Friday, December 27, 2024
HomeBLOGNghệ thuật chôn sống

Nghệ thuật chôn sống

RFA/

Vài ngày sau khi có lá thư được cho là của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát đi, khẳng định rằng ông không có mặt ở Huế vào xuân Mậu Thân 1968, sự kiện này đã làm bùng phát nhiều lời bàn trên các trang mạng, báo chí…

Cũng có không ít người đứng ra, nói rằng nếu như vậy thì cần giải oan cho ông Tường khỏi vũng máu nhầy nhụa của cuộc thảm sát thường dân ở Huế. Cuộc thảm sát mà không có sự che đậy nào có thể làm mất hết mùi tanh của máu, của nỗi đau và sự kinh hoàng về cái gọi là “quân cách mạng” vào thời điểm đó, ở Huế.

Ghê sợ nhất, từ các bài tường trình lưu trữ của hãng AP, của ABC News… và từ cả các quyển sách ghi lại từ các phóng viên và người trong cuộc lúc đó, là chuyện kể về các màn chôn sống đồng loại. Vì lý do gì đó, những người bị chôn sống có dây kẽm đâm xuyên qua chuỗi các lòng bàn tay để tránh chuyện ai đó có thể chạy thoát. Thống kê không đầy đủ từ báo chí nước ngoài nói rằng có khoảng 5000 thường dân đã chết im lặng, chết tức tưởi như vậy, khi tay không có vũ khí và cũng không có ý định kháng cự với “quân cách mạng”.

Một người bạn trên facebook hỏi rằng tôi có ý kiến ra sao về lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã trả lời rằng mình không cần phải nói thêm gì nữa, vì đã có quá nhiều lời bình luận về chuyện này trên trang của tôi, từ những người rất hiểu biết. Mục đích chính của tôi, cũng không phải là tranh cãi với ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà chỉ là muốn làm đậm thêm sự thật.

Trong những ngày rầm rĩ cái gọi là “chiến thắng Mậu Thân” của báo đài nhà nước, có những ngôn luận rất chủ đích, được tung ra trên mạng xã hội rằng những cái chết của đồng bào ở Huế là bịa đặt của bọn phản động. Tôi được nhìn thấy những đường dẫn, những bài viết không được tỏa rộng lắm – cũng như không được hưởng ứng nhiều, nói rằng “bọn ba que lại dựng lên những chuyện này”. Những đường dẫn ấy, có kèm cả những bức hình người dân Huế sau đại nạn ấy đang đào bới tìm xác người thân bị chôn sống. Chắc chắn, lớp trẻ dại tham gia làm tuyên truyền viên không thể tự mình nghĩ ra những cách nói ngu xuẩn và điên cuồng như vậy, nếu không được hướng dẫn như vậy từ những chính trị viên của chúng.

Vì thế, không có gì xác minh câu chuyện thảm sát Huế 1968 từ “quân cách mạng” là có thật – thật đến từng chữ, như cách nhà văn Nguyễn Quang Lập đã mô tả về hồi ký của ông Nguyễn Đắc Xuân – bằng cách đặt lên mọi sự tuyên truyền khốn nạn, bằng chính bức thư xin lỗi của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tôi buộc phải làm vậy, vì không muốn đồng bào tôi – dù họ chưa hề là người tôi quen biết – lại bị âm mưu đen tối nào đó muốn chôn sống một lần nữa, sau nửa thế kỷ bị che đậy, bị nói ngược, bị điêu ngoa xảo trá.

Nhưng chung quanh câu chuyện của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, người mà đã nửa thế kỷ, khốn khổ vì luôn bị người đời gọi tên và mỉa mai không thôi, vẫn còn chuyện để bàn.

Có lẽ ông Tường đã có nhiều mùa xuân chồng chất những lời nguyền rủa, khiến năm nay đã 81 tuổi, ông buộc phải lên tiếng vì muốn thôi phải chịu đựng những hạn kỳ của dư luận như vậy.

50 năm không là ít. 50 năm là một đời người, thậm chí 50 năm có thể là thời gian chung cuộc của một chế độ.

Ấy vậy mà 50 năm qua, những đồng chí của ông Tường chưa bao giờ lên tiếng chính thức cho ông, để ông thoát khỏi câu chuyện là người có mặt trong những đêm dã thú ở Huế 1968. Thậm chí những người đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi ông Tường, đặt ông vào chức Tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế, tức lực lượng chịu trách nhiệm lấy danh sách để bắt và xử những người ở Huế vào năm 1968, cũng không ai lên tiếng, nói giúp rằng ông Tường không có mặt trong cuộc thảm sát, như thư ông Tường phân minh.

Hãy tạm gác lại trách nhiệm của ông Tường. Vấn đề trách nhiệm của những người trong “quân cách mạng” mới thật đáng nói. Họ đã để lửng lơ câu chuyện của ông Tường với nghi án ấy như một kiểu đẩy mọi tội ác cho ông Tường gánh giùm. Đã vậy, năm 1981, “quân cách mạng” đẩy ông Tường ra phát ngôn trước ống kính quốc tế, lợi dụng tinh thần đắc lực lẫn tính hám danh của ông. Và như vậy, “họ” đã âm mưu chôn sống ông Tường lần đầu một cách rất hào nhoáng.

Em của ông Tường, ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, người được dư luận nói rằng là một thủ ác không cần bàn cãi vào năm 1968, cũng im lặng. Thật khó mà tìm thấy một bài viết chính danh nào của ông Phan bênh vực về trường hợp người anh của mình. Nói một cách nào đó, nhát xẻng góp phần chôn sống ông Tường, chắc có cả của ông Phan.

Năm 2018, nửa thế kỷ tội ác Mậu Thân 1968, khi truyền thông nhà nước nói rằng “ăn mừng”, thì dường như ông Tường không thể cùng vui với niềm vui chiến thắng như vậy. Ông phải tự đưa ra bức thư minh oan cho mình. Chỉ có một số ít bạn văn và những người quen biết lên tiếng yểm trợ cho ông. Nhưng mọi thứ lại bị chìm sâu trong tiếng nhạc mừng 50 năm “cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân”. Một lần nữa không có ai trong hệ thống cất lời giúp cho ông Tường.

Thế kỷ của nhân loại hôm nay quả tinh xảo. Chôn sống có thể chỉ một lần để giết chết. Nhưng vẫn có những loại nghệ thuật chôn sống, mà khi nhìn lại đời, mới biết mình lịm dần vì đã tin vào những kẻ đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular