Lời BBT: Trong bài “Định hướng tương lai với thế hệ Tăng sỹ trẻ“ của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, nói với Tăng Sinh Thừa Thiên Huế hơn một năm trước đây, trong đó Thượng tọa đã kể lại một vài chi tiết mà thiết nghĩ chúng ta ngày nay đọc lại không tránh được nỗi trạnh lòng khi nghĩ về Ôn Già Làm, bằng tâm Từ Bi vô lượng và hạnh nguyện Nhẫn Nhục Vô Úy bất thối. Ngài đã “nhẫn nhục” để chèo chống con thuyền Đạo Pháp giữa cơn bão tố phong ba..
…Bây giờ nói đến sự kế thừa. Hồi trong thời kỳ căng thẳng, khi Phật học viện giải tán rồi, tôi có nói với Ôn Già Lam, “Ôn nhìn xuống còn có đám tụi con” – nghĩa là còn có những học trò có khả năng, giỏi, kế thừa được – còn tụi con nhìn xuống thì chưa thấy ai cả. Mà Ôn cũng thấy như vậy, Ôn nói đúng, “tui có phước hơn mấy thầy”. Tức là, những năm đó tan rã hết, mấy thầy không còn ai, mà sau này Ôn phải nói là “tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”. Đến bây giờ nhắc lại tôi vẫn còn muốn rơi nước mắt: “tôi già rồi, tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”.Mà chính vì đó, bằng mọi giá – tôi đã trình với Ôn – cái sức mạnh của Phật giáo không phải là chính trị, mà là văn hóa và xã hội, mà giáo dục là hàng đầu. Có thể mất cái gì cũng được nhưng không thể để một ngày mà không giáo dục Tăng ni. Thành ra bằng mọi cách mình phải lập lại trường học; dưới mọi hình thức phải có trường học. Nhưng mà đương nhiên mình học rồi mình dạy, thầy truyền trò, chứ không thể có bất cứ nguời nào muốn mình dạy sao cũng được. Còn như nếu tôi không được dạy theo ý kiến của tôi, theo sự hiểu biết của tôi, mà đằng sau tôi có người biểu phải dạy thế này, thế kia, thì không bao giờ tôi đi dạy. Nếu sau lưng tôi là quý thầy quý Ôn thì được, tôi còn quay lại mà trình bày; nhưng nếu đằng sau đó là ai đó, là chính quền, hay thế lực, mà ra lệnh, thì tôi không thể dạy…”
“… Tôi nói cái nguyên nhân khai sinh ra GHPGVN, và từ khi giáo hội này ra đời. Đó là thời kỳ rất căng thẳng. Lúc đó Hòa Thượng Trí Thủ làm Viện trưởng, và có hôm đi họp về ông kể lại với tôi là tiếp xúc với chính quyền – hồi đó Mai Chí Thọ làm chủ tịch UBND TP. HCM – họ căng thẳng với các thầy bên Viện Hoá đạo quá. Ông Mai Chí Thọ nói thế này: “các thầy chỉ có hai con đường: một là theo hai là chống. Các thầy theo, chúng tôi dành nhiều thứ yểm trợ các thầy; còn các thầy chống, chúng tôi có đủ xe tăng thiết giáp, các thầy muốn chống thì chống đi!” Cả hai cái đối với mình đều sai cả. Đó là thái độ hăm dọa, mà Hòa thượng cũng nói rõ: “theo chúng tôi không theo, mà chống chúng tôi cũng không chống”. Nhưng họ nói không có con đường thứ ba. Rồi cho tới khi vận động thành lập thống nhất… tôi chỉ nói tâm trạng của Hoà thuợng, Ôn rất căng thẳng. Nghĩa là Ôn không muốn làm nữa, dưới áp lực như vậy của chính phủ hoàn toàn Ôn không muốn làm. Có hôm tôi dậy lúc 3g30. Hôm đó mới thức dậy, thì thị giả lên thưa với tôi ôn dậy từ lúc 2g00, Ôn chờ thầy, và Ôn mời thầy qua uống trà. Tôi qua nói chuyện với ôn. Ôn bảo muốn rút lui, Ôn chịu không nỗi vấn đề này. Thì tôi có ý kiến. Tôi nói hoặc Hoà thượng tiếp tục làm, hoặc Hoà thượng ra lãnh đạo giáo hội mới. Thì đó là ý kiến của tôi chứ tôi không xúi Hoà thượng, mà tôi có xúi cũng chưa chắc Ôn nghe, Ôn có quyết định của Ôn chứ. Rõ ràng Ôn còn thắc mắc chuyện này, mà ở đây có thầy Thái Hoà chắc nhiều lần có nghe Ôn nói, “tôi sẽ chịu nhục cho mấy thầy làm việc”. Rồi thì, trong thời kỳ thảo luận bàn về hiến chương, Hoà thượng hay về bàn với tôi và thầy Thát. Trong đó có một điều khoản thế này: GHPGVN là thành viên của MTTQVN. Cả tôi với Ôn với thầy Thát thấy không thể chấp nhận được. Vì trên lý thuyết, Mặt trận tổ quốc là một tổ chức chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của đảng, mà Phật giáo không làm chính trị. Nếu vô đó nó trở thành một tổ chức chính trị chứ không còn là giáo hội Phật giáo, nên Hoà thượng cương quyết chống. Họ thuyết phục rất nhiều. Ban đầu là thành phố, không được. Sau họ sai bà Ngô Bá Thành, là luật sư, lên thuyết phục, nói lý với Hoà thượng. Sau Ôn kể lại với tôi, Ngô Bá Thành lên đây nói với Ôn về cái chuyện đó. Ôn bảo mình thì không cãi luật lại Ngô Bá Thành rồi, người ta là luật sư mà, nhưng Ôn nói như vầy: “trong Mặt trận có hội liên hiệp phụ nữ, liên hiệp thanh niên… mà giáo hội tui toàn là cao Tăng, đại đức mà biểu chúng tôi ngồi chung với mấy bà thì làm sao chúng tôi ngồi?” Bà Ngô Bá Thành không trả lời được. Ôn đơn giản lý luận chừng đó thôi. Nhưng mấy thầy biết, qua cách lý luận đó mấy thầy thấy cái vị trí giáo hội như thế nào. Ôn không cần luật mà Ôn nói một cách cụ thể, để tránh luật mà. Cho nên, cần phải biết cái vị trí của GHPGVN như thế nào: nó chỉ là một hiệp hội, tuy cũng dùng hai chữ Giáo hội như bên đây thôi. Nhưng họ có nhiều cách đánh tráo. Khi dịch ra tiếng Anh người ta không dịch Giáo hội – nói trong tiếng Anh không có chữ Giáo hội, mà dùng chữ Association, một hiệp hội, như Association of women: hội liên hiệp phụ nữ; ngang nhau! Một Giáo hội với hội LH phụ nữ, LH công nông v.v… ngang nhau. Như vậy thì nói mình lãnh đạo ai? Ôn chủ tịch Giáo hội cũng như bà chủ tịch hội phụ nữ, trong Mặt trận ngồi ngang nhau, thì nói ông lãnh đạo tui sao được? Hoà thượng thấy liền, Ôn không chịu. Thì họ không nói nữa. Sau ra Hà nội họp, họ vẫn đề nghị lại, nhưng Ôn chống tới cùng, và nói nếu không được thì thà Ôn từ chức. Bên Mặt trận, Ban tôn giáo, thuyết phục không được, chính phủ thuyết phục không được, đảng cũng không được; Ôn cương quyết. Đó là giai đoạn căng nhất của Hoà thượng. Mà Ôn già rồi. Mà mình biết, Ôn là người chơn chất tu hành không biết thủ đoạn chính trị, không có một khả năng chính trị nào hết. Ôn không có khả năng đối phó; không thích thì Ôn lầm lì, thế thôi. Thế nhưng lúc đó không có một thầy nào yểm trợ Hoà thượng, họ xa lánh Hoà thượng. Ngay cả Ôn Từ Đàm lúc đó cũng sợ không dám nói chuyện với Hoà thượng. Mấy ngày liền Ôn ở một mình. Mình phải hiểu tâm trạng của ông già lúc đó: không ai đến với Ôn hết, không dám nói chuyện với Ôn, sợ liên luỵ, sợ người ta nói mình xúi giục Ôn vì Ôn vẫn cương quyết, một mình cũng cương quyết không chấp nhận. Mà mình biết Hoà thượng rồi, Ôn tu hành đức độ thì có, mà khả năng ăn nói hay đối phó không có bao nhiêu, đối với cái tập thể chính trị họ nhiều thủ đoạn như vậy, mà Ôn vẫn cương quyết. Cuối cùng họ sợ Ôn từ chức, họ chấp nhận thế này: để là CÓ thành viên trong MTTQ. Ôn chấp nhận; CÓ chứ không phải LÀ CÓ thì ai muốn vô thì vô, khi cần thì mình cử người vô, không thì thôi. Vậy nên Ôn chấp nhận. Sau về Ôn kể với tôi, lúc đó thầy Từ Hạnh là Tổng thư ký, đưa biên bản lên cho Ôn ký, Ôn thấy chữ “là thành viên”, Ôn bảo: “mấy thầy thấy tui già mấy thầy gạt tui; trước nói là CÓ, tại sao bây giờ để chữ LÀ? Tôi không ký!” Ký biên bản như vậy Ôn không ký. Mấy thầy thấy cái chuyện nó lắt léo như thế. Đó là chuyện khai sinh cái giáo hội…”
“…Rồi tới chuyện khác nữa. Cái này Ôn Già Lam đi họp về nói lại với tôi. Đó là vấn đề tổ chức cơ cấu. Trên đảng người ta chỉ cho mình tổ chức Ban trị sự (BTS) tới cấp tỉnh thôi, Hoà thượng mới nói, Phật tử chúng tôi người ta sinh hoạt ở thôn, xã chứ còn trên tỉnh chỉ có mấy thầy không hà. Nếu BTS chỉ ở cấp tỉnh thì chỉ có mấy thầy với nhau không, Giáo hội không lãnh đạo được Phật tử. Phải có BTS tới thôn, xã. Họ không chịu, ta cãi nhau căng, tới nỗi có lúc Ôn đập gậy lên bàn, Ôn đòi về. Ôn nói vì đây là trách nhiệm lịch sử của Ôn, không thể để cho lịch sử sau này lên án Ôn, chê cười Ôn. Sau họ chấp nhận cho tới quận, mà Ôn nói với tôi thế này, mình không thể làm căng được, mình đòi cho tới xã nhưng cuối cùng họ chỉ nhận tới quận thì tạm thời cũng được, rồi mình tranh đấu từ từ. Nhưng mà, trong này có hai điểm: Thứ nhất, tại sao lại phải đòi? Tổ chức của mình, mình làm đúng; nếu chỗ nào vi phạm chính sách thì nhà nước gạt bỏ, còn việc tổ chức sinh hoạt tui tổ chức tới đâu mặc kệ tui. Nếu vi phạm chính sách, phạm luật, thì phạt! Chứ không có chuyện xin; cái gì cũng xin phép, không có chuyện đó. Và điểm này nữa, thuộc về cái lắt léo của danh từ: cho tới quận, nhưng gọi là Ban đại diện (BĐD) chứ không phải BTS. Giáo hội thống nhất thì từ trên xuống dưới tới quận đều là BĐD. Mà như vậy, mấy thầy nếu có sinh hoạt mấy thầy biết đó, khi BTS tỉnh họp, các quận về họp vì là BĐD nên mấy thầy chỉ có quyền nghe và trình thôi, có nghĩa là mấy thầy không lãnh đạo được Phật tử mình dưới quận. Mà nếu mấy thầy không lãnh đạo thì ai vô đây? đương nhiên là mấy ông trong Mặt trận thôi. Rõ ràng là tổ chức thế nào để cho nhà nước vẫn kiểm soát Giáo hội. Tôi nói điều này có hơi xa đề một chút nhưng để mấy thầy hiểu cái vấn đề tổ chức. Sau này nếu ở vị trí lãnh đạo, ngay từ bây giờ mấy thầy phải ý thức được chuyện đó. (… hết mặt băng, thiếu 1 đoạn) … một cái Giáo hội cho có hiệu quả, và cái hình thức thế nào để đừng trở thành công cụ của bất cứ thế lực chính trị nào.
Hôm trước ở bên Châu Lâm ông Ngọc có lên thăm và nói chuyện, tôi cũng có nói vấn đề này: Vấn đề Giáo hội nằm trong Mặt trận, tôi không chấp nhận. Còn vấn đề liên hiệp giữa hai giáo hội. Tôi nói lập trường của chúng tôi là không có vấn đề liên hiệp. GHPGVN là thành viên của MTTQ, đó là một tổ chức chính trị; chúng tôi không làm chính trị, không liên hiệp với bất cứ tổ chức chính trị nào. Rồi người ta có nói rằng trong qui chế, trong hiến pháp mình thì đảng lãnh đạo tất cả. Tôi nói tôi biết điểm đó. Tôi còn biết Lenin đã nói “đảng phải thông qua tôn giáo để tập họp quần chúng”. Lenin nói, cán bộ cộng sản nào mà đàn áp tôn giáo là phản động. Lenin không chấp nhận chuyện đàn áp tôn giáo; trong cộng sản không có chuyện đàn áp tôn giáo, đó là Lenin đã chỉ thị. “đảng phải thông qua tôn giáo để tập họp quần chúng” có nghĩa là tôn giáo là một công cụ chính trị của đảng. Vì đảng không đủ khả năng tập họp, phải mượn tay tôn giáo tập họp dùm. Mà tôi không bao giờ để cho Phật giáo làm công cụ cho bất cứ đảng phái chính trị nào. Như Liên xô, một đảng phái chính trị, 70 năm thì sụp. Cứ cho là đảng CSVN tồn tại 1000 năm nữa đi, tôi cũng không bao giờ đem 2500 năm lịch sử truyền thừa Phật giáo ra làm công cụ cho bất cứ đảng phái nào. Tôi còn nói: “nếu mà lời nói này của tôi là tự đào hố chôn mình, tôi vẫn sẵn sàng tự chôn mình, chứ không thể chấp nhận chuyện đó. Còn nếu nói là luật pháp, đúng, tôi tôn trọng luật pháp, nhưng luật pháp mà xâm phạm lý tưởng của tôi, tôi không chấp nhận cái luật pháp đó, chứ đừng có dùng chư luật pháp với tôi”. Đúng là ở trong đất nước nào thì phải tôn trọng luật pháp đó, nhưng nếu tự mình đặt ra luật pháp để dùng luật pháp đó xâm phạm tới giá trị, xâm phạm lý tuởng của người khác thì tôi không chấp nhận luật pháp đó, tôi sẵn sàng chịu chết. Tôi đã từng đứng trước bản án tử hình rồi, tôi không sợ, tôi chấp nhận nó. Đây không phải tôi thách thức, mà là vấn đề lý tưởng của mình…”