Quay lại vụ án giải cứu, cần hiểu rằng doanh nghiệp cũng là nạn nhân, buộc phải hối lộ để có cơ hội làm ăn thôi. Muốn chống tham nhũng tận gốc thì phải dò ngược lên trên xem ai đã tạo ra cái cơ chế để các quan chức kia được quyền ban phát cơ hội kinh doanh…
Những thông tin, tình tiết từ việc xét xử 54 cá nhân dính líu đến việc thực hiện hoạt động “giải cứu” người Việt mắc kẹt ở ngoại quốc trong đại dịch COVID-19 không làm thiên hạ ngạc nhiên, người ta chỉ khinh miệt và phẫn nộ. Mỗi giới thể hiện những cảm xúc đó theo cách của họ. Có những người như Duy Hưng đã dùng nhạc phẩm “Một mai giã từ vũ khí” của nhạc sĩ Ngân Khánh để viết lại lời với những ý như “quỷ ma đội lốt người đang tồn tại giữa đời” (1).
***
Không thể đếm xuể có bao nhiêu người tham gia lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng viên chức cao cấp của tất cả các ngành liên quan đến “giải cứu”cùng nhau khai thác thảm nạn để làm giàu bất chấp chuyện hàng trăm ngàn người vừa là đồng loại, vừa là đồng bào đang quằn quại trong đại họa, trong đó có Lão Tạ. Lão Tạ dẫn trường hợp ông Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Ngoại giao) và bà Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự của Bộ Ngoại giao) để làm minh chứng:
Một người nhận tới 25 tỉ đồng, mà vẫn nói như đang báo cáo về kết quả học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ăn đến rỗng túi đồng bào, mà vẫn “coi họ như ruột thịt” thì còn hơn cả sự kinh tởm. Còn ông Tô Anh Dũng, người 37 lần nhận tiền, lên tới 21,5 tỉ (chỉ dẫn các con số được xác thực) mà vẫn đủ trơ tráo nói không biết đó là tiền hối lộ? Tiền luôn có sức cám dỗ kinh khủng, bất cứ ai cũng có thể bị nó đánh gục. Nhưng khi đã phạm tội, thì NHẬN TỘI và chấp nhận hình phạt, là hành động duy nhất còn mang tính đạo lý. Trên thực tế, khi chấp nhận hình phạt, là cách rửa tội lỗi hiệu quả nhất, để tìm lại sự thanh thản. Cần gì phải thanh minh dài dòng. Chỉ một câu thôi: Tôi đã phạm tội và xin nhận hình phạt. Đó là cách họ cho thấy họ vẫn là con người. Sau tất cả những gì đang diễn ra còn hơn cả vở hài kịch, một câu hỏi nghiêm túc rất cần câu trả lời – thói quen dối trá, trí trá của đám cán bộ kia đã thành máu thịt tim óc họ, rõ ràng không phải là bẩm sinh. Họ sinh ra đã có sẵn khả năng biết cái gì tốt đẹp, thứ gì xấu xa? Vậy cùng với thời gian được đào tạo, học tập, quy hoạch… thì ai đã tước mất liêm sỉ ở họ?Không còn liêm sỉ thì dù ở đâu, dù có nhét đầy túi đủ loại thẻ chứng thực danh giá, thì cũng không bao giờ ra con người (2).
Dương Quốc Chính thì cho rằng, nguyên nhân chính dẫn tới scandal “giải cứu” là từ cơ chế “xin – cho”. Theo ông Chính: Nhiều anh em thiện lành và bò đỏ chỉ biết lao vào chửi bọn quan tham, bọn doanh nghiệp đưa hối lộ, làm hỏng cán bộ ta, bọn cán bộ điều tra sâu mọt chạy án… nhưng phải hiểu đó chính là vấn đề của thể chế. Thể chế càng tạo ra nhiều cơ chế “xin – cho” thì càng tạo cơ hội cho tham nhũng. Chính vì thế, một chính trị gia cánh hữu là Tổng thống Mỹ Reagan đã nói: “Trong cuộc khủng hoảng hiện tại, chính phủ không phải là giải pháp cho những vấn đề của chúng ta; chính phủ chính là vấn đề“. Áp dụng câu nói này vào tình trạng hiện tại. Chúng ta cần hiểu là: “Trong vấn đề tham nhũng hiện tại, đảng không phải là giải pháp cho vấn đề chống tham nhũng, mà đảng chính là vấn đề”. Bởi vì hầu hết cán bộ tham nhũng là nằm trong đảng. Chính đảng, chính phủ tạo ra cơ chế “xin – cho”, từ đó tạo ra tham nhũng, rồi đảng lại tự đốt lò. Nó thành cái vòng luẩn quẩn. Câu nói của Reagan thể hiện nền tảng tư tưởng cho chính trị cánh hữu, đó là phải thu hẹp quy mô chính phủ lại. Chính phủ càng nhỏ, càng kiểm soát ít, sẽ càng ít tạo cơ chế “xin – cho”, ban phát quyền lực, thì sẽ không tạo được cơ hội tham nhũng. Nhưng thực tế, quy mô chính phủ (chính xác hơn là quy mô bộ máy quản lý thể chế bao gồm cả đảng, chính phủ và các đoàn thể ăn theo) của thể chế cộng sản là to nhất so với tất cả các mô hình thể chế chính trị đã có.
Quay lại vụ án giải cứu, cần hiểu rằng doanh nghiệp cũng là nạn nhân, buộc phải hối lộ để có cơ hội làm ăn thôi. Muốn chống tham nhũng tận gốc thì phải dò ngược lên trên xem ai đã tạo ra cái cơ chế để các quan chức kia được quyền ban phát cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp?.. Chống tham nhũng thì trước tiên phải từ cơ chế chứ không thể đổ trách nhiệm cho dân. Cơ chế thì đầu tiên phải là luật pháp và cách thức giám sát quyền lực chứ cơ chế “xin – cho” thì thể chế nào cũng có hết nhưng “kinh tế thị trường định hướng xã nghĩa” là vô địch, tham nhũng nhiều hơn hẳn “kinh tế kế hoạch” vì “kinh tế kế hoạch” là một bộ máy cứng nhắc, không cho các bộ phận của nó được quyền chủ động ban phát cơ hội. Đừng nhầm tưởng các cụ đảng viên ngày xưa liêm khiết hơn bây giờ. Chẳng qua là do cơ chế ít tạo điều kiện cho các cụ kiếm tiền thôi. Lòng tham của con người thì thời nào cũng vậy cả. Mọi người cũng cần hiểu là ngay cả luật pháp hiện nay (gồm cả luật, nghị định, thông tư,…) đa số được soạn thảo bởi hành pháp, họ luôn tìm cách cài cắm lợi ích nhóm của chính họ vào đó, để tạo cơ chế “xin – cho”, để người dân, doanh nghiệp phải đến xin xỏ cơ quan chức năng, chính là tạo ra cơ chế để tham nhũng. Các loại quota, giấy phép con, cấp chứng chỉ, phê duyệt, thẩm định… đều là cửa kiếm tiền hết. Vì thế nên muốn chống tham nhũng thì phải giảm tối đa những thứ nói trên nhưng đảng mà làm thế thì lại giống con rắn tự nuốt cái đuôi mình (3).
Tương tự, Là Công Dân lưu ý: Vụ xét xử “giải cứu” đang gây rúng động xã hội và nhân tâm nhưng lý do chỉ bởi quy mô chứ về bản chất thì không hề khác gì so với hàng vạn vụ tham nhũng lớn bé đang tràn ngập trong xã hội Việt Nam lâu nay. Mọi thứ liên quan đến thủ tục hành chính đều có thể diễn ra theo cách như thế, từ xin tờ giấy chứng nhận độc thân, đăng ký kết hôn, đăng ký kinh doanh, mở trường học cho đến những việc đại sự khác. Câu hỏi đặt ra là, tại sao đã có luật, có quy định mà bạn vẫn bị làm khó đủ đường để phải mất tiền? Đơn giản vì bạn phải “xin”, bạn không có quyền yêu cầu hay đề nghị. Lại hỏi, có quy định rồi, cứ theo đó mà làm, nếu cơ quan và cá nhân nào gây khó thì kiện, sao phải xin xỏ chạy chọt? Đúng thế, nhưng đấy là trong một cơ cấu quản trị kiểu khác, còn ở Việt Nam thì cơ bản những lẽ thường ấy chỉ nằm trên lý thuyết. Ở các nước có cấu trúc xã hội tiến bộ, chỉ cần nhân viên công quyền làm sai là lập tức lên báo hoặc bị kiện ngay và phải về vườn tắp lự. Lại bảo, “ở ta cũng có báo chí và tòa án cơ mà”. Đúng, nhưng đó không phải báo của anh, báo chí tư nhân không có và không độc lập, muốn chuyện được đăng chẳng phải dễ dàng, có khi cũng lại phải “xin”, còn tòa án thì lại cũng chẳng độc lập, kiện có khi chỉ mang thêm họa vào thân. Nghĩa là luật tương đối đầy đủ nhưng cơ chế để vận hành nó thì không tương thích, thành luật hoặc bị hạn chế, hoặc bị vô hiệu hóa, thậm chí bị biến thành công cụ để những cá nhân có quyền lực lợi dụng. Gần gũi nhất có lẽ là thực tế thối nát đã tồn tại hàng nhiều chục năm, đó là chạy việc/mua việc mà ai cũng chấp nhận và coi như lẽ đương nhiên. Sinh viên sư phạm ra trường, muốn được đi làm thầy thì phải “chạy”. Người người chạy, nhà nhà chạy, ngành ngành chạy, nơi nơi đều chạy, thậm chí con học mẫu giáo cũng phải chạy. Tùy công việc và tính chất, ít thì dăm chục, nhiều có khi hàng tỉ đồng. Việc chạy chọt như thế đã phá hủy nền tảng xã hội từ bên trong, khiến nó trở nên mục ruỗng tan hoang. Nhưng vì sao phải chạy? Vẫn câu trả lời như trên, vì anh phải “xin”. Ngoài chỗ những người có quyền ban phát, anh không biết kiếm nó ở đâu khác nữa. Trong tay không có báo chí, không có tổ chức độc lập nào bênh vực, biểu lộ ý kiến tập thể (biểu tình) cũng không được phép. Thế thì ngoài việc bán vườn để chạy việc, anh còn cách nào khác? Mọi việc chỉ còn biết phụ thuộc vào đạo đức cá nhân của cán bộ, nếu may mắn nhiệm kỳ nào có được một ông quan tử tế thì dân vùng ấy đỡ khổ, bằng không thì khốn đốn điêu linh. Mà ác thay, đạo đức của con người lại là thứ vốn mong manh, không ai đảm bảo ngày mai nó còn vẹn nguyên nữa khi biết bao nhiêu nguy cơ và cám dỗ rình rập bốn phía. Phần lớn công chức sẽ tha hóa, và tất yếu kéo theo sự hư hỏng của người dân.
Là Công Dân cũng xem về bản chất, việc người Việt bị cướp mất hàng trăm tỉ trong hoạt động “giải cứu” chẳng khác gì việc phải nộp 50.000 “lệ phí” khi đi nộp hồ sơ cho con vào lớp sáu: Xử một vụ tổ chức các chuyến bay giải cứu, hay trăm vụ, ngàn vụ, dù lớn hơn thế nữa, nhưng không thay đổi cơ chế hiện tại thì tham nhũng và tội phạm trong nhà nước không cách gì diệt sạch được. Công cuộc chống tham nhũng, vì thế, dù có quyết tâm đến mấy, nghiêm khắc đến mấy, dù tử hình 18 hay cả 54 bị cáo thì vì cái gốc sinh ra và nuôi dưỡng tham nhũng vẫn còn sừng sững ở đó, nên sẽ tiếp tục mọc chồi, tua tủa vươn lên. Công cuộc chống tham nhũng, kiến tạo xã hội, xây dựng nền an sinh lâu dài, thiết lập các giá trị đạo đức và văn hóa cho con người,… về nguyên lý, là điều không khó, chỉ cần thay đổi cấu trúc bộ máy, phá bỏ tính chuyên chế, trao quyền về cho người dân. Nếu không làm như thế mà vẫn mải mê trồng cây để “đốt lò”, thì những “chuyến bay giải cứu” sẽ tiếp tục “cất cánh” như một nạn dịch vô phương chặn đứng, bay đen đặc bầu trời Việt Nam và phá hủy hết mọi giá trị làm người, biến cả xã hội thành một vũng lầy nhơ nhớp (4).
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/yeunhactrutinh/videos/1042972773775635/