Sunday, December 22, 2024
HomeBLOGTRÍ THỨC NƯỚC NHÀ MẠNH HAY YẾU?

TRÍ THỨC NƯỚC NHÀ MẠNH HAY YẾU?

Giới thiệu với các bạn bài viết dưới đây của GS. Chu Hảo được đăng trên Vietnamnet vào tháng 1/2007, tức cách đây gần 12 năm, nhân khi tờ báo này mở chủ đề về “Trí thức Việt Nam”.

TRÍ THỨC NƯỚC NHÀ MẠNH HAY YẾU?

Tác giả: Chu Hảo

Ở nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa? Đặc điểm, tính cách của trí thức Việt Nam là gì? Vai trò và trách nhiệm của trí thức trước vận mệnh của dân tộc ta trong thời đại mới – thời đại kinh tế tri thức, thời đại hội nhập toàn cầu, là như thế nào?

Mỗi câu hỏi trên đây đều đặt ra một vấn đề thảo luận rất nghiêm túc và lý thú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình đổi mới – hội nhập – phát triển. Để đi đến đồng thuận chắc cần phải có thời gian. Ở đây chúng tôi chỉ xin đặt vấn đề và gợi mở, mong các bạn đọc cùng chia sẻ.

Ai là trí thức? Đã từ lâu ở nước ta đã tồn tại một khái niệm đơn giản: Những người lao động trí óc là trí thức, chỉ cốt để phân biệt với những người lao động chân tay như công nhân và nông dân. Một quan niệm bớt đơn giản hơn một chút thì cho rằng hễ có trình độ học vấn từ cấp cao đẳng, đại học trở lên là trí thức.

Thật ra ngay từ khi từ trí thức (intellectuel), lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng danh từ chỉ một loại công dân của Pháp thời kỳ sau Công xã Paris, cuối thế kỷ 19, đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng: đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị – xã hội nóng bỏng của thời cuộc.(1) Cũng trong tinh thần cách mạng ấy Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”.(2)

Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: Tiếp thu và truyền bá tri thức hoặc/và văn hóa; Sáng tạo các giá trị mới của tri thức hoặc/và văn hóa; Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Xã hội văn minh nào cũng phải có một tầng lớp trí thức ưu tú như vậy. Trong lịch sử dân tộc ta, thời nào cũng có những trí thức kiệt xuất. Tầng lớp sỹ phu trong những triều đại hưng thịnh của nước ta rõ ràng có nhiều điểm tương đồng với khái niệm tầng lớp trí thức như được nói đến ở trên.

Ngày nay trong cụm từ “Liên minh Công – Nông – Trí” tôi ngờ rằng chúng ta đã dùng từ “trí” để chỉ những người lao động trí óc (kỹ sư, bác sỹ, nhà văn, họa sỹ, v.v…) chứ không phải là trí thức theo cách hiểu thông thường của thế giới hiện đại. Trong số rất đông những người lao động trí óc đó chỉ có một số là trí thức thực thụ mà thôi. “Một số” này đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một tầng lớp trí thức với đúng nghĩa của nó hay chưa vẫn còn là một vấn đề cần được thảo luận.

Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; độc lập tư duy; hoài nghi lành mạnh; và tự do sáng tạo. Tuy nhiên mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng.

Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã v.v… Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Tôi đã từng nghe ông K.G. nói đến tính cách “phò chính thống”; bà P.T.H. nói đến tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”. Có nhiều người nói là tính cách “tùy thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới trí thức Việt Nam chính là ở chỗ này! Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Vậy thực sự trí thức Việt Nam có đặc tính gì?

Ngay từ những ngày đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều”.(3)

Chính Hồ Chủ Tịch là một trí thức đi làm cách mạng. Với tư cách ấy, có lẽ Người đã nói về vai trò của trí thức một cách khiêm tốn như trên. Nhưng bây giờ, sau hơn nửa thế kỷ nhìn lại, chúng ta có thể thấy rằng vai trò của họ trong những tháng năm đầu tiên của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn quan trọng hơn thế nhiều. Hồ Chủ Tịch đã hết sức trọng dụng tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc, tạo điều kiện cho họ được cống hiến, được thể hiện đầy đủ nhất vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp chung của toàn dân.

Ngày nay, khi đất nước ta đang bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiếp tục đổi mới toàn diện, hội nhập vào nền kinh tế tri thức toàn cầu thì vai trò và trách nhiệm của tầng lớp trí thức càng quan trọng và nặng nề hơn. Đổi mới càng sâu sắc và toàn diện càng đòi hỏi phải đổi mới tư duy triệt để; muốn vậy phải có tầm trí tuệ rất cao. Tầm trí tuệ cao ấy phải có sự can dự của tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc.

Toàn cầu hóa buộc chúng ta phải hội nhập một cách ngang tầm trong mọi lĩnh vực. Trí thức Việt Nam cũng phải phấn đấu để có thể ngang tầm với tầng lớp trí thức của các nước tiên tiến khác. Điều đó thật không dễ dàng nếu chúng ta thẳng thắn và dũng cảm nhìn vào thực trạng đội ngũ trí thức nước nhà. Không ai nâng cao được vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình! Không ai san sẻ trách nhiệm với trí thức được; chỉ có trí thức mới thi hành được thiên chức của mình; vinh quang và cay đắng gắn liền với thiên chức ấy cũng chỉ dành riêng cho giới trí thức mà thôi!

Chú thích:

(1) Cao Huy Thuần, Thế giới quanh ta (bài Thư gửi anh Diệu), NXB Đà Nẵng, 2006.

(2) Xem phần trích dẫn của (1). Chúng tôi hiểu rằng, trong câu này của Karl Max, “phê bình không nhân nhượng” và “xung đột với chính quyền” đều phải nằm trong khuôn khổ luật pháp của xã hội đương thời.

(3) Sửa đổi lề lối làm việc, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, 1995. Ở đây, cũng như trong nhiều trường hợp khác, Hồ Chủ Tịch đã giải thích khái niệm trí thức một cách nôm na, dễ hiểu để phù hợp với trình độ dân trí thời kỳ đó.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/nhandinh/2007/01/652978/

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular