Monday, December 23, 2024
HomeBLOGBui Thi Minh Hang-Kỳ 3 : HÌNH THÀNH BẢN LĨNH

Bui Thi Minh Hang-Kỳ 3 : HÌNH THÀNH BẢN LĨNH

TỰ SỰ DÀI KỲ của Bui Thi Minh Hang:
Kỳ III: HÌNH THÀNH BẢN LĨNH
Những năm tháng tuổi thơ trôi đi trong biết bao nhiêu hồi ức vui buồn và đủ mọi cung bậc cảm xúc của một đời người . Tôi sinh năm 1964 . Bởi vậy dù muốn hay không tôi cũng đã được nếm mùi của bom đạn , chiến tranh và nghèo đói . 3-4 tuổi chúng tôi đã phải học sống tự lập . Và đối với tôi chính điều này là nền tảng cốt lõi cho “ Bản lĩnh “ theo tôi suốt cuộc đời .
Ngày đó ! tôi được gửi vào trại trẻ tập trung dành cho con của những sĩ quan có bố hoặc Mẹ đi chiến trường . Tôi nhớ khi đó tôi hơn 3 tuổi và người chị trên tôi ( sinh năm 1961 bắt đầu học vỡ lòng ) . Tuổi đó chúng tôi đã phải xa gia đình và sống tập trung trong khu lán trại . So với những đứa trẻ cùng trang lứa thời đó (trong cái trại trẻ thuộc binh chủng Pháo binh mà bố tôi công tác ) thì chị em tôi thuộc diện “ sung sướng “ hơn người .
Nói sung sướng hơn , là bởi Mẹ tôi khi đó làm trong cửa hàng thương nghiệp thời bao cấp , vả lại cũng ở ngay thị xã cách trại không quá xa . Điều kiện gia đình thì cũng hơn rất nhiều người . Tôi nhớ năm đó Mẹ tôi đã có chiếc xe đạp Phượng hoàng của Trung Quốc làm phương tiện đi lại ( giờ nó giá trị ngang với chiếc xe hơi xịn ) nên thường hàng tháng đều ghé thăm chúng tôi . Tất nhiên mỗi lần ghé thăm là chúng tôi có quà cùng những đồ “ tiếp tế thêm “ mang đến . Bởi cuộc sống trong trại trẻ thời đó cũng chịu chung tình cảnh xã hội những năm 1968-1969 . Đó là thời kỳ bom đạn chiến tranh ác liệt và đói khổ khắp nơi . Mỗi khi nhớ đến những hồi ức thời gian đó trong lòng tôi không khỏi cảm xúc nghèn nghẹn pha lẫn “ Tự hào”
Tự hào bởi : nếu không được “tôi rèn “ từ trong trứng nước như thế , có lẽ tôi sẽ không thể trở thành con người can trường , lỳ lợm , trong vô số những thăng trầm mà tôi đã nếm trải suốt bao năm qua ….
Nói ra có lẽ khó ai tin rằng: tại sao mới chừng đó tuổi mà tôi có thể nhớ nhiều chuyện xảy ra từ rất lâu như thế ?
Có lẽ tôi nhận biết ký ức từ rất sớm . Sớm hơn cả lúc 4 tuổi nữa . Bởi thời đó nỗi vất vả , khổ đau nó hằn ghi trong tâm thức con người ta đến độ trở thành “ Dấu ấn “ khó có thể quên . Bố tôi đi theo đơn vị thời chiến liên miên. Mẹ tôi cũng phải sơ tán cùng cửa hàng lúc đó cung cấp rau quả thực phẩm cho bộ đội . Chính vì thế chị em tôi buộc phải gửi vào cái trại tập trung này ….
Nơi chúng tôi ở là bên sườn một quả đồi thuộc khu vực Đồi Ba Cây ( xã Trung Hưng – Thị xã Sơn Tây hiện giờ )
Những năm đó lán trại làm bằng tre nứa và trát bùn trộn với rơm làm vách . Giường chiếu lấy đâu ra ? Tất cả nằm trên những cái phên tre vầu Đan lại , dựng lên dài theo cái lán được bao kín bằng lớp bùn trộn rơm rạ đó ….
Chúng tôi ở chung mấy chục đứa trẻ lít nhít trong cái lán như thế . Vì họ chia làm 2 khu :
-Trại trẻ lớn gồm những đứa trẻ từ 10 tuổi trở lên
– Trại trẻ nhỏ từ 10 tuổi trở xuống
Hai trại cách nhau mấy km đường đồi nên rất ít có dịp chúng tôi gặp những lớp anh chị bên trại lớn ( trừ khi họ sang khiêng rau hay làm gì nặng mà thôi )
Hàng ngày các cô giáo ( hầu hết cũng là vợ bộ đội ) trông nom quản lý dạy học và bắt chúng tôi lao động . Nhiều người sẽ hỏi
– Ba – bốn đến 6-7 tuổi thì làm được việc gì ?
Xin thưa ! “Đói thì đầu gối phải bò” là thế !Cái thời chiến tranh đói khổ ấy ai cũng phải làm . Làm mửa mật tuỳ theo độ tuổi
Tôi nhớ hàng ngày chúng tôi đều được phân chia công việc . Ăn cơm thì theo kẻng – Ngủ theo giờ và sinh hoạt làm việc như một “ Chiến sĩ” . Có khác chăng không phải chiến đấu . Không phải cầm súng hay tập luyện ngoài thao trường mà thôi !
Nhiều người sẽ không tin , vì với tuổi như thế của những đứa trẻ ngày nay thì Cha Mẹ thầy cô vẫn còn phải đánh răng phụ hay đút cho ăn . Nhưng chúng tôi ngày đó súc miệng bằng nước muối . Xuống giếng múc nước rửa mặt và tắm giặt theo từng bầy cả vài chục người ( đương nhiên có cô giáo bảo mẫu đi kèm ) nhưng không ai làm thay cho mình những phần việc cá nhân cả . Tất cả đều phải biết TỰ LẬP CÁNH SINH
Mở mắt, bước xuống khỏi vị trí nằm là cái liếp tre Đan gác lên như kiểu ở “ nhà sàn” , tất cả nội vụ phải vuông vức gọn gàng như trong doanh trại bộ đội thì mới đạt yêu cầu nếu không sẽ bị phạt . Nhẹ thì là bị quở mắng . Còn gặp cô “ác” là có thể bị Nhéo tai hay đánh đòn … Chính vì thế mà chúng tôi buộc phải cố gắng làm cho tốt .
Sau những việc cá nhân đến giờ ăn sáng . Thường thì bữa ăn của chúng tôi là bắp hạt xay nhỏ và nấu lên . Mà thời đó làm gì có những loại bắp nếp ngon như bây giờ . Nó là món bắp răng ngựa rã rời và nồng mùi vôi ngâm để sát vỏ
Thi thoảng , năm thì 10 họa thì được thay bằng bánh bao . Gọi là “ Bánh bao “ cho oai chứ thực chất nó là một nắm bột được nắm tròn lại và ….. luộc
Rồi chúng tôi phải chia nhau quét dọn – trồng rau – khoai- sắn – mía ……
Nhỏ như tôi cũng phải bóc bẹ mía – nhặt rau hay làm những gì mà cô giáo yêu cầu . Làm tốt thì lúc thu hoạch mía được chặt cho một khúc chừng gang tay . Còn không thì sẽ chỉ nhìn người khác ăn mà nuốt nước miếng !
Thời đó cái “đói “ không chừa một nhà ai . Trại trẻ là nơi nuôi giữ tập trung những đứa trẻ hầu hết không có Cha Mẹ ở gần nên quý vị tưởng tượng chúng tôi như thế nào? Như đã kể phần trước ! Mẹ tôi làm cửa hàng thực phẩm , nên thì thoảng vào đều gửi thêm đồ tiếp tế . Nhưng các cô giáo thường bớt cho con riêng của mình nên cuối cùng đói vẫn hoàn đói . Thèm vẫn hoàn thèm
Tôi nhớ như in cái món chúng tôi ăn thời đó là “ Điệp khúc bí đỏ với rau muống “
5 thì 10 họa có chút đậu hũ bằng 2 ngón tay hay lát thịt lợn mỏng như cái lưỡi mèo là mắt tôi sáng lên . Tôi Như không còn kiểm soát nổi mình nữa . Khi chia cơm xong là tôi lập tức làm công tác “ vận động “ bà chị lớn hơn mình 3 tuổi :
– Chị ơi ! Chị ăn bí đỏ với rau muống đi cho nó nhanh dài tóc . Chị để em ăn thịt cho ( ha ha ha …. Cái này tôi “ Điếm “ còn hơn Lê Duẩn khi nói kg rau muống tương đương thịt bò ) . Và cái mốt con nít “ mê tóc dài “ thời đó đã không ít lần giúp tôi “ dân vận thành công “ để xơi hết luôn mấy cái “ lưỡi mèo “ được gọi là THỊT thời chết đói đó !
Phải nói không hề “Ngoa” rằng : mấy năm tôi rèn trong cái trại trẻ tập chung ấy là hành trang vô giá cho cả quãng đời sau này của tôi . Có lẽ bởi thế , mà những lần nằm trong lao tù , tôi luôn tự động viên mình rằng : Tù đầy đâu đã là gì so với những tháng năm đó của tôi ? Và rằng tôi từ lâu đã là “ Bộ đội “ nên chuyện đi tù . Tuyệt thực … “ Chiến đấu với hoàn cảnh “ tôi đã qua hết mọi thử thách từ lâu …
Có một lần tôi còn nhớ như in . Hôm đó đói quá ! Mà mấy ngày chẳng thấy cô giáo chia tiêu chuẩn Mẹ gửi thêm . Giờ đó chị lớn đi học trên lớp . Tôi mò vào trong khu vực nhà kho , cố kiễng chân lục tìm những thứ gì có thể ăn được . Tìm suốt không thấy những thứ của Mẹ gửi . Cuối cùng tôi bốc ngô xay ăn sống . Tôi ăn ngấu nghiến chừng 2 vốc tay thì bị cô giáo bắt được . Trong lúc chị lớn còn đang trên lớp . Cô đánh tôi một trận “ Thừa chết thiếu sống “ và bắt tôi quỳ dưới đất úp mặt với 2 bàn tay sưng vù vào vách đất . Tôi cứ quỳ như thế cho đến lúc tất cả các bạn trở về và chị lớn ra khóc xin cô mới tha cho tôi . Nhưng chưa hết … suốt đêm đó tôi bị đi cầu . Không dám gọi cô giáo . Tôi thì thầm nói cho chị biết thì chị nói tôi “ NHỊN” . Vì chúng tôi ở trên lưng chừng đồi , mà cái nhà cầu quây bằng tàu chuối với lá cọ . Bên dưới đào cái hố tơ hơ . Trên mặt bắc mấy tấm gỗ cây gác ngang mặt hố làm chỗ ngồi . Kể cả ban ngày mà không cẩn thận còn rơi tõm xuống . Mỗi cái nhà cầu kiểu đó đặt một cái thùng sắt Tây hoặc cái vại sành để tro bếp dùng để đổ lên mỗi khi đi cầu xong ( hành động chỉ tiến bộ hơn con mèo khi nó biết cào đất che phân )
Bởi quá sợ cô do trận đòn hồi sáng và sợ cả đoạn đường từ lán đến cái chỗ đi cầu quá xa và tối. ( Chưa kể đồi núi có thể còn có rắn mà thời đó ban đêm hầu hết không được thắp đèn vì sợ máy bay hay thả bom vào ban đêm ) . Vậy là cuối cùng tôi cố “NHỊN “ . Tôi liên tục cựa mình lên liếp trẻ khiến nó phát ra tiếng kêu cọt kẹt càng làm tôi sợ hãi . Tôi lấy tay bịt chặt lấy đít và khóc không thành tiếng ……
. Nhưng càng cố thì càng không chịu đựng nổi . Cuối cùng thì tôi bĩnh ra quần
Chị lớn nghe mùi cũng phát hiện ra . Chị lôi tôi ra khỏi chỗ nằm và 2 chị em bò ra khỏi lán . Chị giấu theo cuốn “ Việc nhỏ nghĩa lớn “ vẫn để gối đầu và chùi cho tôi trong bóng tối ngay sát rặng cây vầu . Rồi cả 2 chị em nem nép chui vào chỗ nằm mà không sao ngủ nổi bởi cái mùi hôi thối bay ra không thể bịt được . Cuối cùng thì mọi việc cũng bại lộ khi kẻng thức dậy . Tôi bị phát hiện ngay , bởi cả cái sân đất đỏ trước lán trắng giấy , từ nguyên cuốn sách được xé ra chùi cho tôi bay tứ tung ….
Vậy là chưa hết vết tích của trận đòn ăn vụng ngô sống thì lại đến “ Vụ án ỉa đùn”
Tôi bị cô giáo đưa xuống chân đồi . Cách lán chừng 400-500 mét . Nơi đó có một cái nhà quây bằng tôn mỏng để dùng thay đồ sau khi tắm nguyên quần áo ngoài giếng sát đó ….Và sau khi tất cả các bạn khác lẫn chị lớn trở về sau giờ Vệ sinh sáng, thì tôi bị nhốt lại trong cái phòng đó một mình …… Gọi là phòng tắm . Nhưng cái phòng quây lợp tạm bợ bằng tôn với cái “ cửa chặn lại hờ hững . Bên dưới cũng chỉ là những thanh gỗ tạp lót lấy lệ . Cỏ rả che hết cả cái rãnh thoát nước bẩn thỉu , mà chủ yếu là mọi người đều tranh thủ tiểu tiện trước khi lột bộ quần áo ướt ra khỏi người ..
Họ bỏ mặc tôi trần truồng dưới đó và khóc khan cả tiếng vì sợ . Tôi tiếp tục ỉa Vung vãi những gì còn sót lại trong người !
Cho đến khi đưa mấy chục bạn kia và cả chị lớn tôi xuống tắm . Khi đó tôi mới được mở cánh cửa dù chặn hờ , nhưng với tuổi ấy tôi không đủ sức mở nó ra …..
Chưa hết thảm họa cũng như SỰ TRỪNG PHẠT với tôi , sau một đêm một ngày đã trải qua . Tất cả nguyên do chỉ từ ĐÓI……rồi ăn vụng mà ra ….. Khốn nạn ! Khốn nạn ngoài sức tưởng tượng mà mấy chục năm rồi tôi không thể nào “ Quên “ đi được
Nhưng tất cả những điều này đã bắt đầu hình thành trong con người tôi BẢN LĨNH của sự chịu đựng khi đối mặt với nghịch cảnh .
Trước đó ! Khi bị cô giáo đánh sưng tay vì ăn vụng bắp tôi đã không khóc . Bởi tôi biết mình “Sai “ và coi việc mình bị “ Trừng phạt “ là điều nghiễm nhiên !
Nhưng cho đến khi tôi bị đau bụng đi cầu mà họ bỏ mặc tôi một mình dưới chân đồi vắng thì tôi đã khóc . Khóc vì sợ ! Khóc vì tủi thân và uất ức . Khóc trong sự sợ hãi đến tuyệt vọng của là một đứa trẻ mới gần 4 tuổi …. Và rồi khi cô giáo trở lại tôi vẫn trần truồng ngồi chồm hổm bên cạnh mấy bãi cứt và nhìn trân trân …..
Bà cô giáo thấy thế , xách ngược tôi lên mang ra giếng . Tôi nhớ là tôi đã bị bà ta quay như kiểu chuẩn bị “‘NÉM CÒN” của người Dân Tộc ….. cho đến khi chị lớn tôi khóc rũ người van xin vì sợ em bị rơi xuống giếng thì bà ấy mới nhấc tôi ra khỏi lòng cái giếng đá ong mà quanh nó mọc đầy cây dương xỉ ……
Tôi cảm thấy mình LÌ ĐÒN từ khi đó .
Nếu ai đã từng có một tuổi thơ như của tôi . Tôi tin chắc chắn một điều nó sẽ tác động cực mạnh đến những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời bạn !
Chính xác là thời điểm những lần bị bắt vào tù , hay những căn phòng biệt giam bẩn thỉu đến rợn người . ….Tất cả những điều đó tôi đã được TRẢI NGHIỆM từ những năm trong nhà trẻ quân đội cộng sản và ngay từ khi tôi mới chỉ hơn 3-4 tuổi !
Quá khứ ấy ! với những trang hồi ức đầy ai oán của tôi là MỘT THÔNG ĐIỆP gửi đi rằng : Đừng lấy tù đầy hành hạ mà khuất phục tôi . Sự căm hận những kẻ bất lương đã biến tôi thành SẮT – ĐÁ – BOM – ĐẠN
Và chỉ cần các người CHÂM NGÒI thì khối căm hận ấy sẽ NỔ TUNG ……
( Còn tiếp )
Vũng Tàu ngày 17-10-2018
Bùi Thị Minh Hằng ( Bà Béo )

BÙI THỊ MINH HẰNG-VIẾT VỀ NHỮNG VẾT SẸO (Kỳ 1)

BÙI THỊ MINH HẰNG-VIẾT VỀ NHỮNG VẾT SẸO TRONG ĐỜI.(KỲ 2)
Bui Thi Minh Hang-Kỳ III: HÌNH THÀNH BẢN LĨNH
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular