Xử phúc thẩm ông Y Wô Niê vụ “gửi ba báo cáo nhân quyền bị bốn năm tù”

0
191
Ông Y Wô Niê trong phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 5/2022 báo Đắk Lắk

RFA

Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk sẽ xử phúc thẩm đối với nhà hoạt động về quyền tự do tôn giáo Y Wô Niê (hay còn có tên gọi khác là Ama Quynh) vào ngày 16/8 tới đây do có kháng cáo từ ông này. 

Ông Y Wô Niê, 52 tuổi, người sắc tộc Ê Đê bị Tòa án Nhân dân huyện Cư Kuin tuyên án bốn năm tù giam hôm 20/5 với tội danh “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2, Điều 331 của Bộ luật Hình sự. 

Ông bị cho là đã chụp hình ảnh của ba bản báo cáo nhân quyền viết tay rồi gửi cho các tổ chức quốc tế và gặp gỡ đại diện cơ quan ngoại giao của Mỹ. 

Trong phiên tòa sơ thẩm ông Y Wô không có luật sư bào chữa, tuy nhiên trong phiên phúc thẩm sắp tới luật sư Nguyễn Văn Miếng sẽ là người bào chữa cho vị chấp sự của Hội thánh Tin Lành Việt Nam tại địa phương này. 

Luật sư Miếng viết trên trang Facebook cá nhân cho biết:

“Góp phần đưa ông ra vành móng ngựa là các Giám định viên của Sở 4T (Thông tin & Truyền thông) tỉnh Đắk Lắk ký tên trong Bản kết luận giám định tư tưởng ông Ama Quynh tại các Bản báo cáo trên, bất chấp các cam kết mà Việt Nam tham gia trong các Công ước Quốc tế về nhân quyền.

Tiếp xúc với ông tại Trại tạm giam Công an tỉnh Đắk Lắk, ông luôn miệng vui vẻ “Tạ ơn Đức Chúa Trời” và cho biết đêm ngày ông luôn cầu nguyện cho Hội Thánh và gia đình ông được bình an. Ông gửi lời cảm ơn đến tất cả các Cơ quan ngoại giao, các tổ chức và cá nhân đã quan tâm đến ông và gia đình ông.”

Cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cư Kuin nêu rõ, ông Y Wô tự tay viết ba bản báo cáo nhân quyền, chụp lại và gửi qua ứng dụng WhatsApp gửi cho “các đối tượng phản động ở nước ngoài.”

Tuy nhiên theo luật sư bào chữa, có một bản về vi phạm quyền tự do tôn giáo thì nội dung trong báo cáo thể hiện gửi cho “Ủy ban nhân quyền Liên Hợp Quốc”“Ủy ban Tôn giáo Quốc tế và Hoa Kỳ.” 

Hai bản báo cáo còn lại là “Về tình hình tôn giáo, nhân quyền của người sắc tộc Ê Đê ở Tây Nguyên,” và “Về tình hình tự do tôn giáo nói chung và nói riêng cho người sắc tộc Cao nguyên Trung phần.”

Cáo trạng cũng thể hiện việc đại diện Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam gặp ông Y Wô Niê tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hồi tháng 6/2020. 

Nhà hoạt động nhân quyền Võ Ngọc Lục ở Đắk Lắk, người theo dõi phiên toà sơ thẩm ở gần khu vực xử án nhận định về vụ việc với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

“Theo mình nhận định về mặt pháp luật thì tất cả những điều này không sai và không vi phạm pháp luật. Việc gặp các cơ quan lãnh sự (nước ngoài- PV) thì một số anh em ở đây vẫn gặp bình thường.

Còn việc học các lớp nhân quyền trên mạng, thì học bằng hình thức nào cũng đều tốt. Khi người ta học để thêm hiểu biết về pháp luật thì đó là điều tốt, không thể kết tội được.

Còn về cáo buộc đưa hình ảnh ra bên ngoài, nếu nói xuyên tạc thì phải có giám định chứng minh đó là các hình ảnh cắt ghép để vu khống xuyên tạc. Còn đằng này không có một kết luận nào và điều đó chứng tỏ các hình ảnh ông đưa ra là thật.”

Nói về phiên toà sắp tới, ông Lục nói rằng trong các vụ án chính trị, rất hãn hữu có chuyện giảm án. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu giữ nguyên bản án thì sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.

Phóng viên có gửi email đến Đại Sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) để đề nghị bình luận về vụ án của ông Y Wô Niê nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Như tin đã đưa, ông Y Wô Niê bị bắt vào tháng 9/2021 vì các hoạt động phản ánh tình trạng tự do tôn giáo ở khu vực nơi ông sinh sống. 

Các hành động của ông Y Wô Niê bị kết luận là “gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động bình thường của các cơ quan hành chính Nhà nước, làm giảm niềm tin của quần chúng vào chế độ, và ảnh hưởng đến hình ảnh của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng như uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ ngoại giao quốc tế.”

Ông Y Wô Niê từng bị tuyên phạt 9 năm tù về tội danh “Phá hoại chính sách đoàn kết,” một điều luật thường hay sử dụng để cầm tù những người hoạt động đòi tự do tôn giáo trong nhiều nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Báo cáo về tự do tôn giáo gần đây của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng chỉ trích Chính phủ Việt Nam đàn áp các nhóm tôn giáo của người Thượng ở Tây Nguyên.

627850cookie-checkXử phúc thẩm ông Y Wô Niê vụ “gửi ba báo cáo nhân quyền bị bốn năm tù”