Friday, December 13, 2024
HomeBLOGPHẢN BIỆN

PHẢN BIỆN

Nga Thi Bich Nguyen

Hôm nay, trên trang facebook của anh Nguyễn Đình Ngọc (người có bút danh Nguyễn Ngọc Già) đăng stt về ý kiến của “một độc giả về Anh Ba Sàm” mà tôi copy nguyên văn sau đây:

“Ý kiến của một độc giả về Anh Ba Sàm
_______________________________
Một cái cây – nếu gốc còn – mới có thể cứu vãn, nếu gốc đã chết, phải chặt bỏ.
Một vài người như ông Ba Sàm, ông Lê Hiếu Đằng, thậm chí ông Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trương Thiên Lý) chỉ là lá cành. Lá cành không thể làm cho cây phát sinh hoa trái, nếu gốc đã hư hoại, thối rữa.
Xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN, nên dẫu cho đấu tranh, họ cũng chỉ đấu tranh vì bản thân, vì tư lợi, và đề cao cá nhân.
Nếu muốn hoán chuyển xã hội mà vẫn dựa trên cái gốc cộng sản, thì vô vọng.
Thời gian ông Ba Sàm ở tù, bà Minh Hà lên tiếng khắp mọi nơi về bản án của chồng, nhưng theo nhận định của tôi, chỉ là phô trương thanh thế nguồn gốc của gia đình, và đòi hỏi chế độ phải xét lại việc đối đãi với người của chế độ, không phải của một người tranh đấu cho dân chúng, cho tự do, hòa bình, công lý.
Bài trả lời mới nhất của bà Minh Hà trên báo BBC: Trong nhà tù ông Vinh vẫn “làm việc không ngừng để đòi quyền lợi cho tù nhân”, thử hỏi “tù nhân nào” ông ấy đòi quyền lợi cho?
_______________________
Độc giả không muốn nêu tên.”

Tôi thường đọc những ý kiến tương tự như ý kiến của độc giả giấu tên này, nói về những người đấu tranh có xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN. Nhận thấy, đó là một vấn đề quan trọng về mặt tư tưởng, không đơn giản chỉ về cá nhân một người, ảnh hưởng đến tâm lý con người và các hoạt động của việc chung nên tôi nghĩ mình nên có phản biện độc giả này, cũng như những người có tư duy tương tự, ngõ hầu làm sáng tỏ, hiểu nhau hơn để công việc chung được thuận lợi, không tạo thêm mâu thuẫn không cần thiết.

1.Trước tiên, nói về nhân thân: Tôi là một người xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN. Tôi dùng tên và hình ảnh thật của mình trên trang facebook này để viết bài, nêu quan điểm và đấu tranh cho một VN dân chủ. Độc giả giấu tên nên không biết đó là ai. Về nguyên tắc báo chí, anh Nguyễn Đình Ngọc hoàn toàn có quyền không nêu tên độc giả này và anh phải tôn trọng yêu cầu giấu tên của họ. Tôi tôn trọng anh Ngọc cũng như nguyên tắc báo chí của anh.

Tôi chắc chắn độc giả này sẽ đọc được bài phản biện của tôi nên tôi không thắc mắc và không quan trọng anh (chị) là ai. Nhưng tôi có quyền phỏng đoán anh (chị) là người có xuất thân không phải trong môi trường giáo dục XHCN. Nghĩa là anh (chị) lớn lên và học hành ở nước ngoài hoặc trong môi trường giáo dục của VNCH và ra đi ngay lập tức sau 1975. (Bởi nếu không như vậy thì anh (chị) sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ môi trường giáo dục XHCN. Tôi hiểu “môi trường giáo dục” là từ nhà đến trường đến xã hội, không bó gọn chỉ ở trường học.) Nghĩa là anh (chị) chẳng bị dính dáng một chút nào cộng sản cả. Như trên đã nói, tôi phỏng đoán, nên có thể đúng có thể sai về nhân thân của anh (chị.)

Vì anh (chị) không tiện ra mặt, nên chắc chắn anh (chị) không thể trực tiếp tranh luận với tôi. Tôi chấp nhận việc anh (chị) phản hồi thông qua anh Nguyễn Đình Ngọc.

2. Trích ý kiến của độc giả giấu tên: “Một cái cây – nếu gốc còn – mới có thể cứu vãn, nếu gốc đã chết, phải chặt bỏ.
Một vài người như ông Ba Sàm, ông Lê Hiếu Đằng, thậm chí ông Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trương Thiên Lý) chỉ là lá cành. Lá cành không thể làm cho cây phát sinh hoa trái, nếu gốc đã hư hoại, thối rữa.
Xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN, nên dẫu cho đấu tranh, họ cũng chỉ đấu tranh vì bản thân, vì tư lợi, và đề cao cá nhân.” -Hết trích. (Từ sau, những đoạn trong ngoặc kép là trích.)

“Một cái cây – nếu gốc còn – mới có thể cứu vãn, nếu gốc đã chết, phải chặt bỏ.” Về nghĩa đen, đúng, trong phần lớn trường hợp, không phải toàn bộ. Anh (chi) có biết có rất nhiều cây có thể đâm chồi thành cây mới từ lá: cây sống đời, có tác dụng cầm máu, chữa ho. Hoặc từ cành như hồng, dâm bụt, thậm chí cây ăn trái lâu năm nếu chiết đúng cách, vẫn giữ được giống và phát triển cây mới, kể cả khi gốc bị sâu bệnh.

Nghĩa bóng, tôi hiểu anh (chị) muốn nói về đảng cộng sản. Đúng, đảng cộng sản không thể tự chuyển đổi sang dân chủ, chỉ có thể thay thế và phải đấu tranh để thay thế bằng một chế độ dân chủ. Tôi nhận định như trên bởi trải qua 74 năm nắm quyền lãnh đạo, đảng cộng sản đã có vô số cơ hội để chuyển đổi sang chế độ dân chủ, nếu muốn, nhưng họ đã không làm và sẽ không làm trong tương lai bởi cơ chế vận hành đất nước của đảng cộng sản hiện nay đang đem lại rất nhiều thuận lợi cho các nhóm lợi ích trong đảng. Lý tưởng của họ vốn đã không phù hợp với quy luật tiến hóa và con người, nay lại không còn, nhưng quyền lợi quá lớn nên họ sẽ không từ bỏ.

Nhưng, từ một nhận định về một cái cây, một thể chế, một đảng mà đi đến nhận định về từng con người cụ thể “Một vài người như ông Ba Sàm, ông Lê Hiếu Đằng, thậm chí ông Trần Bạch Đằng (Nguyễn Trương Thiên Lý) chỉ là lá cành. Lá cành không thể làm cho cây phát sinh hoa trái, nếu gốc đã hư hoại, thối rữa” thì anh (chị) đã mắc lỗi ngụy biện so sánh ẩu. Bởi con người là một sinh vật có nhận thức và luôn luôn vận động, luôn luôn thay đổi, không phải là một thực thể đứng im và bất động trong suy nghĩ. Từ một luận điểm đúng đối tượng là đảng chuyển sang đối tượng con người mà vẫn đóng khung luận điểm như vậy là cứng nhắc, bởi cứng nhắc nên nó thành ra ẩu và phiến diện, sai.

Từ cái sai này nên anh (chị) đã phủ nhận toàn bộ: “Xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN, nên dẫu cho đấu tranh, họ cũng chỉ đấu tranh vì bản thân, vì tư lợi, và đề cao cá nhân.”

3. “Xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN, nên dẫu cho đấu tranh, họ cũng chỉ đấu tranh vì bản thân, vì tư lợi, và đề cao cá nhân.” Như trên tôi đã viết, con người là một sinh vật có nhận thức, luôn luôn vận động, luôn luôn thay đổi, không phải một thực thể đứng im và bất động, nên con người dù xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN bị nhồi sọ những điều dối trá từ tư tưởng cho đến lịch sử thì một lúc nào đó sẽ nhận ra sự thật khi được tiếp cận các tư liệu sự thật có kiểm chứng rõ ràng. Khi nhận ra đúng, đủ sự thật, con người sẽ thay đổi tư duy và không-bao-giờ để bản thân bị dối lừa một cách ngu ngốc nữa.

Cần khẳng định một điều rằng, con người có thể vì quyền lực, quyền lợi mà phản bội lý tưởng mình theo đuổi, cho dù xuất thân của họ là gì, nhưng không phải toàn bộ con người đều thế. Cũng vậy, một số người trong đảng có thể gạt đi quyền lợi, phản tỉnh và đấu tranh kiên định; người đấu tranh có thể vì lợi ích, vì sức ép mà chuyển hướng và gây hại cho phong trào đấu tranh dân chủ. Không loại trừ khả năng nào cả.

Người đấu tranh trong nước, có xuất thân từ môi trường giáo dục XHCN có người giỏi có người chưa giỏi trong phong trào đấu tranh vì hạn chế về kiến thức, về tư liệu, nếu chịu học hỏi và bớt lười, bớt bảo thủ sẽ giỏi; người ở hải ngoại xuất thân từ môi trường giáo dục VNCH có người giỏi có người chưa giỏi trong việc lên tiếng hỗ trợ đấu tranh trong nước vì thiếu thông tin hoặc vì cực đoan, vì thiếu kiến thức, chịu mở đầu ra tiếp nhận kiến thức và mở lòng đón nhận sự khác biệt, sự dung hòa (một vài trong những đặc tính của dân chủ) thì sẽ giỏi và hữu ích rất nhiều cho tiến trình thay đổi đất nước. Ngược lại.

Người xuất thân trong môi trường giáo dục XHCN, kể cả người không học ở mái trường XHCN nhưng sống lâu trong xã hội XHCN thì nhiều hay ít đều bị tập nhiễm một cách vô thức. Sẽ có suy nghĩ, hành động theo tư duy cộng sản. Đó là quy luật, không thể tránh khỏi.

Chúng tôi-những người trong nước-chỉ có thể cố gắng hết sức để nhận diện bản thân và gột rửa các thói tính xấu, học hỏi để tiệm cận dân chủ, chắc chắn có rất nhiều va vấp, nhưng chúng tôi không ngừng lại, vẫn nỗ lực từng chút một để đấu tranh.

Chưa có thành quả lớn, nhưng không thể phủ nhận công sức của rất nhiều người đấu tranh đã và đang làm thay đổi nhận thức của nhiều người trong xã hội. Tôi sẽ không liệt kê tên tuổi của những người đấu tranh ấy ra đây bởi việc nêu tên ấy là thừa với người hiểu biết và sẽ là không đủ với người cố tình phủ nhận.

Người dân VN đã phải sống quá lâu trong môi trường XHCN và chịu rất nhiều đàn áp mỗi khi dám hó hé đến chính trị nên nỗi sợ đã ăn sâu vào tiềm thức. Xã hội xuống cấp về nhiều mặt từ nhận thức cho đến đạo đức, lối sống, các giá trị bị đảo lộn. Phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều đàn áp và mất mát, nhiều người đã phải trả giá bằng tài sản, sức khỏe và những năm tháng trong tù.

Phong trào đấu tranh chưa thành công không có nghĩa là ta được phép tự cho mình cái quyền phủ nhận, phủi sạch công sức đóng góp của mọi người trong nước cũng như hải ngoại. Chưa thành công vì chúng ta còn thiếu nhiều yếu tố: tổ chức, ý thức tổ chức, kiến thức, phương pháp..(một cách tử tế.) Sẽ cần rất nhiều thời gian nữa để có thể hình thành, hội đủ các yếu tố trên, nhưng điều đó sẽ đến trong sự nỗ lực của mọi người-vì một tương lai chung.

Trong cái tương lai chung đó, dĩ nhiên sẽ có những người đấu tranh vì nhiều mục đích cá nhân khác nhau, nhưng không thể nói vì họ xuất thân từ môi trường giáo dục XHCN nên họ mới thế. Đúng hơn, phải nói đó là do bản chất của con người.

Một số tổ chức ở hải ngoại, do người xuất thân từ môi trường giáo dục VNCH cũng đâu có đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, họ vẫn vị kỷ và chưa gì đã dám tự phong cho nhau chức nọ chức kia và hô hào dân trong nước xung phong mà không cần một phương pháp nào. Họ vì quyền lợi, quyền lực, muốn tạo tiếng vang hay vì cái gì mà xúi dân trong nước đi vào con đường cực đoan, tồi dở, gây hại cho bản thân và cho cả công việc chung? Bản chất con người họ. Không phải do môi trường XHCN.

4. “Nếu muốn hoán chuyển xã hội mà vẫn dựa trên cái gốc cộng sản, thì vô vọng.” Anh (chị) lại đúng, may cho tôi thế, anh (chị) cứ nói đúng mãi thôi. Câu này tôi chẳng phản biện được. Vì như trên tôi đã phân tích, đảng cộng sản không thể thay đổi, chỉ có thể thay thế.

Nhưng từ câu đúng trên, anh (chị) lại mắc lỗi giống như đoạn đầu, so sánh ẩu, quy nạp sai vào con người khi nhận định: “Thời gian ông Ba Sàm ở tù, bà Minh Hà lên tiếng khắp mọi nơi về bản án của chồng, nhưng theo nhận định của tôi, chỉ là phô trương thanh thế nguồn gốc của gia đình, và đòi hỏi chế độ phải xét lại việc đối đãi với người của chế độ, không phải của một người tranh đấu cho dân chúng, cho tự do, hòa bình, công lý.”

Việc đấu tranh bằng pháp lý là một trong nhiều hình thức đấu tranh của tù chính trị và gia đình tù chính trị. Anh (chị) không thể căn cứ vào việc đấu tranh bằng pháp lý của bà Minh Hà mà cho rằng như thế “chỉ là phô trương thanh thế nguồn gốc của gia đình, và đòi hỏi chế độ phải xét lại việc đối đãi với người của chế độ, không phải của một người tranh đấu cho dân chúng, cho tự do, hòa bình, công lý.”

Họ phải đấu tranh giống như cách của anh (chị) thì mới được cho là đấu tranh vì lý tưởng? Còn khác phương pháp nhưng không sai, thì liền bị coi là vì cá nhân, tư lợi blah blah. Anh (chị), theo phỏng đoán của tôi về nhân thân ở phần 1, có thể đang sống ở một đất nước dân chủ nào đó, thế mà qua đoạn viết này, anh (chị) đã cho thấy anh (chị) còn chưa hiểu đúng, đủ về khái niệm dân chủ, đa nguyên và bỏ qua phép lịch sự tối thiểu trong giao tiếp khi nhận định một cách vội vàng và vô căn cứ về những con người mà anh (chị) nêu tên.

Biết là chưa đủ, phải hiểu. Hiểu là vẫn chưa đủ, phải có lòng bao dung và trắc ẩn, kiến thức tổng hợp về chính trị, con người, xã hội lẫn thông tin một cách tương đối thì mới nên nhận định về một con người, thưa, anh (chị.)

“Bài trả lời mới nhất của bà Minh Hà trên báo BBC: Trong nhà tù ông Vinh vẫn “làm việc không ngừng để đòi quyền lợi cho tù nhân”, thử hỏi “tù nhân nào” ông ấy đòi quyền lợi cho?” Xin thưa, tù nhân Nguyễn Hữu Vinh và những tù nhân khác trong tù chứ còn tù nhân nào?

Ông Vinh ở tù thì ổng là tù nhân, ổng hoàn toàn có quyền đòi quyền lợi chính đáng theo đúng chế độ tù cho ổng và cho các tù nhân khác. Hay anh (chị) có thông tin nào nói ông Vinh chỉ đòi quyền lợi trong tù cho mỗi mình ông Vinh?

Nếu quả như vậy đi chăng nữa, thì ông Vinh cũng chẳng có tội gì để phải chịu sự phán xét của anh (chị.) Anh (chị) có nhận ra mình vô lý đến nỗi bắt người tù phải đấu tranh theo ý của anh (chị) không?

Và, giả dụ nếu ông Vinh-tù nhân-đấu tranh trong tù vì quyền lợi của ổng-thì cũng đã qua đó làm cho những người tù khác nhìn thấy và biết rằng à mình có quyền đấu tranh để đòi được quyền lợi chính đáng-như ông Vinh. Anh (chị) thấy có thừa không? Đâu có thừa, phải không ạ?!

Chúng ta đặt mình vào góc nhìn nào: cực đoan hay cởi mở, bao dung hay hẹp hòi, bảo thủ và định kiến hay dân chủ, đa nguyên…thì ta sẽ có những nhận định theo góc nhìn của mình. Tôi có một người anh lớn đã dạy tôi rằng: “Cho dù ta đã chắc việc gì theo nhận định của ta rồi thì hãy nhớ dù sao nhận định ấy vẫn là nhận định chủ quan theo ý chí của mình, đừng bao giờ khẳng định 100% trong nhận định cá nhân mà hãy luôn chừa lại 5% để cái đầu mình luôn có thể tiếp nhận ý kiến khác biệt hoặc các phản biện, góp ý từ những nhận định khác.” Tôi hi vọng anh (chị) cũng chừa cho bản thân 5% để đón nhận phản biện này.

5.Trong bài phản biện này tôi hoàn toàn không tấn công cá nhân anh (chị.) Tôi sẽ không tiếp những phản biện mắc lỗi tấn công cá nhân hoặc ngụy biện.

Với tôi, mục đích của tranh luận là giúp nhau, học hỏi nhau nhìn nhận ra vấn đề, nhìn nhận sự thật và tìm ra giải pháp hoặc đạt đến sự thấu hiểu…cho việc chung. Tôi không rảnh để tranh luận giành phần thắng và càng không có thời gian cãi nhau. Trên tinh thần đó, tôi tôn trọng mọi phản biện lại bài phản biện này và xét việc, xét luận điểm, không xét nhân thân bởi…cộng sản vì xét nhân thân mà gây ra rất nhiều đau khổ và khốn nạn cho những quân, cán, chính VNCH và con em của họ sau 1975. Là một người hoạt động xã hội, đấu tranh cho dân chủ, tôi không khờ khạo đến mức lặp lại sai lầm đó của cộng sản. Trong bài tôi có đoạn một về nhân thân với mục đích cố gắng hiểu góc nhìn của anh (chị,) không nhằm mục đích sỉ nhục.

Trân trọng.

P/s: Do bài phản biện khá dài nên tôi không còm trực tiếp vào còm trong stt của anh Nguyễn Đình Ngọc được mà phải post thành một stt riêng và tag anh Ngọc, mong anh Ngọc và anh (chị) độc giả thông cảm.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular