Vạn Thịnh Phát sụp đổ (phần 1): SCB không liên quan, vẫn sống khỏe, không sợ mất tiền tiết kiệm?

0
216
Chi nhánh của Ngân hàng SCB ở phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 8/10/2022 Báo Xây Dựng

Bình luận của blogger Gió Bấc
2022.10.10

Vụ bắt giam bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Tin vỉa hè lao xao vào ngày thứ sáu đen theo lệ đốt lò nhưng đến ngày 8-10, ngày thứ bảy báo chí mới công bố công khai kèm theo chiến dịch truyền thông khá chu đáo nhưng đầy mâu thuẫn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho rằng bà Trương Mỹ Lan không liên quan đến SCB, Ngân hàng Nhà nước bảo đừng rút tiền, hứa “có những biện pháp theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền tại ngân hàng SCB”. Những lời vàng ngọc này liệu có đáng tin?

Rút kinh nghiệm từ những vụ bắt bầu Kiên, Trần Bắc Hà từng gây bão, làm thị trường chứng khoán bốc hơi hàng tỷ đô la, hệ thống ngân hàng chao đảo, lần này việc bắt giam đại gia Trương Mỹ Lan và các đồng phạm ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chuẩn bị chu đáo từ việc bảo mật, điểm rơi công bố và đồng hành với bắt giam là chiến dịch truyền thông rầm rộ.

Về thời điểm bắt giam, theo truyền thống của chiến dịch đốt lò lâu nay, việc đưa củi nhập lò thường được công bố vào ngày thứ sáu hàng tuần. Lần này, ngày 7-10, mạng xã hội đó đánh tiếng xa gần nhưng không có tin chính thức. Ban chuyên án chọn điểm rơi vào ngày thứ bảy rất hợp lý vì ngày thứ bảy, thị trường chứng khoán không làm việc, hầu hết các ngân hàng nghỉ làm hoặc chỉ làm việc buổi sáng.

Tuy vậy vẫn có rò rỉ thị trường vẫn có xáo trộn. Ngay mới 7 giờ sáng 8-10, Báo Lao Động online đã đưa tin trấn an “Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân không nên rút tiền trước hạn ở SCB”. Theo đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về hiện tượng “Ngày 7.10.2022, trên mạng xã hội lan truyền thông tin tiêu cực về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) dẫn đến hiện tượng một số người dân rút tiền trước hạn”.

Về việc này Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ theo dõi sát tình hình để ngân hàng hoạt động bình thường và có giải pháp, chính sách theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích của người gửi tiền, giữ vững ổn định của SCB nói riêng và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung”.(1)

Ngay sau khi công bố thông tin bắt bà Trương Mỹ Lan thì 800 tờ báo cùng chung một tổng biên tập Trưởng Ban Tuyên Giáo đã cùng đồng ca giai điệu: không có gì…., hãy yên tâm, đã có Nhà nước lo.

Tuy vậy, chiến dịch tuyên truyền này lại thực hiện theo phương cách cũ rích, khá ngây thơ là cứ cùng nhau nói dối. Báo Đảng thành Hồ đi đầu đưa tin “Ngân hàng SCB: Bà Trương Mỹ Lan không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tại SCB”. Báo dẫn nguồn tin rất oách, rất oai vệ “Tại buổi họp báo liên quan đến thông tin về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) diễn ra tại Trung tâm Báo chí TPHCM chiều ngày 8-10, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết: Công ty An Đông không phải cổ đông của SCB, bà Trương Mỹ Lan không giữ chức vụ quản lý và điều hành tại SCB”.(2)

Ối cha mẹ ơi! Xưa nay người có tiền gửi tiết kiệm thì ai cũng biết SCB là ngân hàng có lãi suất cao chót vót và là cái hầu bao cho bà Trương Mỹ Lan Vạn Thịnh Phát. Thậm chí vì biết và tin bà Lan có gốc bự nên người ta ùn ùn gửi tiền dù lãi suất ngân hàng này cao hơn các ngân hàng thương mại khác rất đáng ngờ!

Không chỉ trấn an 800 anh em báo chí còn nhiệt tình bơm thổi biến bệnh nhân đang hấp hối trở thành võ sĩ đang thách đấu trên võ đài. Cũng trong ngày thứ bảy đen tối ấy. Báo chí đồng loạt đưa tin SCB tăng lãi suất với những lời có cánh: “Ngân hàng SCB ổn định sau động thái của NHNN và trở nên hấp dẫn đối với nhiều người sau khi có quyết định tăng lãi suất lên 8,9% và thực hiện chi trả cho các khách hàng có nhu cầu một cách bình thường.

Trong phiên giao dịch ngày 8/10, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng đối với chứng chỉ tiền gửi và cũng áp dụng mức lãi suất 8,9% cho tiền gửi kỳ hạn 36 tháng…” (3)

Chỉ trong một buổi sáng, đang bị khách hàng ùn ùn rút tiền, nâng lãi suất cái độp thì “ổn định sau động thái của NHNN và trở nên hấp dẫn đối với nhiều người” quả là tài thánh giống như lập luận quân Nga đốt cầu Crưm để thanh lý xây cầu mới!

Chiến dịch truyền thông càng hở sườn khi chối bỏ mối quan hệ của bà Trương Mỹ Lan với SCB thì lại lộ liễu mối quan hệ thâm sâu và bất minh giữa SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát qua cái chết bất ngờ, bí ẩn của ông Nguyễn Tiến Thành – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vài ngày trước đó. 

Các báo đều đưa tin chi tiết “Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng – phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”. “Không chỉ là người đứng đầu của Chứng khoán Tân Việt, từ năm 2017, ông Thành cũng đảm nhiệm vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)”, “Theo dữ liệu từ SCB, trong quá trình hoạt động, Chứng khoán Tân Việt và SCB có nhiều mối quan hệ hợp tác với nhau”. (4)

Như vậy, trên giấy tờ hiện nay, bà Lan không có vai trò trong SCB nhưng thông qua vợ chồng ông Thành và trung gian chứng khoán Tân Việt (TVSI) thì SCB với Vạn Thịnh Phát của bà Lan tuy hai mà một. Cái chết bất ngờ, bí ẩn của nhân vật hai chức ba vai này vào thời điểm hết sức nhạy cảm chỉ vài ngày trước khi bà Trương Mỹ Lan được công bố bị khởi tố bắt giam càng cho thấy bên trong SCB có rất nhiều ẩn khuất.

Điều quan trọng là 800 anh em báo Nhà nước cùng bơm hơi SCB sống khỏe sống hùng, hấp dẫn khách hàng nhưng đã để lòi hèm là Tân Việt không khỏe lắm bằng thông tin bất thường trong ngày chủ nhật 09/10/2022: “Chứng khoán Tân Việt tạm ngừng cho nhà đầu tư ứng trước tiền bán chứng khoán”

từ ngày 10-10, cho tới khi Công ty CP Chứng khoán Tân Việt có thông báo mới. Các hoạt động khác vẫn diễn ra bình thường.”

Ngoài điểm bất bình thường trong việc tạm ngừng cho nhà đầu tư ứng tiền bán chứng khoán, thông tin còn hé ra con số đáng ngại về sức khỏe tự công bố của Tân Việt: “Tính đến ngày cuối quý hai năm nay, Chứng khoán Tân Việt có tổng tài sản hơn 9.200 tỉ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên khoản nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng 72% lên hơn 5.400 tỷ đồng, nhiều hơn vốn chủ sở hữu (3.800 tỉ đồng)”.(5)

Anh em báo chí trong nước theo sự lãnh đạo của đảng ắt hẳn phải nói theo đường lối. Báo chí của ông anh cả một thời là thành trì XHCN đã tổng hợp tin tức và thông tin chi tiết với từ ngữ long trọng “đế chế Vạn Thịnh Phát”

Riêng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), theo trang Tài chính và cuộc sống Fili, cơ quan của Hiệp hội các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE), chỉ trong vòng ba tháng gần đây, Ngân hàng SCB đã liên tục miễn nhiệm và bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao thuộc ban điều hành.

Điển hình như ngày 12/08/2022, Ngân hàng đã miễn nhiệm chức danh Quyền Tổng Giám đốc của ông Trương Khánh Hoàng.

Ông Trương Khánh Hoàng được bổ nhiệm làm quyền tổng giám đốc SCB từ tháng 5/2021 thay cho ông Jeremy Chen.

Ông Hoàng ngồi ghế Quyền CEO của SCB chỉ khoảng 15 tháng. Đáng chú ý, trước khi ông Trương Khánh Hoàng làm Quyền Tổng giám đốc, SCB đã thay tổng giám đốc đến ba lần…chỉ trong vòng 10 tháng(lần lượt là ông Võ Tấn Hoàng Văn, ông Hoàng Minh Hoàn, rồi đến ông Chen Yi-Chung – tức Jeremy Chen).

Sau thời khi miễn nhiệm ông Trương Khánh Hoàng, SCB bổ nhiệm ông Diệp Bảo Châu làm Phó Tổng giám đốc phụ trách. Tuy nhiên, tới ngày 30/08, SCB tiếp tục bổ nhiệm ông Trương Ngọc Lũy vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Ngày 15/09/2022, bà Trần Thị Mỹ Dung bị miễn nhiệm khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc của SCB. Theo đó, bà Dung thực hiện nhiệm vụ mới theo sự phân công của lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Bà Nguyễn Kim Hằng được bổ nhiệm làm Kế Toán trưởng của Ngân hàng. Cũng trong tháng 9, SCB liên tiếp bổ nhiệm thêm ba phó tổng giám đốc khác là ông Bùi Nhân, ông Hoàng Minh Hoàn và bà Đặng Thị Bảo Châu. Mới nhất, ngày 4/10, SCB đã bổ nhiệm ông Đoàn Trung Kiên vào vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Chỉ tính từ tháng 8 đến nay, Ngân hàng SCB liên tục ghi nhận biến động nhân sự khi liên tiếp bổ nhiệm tới sáu Phó tổng giám đốc.

Các hoạt động tại Ngân hàng SCB gây chú ý vì được cho là có mối liên quan mật thiết với tập đoàn Vạn Thịnh Phát của vợ chồng nữ đại gia bất động sản Trương Mỹ Lan và Chu Nap Kee Eric.(6)

Với những dữ liệu đã nêu cho thấy thông tin trấn an SCB mạnh khỏe, hấp dẫn của ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách điều hành SCB và các anh em báo chí quốc doanh là không khả tin. Hơn thế nữa, qua kinh nghiệm các vụ án ACB, FLC, những người trong ban lãnh đạo cũng được cơ quan cho phát ngôn hôm nay có thể chuyển hóa thành củi hoặc tự ý xin nghỉ việc vào thời điểm x,y nào đó trong tương lai. Những lời hứa hẹn của ‘kẻ trọc đầu” như ông Phó tổng SCB càng không khả tín.

Tin vào sức khỏe của SCB, vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hay tin vào câu châm ngôn dân gian trâu chậm uống nước đục là quyền và sự khôn ngoan của mỗi người.

 ______________

Tham khảo:

1-https://laodong.vn/tien-te-dau-tu/ngan-hang-nha-nuoc-khuyen-cao-nguoi-dan-khong-nen-rut-tien-truoc-han-o-scb-1102235.ldo

2-https://www.sggp.org.vn/ngan-hang-scb-ba-truong-my-lan-khong-anh-huong-den-hoat-dong-kinh-doanh-tai-scb-847418.html

3-https://vietnamnet.vn/ngan-hang-scb-tang-lai-suat-len-8-9-on-dinh-sau-do…

4-https://tuoitre.vn/chu-tich-chung-khoan-tan-viet-thanh-vien-hdqt-doc-lap…

5-https://tuoitre.vn/chung-khoan-tan-viet-tam-ngung-cho-nha-dau-tu-ung-tru…

651530cookie-checkVạn Thịnh Phát sụp đổ (phần 1): SCB không liên quan, vẫn sống khỏe, không sợ mất tiền tiết kiệm?