Blog VOA
Không biết có phải dụng ý ‘kỷ niệm’ tròn một năm ngày Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ ‘ra đi tìm đường cứu nước’ khi bầu tâm huyết đó đã bị dẫn độ từ Singapore về Việt Nam hay không, vào trung tuần tháng 12 năm 2018 tân chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khởi tố hai thứ trưởng Bộ Công an là tướng Bùi Văn Thành và một tướng khác có tên đệm trùng với đảng chính trị đối lập Việt Tân ở hải ngoại mà chính quyền và công an Việt Nam căm thù đến tận xương tủy.
‘Kỷ niệm’ một năm
Nhưng khác hẳn vụ truy bắt Vũ ‘Nhôm’ tháng 12/2017 – 1/2018 mà khi đó người phát ngôn của Bộ Công an là Thiếu tướng Lương Tam Quang thậm chí còn ‘thề’ với phóng viên là ‘chưa có thông tin gì’ về vụ này, một điểm mang tính ‘cách mạng’ của quy trình “khởi tố để điều tra dấu hiệu phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân là trang tin điện tử của Bộ Công an vào lần này đã ‘chủ động thông tin’ với lý do bắt: hai quan chức này nằm trong diễn biến mở rộng điều tra vụ án lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ liên quan Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm. Ông Thành bị khởi tố do những sai phạm khi làm Cục trưởng và ông Tân khi làm Tổng cục trưởng.
Nhưng rất có thể lý do trên chỉ mang tính danh nghĩa và/hoặc mang tính kỹ thuật trong chiến thuật điều tra và tố tụng hình sự, trong khi nguồn cơn thực chất của vụ khởi tố trên còn thâm sâu và ‘nhạy cảm chính trị’ hơn.
Bàn tay bí ẩn nào?
Bắt đầu từ tháng Tư năm 2017 và lan sang những tháng sau đó, một bàn tay bí ẩn đã tung lên mạng xã hội hàng loạt văn bản đóng dấu ‘MẬT’ và kể cả ‘TUYỆT MẬT’, mang danh nghĩa Bộ Công an liên hệ với nhiều cơ quan và tổ chức, chủ yếu với chính quyền TP.HCM để giới thiệu Công ty Nova 79 của Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘Nhôm’) là ‘công ty bình phong’. Dựa vào những văn bản này, Vũ ‘Nhôm’ đã tiến hành các phi vụ làm ăn mua rẻ bán đắt liên quan đến nhiều khu ‘đất vàng’ ở Đà Nẵng, Sài Gòn và một số tỉnh thành khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, Vũ ‘Nhôm’ đã gom được một số lớn bất động sản đắt giá và được đồn đoán là một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam với tài sản vừa bất động sản vừa cổ phiếu và tiền mặt có thể lên đến 50.000 tỷ đồng Việt (khoảng 2,3 tỷ USD), và đương nhiên phải chịu chung chi cho cấp trên không ít.
Theo các văn bản được công bố trên mạng xã hội, hai quan chức Bộ Công an ký tên nhiều nhất vào các văn bản của bộ này giới thiệu cho Vũ ‘Nhôm’ đi ‘quan hệ’ là Thượng tướng, thứ trưởng Trần Việt Tân và Trung tướng, thứ trưởng Bùi Văn Thành.
Một số dư luận cho rằng số văn bản mà các ‘tham tướng’ đã nhúng bút lên đến 12 công văn, trong số đó còn có cả chữ ký của một thứ trưởng công an đang được Nguyễn Phú Trọng – nhân vật đã ‘tự cơ cấu’ vào Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng 10 năm 2016 và dù chỉ là ủy viên của tổ chức này nhưng luôn nghiễm nhiên ngồi ghế giữa trong các cuộc họp của Thường vụ đảng ủy công an trung ương – rất sủng ái và thậm chí còn có hơi hướng được cải tổ thay cho bộ trưởng đương nhiệm là Tô Lâm.
Cho tới nay, không ai biết bàn tay bí ẩn nào đã tung các văn bản có chữ ký của hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân lên mạng xã hội, cho dù hầu hết dư luận đều khẳng định rằng không thể có ‘thế lực thù địch’ nào sở hữu nhiều tài liệu bí mật quốc gia đến thế, mà chắc chắn phải là một bàn tay, nếu không muốn nói là cả một thế lực chính trị đủ mạnh đằng sau bàn tay đó, đã tiến hành phi vụ này.
Không ít người đã nghĩ đến ‘tác giả’ của phi vụ trên chính là Tổng cục 2, tức Tổng cục Tình báo quân đội, hoặc nếu không phải danh chính ngôn thuận đại diện cho cơ quan này thì cái bàn tay bí ẩn đó cũng thuộc về một nhóm nào đó của tổng cục này.
Mặc dù vào thời gian các văn bản này được tung lên, một số dư luận viên (không biết thuộc phe phái chính trị nào) đã nhảy dựng lên mà tố cáo đó là những văn bản giả, nhưng cũng cho tới nay, Bộ Công an hoàn toàn không có bất kỳ phản ứng (công khai) nào trước những văn bản được cho là của bộ này tung ra trên mạng xã hội. Và không những không hề phản ứng, kể từ tháng 7 năm 2018 Bộ Công an còn như thể chứng thực cho những văn bản trên bằng cách gật đầu trước ý chỉ của Thường trực Ban bí thư và Ủy ban Kiểm tra trung ương về vụ kỷ luật đảng và giáng chức hai tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân, để khởi tố 5 tháng sau đó.
Thông điệp kỷ luật quân đội để ‘đốt’ công an
Vụ kỷ luật hai tướng Thành và Tân diễn ra cùng với vụ kỷ luật hai ‘tham tướng’ quân đội là Thượng tướng Phương Minh Hòa và Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, còn vụ kỷ luật tướng quân đội xảy ra sau vụ bắt Út trọc và trong chiến dịch “làm sạch quân đội” của Nguyễn Phú Trọng.
Ý đồ và cũng là một thông điệp khi đó của Nguyễn Phú Trọng đã hiện dần theo thời gian và được chứng thực đến gần đây, đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang: thi hành kỷ luật tướng quân đội để “đốt” tiếp tướng công an. Hoặc hiểu một cách bình dân hơn: tướng quân đội mà còn bị tống vào “lò” thì các loại tướng lĩnh tham nhũng ở Bộ Công an càng chẳng có lý do gì để thoát tội.
Trong những tháng đầu năm 2018, đã có hai viên tướng công an bị khởi tố và tống giam là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao của Bộ Công An, và Trung tướng Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh Sát, từng một thời là cấp trên trực tiếp của Nguyễn Thanh Hóa. Vụ án này không những liên đới trực tiếp đến câu chuyện “công an bảo kê đường dây đánh bạc công nghệ cao,” mà vào thời gian đó còn có thông tin cho biết máy chủ của đường dây này “nằm sát Bộ Công An.” Cuối năm 2018, cả hai viên tướng này đều phải nhận mức án gần một chục năm tù giam cho mỗi kẻ.
Cũng trong những tháng đầu năm 2018, còn có một viên tướng khác – Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tình báo Bộ Công an đã nghỉ hưu – bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố và tống giam về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”. Cùng bị bắt với tướng Tuấn trong đợt này là Nguyễn Hữu Bách, cán bộ Bộ Công an, cũng về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Đến tháng 7 năm 2018, Bộ Chính trị họp kín và kết luận về ‘đồng chí Bùi Văn Thành’, trong đó có một nội dung dù được nêu mơ hồ nhưng rất gạch dưới là “vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước và Quy chế làm việc của Bộ Công an”, còn ‘đồng chí Trần Việt Tân’ thì “ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của ngành công an”.
Có thể cho rằng nội dung trên là chỉ dấu lộ diện đầu tiên, để khi khớp nối với việc Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tung ra lệnh khởi tố Phan Văn Anh Vũ về hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” vào tháng 12 năm 0218 – một động thái lạ, cả hai viên tướng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân rất có thể đã trở thành những cái đỉnh còn thiếu của một đa giác nhiều đỉnh mà phe đảng đang săn tìm ẩn số còn lại.
(còn tiếp)