VĨNH BIỆT NHẠC SĨ PHÚ QUANG

0
244
Nhạc sĩ Phú Quang

Hoàng Hưng

7 tháng 12 lúc 22:42

Cầu nguyện hương linh anh siêu thăng. Mọi người Hà Nội và yêu Hà Nội ở khắp nơi, nhất là những người con của Hà Nội xa quê, đều biết ơn những bài ca gợi nhớ nao lòng những kỉ niệm rất đặc biệt về Hà Nội của anh.

Xin phép đưa lại bài trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong đầu năm nay về những bài hát phổ thơ của Phú Quang, như nén tâm hương vọng bái anh!

SG 8/12/2021

TP – Nhà thơ Hoàng Hưng – một người “Hà Nội phố” sống ở Sài Gòn mấy chục năm nói về hai bài thơ được Phú Quang phổ nhạc thành công, và khả năng thẩm thơ của Phú Quang nói chung. 

Trong hai bài thơ của tôi được Phú Quang phổ nhạc, giới chuyên môn nhận định “Trong miền ký ức” tinh hơn. “Mùa hạ còn đâu” lại phổ biến hơn, được hát rất nhiều và in băng đĩa nhiều.

“Mùa hạ còn đâu” tôi viết khoảng năm 1970 khi sống ở Hải Phòng. Phú Quang có sửa vài chữ ở câu kết nhưng nhìn chung rất tinh khi nắm được trạng thái tinh thần của người làm thơ, biết dựa vào giai điệu gốc của bài thơ- điều này quan trọng lắm. Bởi thơ có tiết tấu, giai điệu. Nhạc sĩ giỏi phải biết lợi dụng giai điệu sẵn có của bài thơ để chuyển hóa thành ca khúc. 

Phạm Duy cũng từng phổ thơ tôi. Ông lấy những câu thơ ở một số bài chắp lại thành bài hát “Ngựa biển” nhưng tôi thấy không thành công chính vì không cảm đúng tâm cảm, không tôn trọng nhạc điệu gốc. Mà Phạm Duy được Trịnh Công Sơn gọi là “phù thủy phổ thơ” cơ đấy.

“Trong miền ký ức” tôi không viết về Hà Nội, Phú Quang gọi đó là Hà Nội có thể vì đó là ký ức Hà Nội của Quang. Nhưng điều đó không quan trọng. Nó có thể là bất cứ vùng đất nào tùy ký ức rung động của mỗi người.

Nếu hỏi Phú Quang có nói quá không, về nỗi nhớ của mình với Hà Nội? Tôi cho rằng không. Tôi người gốc Hà Nội nhưng lại sinh tại Hưng Yên. Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi về Hải Phòng dạy cấp 3 từ năm 1965 đến 1973. Sống ở Hải Phòng tôi thích tính cách thô tháp chân thật, ăn sóng nói gió của người Hải Phòng chứ chính ra Hà Nội vẫn có cái gì đó màu mè, điệu đàng quá. Nhưng những ai xa Hà Nội lâu, vào Sài Gòn sống mấy chục năm như tôi và Quang sẽ thấy nỗi nhớ Hà Nội là có thật, lòng luôn hướng về Hà Nội, yêu mảnh đất đầy văn hóa này, mảnh đất có chiều sâu của truyền thống ngàn năm. Những năm gần đây ra Hà Nội thấy đông đúc ồn ào, xô bồ và bẩn quá, chẳng được như xưa. Chán.

Còn bảo rằng Phú Quang chỉ phổ thơ hạng hai chứ không phải hạng nhất? Tôi cũng không cho như thế. Thơ tôi đương nhiên không phải hạng hai rồi (cười) nhưng thơ hạng nhất mà không phù hợp để phổ nhạc thì nhạc sĩ cũng bó tay thôi. Thơ muốn dễ phổ nhạc phải là thơ đừng chơi chữ quá, đừng cầu kỳ khó hiểu quá, làm khó khán giả. Thơ hạng nhất như Ngậm ngùi của Huy Cận được Phạm Duy phổ thành công, còn cũng của Huy Cận nhưng Các vị La Hán chùa Tây Phươngthì có ai phổ nổi không?

Tôi với Phú Quang không thân kiểu bạn bè mà chỉ giao du trong giới văn nghệ với nhau, lại cùng là người Bắc vào Sài Gòn sinh sống. Tôi thấy hai ca khúc Phú Quang viết dựa trên thơ mình đều ổn, thấy rất hài lòng, mà nhiều bài của người khác cũng hay. Nỗi nhớ mùa đông phổ thơ Thảo Phương mà không đạt à? Em ơi Hà Nội phố thì là ca khúc thành công nhất của Phú Quang, cả trên phương diện nghệ thuật lẫn đáp ứng yêu cầu của đại chúng. Bài thơ gốc của Phan Vũ, giới làm thơ chúng tôi nhìn nhận nó dài dòng, rườm rà. Phú Quang giỏi đấy, rất tinh, tỉa được những câu hay nhất. Ra được chất Hà Nội!

Mời nghe 2 ca khúc PQ phổ thơ HH:

603650cookie-checkVĨNH BIỆT NHẠC SĨ PHÚ QUANG