#VNTB – Đó là tội ác

0
694
Hình minh hoạ: người dân trong khu phong toả vì dịch bệnh COVID-19 ở TPHCM nhận thực phẩm qua rào chắn hôm 20/7/2021 Reuters

Việt Nam Thời Báo

20 tháng 9 lúc 16:36

·

Lê Tự Do

(VNTB) – Người cất vó giỏi là biết chọn luồng cá đi để bắt cá, còn người không biết cất vó là vác vó chạy khắp cánh đồng để bắt được mấy con cá mè ranh.

Trong vòng hai năm đổ lại đây, khó có ai là không biết đến con virus mang tên Corona, còn được gọi là Covid-19 hay SARS COV 2, nhất là vào thời điểm hiện tại cũng như những ngày qua. Bởi nó không chỉ đem đến những khó khăn trong công việc, trong mưu sinh, trong đời sống hằng ngày mà nó còn đem đến những sự mất mát.

Những ỷ y, những tự hào về cái gọi là hình mẫu chống dịch, những phương pháp chống dịch nhằm mục đích truy vết, hay “Zero F0” dường như đã “lỗi thời”, không còn phù hợp trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM nói riêng, cũng như miền Nam nói chung.

Từ ngày 9-7-2021, với việc bắt đầu chỉ thị 16 từ thời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn ngồi ghế Thủ tướng, người dân thành phố đã chấp nhận hy sinh cùng chung tay với chính quyền, hợp tác để cùng nhau đẩy lùi Covid-19. Thế nhưng, hai tuần rồi lại thêm hai tuần. Chưa hết hai tuần này đã đến hai tuần kia. Rồi hết xét nghiệm diện rộng đến xét nghiệm thần tốc, đủ loại xét nghiệm. Lương thực, thuốc men, dầu gội, bột giặt, kem đánh răng… và cả tiền… lần lượt hết. Chờ đợi dài cổ từ vaccine cho đến ngày hết giãn cách.

Nhiều ý kiến đến từ các chuyên gia đóng góp, nhiều tiếng nói của người dân, song, dù rất thắc mắc, vẫn không thể hiểu nổi vì sao vẫn kiên định với những quyết định như xét nghiệm diện rộng, truy tìm F0 hoặc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Có thể nói, khái niệm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là một điều rất chung chung, khi cộng đồng quá nhiều F0. Làm thế nào để có thể tách và tách ra sao?

Câu chuyện ngoài lề, Việt Nam luôn vận động đừng kỳ thị người bị nhiễm HIV. Kỳ thị và phân biệt đối xử đang tiếp tục cản trở khiến những nhóm dân dễ bị tổn thương không được hưởng các quyền cơ bản về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, đồng thời cản trở bước tiến của những hoạt động phòng, chống HIV. Vậy thì việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, có phải vô hình trung đang né những người là F0?

Dân gian thường hay nói: “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”.

Theo thống kê, tính đến thời điểm tối ngày 18-9, con số tử vong do Covid-19 lên đến 16.857 người, hơn 1.500 trẻ mồ côi vì dịch Covid-19 ở TP.HCM. Một cái giá về nhân văn phải trả quá đắt cho phương pháp sai lầm, kiên định trong vấn đề truy vết; giãn cách siết chặt, khám bệnh khó khăn; đi lại, vận chuyển khó khăn. Trong khi đó, các nước khác trên thế giới, đã nhận ra điều này và đã chuyển hướng từ lâu.

Việc vẫn kiên định, duy ý chí đó, bất chấp những gì thực tế đang diễn ra ở thế giới cũng như bất chấp lời góp ý của các chuyên gia, ý kiến từ lãnh đạo địa phương, vô hình trung, phải chăng, đang gây ra những tội ác? Làm sao để có thể bù đắp lại những cái sai lầm đó? “Thêm khôn một tí ở trên đời” được đánh đổi bằng sinh mạng, cuộc sống của biết bao nhiêu là con người. Rồi đây, có tự vấn lương tâm hay im im cho qua?

“Đi mua đồ ăn cũng khó, đi mua thuốc cũng khó. Mà nhà lại có người bệnh nền, không có thuốc để sẵn, nhiều lúc cũng lo lắm. Tưởng rằng 2 tuần thôi, ai dè liên tục kéo dài, rồi càng lúc càng siết chặt. Ngồi ở nhà nhìn mà nóng ruột. Cũng hy vọng thành phố sẽ mở ra dần dần sớm, chứ chịu đựng cũng đã lâu quá rồi. Ở nhà chưa chắc là không dương tính khi xét nghiệm hoài”.

Nếu nhìn ở góc độ tích cực hơn, trong màn đêm vẫn có ánh sáng, có thể nói, thông qua đợt dịch này, mới thấy được ai thật sự vì nhân dân; bênh vực, lên tiếng vì đời sống người dân. Thấy được đâu là góc khuất của bức hình suy tư khi ca nhiễm thứ 17 của ngài phó thủ tướng xuất hiện, hay xách cặp rời khỏi cuộc họp sớm khi Hải Dương bùng dịch.

Bởi vậy “tri nhân tri diện bất tri tâm”, chẳng sai chút nào…

596170cookie-check#VNTB – Đó là tội ác