Tuesday, December 10, 2024
HomeBLOGTrò chơi Tái xuất - Đốt lò của Nguyễn Phú Trọng

Trò chơi Tái xuất – Đốt lò của Nguyễn Phú Trọng

VOA

Một lần tái xuất trùng với đốt lò còn có thể cho là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng lần thứ hai khó mà ngẫu nhiên, còn sau ba lần lặp đi lặp lại thì phải là cố ý.

Trò chơi mới

Nguyễn Phú Trọng – đạo diễn kiêm diễn viên trụ cột trên sân khấu chính trị Việt Nam và có vẻ chưa thật sự thoát khỏi quy trình vật lý trị liệu bắt buộc sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’ vào tháng 4 năm 2019 – dường như đang thích thú với một trò chơi mới của ông ta.

Trò chơi đó có tên ‘Tái xuất – Đốt lò’.

Gần giống như lối mèo vờn chuột suốt từ năm 2017 đến nay với các ‘bố già’ và các gia tộc.

Một trò chơi ngày càng trở nên thách thức và nguy hiểm hơn không chỉ đối với các loại ‘củi’, mà với cả số phận của ‘Người đốt lò vĩ đại’.

Bởi một cách chính thức, số phận của Nguyễn Phú Trọng được móc xích với công cuộc ‘chống tham nhũng’ của ông ta bằng vào việc mở màn giai đoạn 2 – lần đầu tiên phá vỡ mọi tiền lệ khi ra lệnh bắt cả một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng.

Đó là lần ‘mất tích’ đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng, vào khoảng thời gian cuối tháng Mười Một, đầu tháng Mười Hai năm 2017. Nhưng sau chuỗi ngày dài vắng bóng, Trọng đã bất ngờ hiện ra vào buổi sáng ngày 8 tháng Mười Hai trong một cuộc họp của Ban Phòng Chống Tham Nhũng Trung Ương do ông ta chủ trì, để ngay chiều hôm đó quan chức vừa bị tước ghế ủy viên Bộ Chính Trị là Đinh La Thăng bị khởi tố và tống giam, tạo nên một cú chấn động trên chính trường và đánh dấu một bước ngoặt lớn và chuyển sang giai đoạn máu lửa hơn nhiều trong chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng hiện tượng tái xuất – đốt lò chỉ dày đặc hơn hẳn và còn có thể biến thành một quy luật chính trị của riêng Nguyễn Phú Trọng vào nửa đầu năm 2019, với xuất xứ từ biến cố Kiên Giang.

Quy luật?

Vào ngày 14 tháng Năm năm 2019, “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” Nguyễn Phú Trọng đã lần đầu tiên tái xuất hiện, tròn một tháng sau “biến cố bạo bệnh” ở Kiên Giang (quê hương “anh Ba X”), trùng với việc công an bắt giam và khởi tố hai quan chức tổng giám đốc là Tề Trí Dũng ở Sài Gòn và Bùi Quang Huy ở Hà Nội.

Cả hai quan chức kinh tế bị bắt trên đều được dư luận ồn ào cho là sân sau của những quan chức chính trị cao cấp. Tề Trí Dũng móc xích với cựu ủy viên trung ương, cựu phó bí thư thường trực Thành Ủy TP.HCM Tất Thành Cang. Còn Bùi Quang Huy được cho là sân sau của đương kim Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tức Chung “Con”

Tuy Tề Trí Dũng và Bùi Quang Huy chỉ là những quan chức doanh nghiệp thuộc loại ‘muỗi’, nhưng lại mang ý nghĩa như những con tốt lót đường không thể thiếu trong ván cờ nhằm diệt một cựu ủy viên bộ chính trị và ‘nhốt quyền lực vào lồng’ đối với một ứng cử viên ủy viên bộ chính trị.

Sau lần xuất hiện đầu tiên, Nguyễn Phú Trọng lại ‘lặn’ một thời gian khá dài. Phải đến hơn một tháng sau đó, Trọng mới tái xuất thêm một lần nữa để ‘chủ trì họp Bộ chính trị’.

Tại lần tái xuất thứ hai, ‘nạn nhân’ của Nguyễn Phú Trọng là Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – cựu tư lệnh Quân chủng Hải quân, đã vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến 10 khu đất quốc phòng. Hiến bị kỷ luật bằng hình thức cách chức nhiều chức vụ đảng mà ông ta đã tham gia trước đây.

Thực ra, số phận của Nguyễn Văn Hiến đã bị chung quyết từ ngày 5/5/2019 khi Ủy ban Kiểm tra trung ương của cựu chủ nhiệm ủy ban này là Trần Quốc Vượng họp về tiếp tục ‘đốt lò’ và còn có vẻ muốn ‘đốt lò’ nóng hơn.

Khi đó, cùng ‘mẻ lò’ với Hiến là Vũ Văn Ninh – một cựu phó thủ tướng, ủy viên trung ương đảng thời Nguyễn Tấn Dũng – quan chức được xem là ‘sáng giá’ nhất bị kỷ luật, mà nguyên do rất có thể liên đới đến vụ bán rẻ như cho cảng Quy Nhơn vào thời Đinh La Thăng còn là Bộ trưởng Giao thông vận tải.

Trước cuộc họp trên của Ủy ban Kiểm tra trung ương, nhiều dư luận cho rằng cơn chấn động bệnh tật đối với ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng sẽ khiến ‘lò’ của ông ta tắt ngấm, hoặc cùng lắm cũng chỉ âm ỉ mà không thể duy trì được nhiệt lượng như trước đây.

Vậy làm thế nào ‘lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân’?

Thủ pháp nghệ thuật chính yếu, không còn cách nào khác, là phải tiếp tục ‘đốt lò’.

Rất có thể là khi đó, từ giường bệnh Nguyễn Phú Trọng đã bàn bạc và chỉ đạo trực tiếp đối với hai nhân vật là Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban bí thư và Trần Cẩm Tú – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương về việc duy trì ‘đốt lò’ và còn có thể gia tăng nhiệt lượng của nó. Một cú đánh khá mạnh của ủy ban này, vào thời điểm đó, có lẽ được kỳ vọng sẽ khiến át đi phần nào những dư luận bất lợi về tình hình sức khỏe tồi tệ và thậm chí sắp ‘tịch’ của ‘Tổng tịch’, qua đó sẽ ‘lấy lại niềm tin của đảng viên và nhân dân’ dành cho nhân vật mà niềm đam mê ‘ngồi tiếp’ qua đại hội 13 có vẻ không hề suy xuyển bất chấp trọng bệnh.

Sau lần tái xuất thứ hai, Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục ‘lặn’ trong hai tuần lễ tiếp theo.

Đến lần tái xuất thứ ba vào đầu tháng 7 năm 2019, cũng với hình thức ‘chủ trì họp Bộ chính trị’, Nguyễn Phú Trọng đã khiến dư luận không còn nghi ngờ về thủ pháp và mục tiêu của ông ta.

Chỉ vài ngày sau cuộc họp Bộ chính trị trên, Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) Lê Tấn Hùng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng. Tuy chỉ là một doanh nhân quốc doanh, nhưng giá trị lớn nhất của Lê Tấn Hùng là ông ta chính là em ruột của ‘bố già’ Lê Thanh Hải – từng một thời là chủ tịch và bí thư TP.HCM đầy tai tiếng và cả tội ác ngút trời ở vùng đất Thủ Thiêm.

Những khối trục nào?

Lê Tấn Hùng là nhân vật đầu tiên trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ phải tra tay vào còng, sau khi vợ Lê Thanh Hải là Trương Thị Hiền bị ‘sờ gáy’ ở Học viện Cán bộ TP.HCM, còn con trai là Lê Trương Hải Hiếu bị kỷ luật đảng vì ‘quan hệ nam nữ không trong sáng’. Cái cách đánh từ vòng ngoài vào vòng trong có thể được xem là chiến thuật ưa thích của Nguyễn Phú Trọng từ năm 2017 đến nay, chiếu vào những người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và vợ con của Lê Thanh Hải. Thủ pháp này – thâm nho và đượm màu sắc chiến tranh tâm lý – hẳn đã khiến đám quan tham phải ngụp lặn trong cơn ác mộng ban ngày cứ mỗi khi nghe tiếng còi hụ hoặc tiếng cửa xe hơi sầm sập.

Đến lúc này đã có thể khẳng định rằng Nguyễn Phú Trọng, bất chấp cơn tai biến luôn đe dọa khiến ông ta ‘liệt giường liệt chiếu’, vẫn kiên định với quan điểm và chủ trương đốt lò.

Cũng đến lúc này, đã có thể rút ra một quy luật thuộc về phạm trù cá nhân Nguyễn Phú Trọng: cứ mỗi khi Trọng tái xuất thì lại có một hoặc một số vụ bắt bớ hoặc kỷ luật quan chức tham nhũng.

Tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm cũng bởi thế đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018.

Còn sau vòng ngoài và vòng trong, hẳn sẽ phải là những tâm điểm.

Ở ‘mặt trận’ phía Nam, đã có hai trục quan hệ lộ hình rất rõ: Tề Trí Dũng – Tất Thành Cang và Lê Tấn Hùng – Lê Thanh Hải.

Chỉ còn chưa rõ về trục Lê Thanh Hải – Nguyễn Tấn Dũng sẽ ra sao trong thời gian tới. Số phận của trục có lẽ tùy thuộc phần lớn vào việc Nguyễn Phú Trọng còn giữ cách nhìn ‘chống tham nhũng cần nhân văn’, hay việc ông ta đã không hề nhắc lại cụm từ này kể từ ngày suýt chết ở Kiên Giang.

Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh ‘Anh hùng thông tin’. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular