Thursday, December 26, 2024
HomeBLOGTường thuật lễ tang tiến sĩ khoa học, nhà dân chủ tiên...

Tường thuật lễ tang tiến sĩ khoa học, nhà dân chủ tiên phong Nguyễn Thanh Giang.

NGUYỄN XUÂN NGHĨA
Sáng nay, ngày 2/8 ( mồng 2 Âm lịch) 2019, tại nhà tang lễ quận Cầu Giấy-Hà Nội, bắt đầu từ 7h30 đến 9h30 đã diễn ra lễ tang đưa tiễn nhà khoa học, nhà Dân chủ tiên phong, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang về nơi an nghỉ. Ngoài tang gia, rất đông đại diện các đơn vị và cơ quan cũ, nơi Ts Nguyễn Thanh Giang công tác là các cụ ông, cụ bà và bạn bè, xóm phố đã đến tiễn đưa ông. Cũng rất đông các nhà hoạt động Dân chủ -Nhân quyền ở Hà Nội và các tỉnh xa đến từ sớm tinh mơ chờ đến giờ tiễn đưa một người thầy, người cùng chí hướng dừng bước để trở về cùng cát bụi.

Có hai người không thể góp mặt là chị Nguyễn Thúy Hạnh và anh Vũ Mạnh Hùng do bị an ninh ngăn chặn ngay từ cửa nhà. Đại diện cho Văn đoàn độc lập có nhà nghiên cứu phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình, đại diện cho Hội nhà báo tự do có anh Nguyễn Đình Ấm, Nguyễn Tường Thụy, đại diện cho Hội dân oan là anh Trịnh Bá Phương, đại diện Hội Bầu bí tương thân là anh Ngô Duy Quyền, anh Trương Văn Dũng … cùng đại diện của các tổ chức XHDS khác nhau. Năm nhân vật trong số không nhiều hoạt động cùng thời và tiếp nối Ts Nguyễn Thanh Giang đến nay còn tồn tại là các ông Nguyễn Mạnh Sơn (Hải Phòng), anh Nguyễn Vũ Bình (Hà Nội), Nguyễn Xuân Nghĩa (Hải Phòng), Vi Đức Hồi (Lạng Sơn) , Vũ Văn Hùng (Hà Nội), Trần Đức Thạch (Nghệ An) đều góp mặt.

Trong số các vòng hoa có vòng hoa của câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng với dòng chữ trên băng tang xưng đích danh ” CLB Lê Hiếu Đằng…” không bị an ninh giật bỏ khi đưa vào nhưng biến mất từ lúc nào khi những vòng hoa được đưa ra xe tang. Không gian buổi lễ trang nghiêm và tôn kính. Phần cuối buổi lễ, trước khi đại diện tang chủ nói lời cảm ơn là điếu văn đưa tiễn người vừa khuất. Điếu văn do ông Phạm Ngọc Luật, người em đồng hao của Ts Nguyễn Thanh Giang chấp bút:
ĐIẾU VĂN
Trong tang lễ tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang
Kính thưa:
– Các cụ, các ông, các bà cùng anh chị em trong họ hàng, nội ngoại của ông Nguyễn Thanh Giang.
– Thưa các vị đại diện cho cơ quan, đoàn thể nơi công tác của ông Nguyễn Thanh Giang
– Thưa các bạn bè trân quý của ông và gia đình
– Thưa bà con phố phường và lối xóm.
Ông Nguyễn Thanh Giang sinh ngày 6/7/1936 tại Thanh Hóa. Ông mất lúc 4 giờ sáng ngày 28/7 tức ngày 26/6 Kỷ Hợi 2019 tại nhà riêng, ngõ 341, đường Trung Văn, quận Từ Liêm, Hà Nội.
Lúc còn sống, nhất là vào những năm tháng cuối đời, ông Nguyễn Thanh Giang rất tin số phận con người là có thật. Ông cho là nó đeo đẳng con người đến nỗi làm cho ta ngậm ngùi, buồn tủi khôn nguôi. Ông còn bảo những năm tháng gần đây, giấc mơ ông thường gặp nhất là thấy mình đang ngồi trong phòng thi, giờ đã sắp hết mà chưa làm xong bài. Thế mà ông vẫn nói, “tôi cảm ơn số phận đã thử thách tôi để tôi tự biết mình chưa vượt nổi số phận nhưng đã đội được số phận để có được những gì đã có…” Có được những gì đã có, với ông, ông khẳng định nó không nằm ngoài, hai điều cốt lõi là sự tử tế và chăm chỉ. Ông còn nói: “Nếu có kiếp sau, tôi lại xin được sống đúng như đã sống trong kiếp đời này.
Nhắc lại điều này hôm nay khi chúng ta có mặt ở đây để tiễn biệt ông, để thấy con người này tự tin và bản lĩnh biết chừng nào! Để thấy vì sao “ Người đội số phận” lại là tự truyện tâm huyết nhất cuộc đời ông.
Thưa bà con và quý vị! Những mê dụ dại khôn, những kiểu dạng lợi ích trong xã hội bây giờ, những cái đó hình như lại nằm ngoài suy nghĩ của những tri thức thực sự dấn thân, lo cho vận mệnh đất nước. Ông Nguyễn Thanh Giang là một người như vậy.
Và như vậy thì đúng là số phận. Hay nói khác hơn là căn cốt con người ông đã được hình thành từ một tuổi thơ sớm mồ côi mẹ, sống lăn lóc nay đây mai đó, rồi tự nguyện xin vào bộ đội trong kháng chiến 9 năm, trèo đèo lội suối dầu dãi với rừng, với địa chất lúc làm nghề và nghiên cứu khoa học ở Tổng cục địa chất … tất cả đã làm nên trong một cái tên Nguyễn Thanh Giang mà lại mang danh phận của nhiều Nhà. Và ngay cả với thơ, thì với ông, nó đúng là “ những mẩu quặng dọc đường”. Hay bảo đấy là nhật ký tâm huyết cuộc đời ông, cao thượng lẫn phong trần, thì lại càng như rất đúng.
Vinh quang là đây, và cay đắng, bất an trong cuộc đời ông cũng là đây. Không trách cứ, ông cứ an nhiên mỉm cười đi tận chót con đường cùng số phận, đó là lẽ sống của ông Nguyễn Thanh Giang.
Điều an ủi lớn nhất với ông, cả đến lúc này ông đã xuôi tay gác bút là hình ảnh ông, tên tuổi ông luôn là niềm kính trọng của gia đình, vợ con, anh em, cháu chắt, và đặc biệt là những bạn bè cùng tâm tư, cùng chí hướng. Sự kính trọng và ngưỡng mộ ấy là xứng đáng bởi những hiểu biết sâu rộng về đông tây kim cổ ông đã khéo vận dụng để đưa vào bài viết. Xứng đáng vì qua từng con chữ của ông, lừng lững một trái tim, một tấm lòng tất cả, tất cả vì nhân dân, đất nước, vì tổ quốc, giang sơn, vì tự do dân chủ. Xứng đáng vì những phân tích, lập luận có tình có lý, đầy thuyết phục. Xứng đáng cho cả một kiểu cách văn chương, dù tự truyện hay chính luận đã thật dễ thẩm thấu vào lòng người đọc. Xứng đáng vì thấy hiển hiện ở ông một con người phong phú, vừa trí tuệ, bản lĩnh, tự tin, vừa nhậy cảm và giầu lòng trắc ẩn trước những bất hạnh của cuộc đời. Xứng đáng vì đã toát lên đến bao trùm một nhân cách tử tế, một sự chăm chỉ suy tư. Và cả một sức viết đến phi thường.
Sự tử tế và chăm chỉ mà ông Nguyễn Thanh Giang hay trở đi trở lại với mình, suy cho cùng đó là lẽ sống của ông. Một lẽ sống bằng thiện căn, bằng chữ tâm, đã thành đạo lý.
Và, chỉ có thiện căn, dung dị đến như thánh thiện, ông mới nhắn nhủ đẹp đến thế này “ Các bạn, nếu có dịp đến nghĩa trang Yên Kỳ viếng mộ người thân thì mời tiện chân ghé qua mộ tôi, số mộ 100 khu B14, không phải chỉ để an ủi vong linh tôi, mà may chăng cái sắc hoa tinh kết từ những gì tôi viết, sẽ thấm vào dòng máu bạn”
Thôi vĩnh biệt ông. Cầu chúc cho vong hồn ông mãi mãi an yên nơi cõi miền an lạc./.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular