Trung Quốc nói rõ rằng quân đội của họ không phải là thứ để đùa

0
88
Hậu quả từ việc một diễn viên hài kịch nói đùa về khẩu hiệu quân sự do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra một thập kỷ trước làm nổi bật những điều cấm kỵ chính trị ngày càng tăng ở nước này.

Cù Tuấn

– Cù Tuấn dịch phóng sự trên Wall Street Journal.

Tóm tắt: Hậu quả từ câu đùa chế giễu hệ thống tuyên truyền tiếp tục lan rộng; ‘mọi người sẽ phải rút lui về nơi an toàn’

HỒNG KÔNG—Phản ứng dữ dội ở Trung Quốc đối với việc một diễn viên hài chế giễu khẩu hiệu quân sự đang làm gia tăng nỗi sợ hãi xung quanh ngôn luận lên một tầm cao mới ở quốc gia bị kiểm duyệt gắt gao này, đe dọa sự lạnh nhạt rộng lớn hơn đối với nghệ thuật và văn hóa Trung Quốc.

Vào ngày 24/5/2023, chính quyền Trung Quốc đã phạt công ty điều hành các chương trình hài kịch nổi tiếng nhất của đất nước này, Shanghai Xiaoguo Culture Media, số tiền tương đương 2 triệu USD và đình chỉ các buổi biểu diễn trong tương lai của công ty này ở Bắc Kinh sau khi một trong những diễn viên hài của họ đã chọc giận Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Các công ty sản xuất đã hủy bỏ các chương trình hài kịch ở Trung Quốc sau khi một câu đùa của diễn viên hài Li Haoshi dẫn đến một cuộc điều tra của cảnh sát.

Tại một sự kiện hài độc thoại ở Bắc Kinh vào ngày 13/5, diễn viên hài Li Haoshi mô tả hai chú chó hoang mà anh nhận nuôi đã lao ra đuổi theo một con sóc giống như một viên đạn lao ra khỏi nòng súng. Anh nói tiếp: “Thông thường bạn nhìn thấy những chú chó và bạn nghĩ chúng thật dễ thương. Khi tôi nhìn thấy hai con chó này, tâm trí tôi nghĩ ngay đến câu nói: “Rèn luyện hạnh kiểm gương mẫu! Chiến đấu để giành chiến thắng!”.

Khẩu hiệu này, vốn rất phổ biến trong tuyên truyền quân sự, được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra cách đây một thập kỷ khi ông bắt tay vào chiến dịch biến PLA thành một lực lượng chiến đấu hàng đầu. Theo một đoạn ghi âm buổi biểu diễn, câu đùa này đã tạo ra một tràng cười sảng khoái, nhưng ít nhất một khán giả đã cảm thấy bị xúc phạm và chỉ trích câu đùa này trong một bài đăng trên mạng xã hội sau đó.

Diễn viên hài Li Haoshi, người đã bị sa thải sau khi chế giễu khẩu hiệu quân sự.

Bài đăng đó đã gây ra một làn sóng giận dữ của những người theo chủ nghĩa dân tộc trên mạng, cũng như việc PLA và các phương tiện truyền thông nhà nước đồng loạt lên án Li. Li bị sa thải và phải đối mặt với cuộc điều tra của cảnh sát. Ít nhất hai công ty sản xuất khác đã hủy các chương trình hài độc thoại sắp tới và chính quyền đã bắt giữ một phụ nữ đặt câu hỏi trên mạng xã hội rằng: có gì sai khi so sánh binh lính với chó. Cảnh sát cũng đổ lỗi cho vụ việc của Li khi ép một lễ hội âm nhạc cuối tuần ở Bắc Kinh phải đóng cửa.

Li, người có tài khoản mạng xã hội đã bị cấm, đã không thể đưa ra bình luận. Văn phòng Thông tin Nhà nước, nơi xử lý các câu hỏi của giới truyền thông cho chính quyền trung ương Bắc Kinh, đã không trả lời các yêu cầu bình luận. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng không phản hồi yêu cầu bình luận.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản, lo ngại trước tình trạng bài Trung Quốc gia tăng trên toàn cầu kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, đã tăng cường chiến dịch nêu bật những ưu điểm của văn hóa và văn minh Trung Quốc ra nước ngoài. Cố vấn chính trị hàng đầu Vương Hỗ Ninh đã nhấn mạnh mong muốn đó tại một cuộc họp ở Bắc Kinh hôm 23/5, nói rằng Trung Quốc cần tìm cách cải thiện sức hấp dẫn và phạm vi tiếp cận của các câu chuyện về Trung Quốc, “và thể hiện một Trung Quốc đáng tin cậy, hấp dẫn và đáng nể.”

Vương Hỗ Ninh, cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.

Hậu quả từ câu đùa của Li cho thấy dự án quyền lực mềm đó đang gặp nguy hiểm do sự mở rộng liên tục của những cấm kỵ chính trị dưới thời Tập Cận Bình. Việc cấm kỵ này đang bóp nghẹt những người tuyên truyền hiệu quả nhất của văn hóa Trung Quốc, theo các chuyên gia truyền thông và văn hóa.

Trong quá khứ, Trung Quốc có thể tích lũy quyền lực mềm bằng cách tạo ra không gian sáng tạo cho các nhà làm phim, nhà văn, nhạc sĩ và các nghệ sĩ khác mà họ không kiểm soát hoàn toàn. Kiểm duyệt có tồn tại, nhưng các khu vực cấm trong văn hóa được phân định rõ ràng. Những nghệ sĩ giải trí biết cách bám theo những ranh giới đỏ chính trị đó có thể và đã giành được sự hoan nghênh của quốc tế, đồng thời tạo ra sự quan tâm đến Trung Quốc trong quá trình này.

Theo David Bandurski, giám đốc Dự án Truyền thông Trung Quốc, một dự án nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, dưới thời Tập Cận Bình đã hình thành một nền văn hóa cực kỳ nghiêm túc và cảnh giác cao độ. Điều này có nghĩa là không thể thấy rõ các lằn ranh đỏ như trước đây.

“Một sự cố như thế này sẽ khiến nhiều người sợ hãi và mở ra một thời kỳ tự kiểm duyệt gắt gao,” Bandurski nói. “Mọi người sẽ rút lui về nơi an toàn.”

Các chương trình hài độc thoại đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, một phần nhờ vào sự phát triển của các nền tảng phát trực tiếp. Theo những người trong ngành, đối với các buổi biểu diễn thương mại như buổi diễn ngày 13/5 của Li, kịch bản được các nhân viên kiểm duyệt của chính phủ xem xét kỹ lưỡng từng chữ một.

Li, người có nghệ danh là “House”, đã xin lỗi vào ngày 22/5 vì đã sử dụng một “phép ẩn dụ không phù hợp” và Xiaoguo cho biết anh đã bị đình chỉ diễn hài vô thời hạn. Một tuyên bố sau đó được các cơ quan văn hóa của Bắc Kinh đưa ra, nói rằng diễn viên hài này đã tự thay đổi kịch bản trong hai chương trình của ngày 20/5, và công ty Xiaoguo đã xác nhận việc này.

Murong Xuecun, người đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2021 để thoát khỏi sự kiểm duyệt, phát biểu tại New York vào năm 2015.

Trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo nổi tiếng, một tài khoản chính thức của tờ báo hàng đầu của PLA đã xuất hiện để đáp lại lời xin lỗi bằng cách đăng các đoạn trích trong các bài phát biểu của ông Tập về văn hóa cùng với một thông điệp chỉ trích “sự hài hước thô tục” của Li. Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Tây của PLA tỏ thái độ trực tiếp hơn, nói trong một bài đăng trên Weibo rằng lời xin lỗi của Li không đủ để “dập tắt cơn giận” của quân đội.

Một số người tìm cách bảo vệ Li trên mạng, chỉ ra rằng ở Trung Quốc, việc mọi người tùy tiện sử dụng các khẩu hiệu tuyên truyền là quá sức phổ biến. Một số khẳng định rằng Li đã bị “chụp mũ”, ám chỉ các nạn nhân của Cách mạng Văn hóa, những người bị buộc tội đã gây ra các tội ác chính trị và buộc phải đội mũ lá, ám chỉ họ là những phần tử phản cách mạng.

Một diễn viên hài có liên kết với Xiaoguo, người có nghệ danh Kid, đã lặng lẽ đổi tên Weibo của mình từ “Kidnofear” (Trẻ không sợ) thành “Kidknowfear” (Trẻ biết sợ), trước khi chuyển nó trở lại tên cũ sau khi công chúng nhận ra việc này.

Hôm thứ Ba 23/5, một phụ nữ ở thành phố Đại Liên phía đông bắc Trung Quốc đã đăng một tin nhắn đặt câu hỏi tại sao Li lại bị trừng phạt rằng: “Các binh sĩ của chúng ta không phải là chó sao?” Cảnh sát địa phương đưa ra thông báo vào ngày hôm sau nói rằng phụ nữ này đã bị tạm giữ hành chính. “Việc báng bổ phẩm giá của những người lính sẽ không được dung thứ,” thông báo cho biết.

Khi cuối tuần gần đến, các báo cáo lan truyền về việc các địa điểm ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã thay đổi và hủy bỏ các sự kiện văn hóa, bao gồm lễ hội âm nhạc acoustic ngoài trời ở Bắc Kinh dự kiến vào thứ Bảy 27/5 mà các nhà tổ chức cho biết đã bị hủy “do những lý do không lường trước được”. Theo một người có mặt, cảnh sát đã đến để giải tán lễ hội trước khi nó bắt đầu, với lý do là sự cố của Li.

Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã sử dụng luật mới yêu cầu bảo vệ các anh hùng và liệt sĩ quân đội để trừng phạt những người chỉ trích PLA, một phần trong nỗ lực của Tập Cận Bình nhằm củng cố quân đội và bảo vệ danh tiếng của quân đội khi ông củng cố Trung Quốc trước khả năng phải đối đầu với quân đội Hoa Kỳ Một người đàn ông đã bị kết án bảy tháng tù sau khi anh ta chế giễu một bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc về Chiến tranh Triều Tiên và đặt câu hỏi về quyết định của Trung Quốc trong việc tham gia vào cuộc xung đột giữa hai miền Triều Tiên.

Hao Qun, một nhà văn Trung Quốc lưu vong xuất bản dưới bút danh Murong Xuecun, cho biết phản ứng đối với kịch bản hài độc thoại của Li cho thấy rằng những nỗ lực bảo vệ phẩm giá của quân đội Trung Quốc đã tăng lên đến mức phi lý.

“Việc một trò đùa vô hại lại có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc như vậy, là một cú sốc lớn hơn nhiều,” anh nói.

Là một trong những nhà văn hư cấu nổi tiếng nhất Trung Quốc, Murong đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2021 để thoát khỏi sự kiểm duyệt. Anh nói, trước đó, anh và những người bạn của mình rất sợ bị chính phủ nghe trộm, họ không bao giờ nói to tên ông Tập trong cuộc trò chuyện mà thay vào đó giơ ngón tay cái lên đầu để biểu thị rằng họ đang nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc.

“Khá ớn lạnh,” anh nói.

Hài độc thoại từ lâu đã là một thể loại giải trí có tính thách thức ở Trung Quốc. Ngoại trừ thời gian biến mất trong thời đại Mao, nó đã dần dần quay trở lại trong những thập kỷ sau khi Mao qua đời vào năm 1976, đến mức một diễn viên hài Thượng Hải đã nổi tiếng với việc bắt chước các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản trên sân khấu vào những năm 2000. Sau nhiều năm rón rén đi theo ranh giới của sự đúng đắn về chính trị, ngành công nghiệp giải trí này gần đây đã nhận thấy cần phải tìm đến một vùng đất an toàn hơn.

Năm ngoái, một diễn viên hài đã bị phạt 7.000 USD vì chế giễu chính sách Zero Covid trên sân khấu. Vào tháng 12 năm 2022, các chương trình hài độc thoại ở 13 thành phố của Trung Quốc đã ký cam kết loại bỏ nội dung mâu thuẫn với các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Những người muốn nghe một tiểu phẩm hài độc thoại bằng tiếng phổ thông về chính trị giờ đây phải đến các thành phố như New York.

Trong nỗ lực tìm kiếm các chương trình hài độc thoại sau sự cố của Li Haoshi, những người đam mê hài độc thoại tại Trung Quốc đã khám phá ra đoạn phim cũ về một buổi biểu diễn hài độc thoại tại Jiading, ngoại ô Thượng Hải như một hình thức “độc thoại về học thuyết chính trị”, nhằm mục đích quảng bá học thuyết chính trị của ông Tập. Trong suốt 10 phút của clip, với nhạc nền piano êm tai, khán giả hầu như đã không thể cười nổi.

Sau khi diễn viên kể một câu đùa mà không thấy ai cười, các biên tập viên đã chèn thêm vào clip này một đoạn tiếng “Ồ” mô phỏng bằng phần mềm máy tính.

Hình ảnh

1: Các công ty sản xuất đã hủy bỏ các chương trình hài kịch ở Trung Quốc sau khi một câu đùa của diễn viên hài Li Haoshi dẫn đến một cuộc điều tra của cảnh sát.

2: Diễn viên hài Li Haoshi, người đã bị sa thải sau khi chế giễu khẩu hiệu quân sự.

3: Vương Hỗ Ninh, cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.

4: Hậu quả từ việc một diễn viên hài kịch nói đùa về khẩu hiệu quân sự do nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra một thập kỷ trước làm nổi bật những điều cấm kỵ chính trị ngày càng tăng ở nước này.

5: Murong Xuecun, người đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2021 để thoát khỏi sự kiểm duyệt, phát biểu tại New York vào năm 2015.

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0eCVdbZJYBfkNxq7XgTgNfWJZVXwmApWVsqS3Cr4Uv8jW6fXsKEUVvcp3SEtaXa7fl

721090cookie-checkTrung Quốc nói rõ rằng quân đội của họ không phải là thứ để đùa