì các tội do nhà nước công an trị khép, và “không được nhận giải thưởng nào, thậm chí không được ai biết đến”.
Trong email gửi VOA, bà Trang bày tỏ rằng “cũng không ai trong chúng ta nên vui” vì theo bà khi một người Việt Nam được chúc mừng về một giải thưởng nhân quyền nào đó, “chúng ta đều nên hiểu rằng điều đó chỉ chứng tỏ đất nước này đang trải qua những năm tháng đen tối đến mức nào”, và thực tế đó “chẳng có gì đáng mừng”.
… giải pháp chung phải là làm sao để tất cả tù nhân lương tâm đều được giải thoát và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa (cũng như không còn dân oan). Điều đó chỉ có thể có được với một thể chế mới, một chính quyền mới.
Nhà hoạt động nữ nhấn mạnh là “cái thực tế ấy” cũng là lời nhắc nhở những người nhận giải và mọi người khác rằng “có rất, rất nhiều việc phải làm”.
Bà cũng đưa ra quan điểm rằng giải pháp để tất cả tù nhân lương tâm đều được trả tự do và Việt Nam không còn tù nhân lương tâm nữa, không còn nạn nhân của bất công xã hội nữa chỉ có thể đạt được “với một thể chế mới, một chính quyền mới”.
Vẫn trong email với VOA, bà Trang khẳng định “cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn” và bà cần “sự ủng hộ của tất cả những người đồng ý với tôi rằng Việt Nam phải thay đổi”.
Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân Quyền Việt Nam đã được trao hàng năm cho tổng cộng tính đến nay là 42 cá nhân và 3 tổ chức có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải thưởng này còn là một cơ hội để người Việt hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những nhà hoạt động tại quê nhà.
Cũng tại buổi lễ hôm 9/12 ở Westminster, California, Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn giáo Việt Nam cùng với Phong trào Yểm trợ Tự do Tôn giáo và Nhân quyền Việt Nam đã trao Giải Dân quyền cho 4 người Việt tham gia “ngày tổng biểu tình” 10/6/2018, ông Phạm Trần Anh, Chủ tịch của Hội cho VOA biết.
Những người nhận Giải Dân quyền gồm ông Hứa Hoàng Anh, bị đánh tử vong tại nhà và có cáo buộc rằng vụ này do công an ra tay; 2 người bị đánh trọng thương là các ông Huỳnh Tấn Tuyên, Đinh văn Hải; và ông Đoàn Huy Chương, Phó Chủ tịch Phong trào Lao động Việt, người bị bỏ tù 2 lần tổng cộng gần 10 năm tù.
Hội Ái hữu Tù nhân Chính Trị và Tôn giáo Việt Nam cũng gửi 50 phần quà Cây Mùa xuân Dân chủ tới những người bị xử án nặng nề sau cuộc biểu tình ngày 10/6, theo ông Phạm Trần Anh.
Trong một diễn biến liên quan đến việc kỷ niệm ngày Nhân quyền Quốc tế, 10/12, và cũng là 70 năm ngày thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink đã chia sẻ trên trang Facebook chính thức mang tên ông một video trong đó 21 đại sứ và phó đại sứ của các sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn Nhân quyền bằng tiếng mẹ đẻ của họ.
Đại sứ Mỹ cho biết đây là một cách để “tôn vinh các quyền phổ quát, vĩnh cửu và không thể tách rời” và ông kêu gọi những người sử dụng mạng xã hội “cùng chia sẻ video này”.