« Anh Ba Sàm » : Có quá nhiều điều để nói về những góc tối của xã hội

0
257
Blogger Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi chúc mừng trong ngày đầu tiên được trả tự do, 05/05/2019. FB Nguyễn Lân Thắng
RFI /  07-05-2019
Trong ngày tự do đầu tiên, nhà riêng của ông bị canh giữ gắt gao, nhưng đến hôm nay ông Nguyễn Hữu Vinh đã có thể trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

RFI : Kính chào « Anh Ba Sàm » Nguyễn Hữu Vinh, trước hết xin chúc mừng anh đã được tự do

Tôi xin chào chị và gởi lời chào đến ban biên tập đài RFI và toàn bộ khán thính giả của đài, và cũng rất cám ơn mọi người trong 5 năm qua đã rất quan tâm ủng hộ tôi. Ngày trở về tôi rất mừng và sẵn sàng chia sẻ với mọi người, rút ra những kinh nghiệm trong thời gian qua.

« Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại », cảm tưởng của anh trong thời gian qua ra sao ?

Rất thú vị khi mào đầu tôi được nghe câu thơ này. Thú vị ở chỗ là trong giai đoạn đầu tôi có cảm hứng làm thơ, và có một bài tôi trích câu này ra, với ý là câu này không phải với ai cũng đúng. Với tôi thì không phải như thế, một ngày tù của tôi, tôi có cảm giác nó đi rất nhanh. Một lý do quan trọng là mình tận dụng triệt để thời gian trong tù, ở cả hai giai đoạn tạm giam và thi hành án.

Có lần vợ tôi cũng đã chia sẻ với mọi người qua đài, qua mạng là tôi rất bận rộn, thật sự là như thế. Kể cả ngày cuối cùng, đúng ra đã được tự do rồi mà mình cũng phải tận dụng, đến 10 giờ sáng ngày 5/5 mới bước ra khỏi nhà tù. Từ sáng sớm cho đến lúc đó cũng bận rộn kinh khủng, nhưng cũng cho mình thêm rất nhiều thông tin để sau này nói cho mọi người hiểu về một cái góc tối nhất của xã hội Việt Nam.

Thưa, như vậy anh vẫn làm nhiều việc trong tù, anh có thể cho biết cụ thể hơn không ạ ?

Năm năm qua có thể chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng hai năm rưỡi. Giai đoạn đầu là giai đoạn tố tụng, tạm giam ở B14 và kết thúc bằng bản án. Giai đoạn thứ hai là thi hành án : sau khi bản án có hiệu lực, tôi về Trại 5.

Có thể nói ngay về ngày tôi bị bắt, ngày 05/05/2014. Tôi tập trung nói về chuyện tố tụng thôi, có thể để lại kinh nghiệm cho người dân bình thường biết đâu sẽ có ngày vướng vào vòng lao lý về chuyện trên mạng, nhất là từ khi có Luật An ninh mạng đến giờ. Có văn bản quy định là thao tác của cán bộ điều tra phải như thế nào, nhưng sau này luật sư mới nói, còn khi đó tôi không thể biết những văn bản ấy.

Suốt từ khoảng 10 giờ sáng cho đến 5,6 giờ chiều, họ tùy ý sử dụng máy tính của tôi và họ vào mạng internet. Họ tải không biết là từ máy tính của tôi hay từ đâu, in ra rất nhiều tài liệu. Trong thời gian đó tôi bị mệt, tôi nằm – trước đó họ đã biết rồi, họ cho người gọi điện vào cho tôi thì tôi không trả lời. Đến lúc họ vào thì không có ai bên cạnh tôi cả, không có ai giám sát, đến mười mấy cán bộ điều tra đi khắp các phòng nhà tôi. Cũng may là tôi không bị một cục ma túy nào sau đó được « tìm ra ».

Nhưng nặng nề nhất là họ đã kết nối máy tính của tôi trong 7,8 tiếng đồng hồ, họ muốn lấy cái gì ở đâu trên mạng về rồi có thể đổ tội cho tôi thoải mái. Cứ thế họ in. Đầu tiên họ dùng máy in của tôi nhưng không nổi, họ gọi đem máy in ở đơn vị họ đến, và in như một xưởng in ấn. Lúc đó tôi nằm ngoài salon, họ cứ thao tác trong phòng làm việc của tôi. Đó là điều mà tôi cho là nghiêm trọng nhất trong khâu thu thập tài liệu.

Đến khi kết thúc buổi chiều, họ niêm phong, làm biên bản rồi ký. Tôi bác bỏ hết, không công nhận biên bản đó, và cũng không ký vào thùng tang vật mà tất cả máy tính, điện thoại…của tôi họ cho vào đấy. Tôi nói cứ tự niêm phong, tất cả những gì các vị thu giữ tôi hoàn toàn không được chứng kiến nên tôi không biết.

Họ niêm phong rồi, lại có chuyện buồn cười nữa là tự nhiên có một cái điện thoại của tôi kêu. Họ có sáng kiến rút một con dao ra, rạch một đường ngang xương ở thân thùng tang vật đó, lấy điện thoại ra tắt đi rồi lấy băng keo dán vào. Đó, hai điều rất phi lý, vi phạm rất rõ trong thủ tục thu giữ tang vật.

Và sau đó thì như thế nào thưa anh?

Quá trình hỏi cung rồi làm việc trong thời gian rất dài, họ vi phạm nhiều. Tôi không thể nói kỹ mà chỉ nêu vài điều thôi.

Trong hai năm, tôi có khoảng 30 đơn khiếu nại về toàn bộ quá trình bắt giữ, thu thập tài liệu, hỏi cung đối với tôi. Họ gần như không cho các luật sư của tôi được tiếp cận, chỉ cho coi mỗi một đơn khiếu nại thôi. Đặc biệt là hai bản tự bào chữa làm rất công phu – thời gian ra hỏi cung tôi ngồi viết ngày này qua ngày khác rất kỹ, mất gần một tháng trời, dài 78 trang. Tất cả những cái đó luật sư tôi đều không được tiếp cận, trong khi luật pháp cho phép, không những thế còn được sao chép (photocopy) nữa. Kể cả khi ra tòa họ cũng bằng mọi cách không để tôi đưa cho các luật sư khi kết thúc phiên tòa.

Thậm chí còn vô nhân đạo nữa, tôi thấy là ác, ác quá ! Mặc dù kết thúc điều tra rồi, nhưng đến 10 tháng tôi không được gặp gia đình. Tiêu chuẩn một tháng được gửi một thư, nhưng cũng trong thời gian đó họ không gởi cho gia đình tôi và cũng không nói lý do gì cả. Có lần họ nói ỡm ờ, thì tôi thừa hiểu là tôi có những câu nói thể hiện tinh thần, ý chí của tôi. Với những câu đó có thể gia đình tôi sử dụng để tuyên truyền, làm cho cư dân mạng, độc giả, truyền thông, quần chúng nhân dân ở ngoài biết rằng tôi ở trong này không nhận tội và quyết đấu tranh đến cùng. Có khi một câu ngạn ngữ rất ngắn thôi mà họ cũng sợ.

Tất cả những cái đó thể hiện một sự quá yếu kém của một bộ máy, một hệ thống, một Nhà nước mà lẽ ra phải tỏ sức mạnh của chính nghĩa, thì lại sợ những điều nho nhỏ của một phạm nhân nho nhỏ như thế, phải nói là khiếp sợ. Đầy là một vài ví dụ trong thời gian tôi bị tạm giam.

Khi ra tòa anh có được đọc bản tự bào chữa đó không ?

Đáng lẽ phiên tòa sơ thẩm phải là phiên tòa tạo điều kiện rất tốt cho bị cáo và luật sư được tranh tụng với Viện Kiểm sát. Ở đây ngược lại. Bản bào chữa của tôi rất công phu, luật sư cho biết đừng nói những gì mà chủ tọa có thể gạt đi, nói là vấn đề này phiên sơ thẩm đã tranh tụng rồi, đã rõ rồi. Và cũng đừng có ham là được đọc toàn bộ 78 trang đó.

Tôi cũng biết thế nên cố hạn chế bớt, chỉ nói những phần rất quan trọng thôi. Nhưng tiếc rằng chủ tọa phiên tòa cứ tìm mọi cách áp chế, để cắt ngang xương những ý quan trọng của tôi mà không có lý do gì rõ ràng. Đặc biệt nhất là đại diện Viện Công tố không có một lời nào – tôi phải dùng từ « dám » – dám tranh cãi với tôi và các luật sư.

Cứ đọc nguyên văn bản kết tội như thế, không có khả năng đi vào tranh tụng chi tiết về những phi lý, mâu thuẫn trong cáo trạng và bản án. Họ không có một chút kiến thức gì về máy tính, còn internet thì càng không. Họ chỉ như những cái máy, được giao nhiệm vụ ra đó để đọc. Họ là những cái máy, để cãi bằng những câu chuẩn bị sẵn khi tranh tụng. Đó là những điều kém cỏi nhất của một phiên tòa.

Trong khi vụ án này không phải đơn giản…

Đây là một vụ án khá rắc rối về kỹ thuật, tạm gọi là về công nghệ thông tin. Cụ thể là cách hoạt động của một blog như thế nào, bởi vì đây là điều vô cùng quan trọng để kết tội người khác. Ví dụ cụ thể trường hợp tôi, kết tội tôi là người quản trị duy nhất của hai blog. Khi cáo buộc như thế thì họ phải có những lý luận có tính chất kỹ thuật để người ta có thể hiểu được điều đó là có lý. Nhưng lý luận của họ rất kém và tự mâu thuẫn với nhau.

Trong bản tự bào chữa tôi đã viết ra, phân tích là chính họ tự mâu thuẫn với họ, giả vờ là không biết gì về kỹ thuật hoạt động của một blog. Tôi khẳng định là có vô số người có thể tham gia, với các cấp độ khác nhau, có thể nhiều người cùng quản trị chính được, vân vân. Trong quá trình hỏi cung phải có khâu thực nghiệm điều tra.

Nói để cho độc giả dễ hiểu, là đem một cái máy tính ra kết nối internet. Cán bộ điều tra kỹ thuật lập nên một trang blog, và login để quản trị trang đó. Một thao tác khác là cho người bị can thử làm theo cách của mình, xem kết luận của cáo trạng có đúng hay không.

Họ chỉ viện dẫn là hệ thống WordPress lúc ấy tôi dùng hệ thống bảo mật hai lớp qua điện thoại di động, nên chỉ có người có số điện thoại ấy mới có thể quản trị được trang đó. Nhưng họ lại tự mâu thuẫn ở chỗ nói là cô Minh Thúy cũng tham gia đăng bài, sửa bài…Thế thì có nghĩa là có hai người được tham gia chứ không phải là một !

Thứ nhất, thực nghiệm điều tra, tôi đã đề nghị nhiều lần nhưng họ không dám. Thứ hai, tôi và các luật sư của tôi yêu cầu tòa cung cấp luôn một máy laptop, đem ra tòa để tôi trình diễn vào một trang blog theo đúng trình tự như thế : bảo mật hai lớp nhưng có người khác cùng tham gia quản trị.

Trong đó có những tình tiết mà họ giả vờ không biết, đó là người quản trị chính có thể mời những người khác cùng tham gia với họ bằng cách gởi tin nhắn đến hộp thư, cho những người đó cùng quản trị ở những cấp độ khác nhau. Có người chỉ được đăng bài thôi, nhưng có người được sửa, xóa bài…Đơn giản thôi, muốn biết điều tôi nói có đúng hay không, cần xem trang chủ của blog Chép Sử Việt và blog Diễn đàn Xã hội Dân sự. Có những bài đăng, trên bài có thể hiện người đăng số 01, 02, 03…chính là mã tên của biên tập viên phụ được mời đến để đăng bài thêm. Chỉ cần nhìn thế thôi là biết blog này có từng ấy người tham gia quản trị.

Nói sơ như thế để thấy cách họ điều tra, điều khiển phiên tòa, cứ tránh né, giả ngô giả nghê để cố buộc tội là buộc tội thôi, không tranh cãi gì hết. Họ lại vừa đưa ra những người chẳng có kiến thức gì hết, kể cả tòa, cứ thế mà buộc tội. Người ta nói án bỏ túi thì đúng là như thế. Và rất nhiều chuyện nữa.

Lúc ở trong tù anh có biết gì về bên ngoài không ?

Có ba kênh. Thứ nhất là thư từ, thứ hai là gọi điện thoại. Một tháng tôi được gửi hai thư, số thư của gia đình gửi thì có thể được nhiều, không hạn chế, nhưng họ tự đặt ra những quy định để kiểm duyệt và ngăn chặn thư một cách rất buồn cười. Gọi điện thì một tháng được gọi về nhà 5 phút, không nói được gì nhiều. Thứ ba là người nhà vào thăm mỗi tháng được một lần trong một tiếng đồng hồ, thông tin qua lại trong thời gian gặp gia đình tương đối dễ hơn là viết thư.

Thư thì cũng hơi giống như thời gian tạm giam ở B14. Nếu tôi thể hiện tinh thần, ý chí của tôi, những suy nghĩ về thời sự, về đất nước…Tức là có vẻ – tạm gọi là một người có suy nghĩ rộng – chứ không phải là một anh tù suốt ngày chỉ nói chuyện về ăn uống, ngủ nghê, hết sức ăn năn hối cải…ví dụ như thế, là tức khắc thư không được gửi đi. Liên tục nhiều tháng đầu tôi bị chặn lại 8 thư.

Cán bộ trại đổ cho trung tâm, tôi không chấp nhận và báo cho gia đình để phản ánh cho cơ quan quản lý ở trên và cho công luận biết. Không cho gửi phải có lý do chứ. Đến một ngày họ trả lại 8 cái thư, và nói miệng là chỗ này nói về Formosa (ôi, buồn cười thế), chỗ kia thì…(tôi không nhớ lắm, mỗi cái một kiểu). Sau ở phân trại nói không thể giải thích bằng miệng với phạm nhân này được. Thế là họ đánh một văn bản chỉ có mấy dòng thôi.

Cán bộ quản giáo của tôi đem văn bản ấy đọc cho tôi, mà tôi thấy ông ấy có vẻ xấu hổ. Ông chỉ lắp bắp mấy câu : Đây, Formosa, chuyện này không được đưa, không được viết. Tôi nói thế các ông định đi ngược lại đường lối chính sách của đảng hay sao. Đây là chuyện chấn động cả nước này, đển cả quốc tế, báo chí viết biết bao nhiêu, phải bồi thường v.v…Một vụ khủng khiếp như thế thì tại sao lại không viết ?

Xin lỗi, nhiều khi tôi bực, tôi nói tôi là một thằng tù đang bị các vị giáo dục cải tạo, mà tại sao tôi có nhận thức, tình cảm, ý thức trách nhiệm đối với đất nước, với đồng bào của mình như thế. Tại sao tôi lại không được biết và được bàn chuyện ấy ? Mà tôi bàn có sai gì không ? Hoàn toàn không sai gì cả ! Hoàn toàn loanh quanh những vấn đề mà báo chí người ta đã đưa tin và cũng đã bình luận.

Thế thì sau họ cũng không trả lời gì luôn, họ muốn giữ cái thư nào thì họ giữ. Hết ! Tổng cộng trong hai năm rưỡi ở trại 5, tôi viết ra gần 100 lá thư cho gia đình – vì chỉ được viết cho gia đình thôi, và họ hàng rất gần. Có dăm bảy lá thư cho các vị lãnh đạo nhà nước và ngành công an.

Gần đây sắp tới ngày ra tôi cũng có mấy bài thơ. Tôi biết là họ sẽ khó chịu đấy. Thì đúng là như thế, họ trả lại không cho gửi và cũng không giải thích gì hết. Cán bộ quản giáo chỉ nhấm nha nhấm nháy là thôi, mấy bài thơ này anh nhớ rồi, về nhà đọc. Cùng lắm là ra gặp chị ấy, anh đọc. Thế nên tôi chấp nhận.

Thưa anh, hỏi bây giờ có lẽ hơi sớm, nhưng anh có dự định nào cho tương lai chưa ? Được biết anh đã bị tịch thu hơn 1.000 trang ghi chép trong tù ?

Một điều rất quan trọng là phải chuyển tải những gì mình biết được trong suốt năm năm qua để cho độc giả, công luận nói chung, các cơ quan tổ chức, kể cả nhà nước Việt Nam nữa, hiểu về một góc tối ấy của xã hội. Có quá nhiều điều để nói !

Số tài liệu hơn 1.000 trang họ thu giữ để kiểm duyệt, là một trong những cố gắng của tôi, để ghi lại những diễn biến. Mà đấy cũng chỉ là những chỉ mục, để khi đọc lại những ghi chép trong sổ tôi sẽ nhớ ra rất nhiều điều xung quanh. Tất cả là những gì tạm gọi là cọ sát với cuộc sống lao tù, với các cơ quan hữu quan, kể cả những tương tác với các người tù khác, với gia đình ở bên ngoài, kể cả những người vào thăm tôi mà không phải là người thân. Đem tất cả những cái đó để mà vẽ lên một bức tranh.

Đấy là điều mà tôi nghĩ là tôi phải làm. Và làm theo cách gì ? Thì đây, như hôm nay trả lời phỏng vấn chị cũng là một cách để chuyển tải một phần, một chút chút về thời gian ở đó. Còn sau này phân bố thời gian công việc, làm dần và làm trước cái gì thì tôi đang phải suy nghĩ tiếp, và có lẽ phải tham khảo mọi người để tìm ra phương pháp hợp lý.

Quan trọng nữa là tôi phải nạp thông tin ở bên ngoài để giúp mình lựa chọn tốt hơn. Còn những việc khác, thì đương nhiên là rất nhiều việc tôi muốn làm. Hai hôm nay tôi vào mạng, rồi mọi người đến thăm, trao đổi chuyện trò rất nhiều. Tôi liên tục nghĩ về tình hình ở ngoài. Thời gian gần đây tôi thấy có nhiều biến động trong nước Việt Nam cũng như quốc tế rất đáng chú ý có nhiều cái hay, có lẽ là hay với tốt nhiều hơn. Cả về công nghệ cũng thế, ở trên mạng, báo chí, truyền thông, trang mạng xã hội, hoạt động và sự quan tâm của người dân thay đổi khá nhiều. Gu của họ đổi khác ra sao và luật an ninh mạng ra có những khó khăn gì, tôi phải tìm hiểu, suy nghĩ rất nhiều. Nhưng ham thích của tôi không hề thay đổi, và càng ngày càng tăng so với ngày trước.

Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Hữu Vinh tức Anh Ba Sàm đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.

Blogger Nguyễn Hữu Vinh – Việt Nam 07/05/2019 – Thụy My Nghe
491610cookie-check« Anh Ba Sàm » : Có quá nhiều điều để nói về những góc tối của xã hội