VIẾT “ĐÀN BÀ ĐÊM”

0
254

 (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)

Tôi đã viết “Đàn bà đêm” vào một đêm mất ngủ. Nằm trên giường, tôi bắt đầu tưởng tượng tôi đang chờ một người nào đó về nhà. Ngay lúc ấy, ý tưởng để viết truyện ngắn này chợt nảy ra trong óc tôi.

Thoạt đầu là một nhân vật không tên. Đó là một người mẹ vừa đặt đứa con trai nhỏ vào giường, và là một người vợ đang đợi chồng về. Người chồng đang ở đâu? Tôi tự hỏi. Ông ấy đang ở với một người đàn bà khác, tôi quyết định như thế. Và người đàn bà khác ấy là một cô gái điếm.

Thế rồi tiêu điểm của truyện chuyển từ người vợ sang cô gái điếm. Cô ấy là một người mẹ vừa đặt đứa con trai nhỏ vào giường và đang đợi một người khách — một người đàn ông đã có gia đình.

Khi nhân vật chính của tôi đã thành hình, tôi tự hỏi cô ấy sẽ giải thích “việc làm” của mình như thế nào cho đứa con trai. Tôi quyết định đặt đứa con trai vào ở chung trong căn phòng vừa để sống vừa để “làm việc” của người mẹ, và điều này khiến việc tạo ra một lời giải thích càng trở nên khó khăn hơn. Thế nên hiển nhiên là người mẹ phải đợi đứa con trai ngủ rồi mới “làm việc”, và nếu nó bắt gặp mẹ nó đang hành sự, thì mẹ nó hẳn sẽ “bịa chuyện” để giải thích những gì đang diễn ra. Những “chuyện” này trở thành những huyền thoại ở ngay trung tâm của “Đàn bà đêm”: những mẩu hư cấu về người cha thất tung quay về nhà với đứa con trai, về những thiên thần đến viếng nhà của họ trong một khoảng thời gian, về những hồn ma nữ có những ngôi sao trong tóc, và về những cầu vồng có bầy rắn ở đầu này và một hũ vàng ở đầu kia. Giống như cái cách chúng ta đôi khi dùng những thần thoại, truyền thuyết, và truyện dân gian để giải thích nguồn gốc sáng tạo của quả đất, mặt trời, mặt trăng, và các tinh tú, người đàn bà này dùng những huyền thoại nhi đồng để bảo vệ cái thế giới quan ngây thơ của đứa con trai và tự trấn an rằng mặc dù hoàn cảnh sống của họ bất bình thường, đứa bé vẫn còn được một tuổi thơ tràn đầy những ý tưởng thần kỳ và đẹp đẽ.

Close up profile of a couple having sex on a bed at home in the night

Trong khi viết “Đàn bà đêm”, tôi đã nghĩ đến Penelope trong Odyssey. Penelope là một người vợ suốt hai mươi năm chờ đợi chồng mình, Odysseus, trở về từ chiến trận. Trong khi chờ đợi, Penelope tránh những kẻ theo đuổi mình bằng cách ngày ngày dệt một tấm khăn liệm, rồi mỗi đêm lại tháo nó ra, chỉ để bắt đầu dệt nó lại vào ngày hôm sau. Những mẩu chuyện mà cô gái điếm này kể cho đứa con trai của cô nghe trở thành tấm khăn liệm của chính cô, một lời ai điếu của cô cho cuộc sống đáng lẽ cô phải có, nếu chồng cô đã không biến mất. Những huyền thoại ấy cũng trở thành những ngọn hải đăng hy vọng cho đứa con trai, một cách để nó vượt qua cái hiện thực đau đớn và tìm thấy những lẽ sống khác.

Tôi đã sử dụng điểm nhìn của ngôi thứ nhất trong truyện này vì tôi muốn độc giả cảm thấy thật gần gũi với nhân vật chính, nghe những ý nghĩ thầm kín một cách trực tiếp, qua chính giọng nói của cô ấy. Tôi cũng muốn tránh bất kỳ sự phán xét vô tình nào từ phía tôi, nên tôi hoàn toàn tháo gỡ giọng nói của tôi ra khỏi trạng huống đó. Tôi không muốn đưa ra bất kỳ lời phán xét nào, cũng như nhân vật này không hề phán xét về chính mình. Có thể người “thẩm phán” duy nhất là đứa con trai, kẻ mà người mẹ đang cố gắng một cách tuyệt vọng để bảo vệ bằng những mẩu chuyện này.

Một số độc giả đã hỏi tôi liệu đứa con trai có biết sự thật rằng mẹ của nó là một cô gái điếm hay chăng. Câu trả lời là: có. Nó biết. Và có lẽ người mẹ cũng nhận ra rằng nó biết. Tuy nhiên, vì cô quá yêu thương nó, cô cảm thấy cô có bổn phận che chở cho nó trước trạng huống đó.

Nhiều độc giả cũng đã hỏi tôi rằng tôi có xem người đàn bà này là một kẻ nói dối hay không. Trả lời cho câu hỏi này quả là không dễ dàng như thế. Theo ý tôi — và độc giả có quyền đưa ra những ý kiến khác, bởi một khi cái truyện ngắn này đã được tung ra trước thế giới, nó trở thành vật sở hữu chung của họ cũng như của tôi — theo ý tôi thì người đàn bà này chỉ đơn giản thêu dệt những mẩu chuyện để đối phó với một trạng huống khó khăn, cũng rất giống như những nhà viết truyện hư cấu phát minh ra những mẩu chuyện, chế biến ra những chuyện kể đôi khi đẹp đẽ và đôi khi đau đớn, để gửi đến các độc giả của mình.

—————-

Nguyên tác: “Writing ‘Night Women'” của Edwidge Danticat, trong Mark Mills, Crafting the Very Short Story: An Anthology of 100 Masterpieces (London: Pearson Education, Inc, 2003) 90-91.

Mời các bạn xem truyện ngắn “Đàn bà đêm” của Edwidge Danticat, bản dịch của Thận Nhiên, trong stt trước.

630930cookie-checkVIẾT “ĐÀN BÀ ĐÊM”