(PLO)-“Cái sai trong vụ án này lại là cái đúng trong vụ án khác thì rõ ràng thể hiện quan điểm tiền hậu bất nhất của chúng ta”- luật sư Phúc khẳng định…
Đây là một trong những nội dung có sự tranh luận gay gắt giữa VKS và các luật sư trong chiều ngày 15-1, xét xử vụ án cố ý làm trái và tham ô xảy ra tại PVN và PVC.
Theo kết luận giám định, ông Đinh La Thăng và các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVN tổng số tiền gần 120 tỉ đồng (gồm số tiền lãi tối thiểu trên số tiền không sử dụng vào mục đích dự án và số tiền lãi suất phát sinh tới ngày PVN chính thức đòi tiền tạm ứng sử dụng sai mục đích).
Vị đại diện sau đó cũng nhấn mạnh, cáo trạng kết luận và các bị cáo đã thừa nhận việc tạm ứng theo hợp đồng 33 là không đúng pháp luật và sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích là trái quy định của pháp luật.
Theo VKS, thiệt hại trong vụ án này được xác định căn cứ theo quy định tại khoản 3 điều 608 BLDS 2005 (lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản). Cụ thể, trong tổng số hơn 1.300 tỉ đồng và 6,6 triệu USD mà PVN ứng sai quy định và bị PVC chiếm dụng sai mục đích trong suốt gần 10 tháng (từ 23-5-2011 đến 20-3-2012) là vốn nhà nước từ quỹ đầu tư phát triển của PVN. Vì vậy các tổ chức, cá nhân gây thiệt hại gắn với số tiền này phải có trách nhiệm bồi thường.
Đại diện VKS cho rằng, sau khi nhận tiền tạm ứng, từ 11-10-2011 đến hết năm 2012, PVC thực tế chỉ thanh toán khoảng 260 tỉ đồng vào dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó tính đến hết năm 2011 chỉ sử dụng cho dự án 196 tỉ đồng; cả năm 2012 hầu như chi rất ít cho dự án, với số tiền khoảng 75 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí quản lý vì chưa có thiết kế kỹ thuật làm căn cứ triển khai công việc cụ thể.
Các luật sư và đại diện VKS trong phiên tòa
Tranh luận lại chiều qua, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho ông Đinh La Thăng) cho rằng VKS “có sự lẫn lộn”. Luật sư Thiệp cho rằng nếu đây là tranh chấp phát sinh giữa hai doanh nghiệp, giải quyết theo trình tự kinh doanh thương mại hoặc tranh chấp dân sự thì việc áp dụng điều 608 để tính thiệt hại cho các bên là đương nhiên. Nhưng đây là vụ án hình sự, hậu quả của hành vi phạm tội phải là hậu quả thực tế đã xảy ra, không thể tính hậu quả trong tương lai.
“VKS cho rằng số tiền chưa dùng đến này, việc gửi ngân hàng lấy lãi là phù hợp. Vậy tôi đề nghị đưa ra căn cứ để xác định việc tính lãi suất trên tiền gửi có kỳ hạn, thời gian gửi là bao nhiêu để tính thiệt hại? Căn cứ nào tính số tiền này nằm trong tài khoản bao lâu không được sử dụng đến (số tiền này nằm ở tài khoản thanh toán)?”- luật sư Thiệp đề xuất.
Đặc biệt, luật sư của ông Đinh La Thăng còn đề nghị VKS chứng minh việc một DN sử dụng tiền ngân sách được phép gửi tiền ngân sách vào NH để hưởng lãi.
Theo luật sư Phúc, thực tế những năm trước đã xảy ra vụ án Ngân hàng ACB đã ủy thác đầu tư để lấy lãi vay, hành vi này đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu vụ án này lại tính thiệt hại là lãi vay đồng nghĩa với việc đi ngược lại đường lối xử lý của vụ án trước, đi ngược lại quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương.
“Nếu có thể, chúng tôi mong HĐXX triệu tập giám định viên để tham gia phần đối đáp này vì trách nhiệm này không nên đổ lên vai của VKS vì câu chuyện này là của người giám định, VKS chỉ căn cứ vào hồ sơ tài liệu của cơ quan chuyên môn thôi”- bà Phúc nói.
LS Phạm Công Hùng (bào chữa cho nguyên phó TGĐ PVN Nguyễn Quốc Khánh) thì cho rằng BLHS hiện hành không có hành vi nào xác định lợi ích nhóm là một tình tiết tăng nặng hay là một hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là tội phạm. “Nếu cơ quan áp dụng pháp luật đưa ra một khái niệm khác luật để đề nghị xử lý những người vi phạm thì không hợp lệ” – ông Hùng nói.