TỪ CÂU CHUYỆN CỦA“ BÀ HIỀN” NHÌN LẠI SỰ TỬ TẾ CỦA NGƯỜI SÀI GÒN

0
402

Trúc Mai

“Bà Hiền” là đại úy công an của quận Đống Đa, Hà Nội. Bà Hiền được coi là truyền nhân trong ngón nghề ‘tru tréo – vu vạ’ của Chí Phèo ở làng Vũ Đại ngày xưa.

Sài Gòn một chiều cuối tuần, như thường lệ, tôi lang thang trên các ngả phố ngắm dòng người qua lại. Bạn bè thường hay bảo rằng tôi khùng, Sài Gòn đường đông, kẹt xe, khói bụi rồi bấm kèn inh ỏi, thư giãn gì nổi! Ờ thì cũng đúng, nhưng không biết sao, tôi lại thích đi dạo Sài Gòn mỗi dịp cuối tuần. Nó như một biện pháp thả đầu óc theo gió sau một tuần làm việc. Nhưng nói gì thì nói, muốn làm được chuyện đó, việc đầu tiên cần làm là… đổ xăng.

Tấp vào cây xăng quen thuộc. Một người phụ nữ đến mời tôi những tấm vé số. Tính tôi chỉ mua vé số cho những người già, những đứa trẻ hoặc những người khuyết tật, cho nên, lần này cũng như nhiều lần khác, tôi vui vẻ từ chối. Chợt người phụ nữ ấy nói một tiếng đã làm tôi phải suy nghĩ lại: “Dạ, cảm ơn con”.

Tiếng ‘cảm ơn’ tuy không phải xa lạ gì nhưng sao tôi lại cảm giác bâng khuâng chi thế. Có phải chăng, do tôi đã gặp quá nhiều trường hợp người bán bên lề đường mời, nhiều người không mua, những con người ấy liếc, lầm bầm chửi rủa nên tôi ngạc nhiên về tiếng cảm ơn này?

Dừng xe ở một quán nước ven đường, một lần nữa tôi lại nghe tiếng ‘cảm ơn’ lần thứ hai trong cùng một ngày. Lại một điều không mới lạ, nhưng hai tiếng ‘cảm ơn’ làm cho lòng người cảm thấy nhung nhớ thuở… ‘Quốc văn giáo khoa thư’.

Ngồi ngắm dòng xe qua lại, đang cảm thấy người Sài Gòn sao dễ thương đến thế, tôi chợt nhớ đến vụ ở sân bay đang nổi lên đình đám trên mạng xã hội. Tự dưng tôi thấy mấy anh ở hải quan cũng hiền thiệt chớ.

Một người phụ nữ nói giọng Bắc, tự nhận mình là người dân tộc nên không thể nói nhỏ tiếng được (!?). Điều này chẳng biết có đúng hay không, tôi chỉ biết tôi cũng từng trò chuyện với một số người dân tộc ở KonTum, Gia Lai, Đà Lạt… họ vẫn nói chuyện bình thường. Tôi nghĩ người đàn bà này đang ‘lớn giọng’, chứ không phải là ‘nói lớn’ do có vấn đề về sức khỏe thính lực cá nhân.

Theo như clip được đăng đầy trên mạng xã hội thì các viên chức ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ráng sức giải thích rằng người phụ nữ ấy đang gây rối trật tự nơi công cộng. Dường như có chút ngại ngần về người đàn bà đang ‘lớn giọng’ thóa mạ, những đại diện nhà chức trách này vẫn chần chừ, không có biện pháp quyết liệt nào để chấm dứt sự phiền nhiễu tới các ‘thượng đế’ khác đang có mặt ở nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất.

Họ vẫn để người phụ nữ ấy đứng “nói giọng lớn” buông những hết câu thóa mạ này tới câu chửi bới khác.

Theo Hiến pháp, điều 20 có ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Ghi nhận từ video trên cộng đồng mạng, người phụ nữ “nói giọng lớn” ấy ra rả chửi: “Loại mày ra ngoài gặp người khác người ta vả vào mặt mày. Loại này tôi phải chạy 5 triệu đồng facebook chửi con này, đ… có chồng thì ế chồng, có con thì dị tật…”.

Với hành động và lời nói ấy – nhất là sau đó báo chí cho biết bà ‘đeo lon’ đại úy công an, đang làm việc tại đội phản ứng nhanh Công an quận Đống Đa, Hà Nội thì đúng là cần tỉnh táo soát xét lại tư cách của đảng viên đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.

Miên man với những dòng suy nghĩ chẳng đâu và đâu ấy, chợt ngoài đường có một phụ nữ té xe. Chưa kịp chạy ra thì những bà con xung quanh đã nhanh hơn, đỡ người phụ nữ ấy dậy, hỏi han sức khỏe, đợi chiếc xe chạy, mọi người mới đi vào trong. Thế mới biết, ở Sài Gòn còn chan chứa tình người lắm chứ…

Lại chợt nghĩ, có thể nói tiếng ‘cảm ơn’ tuy nhẹ nhàng, dễ nói nhưng không phải là ai cũng có thể nói được. Giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn, tiếng ‘cảm ơn – xin lỗi’ vang lên đúng lúc, hoặc chăng những hình ảnh giúp đỡ lẫn nhau cũng làm cho lòng người cảm thấy nhẹ chi lạ. Bởi, “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”.

Nguồn. VNTB

454630cookie-checkTỪ CÂU CHUYỆN CỦA“ BÀ HIỀN” NHÌN LẠI SỰ TỬ TẾ CỦA NGƯỜI SÀI GÒN