Xâm hại tình dục: Khi định kiến xã hội và pháp luật khiến trẻ sợ hãi và nản lòng

0
521
Ảnh: youthkiawaaz.com.
LUẬT KHOA

Những định kiến xã hội, hệ thống pháp luật và quá trình điều tra bất hợp lý có thể khiến trẻ em bị xâm hại tình dục bị bỏ rơi hoặc là chủ động bỏ cuộc.

Có phải chỉ có trẻ em gái mới bị xâm hại tình dục? Không.

Những vụ việc liên tiếp liên quan đến dâm ô và quấy rối tình dục có cùng những nghi can là nam giới và nạn nhân là nữ giới/trẻ em gái khiến các định kiến về giới càng được khắc sâu.

Tại Việt Nam, hầu hết các vụ xâm hại tình dục được chú ý đều có nạn nhân là bé gái nhưng số lượng vụ việc xâm hại các em trai cũng rất cao. Các bé trai có thể ít được thông cảm hơn các bé gái và đôi khi cảm thấy khó khăn hơn khi tiết lộ bị xâm hại tình dục – bởi một người đàn ông hay phụ nữ nào đó.

Một bé trai khi bị một phụ nữ xâm hại tình dục có thể sẽ không tiết lộ mình bị xâm hại bởi vì cậu luôn phải đối đầu với ý tưởng – trong nhiều nền văn hoá – rằng nam giới là phái mạnh và là bên chấp nhận/chủ động trong hoạt động tình dục. Định kiến này khiến bé trai trở nên yếu đuối nếu bị xâm hại.

Các bé trai cũng có thể không thừa nhận mình đã từng bị đàn ông xâm hại, vì các định kiến sai lệch về quan hệ tình dục đồng giới mà xã hội gán ghép sẽ buộc em yên lặng, đặc biệt là khi các quan niệm về đồng tính là điều tối kị ở một số nền văn hoá. Do đó, nhiều cộng đồng chỉ chú ý bảo vệ trẻ em gái hơn là trẻ em trai. Điều này làm cho trẻ em trai càng dễ có nguy cơ bị xâm hại.

Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc về các khuôn mẫu giới trong các luật pháp và các quyết định của tòa án ở Đông Nam Á nhận định: Những quan niệm sai lầm về thế nào là nạn nhân ‘thực sự’ hay nạn nhân ‘lý tưởng’ càng làm trầm trọng thêm quan niệm của cán bộ tư pháp hình sự về cách mà nạn nhân ‘lý tưởng’ nên cư xử. Ví dụ, các phát hiện từ Việt Nam cho thấy quan niệm của cán bộ tư pháp hình sự là nạn nhân ‘thực sự’ cần biểu hiện sự sợ hãi cao độ, bất lực hoặc kinh hoàng hoặc có trạng thái tinh thần hoảng loạn. Nạn nhân có thể bình tĩnh hoặc lạnh lùng kể lại trải nghiệm bị xâm hại của mình thì không được xem là phù hợp với quan niệm về hành vi thích hợp, do đó câu chuyện của họ có thể bị xem là không đáng tin cậy.

Nạn nhân không phù hợp với định kiến là như vậy.

Trẻ em trai hoàn toàn có thể là nạn nhân bị xâm hại tình dục. Ảnh: Chưa rõ nguồn.

Nạn nhân bỏ cuộc  

Bộ máy bảo vệ trẻ em có trách nhiệm thiết lập các biện pháp để đảm bảo rằng các thủ tục tư pháp và hành chính được tiến hành trong một môi trường và cách thức cho phép trẻ em được nêu ý kiến trực tiếp hoặc thông qua một đại diện thích hợp, theo một cách thức phù hợp với các quy tắc tố tụng của pháp luật quốc gia.

Việc tính đến độ tuổi và sự trưởng thành của đứa trẻ cũng có thể đặt ra yêu cầu sửa đổi các thủ tục và thực hành về tư pháp và hành chính.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 6/2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã đề xuất ý kiến nên có một quy trình xử lý đặc biệt cho các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, nhưng cho tới nay vẫn chưa có một giải pháp nào được đưa ra.

Việc áp dụng các biện pháp phù hợp và linh hoạt, và xét đến mọi khía cạnh nhằm bảo vệ quyền cho trẻ là rất cần thiết. Trong trường hợp bé gái có dấu hiệu bị quấy rối trong thang máy tại TP. Hồ Chí Minh, em có quyền khước từ yêu cầu thẩm vấn, lấy khẩu cung, hoặc tiếp xúc, đối chất trực tiếp với nghi phạm, hay bất cứ người nào khác đại diện cho nghi phạm. Bé gái hoặc gia đình cũng có quyền đặt ra những điều kiện hợp lý để thực hiện bất cứ cuộc cung cấp thông tin nào mà mình đồng ý thực hiện, và có quyền yêu cầu được bảo vệ các thông tin đời tư trước con mắt dòm ngó của giới truyền thông.

Một loạt các yêu cầu của nạn nhân như ở trên với các cơ quan có trách nhiệm nhằm phòng tránh tình trạng nạn nhân bỏ cuộc.

Tình trạng bỏ cuộc ở giai đoạn trình báo và tiếp xúc ban đầu là rất cao. Nhiều nạn nhân bị bỏ rơi và bị “mớm” các phương án hòa giải hoặc có các hình thức giải quyết khác bên ngoài các thủ tục tư pháp chính thức. Nạn nhân thường phải kể câu chuyện của mình nhiều lần và bị đối xử thiếu tôn trọng và vô cảm, dù rằng xâm hại tình dục là một trong những hình thức xâm phạm nghiêm trọng nhất về thể chất và tâm lý với trẻ em.

Nếu gia đình trẻ lựa chọn trình báo vụ việc với công an và theo đuổi tiến trình tư pháp hình sự (điều tra, truy tố và xét xử), thì trẻ sẽ phải kể lại câu chuyện của mình nhiều lần, mỗi lần đều có thể làm sống lại những sự kiện gây tổn thương, do đó, bị biến thành nạn nhân thêm nhiều lần nữa. Trẻ em gái/nạn nhân nữ có thể là chủ thể bị giám định cơ thể nhiều lần một cách kỹ lưỡng, thô bạo và thiếu tôn trọng.

Việc bỏ cuộc có thể xảy ra trong cả bốn giai đoạn của hệ thống tư pháp hình sự: trình báo công an, điều tra, truy tố, và xét xử. Các mốc bỏ cuộc phổ biến nhất bao gồm:

  • Gia đình nạn nhân không trình báo với công an (bỏ cuộc từ trước);
  • Quyết định của công an không lập hồ sơ vụ án do không đủ chứng cứ, không thể xác định được nghi phạm, hoặc nghi ngờ cáo buộc sai;
  • Quyết định của công an không chuyển vụ việc sang cơ quan công tố. Quyết định của cơ quan công tố không tiếp tục vụ việc;
  • Quyết định của tòa tuyên trắng án do không có tổn thương về thể chất của nạn nhân, thiếu bằng chứng pháp y, hoặc khó truy nguyên lại vấn đề từ đầu với nạn nhân;
  • Nạn nhân rút lui ở tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng.

Vụ việc bị loại bỏ khi cơ quan điều tra hoặc công tố ra quyết định rõ ràng và công khai không tiếp tục theo đuổi vụ việc. Vụ việc sẽ coi như không còn tồn tại nữa khi công an không nghiêm túc xem xét việc trình báo vụ việc xâm hại hoặc tấn công tình dục, không kết luận được hồ sơ, không xác định được hoặc tìm thấy nghi phạm, hoặc những vụ mà nạn nhân rút đơn kiện, hoặc bị cáo được tuyên trắng án tại tòa.

Khi đánh giá việc nạn nhân chủ động bỏ cuộc/rút đơn kiện, cần hiểu rằng việc công an đưa ra nhận định quá sớm về những khó khăn trong việc khởi tố có thể làm cho nạn nhân suy diễn là công an không khuyến khích nạn nhân tiếp tục theo đuổi vụ việc. Những khó khăn đó có thể do công an hoặc công tố viên không tin vào lời khai của nạn nhân, và khó khăn trong việc thu thập chứng cứ.

Thêm nữa, nếu nhận thấy hệ thống tư pháp hình sự không thân thiện, nhiều nạn nhân sẽ nản chí ngay từ đầu. Những nạn nhân bị đối xử một cách thiếu nhạy cảm hoặc không được thông cảm thường không tiếp tục theo đuổi vụ việc. Đơn giản, các nạn nhân/gia đình chỉ muốn chấm dứt bạo lực, được an toàn và được bảo vệ. Nếu không tin rằng pháp luật có thể giúp mình làm điều này, hầu hết các nạn nhân sẽ không hợp tác.

Một điều bất hợp lý trong việc điều tra hình sự các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam là áp dụng cứng nhắc nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung, do định kiến về độ tuổi và độ chân thật trong lời khai của trẻ, mà không xét đến các yếu tố về tâm lý, phương pháp và quyền của trẻ trong quá trình cung cấp chứng cứ chứng thực. Điều này dẫn tới hệ quả khách quan là với một số vụ việc có chứng cứ buộc tội yếu, tòa thường chọn phương án an toàn nhất là vẫn có án, nhưng là án treo để đề phòng trường hợp phải bồi thường oan sai lớn nếu người bị oan phải chấp hành hình phạt tù, hoặc một mức án nhẹ nhàng trong khung hình phạt thấp.

Các cơ quan bảo vệ trẻ em ở đâu vào lúc chúng cần được bảo vệ nhất? Ảnh: DNA India.

 15 cơ quan bảo vệ trẻ em đang làm gì?

Theo Luật Trẻ em 2016, có tới 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em với các cấp độ khác nhau từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp.

Có thể kể đến là: Tòa án nhân dân các cấp; Viện kiểm sát nhân dân các cấp; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em); Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Ủy ban nhân dân các cấp; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp; Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam và Quỹ Bảo trợ trẻ em.

Các đề án có liên quan nhằm cụ thể hoá chính sách bảo vệ trẻ em/thanh thiếu niên của các cơ quan này cũng rất phong phú và vĩ mô, ví dụ: Đề án của Đoàn TNCS HCMvề “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020; hoặc Đề án nghiên cứu, triển khai mô hình tổ chức, hoạt động của các nhóm chuyên trách bảo vệ trẻ em cấp xã do Chủ tịch UBND cấp xã đứng đầu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Cần nhớ rằng một chính sách bảo vệ trẻ em không phải là một chương trình bảo vệ chạy theo các chỉ tiêu hằng năm, mà nhằm cung cấp một khung làm việc bền vững, giúp những bên liên quan có trách nhiệm hơn trong quy trình bảo vệ an toàn cho trẻ. Một hệ thống bảo vệ tốt là một công cụ ngăn chặn hiệu quả và làm giảm đáng kể khả năng tiềm ẩn xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em khác, dù vẫn biết sự hoàn hảo trong từng con chữ của pháp luật cũng khó có thể hóa giải hết những tình huống trong thực tế.

Bộ luật Hình sự 1999 mới được sửa đổi năm 2015 và 2017, liệu có tiếp tục được đưa lên bàn tranh luận để điều chỉnh những khuôn khổ quan trọng nhất bảo vệ trẻ em hay không? Cần tác động vào chính các cơ quan làm luật – nhóm không chịu áp lực lớn như những cơ quan thi hành và núp đằng sau tấm bia rõ mặt người của những nghi can trong cơn giận dữ của số đông.

Các giả định của xã hội có thể sai. Cơn giận dữ của số đông có thể nhanh chóng chuyển qua một tấm bia mặt người mới. Các đánh giá đo lường của chuẩn mực công lý có thể lệch. Chỉ có những tổn thương nằm lại mãi mãi với con trẻ, và sẽ lại trỗi dậy những lúc không ngờ.

Từ khoá:

tấn công tình dục: sexual assault (np)
xâm hại/lạm dụng tình dục: sexual abuse (np)
xâm hại tình dục trẻ em: child sexual abuse (np)
điều tra: to investigate (v)
cuộc điều tra: investigation (n)
truy tố: to prosecute (v)
xét xử: to try (v)

403950cookie-checkXâm hại tình dục: Khi định kiến xã hội và pháp luật khiến trẻ sợ hãi và nản lòng