Monday, December 23, 2024
HomeBLOGVàng và niềm tin.

Vàng và niềm tin.

BẠCH HOÀN

Nhân việc đại biểu Quốc hội lại đòi huy động 500 tấn vàng trong dân, tôi đăng lại bài viết vào giữa năm 2016 về vấn đề này.

Thật trùng hợp, cũng vào tầm này năm ngoái, các chuyên gia kinh tế thi nhau bàn về vấn đề huy động vàng trong dân, vì họ cho rằng 500 tấn vàng trong dân đang bị bỏ quên!? Mấy hôm nay, có thông tin Chính phủ lại giao Ngân hàng Nhà nước báo cáo giải pháp huy động vàng trong dân để tạo nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Tròn một năm trôi qua, thật sự không thể nào thất vọng hơn được nữa. Những người được cho là chuyên gia kinh tế vẫn không có bất kỳ sự tiến bộ nào trong tư duy, khi họ tiếp tục đề xuất những giải pháp tôi có thể nhấn mạnh là hết sức ngớ ngẩn và chẳng bao giờ có thể moi được 500 tấn vàng từ túi người dân, thậm chí một vài lượng cũng vô cùng khó.

Một trong những giải pháp được đưa ra là Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng. Nói một cách dễ hiểu là người dân đưa vàng thật cho Nhà nước và nhận về chứng chỉ vàng, tức một tờ giấy chứng nhận. Như vậy, từ vàng vật chất, người dân sẽ nắm giữ vàng giấy. Còn Nhà nước sẽ có được 500 tấn vàng vật chất, tương đương khoảng 480.000 tỉ đồng, nếu tính theo giá vàng hiện nay.

Trước hết, về phía Nhà nước, tôi cho rằng huy động vốn cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng việc mượn vàng của dân sẽ hết sức rủi ro. Bởi giá vàng trong nước sẽ phải biến động theo giá vàng thế giới. Xu hướng của giá vàng trong tương lai ra sao không phụ thuộc vào các mệnh lệnh hành chính của Chính phủ Việt Nam, mà phải theo diễn biến về kinh tế, chính trị trên thế giới. Do đó, nếu hôm nay huy động 500 tấn vàng ở mức giá 36 triệu đồng/lượng, một năm sau tăng vọt lên 40 triệu đồng/lượng, lúc ấy dân rút vàng ra thì sẽ phải xử lý như thế nào về vấn đề chênh lệch giá vàng?

Về phía người dân, khi đã bỏ tiền ra mua vàng có nghĩa là họ muốn bảo toàn đồng vốn. Vàng là nơi trú ẩn an toàn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thế nên, có thể hiểu rằng, người dân giữ vàng là để tránh rủi ro. Vậy thì chẳng có lý gì họ lại giao vàng cho nhà nước để nhận về một tờ giấy, trong khi niềm tin hiện giờ là một thứ có vẻ đang vô cùng xa xỉ.

Tôi nghĩ rằng, ý đồ huy động 500 tấn vàng trong dân, tức mượn vàng của dân, sẽ không thể hiện thực hoá được.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa rằng tôi ủng hộ giữ vàng. Bởi nền kinh tế sẽ bị nghẽn mạch, không thể tăng trưởng được, nếu như dòng vốn bị tắc vì chôn vào vàng quá nhiều. Vậy thì phải làm sao để khơi thông dòng vốn, không để hàng trăm ngàn tỉ đồng chôn dưới gầm giường nhà dân, hay két sắt nhà quan?

Chỉ còn cách xây dựng một Chính phủ thật sự kiến tạo, với những chính sách kinh tế ổn định, lấy mục tiêu vì sự phát triển của đất nước làm trọng, loại bỏ nhóm lợi ích, cắt giảm thủ tục hành chính, chấm dứt tình trạng quan liêu trì trệ, nhũng nhiễu người dân, xử lý tham nhũng, đục khoét, chấm dứt tư duy địa phương cục bộ, tư duy nhiệm kỳ… Phải thực hiện tổng hoà các giải pháp để người dân nhìn thấy sự ổn định về chính sách, nhìn thấy cơ hội làm ăn, cơ hội sinh lời khi đưa đồng vốn vào nền kinh tế thông qua hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Từ việc ban hành chính sách đến việc vận hành của các bộ máy quản lý kinh tế và hoạt động của các cơ quan công quyền phải cho người dân thấy cơ hội đầu tư ngày càng nhiều mà rủi ro ngày càng ít. Có như vậy, dòng tiền mới chảy vào nền kinh tế thay vì trú ẩn trong vàng. Và có như vậy thì tăng trưởng kinh tế mới thực sự là tăng trưởng chất lượng.

Nói dài như vậy, cuối cùng câu chuyện vẫn quay về hai chữ niềm tin. Chính phủ buộc phải tạo dựng được niềm tin. Như tôi đã từng viết, tin nhau còn tặng được cả cái ngàn vàng, huống gì chỉ vài lượng.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular