Bạch Cúc
Hà cớ gì Chủ tọa phiên tòa công khai khen ngợi ông Vũ và đề nghị bà Thảo “về vườn chăm con”?
Hai ngày qua, nhiều báo chí và video ghi lại cho thấy các phát ngôn của Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã gây nhiều bình luận trái chiều về sự công tâm của Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân, mặc dù tòa vẫn chưa đi đến giai đoạn tuyên án. Với mục đích khuyên bà Thảo rút đơn ly hôn, Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Xuân đã bất ngờ đưa ra hàng loạt lời khen ngợi ông Đặng Lê Nguyên Vũ là:
– “Thông minh, sáng suốt”, là “thủy chung” và cũng khẳng định người nổi tiếng như ông Vũ “không bao giờ lấy vợ nữa”.
– Ông Nguyễn Văn Xuân đề nghị bà Thảo rút đơn ly hôn – “về hậu trường chăm lo cho các cháu” – “chị về quản lý con chị, quản lý tài sản nhà mình”. Ông khẳng định lời khuyên của ông là “hợp tình hợp lý, hợp với đạo lý và hợp với phong tục tập quán của dân mình”.
– Ông còn lặp lại “Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Thôi thì bà rút đơn lại, giao công ty cho ông Vũ quản lý, không tham gia nữa để chồng phục vụ chí hướng… Tài sản vẫn là của chung vợ chồng. Rút đơn rồi giao toàn bộ công ty lại cho ông Vũ có được không?”
– Thẩm phán Xuân cũng cho rằng ông Vũ là người thông minh, có sức khỏe tốt chứ không phải “người cõi trên” như bà Thảo lo lắng: “Chị vừa giữ gia đình, quản lý tài sản… Chị sống như bà hoàng… Tôi đọc hồ sơ, thấy ông Vũ không có biểu hiện gì là không chung thủy với vợ, ổng rất quan tâm đến vợ con. Toàn bộ tài sản ở ngân hàng không có tên Vũ và toàn tên chị, chứng tỏ rất tin chị. Ông Vũ sống với chị chung thủy, đàng hoàng, không có dấu hiệu gì ông ngoại tình”, chủ tọa liên tục ngỏ ý hòa giải cho cuộc hôn nhân đã vỡ tan từ 3 năm trước của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên.
*Thẩm phán Xuân đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc tố tụng dân sự, vì sao?:
1. Có thể nói, cái cách mà Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân khuyên nhủ người vợ đã khiến cho những người hiểu Luật vô cùng thất vọng bởi lẽ ông ấy nói theo kiểu – “Tôi đại diện cho cánh đàn ông nói với chị thế này nhé…”
Trong khi LS của hai bên chưa tranh luận về ý kiến của bà Thảo nêu ra là ông Vũ ngoại tình, ông đưa người đàn bà khác về nhà…, việc này có lẽ cả ông Vũ và các Luật sư bảo vệ cho ông đều bác bỏ, tuy nhiên ông Thẩm phán Xuân đã tự mình khẳng định chắc nịch trước cả các Luật sư của hai bên rằng “ông Vũ không ngoại tình”.
Xin nhắc lại một nguyên tắc cơ bản trong tranh chấp dân sự là ai nêu ra sự kiện Pháp lý nào thì phải tự mình đưa ra căn cứ chứng minh sự kiện đó, vì thế nếu bà Thảo không chứng minh được ông Vũ ngoại tình thì Tòa sẽ bác bỏ sự kiện mà bà Thảo nêu ra. Việc chứng minh của bà Thảo sẽ phải tranh luận với các Luật sư bảo vệ cho ông Vũ, sau khi hai bên đã đưa ra căn cứ và tranh luận với nhau thì Tòa mới đưa ra nhận định của mình. Có thể Tòa tin rằng ông Vũ không ngoại tình nhưng nói như vậy là quá sớm chưa phải lúc như kiểu “cầm kèn chạy trước ô tô” vậy.
Nhiệt tình hơn nữa Thẩm phán Xuân tiếp tục khẳng định rằng một người nổi tiếng như ông Vũ thì “không bao giờ lấy vợ nữa”. Thật không hiểu vì sao mà Thẩm phán Xuân lại chắc chắn về những sự kiện trong tương lai y như một nhà tiên tri vậy.
Chúng tôi không trách ông Đặng Lê Nguyên Vũ bộc lộ quan điểm gia trưởng theo kiểu lý luận rằng tự nhiên ban cho giống đực thì phải nằm trên và nằm sấp, đàn bà thì nằm ngửa và nằm dưới …vv… Tuy nhiên quan điểm của Thẩm phán Xuân thì cũng gia trưởng không kém khi đề nghị bà Thảo về nhà chăm con nhường lại Công ty cho ông Vũ quản lý.
Lẽ ra khi nghiên cứu hồ sơ vụ án Ông Xuân phải hiểu rằng cớ sự tràn ly bộc phát mâu thuẫn giữa 2 vợ chồng cụ thể nhất là khi bà Thảo bị ông Vũ ký quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó TGĐ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên vào tháng 4 năm 2015.
Sau khi bị bãi nhiệm bà Thảo khởi kiện ông Vũ và phán quyết sơ thẩm của Tòa vào ngày 22/9/2017 đã chấp nhận yêu cầu của bà Thảo bãi bỏ Quyết định của ông Vũ, sau đó cả 2 còn tiếp tục tranh chấp nhau về quyền điều hành Tập đoàn Trung nguyên mãi đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng…
Như vậy hà cớ gì một người khao khát công việc điều hành quản lý và từng làm doanh nhân nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả ngoài nước như bà Thảo lại tự dưng lui vào hậu trường để chăm con. Không có số liệu nào chứng minh rằng bà Thảo yếu kém về quản lý được đưa ra hay tranh luận trước khi ông Xuân phát biểu.
Cách nói của ông Thẩm phán Xuân rõ ràng là thiên lệch tự cho rằng đàn ông thì giỏi hơn phụ nữ và ông Vũ là đàn ông nên giỏi hơn bà Thảo.
Mặc dù mục đích chính là hòa giải nhưng thái độ của ông Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân rõ ràng là công khai thiên vị cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ một cách rất vô tư theo kiểu ý kiến của ông là “hợp tình hợp lý, hợp với đạo lý và hợp với phong tục tập quán của dân mình”. Ông Xuân tin tưởng đạo lý của ông là chồng phải hơn vợ làm việc lớn và vợ phải nhường nhịn cho chồng rút lui về chăm con nội trợ…
Tuy nhiên, xét về mặt đạo đức xã hội, chúng tôi tin chắc rằng quan điểm như ông Xuân là quá lạc hậu, thay vào đó quan điểm Nam Nữ bình đẳng mới là quan điểm chính thống và tiến bộ phù hợp với sự phát triển của xã hội VN hiện nay.
– Về góc độ Pháp lý thì Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã vi phạm nghiêm trọng các Nguyên tắc cơ bản trong Luật tố tụng dân sự: cụ thể là điều 8 (BLTTDS) về Nguyên tắc bình đẳng trước Pháp Luật, điều 15 về Xét xử công bằng, điều 16 về Bảo đảm sự vô tư khách quan trong tố tụng dân sự.
– Xét về phân biệt nam nữ thì không có bất cứ văn bản Pháp luật nào ghi nhận ưu thế của người chồng phải hơn vợ, hay buộc nữ phải nhường cho nam quyền điều hành quản lý doanh nghiệp. Có chăng chỉ là những quốc gia Hồi giáo mới có sự phân biện trọng nam khinh nữ, tuy nhiên Luật trọng nam khinh nữ cũng chỉ áp dụng ở những tòa án Tôn giáo chứ không áp dụng ở hệ thống tòa án chính thống của nhà nước Hồi giáo.
Vâng, Bạch Cúc và nhóm Luật sư vẫn đang khai thác sự sai sót của Thẩm phán chứ không tranh luận về sự tốt xấu, đúng sai, hơn thua của 2 vợ chồng Vua cà phê Trung Nguyên.
2. Thẩm phán Xuân đang hành xử như Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ:
Sau những lời khuyên nhủ bà Thảo rút đơn ly hôn và giao toàn bộ quyền điều hành Trung Nguyên cho ông Vũ, Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân lại tiếp tục khuyên bà Thảo xin lỗi mẹ chồng. Khi bà Thảo khẳng định “không có lỗi gì”, chủ tọa nói “thì bà cứ xem như mình có lỗi đi, không mất cái gì” và tiếp tục khuyên bà rút đơn kiện, ngưng tham gia công ty để sang nước ngoài chăm sóc các con.
Dưới sự kiên trì khuyên nhủ theo giọng điệu đầy tính chất phủ dụ rằng “Chị vừa giữ gia đình, quản lý tài sản… Chị sống như bà hoàng…” cho thấy Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân đã thiên lệch hẳn theo hướng đóng vai một Luật sư được ông Vũ thuê để bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ. Mục tiêu chính của ông Đặng Lê Nguyên Vũ về quyền điều hành công ty đã được Thẩm phán tự động dùng thiên ý cá nhân ủng hộ và khuyên bà Thảo nhượng bộ để rút lui về hậu trường. Thẩm phán đưa ra dẫn chứng: rằng doanh thu doanh nghiệp tăng từ năm 2015 đến nay bởi sự thông minh sáng suốt của ông Vũ, rằng ông Vũ thiền để nâng cao sức khỏe, rằng không có dấu hiệu gì cho thấy ông Vũ ngoại tình..vv.
Có thể thấy tất cả những nhận định của thẩm phán đều ngược lại với bà Thảo và ngụ ý rằng bà Thảo hoàn toàn sai vì đã yêu cầu giám định tâm thần đối với ông Vũ, vì đã nói rằng ông Vũ ngoại tình, vì đã gây ra lầm lỗi với mẹ chồng, và nhất là đã sai khi dám đứng ra tranh chấp quyền điều hành doanh nghiệp với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Hầu hết những luận điểm chốt yếu nhất của Thẩm phán dùng để khuyên nhủ bà Thảo đều cho thấy ông Thẩm phán Xuân có vẻ đang thực hiện quá tốt vai trò Luật sư cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ mặc dù ngồi ở vị trí chủ tọa phiên tòa.
Hy vọng những diễn biến tiếp theo của phiên tòa không tiến triển theo kiểu “án bỏ túi” mà rất nhiều người đang quy kết để ám chỉ cách xét xử của rất nhiều các phiên tòa từng xảy ra ở Việt Nam bấy lâu nay.
3. Sự quá hạn xét xử đã thực sự ảnh hưởng đến tất cả các bên liên quan:
Qua những phân tích này chúng tôi nhận thấy trình độ xét xử và sự công tâm của Thẩm phán chủ tọa là rất có vấn đề và nhân đây chúng tôi cũng đưa ra nhận định của mình về quá trình thụ lý xét xử vụ án này đã mất 3 năm là một cách trì hoãn quá lâu đối với Công lý.
Bộ Luật tố tụng dân sự có quy định chung rằng thời hạn tối đa chuẩn bị xét xử vị án là 4 tháng, nhưng vụ án đã thụ lý 3 năm mới xét xử, tức 36 tháng là thời gian gấp 9 lần thời hạn thông thường cho thấy sự mệt mỏi và mong đợi sự phán bảo Công lý của cả hai bên ở mức độ thế nào.
Nếu truy xét hàng loạt diễn biến tranh chấp ở các phiên tòa khác giữa hai vợ chồng này về quyền điều hành doanh nghiệp Trung nguyên trong suốt 3 năm chưa xét xử vụ án ly hôn này, cho thấy cả hai phía vợ chồng bà Thảo ông Vũ đều đứng trước những khắc khoải hồi hộp gay cấn mất ăn mất ngủ vì phải tranh chấp với nhau và chờ đợi sự phán bảo của Công lý. Cho đến hôm nay án sơ thẩm vẫn chưa có phán quyết thì chưa ai biết số phận của họ, mong ước của họ sẽ đạt được hay không? Mọi thắng thua rồi cũng sẽ qua đi và tiền bạc tài sản có khi chẳng là cái gì quan trọng như ông Vũ từng nói, thế nhưng nhu cầu ổn định cuộc sống cho cả hai bên là vô cùng quan trọng, nhu cầu phát triển bền vững của Tập đoàn Trung nguyên là rất quan trọng đối với mọi cổ đông khác.
Sự phán bảo của Công lý mặc dù chỉ là việc riêng của 2 vợ chồng nhưng sự trì hoãn xét xử quá lâu đã thực sự gây tâm lý bất ổn cho hàng ngàn nhân viên của tập đoàn Trung Nguyên và hàng triệu khách hàng của Tập đoàn này.
Qua phiên tòa này chúng tôi nhận thấy đã đến lúc phải có những cải tổ sâu rộng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết đối với toàn bộ hệ thống tư pháp và xét xử trong bộ máy nhà nước Việt Nam.