Friday, September 13, 2024
HomeCHÍNH TRỊ - XÃ HỘIVladimir Putin: Người hùng và kẻ chuyên chế

Vladimir Putin: Người hùng và kẻ chuyên chế

LUẬT KHOA

Đúng 18 năm trước, vào ngày 31/12/1999, khi cả thế giới đang chuẩn bị bước sang năm mới, nước Nga đã chứng kiến một sự kiện chính trị làm thay đổi hẳn lịch sử của mình: Tổng thống Boris Yeltsin bất ngờ từ chức, trao lại quyền hành của mình cho một nhân vật còn rất ít tên tuổi: Vladimir Putin.

Khi đó, mấy ai có thể ngờ được Putin sẽ trở thành một nhà lãnh đạo hùng mạnh và có thời gian cầm quyền lâu năm nhất ở Nga kể từ thời Joseph Stalin.

Boris Yeltsin trao lại bản Hiến pháp Nga sau khi Vladimir Putin tuyên thệ nhậm chức ngày 31/12/1999. Ảnh: Wikimedia Commons.

Vladimir Putin ngày nay không chỉ là một cái tên của một chính trị gia được nghe quen tai, mà còn là một nhân vật khiến người ta phải tranh cãi rất nhiều. Đó vừa là một nhà lãnh đạo lâu năm, mạnh mẽ, và tài năng, đối với không chỉ riêng người dân Nga mà còn được ngưỡng mộ ở nhiều nước khác. Nhưng đồng thời, Putin còn bị xem là một kẻ độc tài, một người với tham vọng quyền lực và đam mê thống trị không chỉ nước Nga mà còn là toàn bộ thế giới.

Vậy thì Vladimir Putin là ai?

Vladimir Putin thuở bé, hàng đầu, thứ ba từ phải qua. Ảnh: Time/Laski Diffusion.

Trên trang truyền thông chính thức của mình, Vladimir Putin tự miêu tả bản thân đã có một thời thơ ấu vô cùng bình dị.

“Tôi sinh ra trong một gia đình bình thường, và đó là cuộc đời của tôi trong một thời gian rất dài, có thể nói là cả cuộc đời của tôi vốn bình dị như thế. Tôi đã sống như một người bình thường, trung bình trong xã hội và tôi luôn giữ gìn mối liên hệ đó”.

Putin thuở thiếu thời trong một buổi tập Judo tại Leningrad. Ảnh: Telegraph.

Không những thế, Putin còn tự kể lại, bản thân vốn không phải là một đứa trẻ hiếu học và vâng lời. Ngược lại, khi còn nhỏ ông lại là một “chú bé rắc rối”, hay đi học muộn. Vladimir ngày bé yêu thích thể thao và đặc biệt tìm thấy niềm vui với môn võ Judo, nhưng mẹ của ông thì không mấy hài lòng về điều này.

Đến khi học lớp sáu, dưới sự hướng dẫn của cô chủ nhiệm, Vladimir Putin mới bắt đầu đam mê học hành khi hiểu rằng cơ hội trong đời không đến từ những trò quậy phá của các tay anh chị, mà từ học vấn.

Putin chụp cùng mẹ của ông trong những ngày theo học Luật ở Đại học Leningrad vào thập niên 1970. Ảnh: Telegraph.

Putin cho biết, từ những năm cuối trung học, bản thân đã bắt đầu có hứng thú với công việc của một sĩ quan an ninh. Ông tự tìm đến trụ sở tiếp dân của cơ quan tình báo Nga – KGB – để tìm hiểu phương cách tham gia.

Sau khi biết được văn bằng luật có thể giúp xin được việc ở KGB, Vladimir đặt quyết tâm phải thi đậu vào trường Luật và đã tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Leningrad năm 1975.

Khoảng cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, Vladimir Putin tiếp nhận huấn luyện tại Trường KGB Số Một (KGB School No. 1) ở Moscow.

Vladimir Putin trong quân phục sĩ quan an ninh KGB vào thập niên 1980. Ảnh: Business Insider.

Khi bắt đầu làm việc cho KGB, biểu hiện trong công việc và đặc biệt là trong công tác phản gián (counterintelligence) của Putin không chỉ được cấp trên xem trọng, mà ngay cả giới tình báo nước ngoài cũng bắt đầu chú ý đến.

Putin được đào tạo thêm tại học viện Andropov (Andropov Institute) vào cuối thập niên 1980 và sau đó được điều đến Dresden (Đông Đức) làm việc.

Putin cùng vợ và hai con gái năm 1993. Ảnh: DN.SE.com.

Cùng thời gian này, Putin thành hôn với Lyudmila Shkrebnev. Từ năm 1985 đến đầu thập niên 1990, ông sống cùng vợ và hai con gái ở Đông Đức. Sau khi trở về nước năm 1990 và bắt đầu tham gia chính trị, vợ con ông cũng trở về và họ có một cuộc sống ít được công chúng biết đến. Đến năm 2014, vợ chồng Putin chính thức ly hôn.

Vladimir Putin và cố thị trưởng Lenigrad – Anatoly Sobchak – người được xem là có ảnh hưởng đến sự nghiệp chính trị của Putin. Ảnh: uznayvse.ru.

Cuộc đời chính trị của Vladimir Putin được xem là đã bắt đầu sau khi từ Đông Đức trở về. Putin đã đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Hội đồng Thành phố Leningrad (được đổi lại tên St. Petersburg vào năm 1991) và sau đó là Phó Thị trưởng. Thị trưởng Anatoly Sobchak của Leningrad được nhiều người cho là đã dìu dắt Putin trong những ngày đầu tham chính.

Vladimir Putin và Boris Yeltsin sau khi chuyển giao quyền lực vào ngày 31/12/1999. Ảnh: RFERL.

Nhưng phải từ khi Putin đến Moscow năm 1996 thì sự nghiệp của ông mới bắt đầu cất cánh. Putin thăng tiến rất nhanh, nhất là sau khi gặp gỡ và bắt đầu được Tổng thống Boris Yeltsin nâng đỡ. Đến tháng 8/1999, ông trở thành Thủ tướng Liên bang Nga sau khi hàng loạt thủ tướng và nội các trước đó đã bị Yeltsin sa thải trong một thời gian ngắn.

Putin kể lại, khi được bổ nhiệm vào chức vụ này, Yeltsin đã nói với ông rằng: “Anh sẽ trở thành thủ tướng Nga với rất nhiều ‘cơ hội’”. Không ít ý kiến nhận xét, Yeltsin khi đó đã tìm được “người thừa kế”, chính là Vladimir Putin.

Cơ hội đó đã đến vào ngày cuối cùng của năm 1999, khi Yeltsin bất ngờ từ chức và trao lại quyền tổng thống cho Putin.

Tổng thống lâm thời Vladimir Putin và vợ bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tháng 3/2000. Ảnh: RFERL.

Ba tháng sau khi Putin trở thành tổng thống lâm thời, trong cuộc tổng tuyển cử được cử hành vào ngày 20/3/2000, người dân Nga đã bỏ phiếu ủng hộ cho Vladimir Putin. Tháng 5/2000, sau khi tuyên thệ nhậm chức, Vladmir Putin chính thức trở thành tổng thống của Liên bang Nga.

Nhiều người Nga đã nương vào lá cờ chủ nghĩa dân tộc mới được Vladimir Putin giương cao, bởi vì họ cho rằng bản thân không có một cơ hội nào khác sau khi Liên bang Sô viết sụp đổ.

Ngày 25/12/1991, khi Mikhail Gorbachev tuyên bố từ chức thì đó cũng là dấu chấm hết cho gần bảy thập niên lãnh đạo của đảng Cộng sản Nga. Trong khi phương Tây hồ hởi cho rằng việc Liên bang Sô viết sụp đổ sẽ mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên dân chủ cho người dân, thì chính ở đó, người Nga lại cảm thấy cả một thập niên 1990 là thời điểm đầy bất ổn về cả chính trị lẫn kinh tế.

Chỉ số GDP (trái) và chỉ số thất nghiệp (phải) ở Nga trong thời kỳ Putin so với trước đó. Ảnh: National Geographics.

Không còn được chính quyền trung ương bao cấp, cuộc sống của người dân vấp phải muôn vàn khó khăn. Chỉ số thất nghiệp cao, GDP của Nga rớt 34% – còn thê thảm hơn cả thời kỳ Đại suy thoái trong thập niên 1930 ở Mỹ, và đời sống tối thiểu của người dân trở nên vô cùng khó khăn.

Vậy nên đối với đa số người Nga thì Vladimir Putin đã xuất hiện và thay đổi tất cả. Theo họ, chính Vladimir Putin chứ không phải ai khác đã biến một nước Nga suy yếu, nghèo nàn, bị phương Tây xem thường trở lại vị thế đối đầu với Hoa Kỳ trong vai trò lãnh đạo số một của thế giới ngày nay.

Vladimir Putin và tổng thống Mỹ Barrack Obama tại buổi họp at G20 tại Hangzhou, Trung Quốc năm 2016. Ảnh: Alexei Druzhinin/AP Images.

Có lẽ chính bản thân Vladimir Putin cũng mang trong mình chủ nghĩa dân tộc khá cao và tham vọng muốn nhìn thấy nước Nga trở thành cường quốc đứng đầu thế giới. Vì thế cho nên ông đã thuyết phục được người Nga lựa chọn tin tưởng mình suốt hai thập kỷ qua.

Một trong những cố vấn về an ninh quốc gia của Tổng thống Donal Trump – bà Fiona Hill – đã cảnh báo nước Mỹ về tham vọng quyền lực của Vladimir Putin trong cuốn sách mới nhất của mình, Ông Putin: Phi vụ gián điệp ở điện Kremlin  (Mr. Putin: Operative in Kremlin).

Theo đó, Putin được miêu tả là một người muốn kiến tạo nên một nước Nga vĩ đại và con đường duy nhất để thực hiện điều đó là bản thân ông ấy phải có được quyền lực tuyệt đối. Để đạt được điều này, Putin sẽ không loại trừ việc phải tấn công vào kẻ thù số một là Hoa Kỳ.

Một bộ phận người Nga đã trở thành giai cấp trung lưu trong xã hội dưới thời đại Putin và họ cần được tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế. Ảnh: National Geographics.

Sau một thập niên 1990 với một nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ, người Nga tìm thấy sự ổn định và phát triển khi Vladimir Putin nắm quyền. Chỉ sau năm năm dưới thời Putin, người dân đã cảm thấy vô cùng thỏa mãn khi có được thẻ tín dụng, kiếm đủ tiền đi du lịch từ Âu sang Á, và có thể mua hàng hiệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Bỏ mặc một trong những lý do khiến cho nền kinh tế Nga phát triển là dựa vào giá dầu tăng cao trên toàn thế giới, người Nga vẫn cho rằng, đất nước chuyển mình là nhờ vào tài lãnh đạo của Vladimir Putin.

Putin đi thăm và khen thưởng quân nhân tham chiến ở vùng Dagestan trong cuộc chiến với Chechnya năm 1999. Ảnh: AP Photos.

Về mặt đối ngoại, từ cuộc chiến Chechnya cho đến khủng hoảng Crimea ở Ukraine, và gần đây nhất là chiến tranh ở Syria, nhiều người Nga cho rằng, Vladimir Putin đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình như là một lãnh đạo hàng đầu của thế giới khi không thỏa hiệp với Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU).

Ngay từ lúc chỉ là thủ tướng Nga, Vladimir Putin đã đặc biệt quan tâm đến quân đội và dùng đó để đẩy mạnh chiêu bài yêu nước và chủ nghĩa dân tộc. Hình ảnh một quân đội Nga hùng mạnh góp phần giúp Putin tiếp tục giành được lá phiếu từ người trẻ.

Thủ lĩnh phe đối lập Boris Nemtsov tại một cuộc biểu tình phản đối Putin tháng 11/2007. Ảnh: Sergey Ponomarev/AP.

Thế nhưng, không phải người Nga nào cũng xem Vladimir Putin là thần tượng. Đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, dân chủ và lực lượng chính trị đối lậpở Nga, Putin là một kẻ cai trị độc tài, một tay giết người máu lạnh sẵn sàng triệt hạ đối thủ.

Tháng 2/2015, thủ lĩnh phong trào đối lập Boris Nemtsov bị sát thủ bắn bốn viên đạn từ sau lưng và chết ngay tại chỗ, cách điện Kremlin không xa. Nemtsov được xem là một đối thủ chính trị đáng gờm của Putin vì ông từng là người được kỳ vọng sẽ trở thành nhà lãnh đạo Nga vào những năm cuối thập niên 1990, khi đang giữ chức vụ phó thủ tướng của chính phủ Yeltsin.

Vladimir Kara-Murza. Ảnh: Oslo Freedom Forum.

Nhà hoạt động dân chủ trẻ Vladimir Kara-Murza, 36 tuổi, cho biết, anh đã từng bị cảnh sát chìm đầu độc hai lần và may mắn thoát chết sau một thời gian điều trị. Mặc dù vậy, Kara-Murza không hề ngại ngần trong việc tiếp tục cáo buộc chính quyền Putin ám sát anh và những nhà hoạt động khác nhằm diệt trừ những tiếng nói đối lập.

Mộ Sergei Magnitsky (Ảnh: AP).

Luật sư Sergei Magnitsky đã bị chính quyền Putin bắt và tống giam không qua xét xử gần một năm từ tháng 11 năm 2008, sau khi anh điều tra được một vụ đại án tham nhũng và lừa đảo thuế liên quan đến các cảnh sát Nga và nhiều quan chức lãnh đạo của chính phủ. Magnitsky qua đời khi vừa 37 tuổi vì không được điều trị y tế trong thời gian bị giam giữ và bị tra tấn trong tù.

Cái chết của anh đã khiến cho nhiều chính phủ Âu – Mỹ bất bình và tiến hành thông qua các đạo luật “Magnitsky” như là một phương pháp phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền Nga và các chính phủ độc tài khác.

Nhà báo Natalya Estemirova đã bị bắt cóc và giết chết năm 2009, nhưng hung thủ vẫn chưa được bắt giữa. Ảnh: Sergey Ponomarev/AP.

Không chỉ là người hoạt động chính trị đối lập, mà các nhà báo và các cơ quan truyền thông độc lập cũng nằm trong tầm ngắm của chính quyền Putin. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ), Nga là một trong những nơi mà nhà báo bị sách nhiễu vì công việc của mình cao nhất thế giới, và điều này được thực hiện một cách có hệ thống.

Các tổ chức ở Nga có liên hệ với những cơ quan truyền thông của Mỹ như Radio Free Europe/Radio Liberty, hay Voice of America vừa bị chính phủ Nga dán mác tiếp tay cho “thế lực nước ngoài” (foreign agents) vào đầu tháng 12/2017.

Hàng chục ngàn người dân Moscow biểu tình phản đối cuộc bầu cử quốc hội ngày 4/12/2011 và được xem là một cuộc thách thức trực diện đến quyền lực của Vladimir Putin. Ảnh: AFP/YURI KADOBNOV.

Những người phản đối Vladimir Putin cho rằng, ông ta đã trở thành một kẻ nắm quyền chuyên chế khi lợi dụng khe hở của Hiến pháp Nga để có thể tiếp tục nắm quyền lãnh đạo quốc gia một cách vô thời hạn.

Năm 2008, theo Hiến pháp Nga, một người không thể đảm nhiệm quá hai kỳ tổng thống liên tục. Vì vậy, Putin không tranh cử và để thủ tướng khi đó là Dmitry Medvedev thay thế, còn mình thì trở thành thủ tướng Nga. Tuy nhiên, phần lớn quyền lực vẫn nằm trong tay Putin. Đồng thời, cũng trong năm 2008, Hiến pháp Nga cũng đã được sửa đổi để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống từ bốn năm lên sáu năm. Đến năm 2012, mặc cho rất nhiều cuộc biểu tình phản đối, Putin vẫn chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và một lần nữa trở lại cương vị tổng thống. Như vậy, ông có khả năng nắm quyền thêm hai nhiệm kỳ, tức là 12 năm nữa.

Phe ủng hộ Vladimir Putin thì tin rằng, nước Nga vẫn cần một nhà lãnh đạo đủ uy quyền để chống lại các thế lực “thù địch” của Tây phương – chính là nguyên do khiến cho nền kinh tế Nga bị suy thoái trong những năm gần đây bởi các lệnh cấm vận. Hơn nữa, việc Putin tiếp tục tranh cử tổng thống không hề vi hiến.

Putin tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử tổng thống. Ảnh: Mikhail Metzel/Tass.

Giờ đây, trước thềm năm mới 2018, ngày 6/12/2017, với tuyên bố sẽ tái tranh cử cho chức vụ tổng thống trong một buổi gặp mặt các công nhân ở thành phố Nizhny Novgorod, Vladimir Putin cho thấy quyết tâm tiếp tục lãnh đạo nước Nga, ít ra là trong sáu năm tới.

Cùng lúc này, một lượng lớn giới trẻ Nga đang bày tỏ thái độ sẽ ủng hộ Putin nắm quyền.

Với mức ủng hộ của hơn 80% người dân Nga theo một thống kê gần đây, Vladimir Putin ngày nay là một chính trị gia hùng mạnh và gần như bất khả chiến bại trong mọi cuộc bầu cử.

Tổng thống Putin và Trump tại APEC 2017 ở Việt Nam. Ảnh: NYMagazine.

Không những vậy, có thể nói sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt vào đầu thập niên 1990, chính Vladimir Putin là người khiến cho cường quốc Hoa Kỳ phải bắt đầu e dèvề một đối thủ tầm cỡ mới.

Điều này được thể hiện khá rõ sau cuộc tổng tuyển cử năm 2016 tại Mỹ và cuộc điều tra hiện vẫn đang còn dang dở của Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) về việc liệu Nga có thao túng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ hay không. Từ sau vụ khủng hoảng chính trị Watergate năm 1973, chỉ có vụ điều tra này mới có thể làm rúng động đến căn cơ của toàn bộ chính trường và xã hội Mỹ đến vậy.

Người hùng Vladimir Putin đã rơi lệ khi xuất hiện trước đám đông ủng hộ trong cuộc bầu cử tháng 3/2012 và tái đắc cử chức vụ tổng thống lần thứ ba. Ảnh: Reuters.

Đến cuối cùng, năm 2018 sẽ có thể mang đến thêm một nhiệm kỳ sáu năm cho Tổng thống Vladimir Putin, và ông sẽ tròn 72 tuổi khi mãn nhiệm vào năm 2024. Putin là một anh hùng dân tộc hay một kẻ độc tài chuyên chế, có lẽ, đó là phán xét sau này của lịch sử.

Còn riêng bản thân mình, vào tháng 6/2015, khi được Tổng biên tập tờ nhật báo Corriere della Sera hỏi liệu ông có thấy bất kỳ nỗi ân hận nào trong đời hay không, Vladimir Putin đã trả lời:

“Nói thật lòng, tôi không thể nghĩ ra bất cứ việc gì trong đời mình như bạn đã hỏi. Tôi nghĩ Thượng đế đã cho tôi một cuộc đời chẳng có gì để phải hối tiếc cả”.

Tài liệu tham khảo:

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular