Sunday, December 22, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGHàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam khiến Trung Quốc “phật...

Hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam khiến Trung Quốc “phật lòng”?

Mỹ Lan RFA
2018-03-02

RFA: Theo dự kiến, vào tháng 3 tới đây, Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ  sẽ cập cảng Đà Nẵng thăm Việt Nam. Nhận định của giáo sư như thế nào về ý nghĩa của quan hệ  Việt Nam  – Hoa Kỳ trước chuyến viếng thăm này?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyến thăm viếng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đã được thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cuối năm ngoái khi tướng Lịch thăm Mỹ. Dự kiến chính xác chuyến thăm sẽ thực hiện vào tháng 3 năm nay được thông báo khi tương Mattis thăm Việt Nam cuối tháng 1 và gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ở đây có hai điểm đặc biệt: Khi ông Mattis tuyên bố như vậy thì ông nói rằng Việt Nam và Mỹ là hai nước đồng quan điểm, ông gọi là “like-minded partner–đối tác đồng quan điểm” và có những quyền lợi chung về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề hàng hải, tự do hàng hải, bảo vệ chủ quyền quốc gia, tôn trọng chủ quyền quốc gia của nhau. Điểm đặc biệt thứ hai ông tuyên bố điều này sau khi ông thăm và cảm ơn ông Nguyễn Phú Trọng thì điều này cho thấy ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam.

RFA: Việc Hoa Kỳ đưa hàng không mẫu hạm đến thăm Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc thưa giáo sư?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chắc chắn là Hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ đến và điều này dĩ nhiên không thể làm Trung Quốc hài lòng, nhất là trong khung cảnh gần đây các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Thứ nhất, Sách lược quốc phòng Mỹ năm 2018 xác định Trung Quốc là “địch thủ chiến lược” của Mỹ, đồng thời tái xác định cam kết của Mỹ hợp tác với các đối tác trong đó có Việt Nam để bảo vệ một trật tự thế giới dựa trên luật pháp.

Thứ hai, cam kết này được Bộ trưởng Mattis nhắc lại trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 1 vừa qua khi tuyên bố Việt Nam và Mỹ là hai đối tác cùng chung quan điểm (like-minded partners), cùng chia sẻ các giá trị dựa trên “quyền lơi chung, gồm cả quyền tự do lưu thông hàng hải, tôn trọng luật quốc tế, và tôn trọng chủ quyền của nhau.”

Thứ ba, trong một hội nghị về an ninh ở New Delhi hồi tháng 1/ 2018 giữa các nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, Ấn, và Nhật, Đô đốc   Harris, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tố cáo Trung Quốc là một “lực lượng gây bất ổn” (disruptive force) ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Sau đó, trong cuộc điều trần trước Quôc hội khi được chỉ định là đại sứ Mỹ ở Úc, ông đã tuyên bố rằng “Điều rõ như ban ngày” là Trung Quốc muốn khống chế Biển Đông và trong những năm tháng rất gần quyền lực của Trung Quốc sẽ cạnh tranh với quyền lực của Hoa Kỳ trong mọi lãnh vực. Ông còn khuyến cáo Hoa Kỳ phải trù liệu ngay cả trường hơp có thể có chiến tranh với Trung Quôc.

Thứ tư, chỉ trong vòng bốn tuần từ 20/1 đến 17/2, hải quân Mỹ, qua hai sĩ quan cấp tá, cũng đã đưa ra những cảnh cáo trực tiếp đối với Trung Quốc. Trung tá Nicole Schwegman nói thẳng thừng rằng mục tiêu các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là để “thách thức” những đòi hỏi quá đáng về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung tá Tim Hawkins khẳng định hải quân Mỹ sẽ không để Trung Quốc “bắt nạt” ở Biển Đông. Và ông này tuyên bố như thế khi đứng trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson dự kiến sẽ cấp bến Đà Nẵng trong tháng tới.

Trong khung cảnh này, sư hiện diện của một hàng không mẫu hạm của Mỹ ở một quôc gia sát nách với Trung Quốc chắc chắn phải làm họ quan tâm. Dù bực mình, Trung Quốc cũng không muốn đẩy Việt Nam vào vòng tay của Mỹ.

RFA: Với chuyến viếng thăm của Hàng không mẫu hạm này thì tương quan giữa Việt nam – Hoa Kỳ và Việt Nam – Trung Quốc sẽ như thế nào thưa giáo sư?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Chưa có thay đổi lớn. Vẫn là bài toán cũ. Hoa Kỳ vẫn phải gờm Trung Quốc và kéo Việt Nam làm đối tác của mình. Trung Quốc muốn đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Biển Đông và ngăn cản việc hình thành một liên minh Mỹ-Việt trên thực tế (de facto). Việt Nam luôn phải cân bằng giữa hai đại cường và đề phòng họ có thể chia chác với nhau trên đầu mình.

RFA: Từ khi tổng thống Trump lên thì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có những thay đổi gì, so với thời TT Obama thưa ông? Ông đánh giá ntn về quan hệ này so với tương quan với quan hệ Việt Nam –Trung Quốc?

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Có hai khác biệt chính. Về chính sách thì thời Obama có chính sách xoay trục rõ rệt về Á châu-Thái Bình Dương với những cam kêt cụ thể về kinh tế ( Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương) và tái phối trí lực lượng quân sự. Với chính quyền Trump, chính sách gọi là “Sách lược Ân Độ-Thái Bình Dương chưa rõ nét. Còn trong hành động thì việc chính quyền Trump hủy bỏ Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương làm suy yếu môt cột trụ kinh tế của quyền lực Mỹ ở vùng này, chưa kể khuynh hướng thích mặc cả với Trung Quốc (making deals) và những tuyên bố bất nhất của Tổng thống Trump khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ phải nghi ngờ cam kết của Mỹ. Thứ hai, dưới chính quyền Obama, những tuyên bố lớn về chính sách do các nhà lãnh đạo dân sự tối cao của Mỹ đưa ra như Tổng thống Obama hay Ngoại trưởng Clinton. Dưới thời Trump, phần lớn các tuyên bố cứng rắn và rõ rệt đối với Trung Quốc do các nhà lãnh đạo quân sự đưa ra  như Bộ trướng Quốc phòng Mattis, Tư lệnh Thái Bình Dương Harris, trong khi ông Tổng tư lệnh tối cao của họ lại khen lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và khoe đươc tiếp đón linh đình ơ Trung Quốc. Điều này khiến cho người ta vô cùng thắc mắc. Do đó trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam thì Việt Nam cố gắng để có quan hệ rất tốt với Trung Quốc và Mỹ cũng muốn như vậy. Chúng ta thấy là những người thừa hành thì nói một đằng còn ông tổng thống nói một nẻo. Điểm son là những người mà ông tổng thống tin tưởng về mặt quân sự, nên đó là một điểm mà Việt Nam có thể lạc quan được. vì những người có quyền, có khả năng và có ảnh hưởng với ông tổng thống. Tuy nhiên họ vẫn phải đề phòng vì ông tổng thống thích “mặc cả” và có thể “mặc cả” trên đầu trên cổ mình. Dĩ nhiên là họ là những chiến lược gia nên họ phải biết và đề phòng chuyện đó. Còn đối với Trung Quốc thì người Việt Nam vẫn phải cân bằng. Nếu mà họ muốn giữ chủ quyền thì bắt buộc họ phải cân bằng và trong số các nước như Ấn Độ, Nhật Bản, Âu Châu mà họ có thể lấy làm đối trọng thì nước quan trọng nhất và là đối trọng có khả tín với Trung Quốc là Mỹ. Việt Nam không thể nào bỏ chuyện đó được. Do đó, dù Trung Quốc có thích hay không thích thì Việt Nam cũng làm. Nhưng có một điểm là trong một năm đầu tiên ông Trump lên làm tổng thống thì tạo ra tình hình bất ổn cố ở vùng đó vì người ta nghi ngờ chính sách của Mỹ. Và khi Mỹ bắt đầu lùi thì Trung Quốc “dấn” lên. Do đó, nhiều người sợ rằng ông Trump sẽ rút, nhất là chuyến đi vừa rồi của ông Trump sang Á Châu thì họ sợ Mỹ nhượng bộ Trung Quốc. Và nếu điều này xảy ra thì Việt Nam buộc phải thích ứng. Do đó, gần đây Mỹ mới cố gắng tăng cường để tạo ra cho mình uy tín và để người ta tin tưởng cam kết của mình. Đó là nguyên nhân mấy ông lãnh đạo quân sự đưa ra “lời tuyên bố cứng rắn” cũng như chuyến thăm của tàu Carl Vinson sang Việt Nam.

RFA: Xin cảm ơn giáo sư.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular