Đỗ Ngọc (Vancouver)
Được cô giáo Phượng Loan nhắn viết, tôi giật mình bởi… xấu hổ!
Đáng lẽ việc này tôi phải làm từ lâu. Lâu là bao lâu?
Là 17 năm trước, khi gia đình cặp bạn báo chí dân chủ – chồng Phạm Ngọc Cương, vợ Phạm Phương Lan và hai cháu gái Trang, Hạnh (nay gia đình này góp cho đời trên xứ Canada thêm cậu con trai tên Quang) – từ Ba Lan đến định cư tại thành phố Toronto mà gia đình tôi may mắn được đón tiếp trong những tuần đầu tiên. Hai vợ chồng Cương & Lan cùng tốt nghiệp tiến sĩ (tâm lý/giáo dục) ở Nga, cùng không trở về Việt Nam làm việc, cùng làm báo Đàn Chim Việt ở Ba Lan mà Lan là Tổng biên tập đầu tiên.
Vì là người đi trước (vài bước nho nhỏ thôi), lại là bạn bè khi đó cũng vừa đủ thân tình, tôi đã mau mắn giới thiệu Cương & Lan với bạn hữu báo chí, văn nghệ, dân chủ của mình ở Toronto, Montréal và Vancouver. Với ai, tôi cũng nói, đại ý: “Mắt tôi cận lòi ra, nhìn nhầm lung tung, từ cuộc đời đến chữ nghĩa. Nhưng với hai bạn đây và cái gia đình nho nhỏ này, tin là không nhầm: Họ sẽ là niềm tự hào không nhỏ của người Việt ra đi từ các nước Đông Âu tại Bắc Mỹ, tại Canada cho mà xem”.
Nhờ Trời xác minh “mắt” tôi vụ này quả không nhầm: Sự kiện rõ nhất là Adam Phạm Ngọc Cương, trong tư cách đại diện Đảng Bảo thủ Cấp tiến PC, đang tranh cử vào nghị viện Ontario vào ngày 7 tháng Sáu tới. Niềm tự hào chung không chỉ với cộng đồng người Việt ở Canada mà toàn hải ngoại – nơi người Việt Đông Âu từ lâu đã một thành phần đáng kể!
Là chừng suốt gần 20 năm qua, như một nhà báo – bỉnh bút, Phạm Ngọc Cương đã là chủ nhân của ngót 50 chục bài báo vì dân chủ và nhân quyền, vì cuộc tranh đấu chống nền độc tài đảng trị ở Việt Nam (mà tôi hiện còn giữ khá đủ những bài trong hơn 10 năm qua, vì gần như bài nào Cương cũng thảy đến “tra tấn” tôi đọc giùm, bất kể nhận kể những khen chê thả giàn mà khi chê thì lời lẽ không nhẹ nhàng cho lắm). Nhiều bài xuất sắc hiện diện trên trang mạng nổi tiếng Một Góc Nhìn Khác của nhà báo Trương Duy Nhất cùng một số diễn đàn có ảnh hưởng lớn (như Dân Luận).
Là chừng 4-5 năm trước, như người khởi xướng và chủ trì quỹ Ngòi Bút Tự Do nhằm yểm trợ và vinh danh những người tranh đấu dân chủ – nhân quyền, Phạm Ngọc Cương đã thảo những phương hướng và mục đích chương trình khá dài hơi. Và quỹ Ngòi Bút Tự Do vẫn đang hoạt động dù không “nổi đình đám” do đặc thù riêng của mình nhằm bảo vệ những người được vinh danh.
Là chừng mùa hè năm 2016, một lần nữa có cuộc gặp gỡ và du hành hiếm có với nhà báo – người tù lương tâm Trương Duy Nhất sau khi ra tù được Cương & Lan mời sang Canada chơi. Tôi cũng lại may mắn được làm một khách xa của gia đình “tam đại đồng đường” ấy trong mùa hè nhộn nhịp và đằm thắm khó có thể quên. Quên sao được cái khuôn viên sau nhà đã là địa chỉ xanh cho nhiều đợt khách yêu dân chủ từ mọi thành phần xã hội ở 3 miền Tổ quốc Việt Nam cũng như tại Canada qua các cuộc bàn luận tình hình đất nước thâu đêm suốt sáng!
Là chừng cuối năm qua khi biết gia đình Adam Phạm Ngọc Cương, nhân kỷ niệm 150 năm đất nước Canada thành lập, đã tặng 150 gia đình bữa ăn Giáng sinh ấm áp trong một ngày đông trắng xoá.
Là chừng cuối tháng 2 vừa qua lúc vừa được đọc tin nhắn rằng, Phạm Ngọc Cương đã thắng ngoạn mục vòng tranh cử sơ bộ trong đảng Bảo Thủ Cấp Tiến PC Ontario để trở thành người đại diện cho đảng tại vùng Parkdale-High Park.
… Và còn nhiều cái “Là…” nữa khiến tôi thấy cần phải viết.
Nhưng tôi chưa viết, mà vẫn quan sát, theo dõi những gì có thể về bạn mình; từ kiếm sống làm ăn, nuôi dạy con cái đến chuyện “đại sự” như trên. Tôi muốn dành các quan tâm riêng và dài lâu cho một cuốn sách của mình mà Phạm Ngọc Cương đang là một trong rất nhiều nhân vật. Thế nên tôi chậm viết.
Cũng có lý do phụ: Viết về người có xuất xứ như mình (sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, ra đi từ Đông Âu), lại có quan hệ thân thiết nhiều khi hơn cả anh em trong nhà, không khéo dễ thành… mèo khen mèo dài đuôi.
Để thấy việc viết này cực chẳng đã, khi mà Adam Phạm Ngọc Cương đang bị công kích một cách vô lý và mạnh bạo từ chính đồng hương của mình, chỉ vì anh đang tham gia một cách chuyên nghiệp và sâu rộng vào chính trường Canada.
Tôi không nhắc lại các sự vụ, dù là điển hình, trong khi dưới tay có hàng chục bài vở, tin tức… Cũng không “bênh” Adam Phạm Ngọc Cương. Vì sao? Phần vì đã có không ít bài viết chẳng những chính xác mà còn thuyết phục, như của cựu sĩ quan Quân lực VNCH, nhà thơ-nhạc sĩ Phan Ni Tấn, cô giáo Phượng Loan, bác sĩ Bùi Thanh Phong, v.v….
Song, lý do chính là ở chỗ này…
Bất kỳ người Việt nào sống ở hải ngoại không cần nhiều năm, có giao thiệp, quan hệ ít nhiều trong sinh hoạt cộng đồng, về mặt báo chí, dư luận, từ chuyện chính trị đến việc thiện nguyện Việt Nam, thì sẽ hoàn toàn không ngạc nhiên trước các hành vi phi dân chủ, phản văn minh (và trong nhiều trường hợp còn vi phạm pháp luật) mà Adam Phạm Ngọc Cương đang lãnh đủ.
Cá nhân tôi – cũng như không ít người – thấy việc đó cũng bình thường!
Bình thường trong cái bất bình thường vốn an cư nơi cách sống của người Việt từ lâu, dẫu ra xứ sở khác cũng không khác đi.
Bình thường trong cái bất bình thường ở xã hội, lịch sử Việt hàng ngàn năm qua mà cuộc di tản đầy máu và nước mắt sau ngày 30-4-1975 là một trong ít các vết đau tê tái nhất, dẫu hơn 40 năm qua chưa thể dịu vơi.
Bình thường trong cái bất bình thường của cái gọi là địa-chính trị Nam-Bắc mà dải đất hình chữ S thương đau lãnh đủ suốt ngàn năm mở mang bờ cõi dựng nước và giữ nước.
Giao thiệp, làm việc, cộng tác cùng nhau có thể nói gần như từ A đến Z với những chiều tâm sự hỉ hả “chén chú chén anh” bên trời biển California, với những cuộc đấu khẩu rung cả… tay lái xe hơi trên đường dốc Vancouver, tôi nghĩ mình đã hiểu bạn mình.
Adam Phạm Ngọc Cương là người thụ đắc học vấn cao mà không hề xa lạ với các lao động chân tay, có kinh nghiệm trải dài theo đủ loại xã hội của thế giới hiện đại, có thành công nổi bật về kinh doanh trong thời gian ngắn dẫu bị nhiều bất lợi, có bán kính hoạt động báo chí và bạn viết rộng khắp trong-ngoài Việt Nam, có quan hệ gia đình mang tính quốc tế cùng bạn hữu tốt lành và đa dạng; và nhất là có viễn kiến chính trị thế giới và Việt Nam cùng lòng can đảm nhận trách nhiệm xã hội. Chữ quen dùng, đó là một người “dấn thân” theo nghĩa đầy đủ nhất của nó.
Thế nên, anh dư hiểu – và trên thực tế anh đã hiểu – những thách thức, đố kỵ, hiềm khích, thậm chí chơi bẩn, đang có giữa một số cá nhân, hay nhóm người Việt nào đó với cá nhân anh nhằm giữa một cuộc chạy đua dân chủ của đất nước Canada, âu cũng là một điều phải chấp nhận.
Thì cũng như bao thách thức, đố kỵ, hiềm khích, chơi bẩn khác trên chính trường nhân loại cổ kim đông tây và ngay cả tại xứ sở Canada văn minh cỡ hàng đầu này!
“Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió!” – Đó là lời nhắn tới nhà văn danh tiếng Nguyễn Huy Thiệp thuở vào nghề với các tác phẩm tạo dư luận tranh cãi ở Việt Nam thời 1990s từ Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, một nhà văn hóa lớn, nhà phê bình tiến bộ nhất của văn học Việt Nam nhiều thập kỷ qua.
Người viết bài này đâu dám mượn lời thâm sâu ấy cho suy nghĩ mọn của mình, dẫu để nói về cái sự vụ không hề mọn mà chúng ta đang chứng kiến theo hai thái cực – “vấn đề Adam Phạm Ngọc Cương”.
Có điều, tôi thấy đau. Đau trên cơ thể Việt Nam. Vì tôi là một người Việt Nam.
Quý vị và các bạn hẳn cũng vậy? Mà có thể còn hơn vậy nữa!
Vancouver, 17/5/2018
Đỗ Ngọc