Thursday, December 12, 2024

XÁ LỢI

Phạm Lưu Vũ

Xá Lợi (hay Xá Lị 舍 利) là tiếng Phạn, phiên âm ra chữ Hán, đọc theo âm tiếng Việt, phiên âm Latin là Sarira. Kinh Đại Bát Niết Bàn, Xá Lợi Phật còn gọi là Dhatu. Nghĩa đen chỉ những vật cứng chắc, khó bị phân hủy, nghĩa bóng là xả đắc, những vật “đắc” được sau khi xả…

Các nhà Vật lý, Hóa học giải thích hiện tượng Xá Lợi một cách rất cặn kẽ, hùng hồn, rằng đó là kết quả nung chảy và đông kết của nhiều thành phần hóa học, trong đó chủ yếu là can xi… 

Lý luận khoa học ấy chỉ (tạm) làm cho người ta tin, nếu Xá Lợi chỉ được hình thành (duy nhất) sau quá trình đốt cháy xương cốt. Nhưng không chỉ xương cốt mới để lại Xá Lợi, mà cả phần cơ, thịt… Thậm chí toàn thân, lại chả thiêu đốt gì, mà “xả” rồi, vẫn “đắc” Xá Lợi thì sao?

Tôi nói về cái tôi đã chứng kiến trước. Đó là Nhục thân Xá Lợi của hai vị Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh ở chùa Đậu, Thường Tín. Hơn 600 năm nay, các Ngài vẫn ngồi đó, đen bóng, cực kì sinh động, bên ngoài chỉ phủ một lớp bảo vệ cực mỏng, đến nỗi trên trán, bàn tay, bàn chân… còn nổi rõ những đường gân. Bên cạnh các Ngài còn treo những bức ảnh chụp X-quang (nghe nói của BV Bạch Mai) từ những năm 60 TK trước. Bên trong bàn tay, bàn chân là những đốt xương… còn nguyên vẹn, y như những bản vẽ của giải phẫu học. Một số đốt xương sống đã “rơi”, song vẫn nằm trong ổ bụng, và các Ngài vẫn ngồi nguyên như vậy.

Tiếp theo, tôi nói về những cái tôi nghe. Còn hơn cả ở chùa Đậu. Ở Nhật Bản, hiện còn những Nhục thân Xá Lợi trên núi cao, của những cao tăng đã hàng nghìn năm. Ngay bên Trung Quốc, hàng chục vị cao tăng như Ngài Hám Sơn… từ đời nhà Đường đến nay. Đặc biệt, Lục Tổ Huệ Năng đã để lại toàn thân Xá Lợi, từ hơn 1000 năm nay.

Nếu hiện tượng toàn thân Xá Lợi sẽ làm các nhà khoa học choáng vì… bất lực, thì lại nói về một phần Xá Lợi, nhưng không phải từ xương cốt vậy. Trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức kia, cho vào lò, nung 4000 độ vẫn không suy suyển…

Và không chỉ trong đạo Phật. Đạo Thiên Chúa Giáo cũng có hiện tượng để lại Xá Lợi, Một số vị linh mục, (có cả những nữ tu) cũng không thiêu, mà có những bộ phận, thậm chí toàn thân mấy trăm năm vẫn không bị phân hủy, mặc dù không áp dụng bất cứ thủ thuật ướp xác nào.

Thậm chí chả dính dáng đến đạo nào, phàm tục 100%. Sử sách vẫn còn ghi lại đấy. Vua Lê Chiêu Thống chết bên Trung Hoa, hơn chục năm sau cải táng để đưa về nước, trái tim vẫn còn đỏ tươi…

Đại lão Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ

Ngoài trái tim ra, còn cái gì biến thành Xá Lợi nữa? Còn cái lưỡi. Cách đây hơn 1500 năm, cuối thế kỉ thứ 4, nhà Diêu Tần mở cuộc chiến tranh với nước Quy Tư (vùng Tân Cương ngày nay). Tướng Diêu Tần là Lã Quang với 10 vạn quân, 5000 kị binh sang vây hãm kinh thành nước Quy Tư, mục đích chỉ đòi Ngài Cưu Ma La Thập, một đại pháp sư thời bấy giờ, đem về Diêu Tần để… dịch kinh Phật ra tiếng Trung Hoa. Có lẽ đây là cuộc chiến tranh duy nhất trong lịch sử Trung Quốc, mà không vì mục đích lãnh thổ. Và là cuộc chiến tranh có yếu tố tôn giáo đầu tiên trong lịch sử loài người (sau này là nhiều cuộc “thánh chiến” đẫm máu ở châu Âu).

Ngài Cưu Ma La Thập bị bắt về Trung Hoa, nhưng cũng phải chịu vất vả 17 năm giam cầm, rồi mới tiến hành cùng các đại trí thức ở Trung Hoa tiến hành dịch Kinh Phật. Ngài trở thành dịch giả vĩ đại nhất, công đức lớn nhất trong lịch sử Nhân loại, cùng với Ngài sau 200 năm còn một vị nữa, đó là ngài Huyền Trang đời nhà Đường.

Hoàn thành công việc dịch thuật đồ sộ và vĩ đại ấy, trước khi nhắm mắt, Ngài Cưu Ma La Thập có nguyện một câu, rằng nếu tôi dịch đúng ý Phật, thì xin cho cái lưỡi của tôi còn nguyên vẹn. Về sau, lưỡi của Ngài quả đã trở thành Xá Lợi.

Đến đây, các nhà khoa học chắc lại nghi ngờ, rằng chẳng qua đó chỉ là truyền thuyết, thêu dệt nên để đời sau tin vào những bộ kinh mà ngài Cưu Ma La Thập đã dịch. Thì cứ cho là thêu dệt đi. Nhưng sự thật là đời sau, nhờ những bộ kinh ấy, mà đạo Phật đã truyền bá sâu rộng vào Trung Hoa, rất nhiều người đã đắc đạo, như ngài Hám Sơn, như các vị Lục Tổ… chính nhờ những bộ kinh này. 

Vậy nếu không phải do quá trình hóa học… mà hình thành Xá Lợi, thì cái gì tạo nên? Đó là Nguyện lực. Điều này thì… bất khả tư nghì. Nguyện lực xuất phát từ ngũ căn (tín, tấn, niệm, định, huệ). Ngũ căn thì ai cũng có, nhưng biến thành ngũ lực (tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực) thì không dễ mà có được. Tín lực giúp hành giả có thể “giao tiếp với khí phần thập phương Như Lai”, được cả chư Thiên, chư Bồ Tát, chư hộ pháp hộ niệm, kinh đã nói như thế thì còn gì quý bằng? Tấn lực giúp cho trí tuệ “bất thối chuyển”, chỉ có tiến, chứ không thể lùi. Niệm lực giúp cho hành giả nhìn thấy vô lượng kiếp trở về trước (túc mạng thông). Định lực giúp hành giả trụ vững ở cái gốc giác tri của mình (quy căn), huệ lực giúp hành giả nhập vào pháp giới như ý (đắc chỉ).

Nhập Pháp giới như ý thì cái gì cũng có thể biến hiện ra được, một cách tự tại. Huống hồ chỉ để lại Xá Lợi? Xá Lợi chẳng qua chỉ là một trong những cách “thị phạm” của các Ngài mà thôi.

Ngoài “nguyện lực” ra, còn thứ gì có thể để lại “Xá Lợi” nữa? Còn. Đó là “tài lực”, “vật lực”. Tài lực là tiền bạc, vật lực là của cải. Dùng tiền của để ướp xác thì cũng giữ được lâu, rất lâu đấy, nhưng vô cùng tốn kém. Không thể biết quy trình ướp xác của các pharaon Ai Cập cổ đại tốn kém biết chừng nào, nhưng phải xây kim tự tháp để cất giữ, thì mới có thể tồn tại đến ngày nay, dù đã 7000 năm. Nhưng đó chỉ là những xác ướp, quyết không phải “Xá Lợi”. Tốn kém đến nỗi, những gì mà người Ai Cập cổ đại đã bỏ ra để ướp xác các pharaon và xây kim tự tháp… đủ cho toàn bộ người Ai Cập sống và tồn tại đến tận bây giờ mà không cần phải làm gì.

Xá Lợi Phật không phải bảo quản tốn kém như xác ướp, tại sao vẫn không bị hủy hoại? Thực ra thì vẫn có bảo quản đấy. Nhưng không phải bảo quản bàng tài lực, vật lực… mà bảo quản cũng bằng nguyện lực. Xá Lợi Phật bền vững từ hàng nghìn năm nay, chính là nhờ nguyện lực của vô lượng chúng sinh, hết đời này sang đời khác, hết kiếp này sang kiếp khác, vẫn duy trì nguồn “tín lực”, để giữ gìn Xá Lợi, dù có lúc thăng, lúc trầm…

Bảo quản bằng nguyện lực của chúng sinh, nên Xá Lợi Phật không những không bị hủy hoại, mà còn có khả năng tự… sinh thêm ra. Nếu trong cõi chúng sinh, lúc nào đó tín lực được tăng thêm, hoặc có hành giả nào đó sắp đắc quả… thì số Xá Lợi sẽ tự nhiên… dôi ra. Đây mới thực sự là những “điềm” đại phúc của toàn cõi. Ngược lại, nếu “tín lực” trong toàn cõi bị suy giảm, thì Xá Lợi cũng sẽ giảm, tức là biến mất, chứ không phải bị hủy hoại. Cầu cho điều ấy đừng bao giờ xảy ra, bởi vì đó cái là “điềm” đại họa.

Nghĩa là dẫu Xá Lợi Phật, thì cũng vô thường. Nếu tín lực không còn, thì Xá Lợi Phật hoàn toàn biến mất. Đây là Pháp Diệt tận.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular