VOA
Hôm 20 tháng 11, báo điện tử Dân Trí kể rằng, ông bà Nguyễn Ngọc Thê ngụ ở thôn Châu Thanh, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đang kêu… Trời!
Trước đó, do túng ngặt, con trai của họ là ông Nguyễn Ngọc Trung đã mượn cha mẹ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của họ, thế chấp cho Chi nhánh Nam Thanh Hóa của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vay 50 triệu để có vốn làm ăn, nuôi ba đứa con dại. Hồi 2016, vợ ông Trung bị điện giật chết khi đang dệt chiếu…
Họa vô đơn chí, sau khi vay 50 triệu, ông Trung bị tai nạn giao thông khi chạy từ Thanh Hóa ra Hà Nội để bán bong bóng, kiếm tiền nuôi con! Ông Trung để lại cho cha mẹ già (một ngoài 80, một ngoài 70) ba đứa trẻ, lớn nhất mới 13 tuổi, nhỏ nhất mới 7 tuổi và khoản nợ ngân hàng trị giá 50 triệu! Năm ngoái, báo điện tử Dân Trí từng kể chuyện này và độc giả đã góp được một số tiền để ông bà Thê nuôi ba đứa trẻ ăn học.
Mới đây, sau khi biết tin ông bà Thê có một khoản tiền do bá tánh giúp đỡ để lo cho lũ cháu, nhân viên Chi nhánh Nam Thanh Hóa của Agribank đã đến nhà, “động viên” ông bà Thê lấy khoản tiền ấy trả một phần vốn và lãi đã quá hạn cho Agribank. Nếu không thì Agribank sẽ kê biên, phát mãi căn nhà của họ… Ông bà Thê kêu Trời vì không trả nợ cho Agribank thì mất nhà mà trả nợ thì dựa vào đâu để lo cho lũ cháu ăn học?
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Chủ tịch xã Quảng Trường bảo với phóng viên báo điện tử Dân Trí rằng, vì gia đình ông bà Thê thuộc diện “đặc biệt khó khăn” nên xã từng soạn văn bản gửi Agribank, đề nghị xóa nợ cho ông bà Thê nhưng Agribank không đồng ý. Ông Cường nói thêm, theo ông, số tiền mà ông bà Thê đang cầm trong tay không phải là của họ, đó là tiền của những người hảo tâm giúp riêng cho lũ trẻ.
Ngay sau khi câu chuyện vừa kể được công bố, Chi nhánh Nam Thanh Hóa của Agribank đã tổ chức quyên góp trong nội bộ được 20 triệu để giúp đỡ gia đình ông bà Thê. Đại diện chi nhánh này bảo rằng, họ không có quyền xóa nợ, chỉ có thể miễn – giảm lãi và xác định lại thời hạn ông bà Thê phải trả nợ (1). Xét về lý, Chi nhánh Nam Thanh Hóa của Agribank không sai: Đã vay thì phải trả!
***
Cũng thời điểm này, giới lãnh đạo Quốc hội Việt Nam vừa gửi văn bản, hỏi ý kiến các đại biểu trước khi quyết định có thu “tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước” hay không? Sở dĩ phải hỏi vì Luật Khoáng sản qui định từ 1/7/2011 và Luật Tài nguyên nước qui định từ 1/1/2013, những doanh nghiệp khai khoáng, hoặc khai thác tài nguyên nước phải nộp tiền khi được cấp quyền khai thác.
Đáng chú ý là cuối năm 2013 (hai năm rưỡi sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực), chính phủ mới ban hành hướng dẫn thu tiền khi cấp quyền khai thác khoáng sản. Tương tự, đến tháng 8 năm 2017 (khoảng bốn năm sau khi Luật Tài nguyên nước có hiệu lực), chính phủ mới ban hành hướng dẫn thu tiền khi cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Do sự chậm trễ này, ngân sách chưa thu được khoản tiền lên tới… 5.000 tỉ đồng!
Suốt từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ Tài nguyên – Môi trường rồi chính phủ Việt Nam liên tục đề nghị Quốc hội tha, không truy thu khoản 5.000 tỉ đồng này vì tổ chức truy thu vừa “rất khó khăn”, vừa “không khả thi”. Chưa kể tha còn có… lợi ở chỗ… “giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất”, hệ thống công quyền “tiết kiệm chi phí vì không cần tổ chức tiếp nhận, thẩm định hồ sơ” khi thực hiện truy thu…
***
Chắc chắn đôi vợ chồng già và lũ trẻ thiếu may mắn ở xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa không rơi vào thảm cảnh nếu Việt Nam có trợ cấp cho người già và trẻ mồ côi như các quốc gia khác. Sở dĩ Việt Nam không làm được điều đó và có thể thấy đủ loại thảm cảnh ở khắp nơi vì nội lực quốc gia đã bị lề lối quản trị – điều hành không giống ai làm cho thất tán.
5.000 tỉ đồng mà chính phủ Việt Nam mới khuyến nghị Quốc hội Việt Nam tha, đừng thu, gấp 100.000 lần khoản 50 triệu đồng mà vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Thê nợ Agribank. Gần như chắc chắn Quốc hội sẽ… nhất trí và sẽ không có ai thắc mắc đòi truy cứu, cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm vì mất 5.000 tỉ này cả. Không có đảng ta độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, làm sao đất nước “được” như thế!
Chú thích
Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.