Saturday, December 21, 2024
HomeBLOGNGHE NHẠC MÙA DỊCH

NGHE NHẠC MÙA DỊCH

Không khó để hiểu “nhạc dễ nghe” (easy listening music) là gì nhưng để nói đầy đủ như thế nào là nhạc dễ nghe hẳn phải cần kiến thức nền tảng về nhạc học và thậm chí phải có trình độ nhất định về hòa âm. Điều này vượt quá khả năng người viết, nên ở đây, chỉ tản mạn linh tinh dựa vào cảm xúc. Nhạc dễ nghe, hiểu đơn giản, là loại nhạc dễ biểu diễn, không cần kỹ thuật thanh nhạc và cũng chẳng cần kỹ thuật hòa âm phức tạp. Nó dễ thuộc, dễ hát theo, dễ kích thích đám đông và trong nhiều trường hợp, nó được nhớ qua nhiều thế hệ. Nhạc dễ nghe thường được viết với lời đơn giản, thậm chí rất đơn giản. Nhiều lúc chỉ là vài câu lặp đi lặp lại trên nền chorus lặp đi lặp lại. Trong hầu hết trường hợp, nhạc dễ nghe thường là ballad, và đặc biệt là pop với tiết tấu nhộn nhạo tươi vui. Đại loại vậy.

Pop dễ nghe từng rất thịnh hành suốt thập niên 1970 đến đầu những năm 1990. Chính xác hơn, đó là thời hoàng kim của pop-dễ-nghe. Nếu nói âm nhạc là ngôn ngữ của một thời đại hay là biểu cảm của một thế hệ thì pop-ballad là đại diện của âm nhạc giai đoạn trên. Và nếu nói âm nhạc của một giai đoạn ít nhiều thể hiện tâm lý, thì qua nó, có thể thấy con người giai đoạn này dường như có triết lý sống đơn giản nhẹ nhàng nhưng không thiếu chiều sâu. Nếu liên tưởng xa một chút đến dòng văn học hình thành giai đoạn này, với nhiều cuộc cách mạng tư duy, trong đó có cuộc cách mạng tình dục bùng nổ cùng lúc với những nghi vấn thời đại kiểu “tôi là ai; tôi hiện diện trên đời này có ý nghĩa gì…”, sẽ thấy rõ hơn thêm đôi nét về “cá tính” của dòng nhạc pop giai đoạn vừa đề cập.

Trở lại với pop-dễ-nghe. Thế hệ trưởng thành những năm 1970-1980 chắc hẳn còn nhớ nhiều ca khúc thuộc loại “easy listening”, như Boulevard của Dan Byrd. “I don’t know why/ You said goodbye/ Just let me know you didn’t go/ Forever my love/ Please tell me why…”… Lời rất đơn giản, được viết theo vần, dễ thuộc, nghe sụt sùi mùi mẫn. Ca khúc này từng là bài tủ của nhiều học sinh trung học Sài Gòn thời đó.

Có độ “hit” không kém Boulevard là Key Largo của Bertie Higgins. Như hầu hết tnh khúc pop giai đoạn này, lời ca khúc thường được diễn đạt “hơi bị lố” lên một chút để đạt độ xúc cảm. Nếu có “quỳ xuống đường để cầu xin em” (như trong Boulevard) thì cũng có “That sweet scene of surrender/ When you gave me your heart” như trong Key Largo. Ca khúc này “thắng” rất đậm trong trái tim người nghe nhiều thế hệ. Nó (ra đời 1981) từng lọt lên hạng nhất bảng Billboard hạng mục nhạc phẩm lãng mạn kinh điển (romantic classic); và cho đến năm 2009, Key Largo vẫn còn nằm hạng 75 trên bảng “VH1’s Greatest One-Hit Wonders of the 80s”. Cần nói thêm, ngoài Key Largo, Bertie Higgins còn một ca khúc nữa cũng thuộc hàng “hit” lưu dấu bền bỉ trong tim người nghe. Đó là Casablanca.

Cùng thời với Casablanca mà gần như không quán café nào ở Sài Gòn thập niên 1980 không bật thường xuyên là ca khúc I like Chopin của Gazebo. “Remember that piano/ So delightful unusual/ That classic sensation/ Sentimental confusion/ Used to say/ I like Chopin…”. Và cũng cùng thời với Boulevard của Dan Byrd còn có một “boulevard” nữa là Magic Boulevard của Francois Feldman.

Như nói ở trên, easy-listening-pop có giai điệu đơn giản, “cấu trúc” gam đệm đơn giản và lời đơn giản. Tiêu biểu cho sự đơn giản dễ lọt tai nhưng rất truyền cảm không thể không kể là ca khúc More Than I Can Say của Leo Sayer. Chắc hiếm ai trưởng thành vào thập niên 1970-1980 mà không biết ca khúc này. “Oh oh yea yea/ I love you more than I can say/ I’ll love you twice as much tomorrow/ Oh love you more than I can say…”. Chẳng gì có thể đơn giản hơn. Đại loại, “anh yêu em nhiều lắm, ngày nào cũng nhớ em, bộ em không biết sao…”. Đại khái muốn nói nhiều nữa nhưng không biết nói thế nào bây giờ, hơi ngược một chút, so với lối thể hiện “nói năng chi cũng thừa”.

Nhắc đến một câu trong ca khúc của cụ Phạm Duy, không thể không liên tưởng đến nhạc Việt giai đoạn trên, khi khán thính giả cũng chứng kiến sự thăng hoa của dòng pop-dễ-nghe – một không khí âm nhạc rất gần với người thưởng thức, như thể nó đang sống cùng với tâm trạng và thậm chí lối sống của thời đại. “Trời nhẹ dần lên cao/ Hồn tôi dường như bóng chim/ Vờn đôi cánh mềm lặng lẽ kiếm chốn nao bình yên/ Và dòng sông xanh kia nằm im như không muốn trôi/ Phơi màu áo rêu vỗ về đánh giấc trưa nghỉ ngơi… Hãy thắp sáng tâm hồn/ Cháy lên trong tim mỗi người/ Những yêu thương cho cuộc đời/ Mùa hạ ơi, tình phơi phới!…”… Đó là ca khúc để đời, Vào Hạ, của Lê Hựu Hà.

Nhạc sĩ “điển hình của điển hình” thuộc thể loại pop dễ nghe nữa là Đức Huy. Không như Lê Hựu Hà, càng không giống Ngô Thụy Miên, gần như tất cả ca khúc của Đức Huy đều thuộc loại dễ nghe. “Đêm nay thời gian đứng yên lắng đọng/ Cho đôi tình nhân đắm trong giấc mộng/ Mưa rơi làm thêm khó câu giã từ/ Vì đường xa ướt mưa… (“Đường Xa Ướt Mưa”); hay như: “Tôi yêu xem một cuốn truyện hay/ Tiếng chim hót đầu ngày/ Và yêu biển vắng/ Tôi yêu ly cà phê buổi sáng/ Con đường ngập lá vàng… (“Và Tôi Cũng Yêu Em”); hay như: “Ngày nhộn nhịp về trên khu phố/ Có cô em tung tăng, đôi môi cười hoa thắm/ Và mặt trời của miền nhiệt đới/ Trên vai em, buông chân cho anh mơ mộng… Lần đầu gặp, gặp em trên phố/ Anh ngẩn ngơ, thẫn thờ như người ngủ mơ…” (“Lời Yêu Thương”)…

Nhạc Việt gần đây cũng có một ca khúc thuộc loại pop dễ nghe. Lời đơn giản, chẳng “sâu sắc” hay “nội tâm” gì nhưng nó vẫn trở thành “hit”. “Người yêu hỡi/ Dù gì cũng xa nhau rồi/ Ngày nào chiếc hôn bao đêm rã rời/ Giờ đã hết rồi, chẳng còn hơi ấm trên đầu môi… Người hãy quên em đi/ Và đừng yêu em nữa/ Nếu anh không còn gì để vương vấn/ Người hãy quên em đi/ Đừng chờ mong chi nữa/ Tiếc thương gì cho lòng thêm xót xa…”… Đó là ca khúc Người Hãy Quên Em Đi của Khắc Hưng. Ca khúc này trở thành “hit” một phần nhờ Mỹ Tâm nhưng cái chính vẫn là nó được viết bằng “công thức” truyền thống của easy-listening-pop: theo nhịp của sự rung động và tạo được sự rung động bằng nhịp của nó.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular