BBC 11 tháng 1 2022, 16:14 +07
Bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015.
Là một trong những người ký tên và tham gia soạn thảo kiến nghị, luật sư Lê Quốc Quân nói với BBC News Tiếng Việt hôm 10/1:
“Tôi ký tên là vì tôi đồng ý với những nhận định và đề nghị trong Kiến nghị 117 đó. Tôi đã không hài lòng với ba điều luật đó từ lâu (Điều 109, 117 và 331) nhưng càng trở nên bức xúc hơn trong giai đoạn gần đây khi số người bị bắt nhiều hơn và mức án được tuyên ngày càng nặng hơn. Lương tâm tôi thôi thúc việc ký tên.”
Còn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận xét:
“Thực sự những người như người Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm hay những người bị kết án vừa qua bởi điều 117 là vô tội. Những người đã bỏ phiếu thông qua điều luật 117 mới có tội vì họ vi hiến. Đây là sự đảo lộn, tức tội nhân thì đi phán quyết những người vô tội.”
Điều 117 có vi hiến?
Bản Kiến nghị 117 có nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật trong BLHS 2015, gồm điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 117 “Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước”; và điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.
Kiến nghị được gửi đến Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ; và các Đại biểu Quốc hội.
Nói về vấn đề điều 117, LS Lê Quốc Quân phân tích:
“Việc vi hiến thì cũng là một vấn đề tranh cãi. Có 2 vế của Hiến pháp: Có lợi cho Dân và có lợi cho Chính quyền, hiện nay các Điều luật có lợi cho chính quyền, hạn chế quyền dân thì được ra đời chi tiết, bao trùm trong khi các luật Nhà nước còn nợ dân thì không thấy đâu ví dụ Luật Hội, Luật tiếp cận thông tin, Luật Hoạt động của ĐCS…
“Và theo tôi, điều quan trọng nhất chính là Điều 4. Điều 4 của Hiến pháp đã cho phép ĐCS lãnh đạo toàn xã hội, cho nên Đảng CS có quyền hành động trên xã hội. Vì thế để củng cố quyền lãnh đạo tuyệt đối của mình ĐCS có thể làm bất cứ điều gì để hạn chế quyền dân, để đàn áp, để tiếp tục cầm quyền, thậm chí coi những người tiến bộ, thao thức với đất nước là đối tượng cần trừng trị.”
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh, người có nhiều thân chủ bị kết án bởi điều 117 này giải thích với BBC News Tiếng Việt:
“Cùng với điều luật 331, thì điều 117 BLHS không nên được điển chế vào BLHS Việt Nam. Vì các điều luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận theo điều 25 của hiến pháp, không những thế, cũng hạn chế điều 19 trong Công ước về các quyền chính trị và dân sự (ICCPR) 1966 mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982.”
“Ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, việc phát ngôn làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức một cách không chính đáng thì chỉ là một lỗi dân sự. Chúng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà thôi.”
“Theo đó, tôi nghĩ chính quyền nên xem xét lại sự tồn tại của 2 điều luật này để bảo đảm sự hội nhập, tương thích của luật pháp Việt Nam đối với những tiêu chuẩn luật pháp hình sự quốc tế.” LS Mạnh chia sẻ.
Trịnh Bá Tư
Gia đình có ba nhà hoạt động bị bắt: Từ trái qua: ông Trịnh Bá Tư (8 năm tù); ông Trịnh Bá Phương (10 năm tù); bà Cấn Thị Thêu (8 năm tù)
Đồng quan điểm với LS Mạnh, LS Lê Quốc Quân biện giải:
“Điều 117 Bộ luật hình sự 2015 là sự nối tiếp của Điều 88, BLHS năm 1999 nhưng phát triển ở mức cao hơn, cụ thể và bao trùm hơn. Nếu được ví thì tôi có thể ví đây như là một loại lưới “giã cào” của dân đi biển, hoặc lưới “bát quái” của Trung Quốc đang bán để đánh bắt cá. Nó gom tất, bắt tất các loại, mang tính hủy diệt.”
Theo ông Quân, Điều 88 trước đây nói về hành vi thì chỉ có “tuyên truyền” nhưng giờ các hành vi bao gồm: “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền”. Đối tượng của nó là: “Thông tin, tài liệu, vật phẩm”. Cho nên, ông phân tích nếu như căn cứ theo điều trên thì “bất cứ ai cũng có thể bị bắt” nếu Nhà nước coi là “chống Nhà nước”.
“Mà khái niệm “Nhằm chống nhà nước” là rất mơ hồ, có thể nói những điều đúng sự thật và chỉ nhằm mục đích “xây dựng” nhưng Nhà nước vẫn coi là “chống” thì rất khó tranh luận. Điều luật này cũng đã tệ nhưng khi sự việc xảy ra, dân phải đi kiếm tìm công lý ở Tòa án, thì tòa án thường diễn ra không công khai, không tranh luận, không phản biện, và chỉ là rút bản án “bỏ túi” đã được ĐCS phê duyệt ra để tuyên án,” ông Quân giải thích.
Luật sư bất đồng chính kiến kết luận: “Điều luật này rất rộng, mơ hồ và nguy hiểm cho việc thực thi quyền tự do Ngôn luận của Nhân dân vốn đã được quy định tại Điều 25 – Hiến pháp 2013.”
Phân tích thêm về bản kiến nghị 17, LS Lê Quốc Quân cho rằng chính quyền nào thì cũng luôn luôn cố gắng bảo vệ sự chính danh của mình, trang bị cho mình những công cụ để đàn áp và công cụ của Nhà nước chính là “pháp luật”.
“Tuy nhiên, tôi thấy Việt Nam đưa quá nhiều Điều luật vào chương xâm phạm an ninh Quốc gia không chỉ để hợp pháp mà để đàn áp. Chúng tôi cũng kiến nghị bỏ Điều 109 là bởi đã có Điều 112 – Tội Bạo loạn và Điều 113 tội Khủng bố nhằm chống chính quyền rồi. Còn khi dân dùng những biện pháp ôn hòa và các quyền Hiến định để đòi “thay đổi” thì không thể nào bị kết án theo Điều 109 – Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nữa.”
“Khi còn sống Hồ Chí Minh cũng nói rõ với toàn dân là “Dân có quyền đuổi chính phủ”. Vậy nếu bây giờ ông Hồ hoạt động bất bạo động để “Đuổi chính phủ” thì chắc chắn ông cũng sẽ bị bắt theo Điều 109 như hơn 50 người bị kết án về Điều khoản này trong 5 năm qua,” ông Quân nêu nhận định.
Tuy nhiên, với những quan sát cá nhân, LS Đặng Đình Mạnh cho rằng bản kiến nghị này không mấy khả quan”.
“Qua nhiều vụ án hình sự xét xử tội danh theo điều 117 trong thời gian vừa rồi, tôi không hy vọng nhiều vào khả năng sớm thay đổi quan điểm của chính quyền đối với điều luật này. Tuy nhiên, xu thế hội nhập với quốc tế là không thể đảo ngược được, cho nên, tôi tin sẽ có sự thay đổi, nhưng phải chờ thời gian xa hơn,” ông Mạnh chia sẻ.
Những nhà hoạt động, nhà bất đồng chính kiến bị kết án bởi điều 117 BLHS 2015 và điều 88 BLHS 1999
Cùng chung một nhận xét, LS Lê Quốc Quân cho rằng cả 3 điều luật mà các tổ chức yêu cầu loại bỏ đều rất khó để nhà cầm quyền thực hiện.
“Bởi vì nó đã có từ lâu rồi, từ khi có BLHS đầu tiên vào năm 1985, nhưng càng ngày họ càng phát triển tinh vi hơn, phức tạp hơn, có tính đàn áp cao hơn. Mặt khác Bộ luật hình sự mới này chỉ mới có hiệu lực chính thức được 5 năm thì họ không sửa đổi. Theo tôi, nếu có tinh thần sửa đổi thì Đảng đã chỉ đạo cho Tòa án trước hết làm sao xử cho nhẹ hơn đã, nhưng không phải vậy: Luật ngày càng ngày càng chặt, án ngày càng nặng,” ông Quân nêu thực trạng.
Tuy tình hình không mấy khả quan, LS Quân cũng chia sẻ lý do về việc vẫn ký tên vào Bản kiến nghị:
“Tôi vẫn lên tiếng Kiến nghị bỏ (3 điều trên) vì những điều này rất phi lý, là đẩy đất nước đến chỗ nguy hiểm hơn. Nhà nước sẽ đẩy dân trở thành thế lực thù địch. Tôi thấy có một sự “độc ác” nào đó mà lương tâm tôi không cho phép dung túng. Tiếng nói của tôi, chữ ký của tôi có thể chỉ là như một hạt cát, như một “tiếng kêu trong hoang địa” nhưng không phải vì thế mà chúng ta im lặng. Bất công có thể đến với chúng ta khi tất cả chúng ta đều im lặng trước bất công. Những bản án dịp cuối năm càng làm cho tôi đồng ý với những anh em khác trong việc lên tiếng kiến nghị hủy bỏ 3 Điều trong BLHS,” ông Quân tỏ bày.
Những bản án nặng nề
Tháng 12/2021, Việt Nam đồng loạt xử các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo nổi tiếng với các mức án được đánh giá là nặng nề.
- Phạm Đoan Trang 9 năm tù theo Điều 88, khoản 1 Bộ luật Hình sự năm 1999 (phiên sơ thẩm)
- Trịnh Bá Phương 10 năm tù và 5 năm quản chế theo khoản 2, điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
- Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù và 3 năm quản chế theo khoản 2, điều 117 Bộ luật hình sự (phiên sơ thẩm)
- Trịnh Bá Tư 8 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
- Cấn Thị Thêu 8 năm tù theo điều 117 Bộ luật hình sự (phiên phúc thẩm)
Chia sẻ suy nghĩ về những bản án, LS Lê Quốc Quân nói:
“Những ngày cuối năm, nhìn những bản án mới được tuyên, tôi thực sự sốc. Tôi cho rằng những người bất đồng chính kiến không thể làm được gì lớn lao, ảnh hưởng đến quyền lực của ĐCS cả, nhưng họ vẫn ra những bản án nặng nề quá sức.”
Còn Tiến sỹ Nguyễn Quang A thì cho rằng, việc chính quyền đưa ra những bản án nặng nề như vậy là muốn truyền đi thông điệp rằng: “Họ muốn bắt ai thì bắt và người dân phải ngoan ngoãn. Họ đẩy những vụ xử này vào cuối năm cũng là có sự tính toán kỹ lắm vì giới ngoại giao thường nghỉ lễ, không nhiều nhân viên theo dõi nên áp lực quốc tế lên chính quyền thời điểm này là ít nhất.”
Theo Tiến sĩ A, những vụ xử với các bản án nặng nề như thế này có thể đem đến hai tác động:
“Một là nhiều người sợ và im tiếng. Hai là các bản án sẽ gây sự phẫn uất trong dân chúng – đây mới là điểm quan trọng. Có thể bây giờ người ta chưa lên tiếng nhưng trong thâm tâm của họ nghĩ rằng một chế độ bất công như vậy, những người thực sự lên tiếng đáng ra được tuyên dương thì bị tuyên những bản án vô cùng nặng nề.”
“Riêng việc bắt và tuyên án những người này đã là sự vi phạm trắng trợn của nhà cầm quyền đối với luật quốc tế, tức là Công ước về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã kí từ 39 năm trước. Đây là luật chứ không phải tuyên ngôn nên nhà cầm quyền phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền của mình chứ không phải bắt bớ, cấm đoán. Những quyền như 117 là vi hiến và những đại biểu quốc hội mà bấm nút thông qua luật này là tội đồ lớn.”
“Chính quyền tuyên án như vậy với sự mong muốn mọi người im tiếng nhưng trong lòng của họ có khi vẫn sôi sục về sự bất công. Và khi họ nung nấu những ý nghĩ đó thì sẽ có hại cho nhà cầm quyền,” ông Quang A kết luận.
Truyền thông nhà nước Việt Nam nói gì?
Báo Công an Nhân dân ngày 1/11/2021 có bài nói: “Các thế lực chống phá tìm cách đánh tráo bản chất các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, từ đó kêu gọi Nhà nước Việt Nam cần “huỷ bỏ Điều 117, Bộ luật Hình sự”.”
Bài báo khẳng định: “Các hoạt động kêu gọi xóa bỏ điều luật nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng chống phá nhà nước tuyên truyền, can thiệp vào các lĩnh vực nhạy cảm của đời sống xã hội của Việt Nam trong vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những mục tiêu mà các đối tượng phản động, chống đối đặt ra là có thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Gần đây, ngày 23/12/2021, Tạp chí Cộng sản đăng bài có tựa “Đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam hiện nay”.
Bài này nói: “Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế, như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Ngôi nhà Tự do (FH)… thường xuyên vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, bằng việc ra bản phúc trình hằng năm về nhân quyền.”