106 nghị sĩ Đảng Cộng hòa ký văn bản đề nghị Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện của Texas

0
197
Các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ xuất hiện bên ngoài tòa Quốc hội Mỹ ngày 10-12 - Ảnh: Getty Images
TTO – Các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa gửi lên tòa bản đóng góp ý kiến nhằm ‘xác nhận với Tòa án tối cao Mỹ những quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử’.

Ngày 10-12, có 106 thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đã ký bản đóng góp ý kiến (amicus brief) bày tỏ ủng hộ vụ kiện của bang Texas lên Tòa án tối cao Mỹ đòi hủy bỏ kết quả bầu cử tại 4 bang chiến trường Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Georgia.

“Bản đóng góp ý kiến này trình bày quan ngại của chúng tôi – với tư cách thành viên Quốc hội Mỹ – rằng những điểm bất thường trái hiến pháp liên quan cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 gây nghi ngờ về kết quả bầu cử và tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử Mỹ” – bản đóng góp ý kiến được ký bởi các hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa nêu.

Hạ nghị sĩ Mike Johnson – chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu Đảng Cộng hòa và là một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump tại Hạ viện Mỹ – đã dẫn đầu nỗ lực tập hợp sự ủng hộ từ các cộng sự Đảng Cộng hòa cho bản đóng góp ý kiến này.

Với động thái trên, các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ đang kêu gọi Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện, dù tất cả 50 bang và thủ đô Washington của Mỹ đã xác nhận kết quả bầu cử.

Trước đó, 17 bang dưới sự dẫn đầu của ông Eric Schmitt – tổng chưởng lý bang Missouri – đã thúc giục Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện của bang Texas. Hôm 9-12, họ cũng ký và nộp lên tòa một bản đóng góp ý kiến dài 30 trang.

Bang Arizona cũng gửi một bản đóng góp ý kiến riêng “tôn trọng” đơn kiện của Texas. Như vậy, đã có 19 bang, tức hơn 1/3 trong tổng số 50 bang của Mỹ, tham gia cuộc chiến pháp lý chống lại 4 bang chiến trường trên.

Ngày 10-12, tổng chưởng lý của 6 trong số 17 bang trên là Missouri, Arkansas, Louisiana, Mississippi, South Carolina và Utah đã nộp kiến nghị tham gia (intervene) vụ kiện Texas tại Tòa án tối cao chứ không đơn thuần chỉ là ủng hộ hay đóng góp ý kiến.

6 bang kiện với tư cách “bên có liên quan” 

Tổng chưởng lý bang Missouri Eric Schmitt, cùng các bang khác là Arkansas, Utah, Louisiana, Mississippi và South Carolina, ngày 10-12 nộp đơn yêu cầu Tòa án tối cao cho phép họ trở thành bên có quyền lợi liên quan, tức sẽ có tiếng nói nặng ký hơn so với những bang chỉ lên tiếng ủng hộ, theo Đài Fox News. 

“Các bang có quyền lợi liên quan không nghi ngờ nguyên đơn bang Texas sẽ kiện tụng hiệu quả và thắng lợi trong vụ kiện này, tuy nhiên tổng chưởng lý của mỗi bang là đại diện tốt nhất cho lợi ích của bang và người dân của mình” – 6 bang viết trong đơn yêu cầu gửi lên Tòa án tối cao ngày 10-12. 

Dù nhận được sự ủng hộ của tổng chưởng lý của nhiều bang nhưng hầu hết các chuyên gia pháp lý đều cho rằng đơn kiện của bang Texas có nhiều lỗ hổng và gần như chắc chắn sẽ thất bại. “Không ai trong số các tổng chưởng lý này tin rằng họ có thể chiến thắng. Với tư cách luật sư thì họ sẽ không tham gia vào một hành động như vậy. 

Tuy nhiên họ đang hành động như các chính trị gia chứ không phải luật sư” – chuyên gia Lawrence Lessig của công ty luật Harvard Law nhận định. “Với những gì tôi biết cho đến nay, loạt các vụ kiện này đã vấp phải sự phản đối từ mọi thẩm phán liên bang đã từng thụ lý chúng. 

Tòa án tối cao cũng sẽ bác đơn kiện lần này, và chỉ có một câu hỏi duy nhất là tòa án sẽ từ chối thụ lý vụ án (điều tôi dự đoán) hay sẽ nhận vụ này và bác bỏ sau đó” – ông Walter Olson, quan chức cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách Cato, nói rằng câu hỏi duy nhất là Tòa án tối cao sẽ dùng cách thức như thế nào để xử Texas thua trong vụ kiện. 

Ông Ilya Shapiro, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hiến pháp Robert A. Levy tại Viện Cato, chỉ ra rằng luật sư trưởng bang Texas, ông Kyle Hawkins đã không tham gia vào vụ kiện. Tuy nhiên, ông Shapiro tin rằng điều tích cực ở đây là nếu Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện Texas có thể giúp dập tắt những nghi ngờ về cuộc bầu cử này. 

“Có vẻ sẽ tốt cho đất nước này nếu Tòa án tối cao nhận vụ kiện này và nhất trí đưa ra phán quyết bác bỏ đơn kiện vì điều đó có thể khiến một số người ủng hộ ông Trump yên ắng” – ông Shapiro nhận định.

“Amicus curiae” và “Intervenor” trong vụ kiện Texas

Trong vụ kiện Texas, những bên nộp bản đóng góp ý kiến như trên được xem như bên thứ ba “Amicus curiae” (bạn của tòa), là bên gửi đến tòa án ý kiến của mình về một vụ việc nào đó nhằm giúp tòa đưa ra quyết định. 

“Mục đích đơn giản của bản đóng góp ý kiến của chúng tôi là xác nhận với tòa những quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử” – ông Mike Johnson, hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa đến từ bang Louisiana, cho biết.

Theo tạp chí Forbes, bên “Amicus curiae” chỉ cố gắng gây ảnh hưởng mà không thật sự tham gia vào vụ kiện, trong khi việc 6 bang trên chọn hình thức “Intervenor” có nghĩa là ban đầu họ không phải là một bên trong đơn kiện nhưng giờ họ muốn trở thành bên tham gia đơn kiện để kiện 4 bang chiến trường. 

Ông Trump cũng đã nộp kiến nghị tham gia vào vụ kiện. Nói cách khác, “Intervenor” nặng ký hơn “Amicus curiae”.Vụ kiện Texas sẽ theo kịch bản nào?

TUỔI TRẺ

586790cookie-check106 nghị sĩ Đảng Cộng hòa ký văn bản đề nghị Tòa án tối cao thụ lý vụ kiện của Texas