Monday, December 23, 2024
HomeDIỄN ĐÀN100 năm máu đổ cho quyền sở hữu đất đai

100 năm máu đổ cho quyền sở hữu đất đai

LUẬT KHOA

100 năm qua, máu nhân dân vẫn đổ không ngừng.

Chúng ta ai cũng mong muốn được sống trong bình yên và no ấm. Nhưng hãy thử hình dung một lần, nếu rơi vào vị thế của những người dân bị chiếm đất, chúng ta sẽ làm gì?

Từ khi Việt Nam bị người Pháp cai trị cho đến ngày Đảng Cộng sản thâu tóm mọi quyền lực, số phận của người dân mất đất đều bi đát như nhau. Ở đó, nếu nạn nhân tiến một bước thì sẽ trở thành bị cáo với án tù hay án tử hình, còn nếu họ lùi một bước thì sẽ hoàn toàn trắng tay.

100 năm qua, người dân lành đã đi từ cánh đồng Nọc Nạn đến cánh đồng Sênh, từ làng Ninh Thạnh Lợi đến làng Lạc Nhuế, từ nổi dậy Tây Nguyên đến nổi dậy Thái Bình, từ tỉnh Đắk Nông đến tỉnh Hải Phòng, nhưng vẫn chưa có lối thoát nào cho quyền sở hữu đất đai.

Trong giới hạn của một bài viết, mời độc giả cùng nhìn lại số phận người Việt Nam qua 10 vụ tranh chấp đất đai gây chấn động dư luận trong 100 năm qua.


Một khu vực nông thôn tỉnh Rạch Giá vào những năm 1920. Ảnh: Manh Hai/Flickr.

1/10

Ninh Thạnh Lợi, tỉnh Rạch Giá

Thời gian tranh chấp: Tháng 1 – 5/1927

Diện tích tranh chấp: khoảng 300 mẫu

Bên thiệt hại: Chủ Chọt

Bên lấn đất: Cai tổng Tr.

Số người chết: 24

Địa điểm: Làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay địa bàn này thuộc tỉnh Bạc Liêu).

Hết lần này tới lần khác, quan chức địa phương rành rẽ luật trưng khẩn lại biết đường chạy chọt đã tìm cách chiếm 9/10 thửa đất ruộng của một ngôi làng Khmer này.

Dạo ấy, cai tổng Tr. cho xã trưởng làm giấy tờ trưng khẩn từng thửa đất nhỏ, rồi phạm vào khu đất 300 mẫu của một người gốc Tàu lai Khmer tên là Chọt. Ông chủ Chọt chẳng phải dạng dễ bị bắt nạt. Ông kiện xã trưởng và thắng kiện. Để bảo vệ ruộng trước thế lực của quan chức, chủ Chọt đã bắt đầu kế hoạch của mình.

Tháng 5/1927, một cai điền người Pháp giải tán một buổi lễ đeo bùa nhằm tăng sức mạnh cho lực lượng của chủ Chọt. Chủ Chọt liền bắt bốn người tá điền trên phần đất của cai điền rồi giải về nhà. Tiếp đến, chủ Chọt cho giăng chỉ trắng xung quanh phần đất của mình để cấm người khác xâm phạm.

Ngày 7/5/1927, chủ quận Phước Long lệnh cho lính phục kích nhóm của chủ Chọt nhưng không bên nào bị thiệt hại. Tối đó, người của chủ Chọt đến nhà cai tổng Tr. trả thù nhưng không thấy ông cai nên liền giết chết cha của ông này.

Vụ đụng độ kế tiếp theo lệnh của Chủ tỉnh Rạch Giá làm bên ông chủ Chọt chết 6 người, bên chính quyền chết 3 người. Lần đụng độ cuối cùng, Phó chủ tỉnh Cần Thơ cho người sang tiếp ứng tỉnh Rạch Giá, đến lúc này thì bùa phép của chủ Chọt không đỡ được súng ống của Tây, ông chủ Chọt và con gái ông cùng 12 người nữa chết tại chỗ.

Sau vụ việc, chủ quận Phước Long và hương chức làng Ninh Thạnh Lợi báo cáo đây là vụ việc nổi dậy chống chính quyền chứ không phải về đất đai. Quan Thống đốc không đồng ý với cáo buộc đó. Ông tin rằng mục tiêu đầu tiên của chủ Chọt là đánh bọn cường hào địa phương đã lấn đất của ông, và rằng nhóm của ông chủ Chọt chỉ có 40 người thì không thể là một vụ chống chính quyền mà chỉ là một vụ thường phạm. Quan Thống đốc báo cáo với quan Tòa quyền sẽ xét lại luật lệ về đất đai đối với người Khmer, và giải quyết công bằng cho các vụ kiện tụng về đất đai ở làng Ninh Thạnh Lợi [1].


Nông dân “chân đất” quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu những năm 1920. Ảnh: Manh Hai/Flickr.

2/10

Đồng Nọc Nạn, tỉnh Bạc Liêu

Thời gian tranh chấp: 1919 – 1928

Diện tích tranh chấp: 72,95 mẫu

Bên thiệt hại: Gia đình Biện Toại – Mười Chức

Bên lấn đất: mẹ vợ của anh ruột chủ quận Giá Rai

Số người chết: 5

Địa điểm: Làng Ninh Thạnh Lợi, quận Phước Long, tỉnh Rạch Giá (nay địa bàn này thuộc tỉnh Bạc Liêu).

Một năm sau vụ Ninh Thạnh Lợi, Nam Kỳ lại bị rúng động với vụ án Nọc Nạn. Những mẫu ruộng trưng khẩn là xương máu của dân lành. Khi bất công đã nghẹn đầy cổ họng, họ sẵn sàng thí mạng mình để giữ đất. Anh em nhà Biện Toại – Mười Chức cũng đã sống chết cho mảnh ruộng của mình.

Sau cuộc đụng độ làm bốn người nhà Biện Toại – Mười Chức và một ông cò Tây thiệt mạng, Tòa Đại hình Cần Thơ đem vụ án ra xét xử. Hai luật sư người Pháp bào chữa miễn phí cho gia đình Biện Toại – Mười Chức. Hầu hết báo chí Sài Gòn vào tận tòa nghe xử án.

Trước cuộc đụng độ, nhà Biện Toại – Mười Chức đã tìm đủ đường khiếu nại với chính quyền nhưng không có kết quả. Chuyện là anh em nhà Biện Toại – Mười Chức đang làm ruộng trên cánh đồng đã có bằng khoán tạm do ông nội để lại, thì một người Hoa tên là Mã Ngân cấu kết với quan chức địa phương tìm cách chiếm đất.

Năm 1917, Mã Ngân bắt đầu tìm mua mảnh đất giáp ranh với nhà Biện Toại, ông ta cho chủ đất thêm tiền để ghi rằng đất bán bao gồm phần ruộng của anh em nhà Biện Toại đang canh tác. Năm 1926, Mã Ngân bằng con đường lo lót đã có được bằng khoán chính thức. Nhà Biện Toại – Mười Chức lúc này trở thành tá điền trên chính mảnh đất của mình, nhưng Mã Ngân biết mình đã giựt đất của người ta nên không dám làm to chuyện. Ông Mã Ngân bán khu đất lại cho bà Hồ Thị Tr. là mẹ vợ của anh ruột chủ quận Giá Rai.

Đất về tay bà Tr. nên bà xin án lệnh của tòa thâu địa tô bằng hết tất cả số lúa nhà Biện Toại – Mười Chức. Ngày 16/2/1928, hai tên cò Tây dẫn theo bốn tên lính theo hương chức làng đi thi hành án lệnh đối với nhà Biện Toại – Mười Chức.

Ban đầu, cô Út Trọng được gia đình cử ra xem đong lúa. Khi lính đong xong, cô Út đòi biên lai đong lúa nhưng đám người không đưa nên xảy ra xô xát. Anh em Biện Toại – Mười Chức kéo ra thành hai tốp chết sống với đám người đong lúa. Vụ việc làm một ông cò Tây; ba đứa em trai của Biện Toại là Mười Chức, Nhẫn, Nhịn; cùng một vợ của Mười Chức tên là Nghĩa thiệt mạng.

Khi ra tòa, ngay cả bên công tố cũng bênh vực cho nhà Biện Toại – Mười Chức. Viên công tố người Pháp cho rằng hoàn cảnh nhà Biện Toại thật khốn nạn, đã bị người vô lương tâm giựt đất rồi lại bị bọn quyền thế ức hiếp, trong đó có hành động thu tô địa bằng hết lúa nhà Biện Toại rồi còn đòi thêm tiền là rất tàn nhẫn. Hai luật sư cho rằng những người nông dân chất phác đã bị luật pháp thiếu chặt chẽ của người Pháp cùng những người quyền thế ức hiếp nên mới xảy ra tình cảnh như vậy. Tòa tuyên Biện Toại, em út, con của Toại được tha bổng, cô Út Trọng bị 6 tháng tù nhưng đã giam hết sáu tháng rồi nên được tự do, em rể của Biện Toại bị hai năm tù vì có tiền án ăn trộm. Bản án được công chúng hoan hô, báo chí đưa tin rền vang khắp Nam Kỳ [2].


Tướng Les Kosem, một vị tướng Campuchia có dòng màu Chăm chảy trong người, lãnh đạo lực lượng FULRO cùng với các nhân vật người Thượng khác. Ảnh: Documentation Center of Cambodia.

3/10

FULRO nổi dậy, Cao Nguyên

Thời gian tranh chấp: 1955 – 1970

Bên thiệt hại: người bản địa ở Cao Nguyên và các vùng khác ở miền Nam

Bên xâm chiếm: chính quyền Việt Nam Cộng hòa và người di cư

Số người chết: không rõ

Từ năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm bất thình lình thi hành chính sách“bình đẳng quá đáng”, đồng hóa diện rộng trên Cao Nguyên. Chính sách này cho phép lấy đất người Thượng cấp cho người Kinh, xóa bỏ luật tục, và bài trừ các tục lệ cổ truyền trên Cao Nguyên. Trước đó, người Pháp cho Cao Nguyên hưởng chính sách đặc biệt, trong đó có việc hạn chế người Kinh di cư, tôn trọng quyền đất đai của người bản địa và ưu tiên xét xử theo luật tục.

Đấu tranh ôn hòa trong nhiều năm nhưng không có kết quả, một số nhân vật người bản địa đã thành lập một mặt trận vũ trang có tên là FULRO vào năm 1963. Mặt trận này không chỉ đại diện tranh đấu cho các sắc tộc Tây Nguyên mà còn có người Chăm, Khmer cùng với sự yểm trợ của Campuchia.

Sau đây là một số vụ xung đột nổi bật.

Ngày 20/9/1964, lực lượng FULRO nổ súng vào một trại lính ở Buôn Mê Thuột, bắt sáu lính Mỹ làm tù binh, chiếm đài phát thanh. Một ngày sau, lực lượng này bắt thêm một đại tá người Mỹ. Tháng 9/1965, FULRO tấn công một trại lính Việt Nam. Tháng 12/1965, Pleiku và Phú Bổn bị FULRO tấn công dẫn đến việc chính quyền tử hình 4 chiến sĩ FULRO.

Cuộc xung đột kéo dài nhiều năm này làm người Kinh trên Cao Nguyên vô cùng hoảng sợ. FULRO yêu cầu chính quyền Sài Gòn thực thi nhiều chính sách, trong đó có việc đuổi tất cả người Kinh khỏi Cao Nguyên và trả đất cho người Thượng. Chính quyền Sài Gòn đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để dàn xếp cuộc xung đột sắc tộc này, trong đó đã thực thi những chính sách đất đai ưu tiên cho người Thượng.


Ông Trịnh Khải. Ảnh: Mai Pham/Facebook.

4/10

Lạc Nhuế, tỉnh Hà Nam

Thời gian tranh chấp: 1990 – 1993

Diện tích tranh chấp: 75 mẫu

Bên thiệt hại: Thôn Lạc Nhuế

Bên lấn đất: Chính quyền huyện Kim Bảng

Số người chết: 5

Địa điểm: Thôn Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Năm đó, sau bao nhiêu lần khiếu nại bất thành về đất đai và sự tham nhũng của quan chức địa phương, dân làng đã quyết định tự giữ đất của mình dưới sự lãnh đạo của một người mà họ rất tin tưởng tên là Trịnh Khải. Chi tiết về vụ tranh chấp này được tường thuật khá sơ sài vì chính quyền bưng bít thông tin.

Sau khi giảng dạy nhiều năm ở trường Đại học Hàng hải, người kỹ sư từng du học Liên Xô Trịnh Khải về nghỉ hưu ở quê nhà đầu những năm 1990. Đúng lúc ấy, thực hiện chế độ khoán ruộng đất mới, quan chức huyện Kim bảng đã cắt 75 mẫu ruộng của thôn Lạc Nhuế cho thôn khác. Ông Khải là người rành rẽ luật pháp, biết rõ sự tinh ranh của cán bộ địa phương nên đã giúp dân làng khiếu nại từ huyện đến tỉnh rồi ra tận trung ương.

Nhiều lần kẻ lạ đột nhập vào làng gây nguy hiểm cho ông Khải và những người khác nên dân làng đã lập thành lũy, kiên quyết cô lập ngôi làng của mình với bên ngoài.

Cao trào của cuộc tranh chấp là hai thanh niên bị dân làng đập chết do vào làng lúc ban đêm. Dân làng cho rằng chính quyền cử hai người này vào ám sát ông Khải. Truyền thông nhà nước thì cho rằng hai người này chỉ là người dân đi mua cá giống.

Sau vụ án mạng này, có thông tin nói rằng ông Khải bị bắt khi lên huyện làm việc với chính quyền. Nhưng cũng có thông tin nói ông bị chính quyền cho lực lượng đến bắt đi. Cuối cùng, người lãnh đạo nông dân giữ đất bị tuyên án tử hình. Theo nhà báo Phạm Thành, có hai người dân đã chết trong lúc bị giam giữ và sáu người khác bị tuyên án tù.

Vụ án này không khác gì vụ án Ninh Thạnh Lợi, nhưng chính quyền đã không công tâm nhìn nhận bản chất vụ việc như quan Thống đốc Nam Kỳ. Chính quyền đã coi vụ việc làng Lạc Nhuế là vụ án lợi dụng tranh chấp đất đai xuyên tạc, chống đối nhà nước. Chính quyền còn cho viết tiểu thuyết và dựng thành phim (“Chuyện làng Nhô”) để gieo tiếng xấu muôn đời cho người dân làng Lạc Nhuế và ông Trịnh Khải.


Trụ sở UBND xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình được xây dựng với kinh phí khoảng 800 triệu đồng, đã bị người biểu tình đập tan tành vào đêm 26/6/1997. Ảnh: Bauxite Vietnam.

5/10

Sự kiện Thái Bình, tỉnh Thái Bình

Thời gian tranh chấp: 1987 – 1997

Bên thiệt hại: Nhân dân tỉnh Thái Bình

Bên lấn chiếm: Quan chức tỉnh Thái Bình

Số người chết: Không rõ

Địa điểm: Toàn tỉnh Thái Bình

Trong những năm 1990, tỉnh Thái Bình tràn ngập đơn thư khiếu nại của nhân dân về đất đai và sự tham nhũng vô độ của quan chức nhưng không được giải quyết.

Tháng 3/1997, uất ức vì bị quan chức hiếp đáp quá mức, một nhóm cựu chiến binh đã lãnh đạo khoảng 3.000 nông dân tọa kháng trước trụ sở Đảng Cộng sản ở tỉnh Thái Bình. Sự kiện này đã mở đầu cho hàng loạt cuộc nổi dậy đòi công lý trên toàn tỉnh này.

Hai công chức hưu trí đã nói với ông Hữu Thọ về nguyên nhân Thái Bình nổi dậy rằng: “Cậu có tin là chúng mình là bọn xấu hay phản động không? Nhưng bọn chúng ức hiếp dân hơn cả bọn kỳ hào xưa thì người dân nào chịu được”.

Hàng chục ngàn người đã tham gia các cuộc biểu tình, bạo động, bắt giữ ít nhất 64 cán bộ, công an để làm con tin, đập phá nhiều trụ sở cơ quan nhà nước và nhà riêng của các cán bộ. Cuộc bạo động này tiếp diễn đến tháng 11/1997. Rất nhiều người tham gia cuộc phản kháng này đã bị tuyên án tù.


Biểu tình ở Tây Nguyên vào năm 2004. Ảnh: Youtube.

6/10

Người Thượng nổi dậy, Tây Nguyên

Thời gian tranh chấp: 2001 – 2004

Bên thiệt hại: Người bản địa bốn tỉnh Tây Nguyên

Bên lấn chiếm: Chính quyền, người di cư

Số người chết: Ít nhất 33

Địa điểm: Khu vực Tây Nguyên

Những người cộng sản hoàn toàn không học được điều gì từ sai lầm của chính quyền Ngô Đình Diệm. Họ cũng hoàn toàn không hiểu về Tây Nguyên. Chính quyền tưởng rằng nơi đây vẫn còn dư dả đất đai nên đã tạo ra những vùng kinh tế mới, lập các nông trường rộng lớn, và cho phép dân tự do di cư khiến đất đai dành cho người bản địa bị thu hẹp quá mức. Người bản địa Tây Nguyên đã lâm vào cảnh cùng cực chưa từng có.

“Rất nhiều người vùng cao bắt đầu thấy họ nghèo và chậm tiến. Họ cảm thấy mình thấp kém hơn người miền xuôi, […]. Thiếu tiền, thiếu thức ăn, thiếu quyền tiếp cận tài nguyên thiên nhiên, dịch vụ công (giáo dục, y tế, thông tin), họ có nguy cơ mất hết tài nguyên quý giá nhất của mình: sự tự tin và lòng tự tôn. […] Vấn đề là ngày càng có nhiều người ý thức được rằng họ nghèo”, các nhà nghiên cứu Neil L. Jamieson, Lê Trọng Cúc và A. Terry Rambo viết năm 1998 dự đoán cho một cuộc khủng hoảng sẽ bùng lên ở Tây Nguyên.

Như châm dầu vào chảo lửa, những người cộng sản đã chạm đến một điều thiêng liêng nhất của người Thượng: tôn giáo. Chính quyền cấm triệt để hoạt động tôn giáo tự do ở Tây Nguyên. Những hoạt động tâm linh cổ truyền bị xóa bỏ hoàn toàn, đạo Tin Lành gần như bị cấm hoàn toàn, và đạo Công giáo bị hạn chế rất nhiều.

Và cuộc khủng hoảng đó đã thình lình xuất hiện bằng cuộc nổi dậy của người Thượng vào năm 2001 và đặc biệt là năm 2004. Rất nhiều cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy và đụng độ với công an đã xảy ra. Người Thượng đòi chính quyền trả lại đất đai và đảm bảo quyền tự do tôn giáo cho người Thượng. Hàng ngàn người Thượng đã sang Campuchia tị nạn hoặc bị đưa vào các trại cải tạo, nhà tù sau những đợt biểu tình này. Theo tổ chức Human Rights Watch, có 8 người chết trong các cuộc biểu tình và 25 người bản địa chết trong trại giam, nhưng con số này không có nguồn kiểm chứng vì các nhà quan sát quốc tế bị cấm đến Tây Nguyên.


Cảnh tượng sau cưỡng chế cơ sở đất, nhà ở của ông Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Báo Thanh Niên.

7/10

Đoàn Văn Vươn, Hải Phòng

Thời gian tranh chấp: 2009 – 2012

Diện tích tranh chấp: 19,3 hecta

Bên thiệt hại: Gia đình ông Đoàn Văn Vươn

Bên lấn chiếm: UBND huyện Tiên Lãng

Địa điểm: Xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.

Trong vụ việc này, gia đình Đoàn Văn Vươn đã hành động như anh em Biện Toại – Mười Chức nhưng kết quả thì không như vậy. Dù chính quyền địa phương sai toàn diện, dù không một người nào phía chính quyền thiệt mạng, nhưng gia đình Đoàn Văn Vươn vẫn phải chịu án tù.

Cựu quân nhân Đoàn Văn Vươn bị tuyên 5 năm tù giam, ba người khác trong gia đình ông bị tuyên từ 2 đến 5 năm tù giam và một số án treo khác. Về phía UBND huyện Tiên Lãng, chỉ có quan chức bị tuyên 30 tháng tù giam còn lại thì hưởng án treo.

Vụ việc bắt đầu từ năm 2009, khi chính quyền huyện Tiên Lãng thu hồi đất đã giao đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Từ việc giao 19,3 hecta đất lần thứ hai đến quyết định thu hồi và cưỡng chế đối với nhà ông Vươn của chính quyền đều không tuân thủ pháp luật. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ấy đã cho rằngnhững quy định chồng chéo, chưa rõ ràng về quản lý đất đai và năng lực thi hành pháp luật kém của cán bộ đã là nguồn gốc cho vụ việc này.


Nông dân đòi đền bù thỏa đáng trong vụ tranh chấp đất ở Văn Giang. Ảnh: Reuters.

8/10

Văn Giang, Hưng Yên

Thời gian tranh chấp: 2012 – đến nay

Diện tích tranh chấp: 73 hecta

Bên thiệt hại: Một số gia đình xã Cửu Cao

Bên lấn chiếm: Chính quyền huyện Văn Giang

Số người chết: 2

Địa điểm: Xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Người dân Văn Giang đã tiến một bước để giữ đất và đã trở thành các bị cáo. Trong những vụ tranh chấp như thế này, khi chính quyền đứng về phía doanh nghiệp (Ecopark) để ép giá đền bù thì người dân chỉ còn một lựa chọn duy nhất là vùng dậy.

Tháng 4/2012, chính quyền đưa lực lượng từ 2.000 đến 4.000 cảnh sát vũ trang càn quét một nhóm người dân quyết tâm giữ đất. 20 người dân bị bắt giữ sau cuộc cưỡng chế này.

Tháng 8/2013, một số hộ gia đình bắt và trói cán bộ thôn vì xâm phạm đất chưa được đền bù. Một người bị tuyên án 21 tháng tù giam và một người khác bị tuyên 2 năm tù giam trong vụ việc này.

Tháng 10/2014, hai người bảo vệ của một đơn vị san lấp mặt bằng bị đánh chết, một máy xúc bị đốt cháy. Có sáu người bị tuyên án từ 3-4 năm tù giam, mặc dù họ nói trước tòa rằng họ không đánh người và không phá hoại tài sản.


Từ trái sang, Đặng Văn Hiến, Hà Văn Trường và Ninh Viết Bình trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vào đầu năm 2018. Ảnh nhân vật: Zing. Minh họa: Luật Khoa.

9/10

Đặng Văn Hiến, Đắk Nông

Thời gian tranh chấp: 2008 – đến nay

Bên thiệt hại: Gia đình Đặng Văn Hiến và các gia đình khác

Bên lấn chiếm: Công ty Long Sơn

Số người chết: 3

Địa điểm: Tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông

Nơi đây thật sự là một vùng đất dữ. Những cuộc đụng độ xảy ra giữa những người di dân và những công ty lâm nghiệp được chính quyền cho thuê đất. Chuyện đánh đấm, đốt nhà, phá rẫy, nổ súng không xa lạ gì đối với người dân ở đây. Họ tự lực gìn giữ đất của mình trước sự xâm chiếm của các công ty hơn là trông chờ vào chính quyền.

Đặng Văn Hiến không hề muốn dính líu vào rắc rối này, nhưng anh không được lựa chọn. Từ năm 2008, Công ty Long Sơn được chính quyền cho thuê đất, và trên giấy tờ thuê đất đó bao gồm luôn phần đất của nhà Hiến và một số gia đình khác. Bên công ty và bên nông dân đụng nhau nhiều lần mà chính quyền từ tỉnh đến trung ương vẫn để mọi chuyện như vậy.

Một buổi sáng tháng 10/2016, trời mưa nhỏ rồi cứ lớn dần lên, khoảng 30 người đến nhà Hiến lúc tờ mờ sáng để ủi vườn cây nhà anh. Hiến đã nổ súng ngày hôm đó. Ninh Viết Bình là hộ dân gần đó cũng đến tiếp ứng cho anh. Người em bà con của Hiến là Hà Văn Trường chỉ đưa băng đạn cho Hiến nhưng cũng bị buộc tội giết người.

Tai nạn ngày hôm đó làm ba công nhân nghèo khổ của Công ty Long Sơn thiệt mạng. Ra tòa, Hiến bị tuyên án tử hình rồi y án, Bình bị tuyên án 20 năm tù giam rồi giảm còn 18 năm, và Trường bị tuyên án 12 năm tù giam rồi giảm còn 9 năm.

Đọc câu chuyện về Đặng Văn Hiến: Những người cùng khổ ở Đắk Nông.


Ông Lê Đình Kình. Ảnh: Dong Tam TV.

10/10

Đồng Tâm, Hà Nội

Thời gian tranh chấp: 2014 – đến nay

Diện tích tranh chấp: 28,7 hecta

Bên thiệt hại: Các gia đình xã Đồng Tâm

Bên lấn chiếm: Chính quyền huyện Mỹ Đức và Tập đoàn Viettel

Số người chết: 4

Địa điểm: Xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội

Từ Đặng Văn Hiến cho đến Đoàn Văn Vươn, từ Văn Giang cho đến Đồng Tâm, thông điệp của chính quyền Việt Nam ngày càng rõ ràng: dù mạng sống của dân lành bị đe dọa, dù đất đai có bị lấy đi thì họ vẫn không có quyền phản kháng. Bất cứ hành động nào làm tổn thương lực lượng của chính quyền đều bị trừng phạt thật nặng, dù chính quyền đúng hay sai.

29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm, có người đã 77 tuổi, bị buộc chống trả hàng nghìn cảnh sát tập kích ngôi làng của họ vào giữa đêm tối. Từ năm 2017 đến nay, xã Đồng Tâm đã xảy ra nhiều vụ việc chấn động nhưng chính quyền không thể giải thuyết thỏa đáng cho người dân.

Chính quyền Việt Nam từng lên án sự tàn bạo của chế độ thực dân Pháp. Tuy nhiên, phiên tòa xử vụ án đồng Nọc Nạn gần 100 năm trước dưới thời Pháp thuộc là phiên tòa công khai, báo chí được vào tận tòa đưa tin và được điều tra độc lập. Còn phiên tòa vụ án Đồng Tâm bây giờ thì chính quyền xử kín, cấm người thân của họ vào tòa, cấm báo chí độc lập vào phòng xét xử, ngăn chặn các luật sư tiếp xúc với các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên xét xử về vụ án xuất phát từ tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm, Hà Nội (ảnh ngày 10/9 của VietnamNet)

Chú thích:

[1] Sơn Nam, biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, 1973, NXB Trẻ tái bản 1997, trang 402.

[2] Sách đã dẫn, biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, trang 416.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular