Vậy là cụ Kình và người con trai đã chết thật rồi. Đồng Tâm đi vào lịch sử hiện đại như 1 cuộc chiến điên rồ giữa một bên là guồng máy chính quyền khổng lồ với vài ngàn công an, cảnh sát cơ động trang bị tận răng súng ống xe tăng, cả các dụng cụ phá sóng, cúp internet để cắt hẳn liên lạc của người dân. Bên còn lại là những người nông dân lương thiện, chỉ mong được bình yên cày bừa chân chỉ cho cuộc sống vốn không mấy dư dả của mình.
Đây là cuộc chiến không cân sức. Người nông dân Đồng Tâm chỉ mong đem lòng can đảm, kiên trì của mình để đánh thức lương tâm của bậc phụ mẫu chi dân. Nhưng tất cả đã chấm dứt theo cách tệ hại nhất. Máu, nước mắt cùng nỗi oan khuất đành vùi chôn theo cái chết cụ Kình.
Ai đã từng nghe cái clip cụ Kình trình bày về sự cố Đồng Tâm sẽ không khỏi cảm phục cụ, một cụ già hơn 80 tuổi, râu tóc bạc trắng, nhưng vô cùng mẫn tiệp, ăn nói mạch lạc, rõ ràng, và một trí nhớ đáng kinh ngạc. Cụ trình bày từng sự vụ với cả ngày tháng, chỉ thị nào, quyết định số mấy, khó mà cãi được với cụ.
Nghe cụ nói mới thấy căm hờn bọn bồi bút, những kẻ chọn đứng về phía mạnh để vây máu ăn phần như bầy linh cẩu vây quanh sư tử để kiếm miếng thịt thừa từ con mồi đã chết.
Người dân Đồng Tâm đã quá thừa đau khổ với bộ máy thông tin khổng lồ của nhà nước, không cần thêm những cú bồi mạt hạng của bọn bây đâu.
Chúng bây ra rả cái họng với bửu bối ĐẤT QUỐC PHÒNG. Quốc phòng thì đã sao. Sao chúng bây không tự vấn một câu, 40 năm qua, quốc phòng đã làm cái đ*** gì với 47 hectare đất thu hồi của dân Đồng Tâm? Sân bay Miếu Môn đâu rồi?
Trên đất nước khốn khổ này có bao nhiêu sân golf, đất quốc phòng rồi từ từ biến thành đất của quan, sao bọn bây không ẳng dùm một tiếng?
Nhớ hỏi thêm một câu, quốc phòng đang làm gì khi biên cương lãnh hải để bọn giặc ra vào như đi chợ?
***
Giống như hàng ngàn vụ cướp đất cướp nhà khác, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là lòng tham không đáy của bọn tham quan, còn có tên là nhóm lợi ích. Chúng dùng lệnh bài ĐẤT QUỐC PHÒNG để buộc dân Đồng Tâm phải giao lại 59 hectares đất mà họ đã bao đời khai khẩn.
Theo cụ Kình, dân Đồng Tâm đã hoàn toàn vui vẻ giao nộp 47.36 hectare đất ở phía đông cánh đồng Sênh để làm sân bay Miếu Môn theo quyết định của ông thủ tướng Đỗ Mười ký năm 1980, cho dù 40 năm qua quốc phòng vẫn bỏ mặc. Nhưng phần 59 hectare còn lại thuộc phía tây cánh đồng Sênh không hề có giấy tờ nào chứng minh đó là đất quốc phòng. Ngược lại, mấy chục năm qua dân Đồng Tâm vẫn làm nông nghiệp trên số đất này, và có đóng thuế đầy đủ cho nhà nước.
Nhưng ở Việt Nam công lý không thuộc về người dân thấp cổ bé miệng. Lòng tham và quyền hành vô hạn không một cơ chế hãm đã dẫn đến cuộc chiến khốn nạn này.
Mà đâu chỉ có Đồng Tâm, cho đến nay người dân Văn Giang, Dương Nội vẫn ngày ngày vác đơn kêu oan trong vô vọng. Trước đó là tiếng bom Tiên Lãng của 2 anh em Đoàn văn Vươn và Đoàn văn Quý ở Hải Phòng. Gần đây là Đặng văn Hiến, một thanh niên người dân tộc hiền lành đã trở thành kẻ giết người cũng chỉ vì bọn cướp đất.
Tàn bạo nhất, vụ án Thủ Thiêm, ngay sát cạnh thành phố văn minh nhất nước, đã 20 năm vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Hàng chục ngàn hộ dân vẫn còn cảnh màn trời chiếu đất. Nhiều người đã chết mang theo nỗi oan ức của mình, trong khi kẻ thủ ác vẫn còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, phè phởn ăn chơi với chiến tích siêu xe, biệt phủ của mình.
Ngày nay đất đai trở thành thứ vàng đen mà bọn tham quan nào cũng yêu thích, và bằng mọi giá chiếm đoạt. Nhưng đất đai cũng là thứ duy nhất để người dân liều mình bảo vệ.
Máu sẽ còn tiếp tục đổ, nhiều người nữa sẽ nằm xuống vì sự vô lý cùng cực đã hiện hữu gần nửa thế kỷ. Ai cũng hiểu, chỉ có chính phủ là không chịu hiểu.
***
Cụ Kình đã chết như một người con anh hùng của đất Đồng Tâm. Rồi đây dân sẽ lập miếu thờ cụ như Thành Hoàng của làng.
Cụ là người một lòng theo đảng gần như trọn đời. Ở tuyền đài chắc cụ vẫn còn thắc mắc vì sao lại ra nông nỗi này.
Cụ từng là quan chức của làng Đồng Tâm. Nhưng cốt cách lương thiện buộc cụ đứng về phía dân, cùng dân sống chết để bảo về Đồng Tâm đến hơi thở cuối cùng. Bằng không có lẽ cụ đã trở nên giàu có nếu chịu bán linh hồn cho quỷ.
Đồng Sênh hôm nay còn thê thảm hơn vụ án Đồng Nọc Nạn ở Bạc Liêu. Cách đây non một thế kỷ, gia đình Mười Chức cũng bị bọn tham quan cấu kết cướp đất. Họ đã chống trả, giết luôn một tên quan hai của Pháp trước khi ngã xuống như cụ Kình. Nhưng họ có được một phiên tòa, ở đó, họ được minh oan và bảo vệ. Công lý đứng về phía người nông dân, dù muộn.
Còn vụ án đồng Sênh hôm nay rồi sẽ đi vào quên lãng. Chẳng bao lâu nơi đó sẽ mọc lên những công trình, Việt Nam có thêm một số đại gia ngàn tỷ, song song đó là hàng trăm gia đình lâm cảnh nghèo túng.
Xin cụ hãy yên nghỉ. Cụ đã sống và chết như một người can đảm chính trực, để lại một tấm gương sáng cho thế hệ cháu con.