Thiếu tướng công an gọi Cụ Kình là  “Cường hào, địa chủ mới” có đúng?

0
334
Ảnh minh hoạ : RFA
Cao Nguyên RFA
2020-09-09

Vào ngày 6/9/2020, trong một phỏng vấn báo chí trong nước về vụ xử 29 người dân Đồng Tâm, người phát ngôn Bộ Công an Việt Nam, Thiếu tướng Tô Ân Xô đã gọi ông Lê Đình Kình, người nông dân bị thiệt mạng trong vụ đụng độ giữa người dân và cảnh sát, là một loại cường hào địa chủ mới.

Nguyên văn câu nói của ông Xô là: “Sự nổi lên của đối tượng cầm đầu, nhất là ông Lê Đình Kình trong bối cảnh dòng họ Lê Đình có ảnh hưởng lớn tại thôn Hoành, có khả năng chi phối, tác động kết quả bầu cử ở cơ sở, là một loại “cường hào địa chủ mới”.

Ông Lê Đình Kình được coi như thủ lĩnh tinh thần của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền. Ông đã bị công an bắn chết hôm 9/1/2020 khi chính quyền huy động hàng ngàn công an tấn công vào Đồng Tâm.

“Một phát ngôn mang tính quy chụp”

Phát biểu của Tướng Xô ngay lập tức bị dư luận chú ý, lên án mạnh mẽ. Nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả của cuốn hồi ký “Đêm giữa ban ngày”, người đã từng nghiên cứu về thời kỳ “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc Việt Nam, trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do qua tin nhắn rằng ông Tô Ân Xô nói sai, cả về định nghĩa “địa chủ, cường hào” của đảng Cộng sản:

Địa chủ phải có nhiều ruộng, cho nông dân làm, thu tô (lúa). “Cường hào” là người có chức vụ trong chính quyền xã, chèn ép, bóc lột dân chúng.

Ông ta nói sai toét. Một con vẹt bị bệnh.”

Nhà văn Vũ Thư Hiên khẳng định ngắn gọn “Vụ Đồng Tâm sẽ là vết nhơ không bao giờ có thể rửa sạch trên bộ mặt đảng Cộng Sản.”

Địa chủ phải có nhiều ruộng, cho nông dân làm, thu tô (lúa). “Cường hào” là người có chức vụ trong chính quyền xã, chèn ép, bóc lột dân chúng – Nhà văn Vũ Thư Hiên

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng đây là một phát biểu mang tính chất quy chụp, xúc phạm đến người đã mất:

Chúng ta biết rằng “Cường hào” là phải có hành động rất là gian ác với người dân, theo đúng cái nghĩa ở Việt Nam, phải có cướp đoạt, bóc lột tài sản của người dân lao động thì mới là cường hào.

Còn ông Lê Đình Kình chỉ là người cùng với người dân Đồng Tâm đấu tranh, bảo vệ cái Quyền sử dụng đất đã có từ hàng trăm năm trước rồi. Những cái đất đấy là do tổ tiên của họ đã sử dụng từ trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thế nên, việc Tô Ân Xô phát biểu như vậy mang tính chất quy chụp và rất là xúc phạm đến cụ Lê Đình Kình. Một người cũng là đảng viên, một người cao tuổi và có nhiều tuổi đảng hơn. Thế mà ông ấy lại xúc phạm một người đã khuất đi rồi. Vậy thì đó là một điều rất đáng lên án.”

Ai mới thực sự là “Cường hào” thời nay?!

Theo luật sư Phạm Công Út, hãy so sánh tài sản của cụ Lê Đình Kình, người bị gán cho là “cường hào, địa chủ mới”, với các biệt phủ của nhiều quan chức hiện thời để thấy ai mới là “cường hào” hiện nay:

Ở đây là quy chụp. Đối với một người có chức vụ quyền hạn mà quy chụp một người đã chết thì nó là vấn đề về đạo đức, là điều không hay.

Khi đưa hình ảnh ngôi nhà của cụ Kình ở nông thôn. Đó là một căn nhà bình thường nhỏ bé, chứ không phải là dạng nhà biệt phủ, giống như các quan chức mà đã bị cư dân mạng đưa hình ảnh nhà cửa, đất đai lên mạng xã hội.”

Hàng loạt tài sản, biệt phủ của các quan chức Việt Nam được báo chí Nhà nước đăng tải rất nhiều trong những năm qua.

Điển hình là biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Yên Bái năm 2017; Hai căn biệt thự hoành tránh, sa hoa nằm kề nhau của anh em ông Nguyễn Đức Vượng, bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam; hay căn nhà toàn gỗ quý của Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị rộng trên 2.000m2.

Đến khi dư luận chú ý đặt nghi vấn về nguồn gốc của khối tài sản từ đâu ra. Hầu hết các cán bộ đều biện minh rằng mình đã làm rất nhiều nghề từ buôn chổi, nuôi heo hay thậm chí là chạy xe ôm, góp nhặt từng đồng để xây biệt phủ.

“Đất đai sở hữu toàn dân” là công cụ tước đoạt đất của dân

Xét về mặt luật pháp, luật sư Phạm Công Út phân tích, không có bất kỳ một điều luật nào quy định thế nào là “địa chủ”. Phát biểu một cách quy chụp mà không dựa trên pháp luật thì không xứng với chức vụ Thiếu Tướng:

Một vấn đề khác là về luật pháp thì nếu anh nói người ta là “cường hào, địa chủ” thì anh phải có gì chứng minh hay không.

Nếu mà nói cụ Kình là “cường hào, địa chủ” thì tôi không hề thấy có kê khai rằng có bao nhiêu đất đai, hàng trăm hay hàng ngàn hecta để được xem là một “địa chủ”.

Một người có bao nhiêu hecta đất để được xem là địa chủ thì pháp luật không quy định. Một ý kiến mà không dựa trên luật pháp thì đều có thể mang tính cảm tính.

Về mặt đạo đức hay pháp luật, chúng ta thấy là không tương xứng với chức vụ của người phát ngôn của cấp Bộ.”

Ông Châu Đoàn, một cư dân Hà Nội phân tích về phát biểu này của ông Tô Ân Xô trên trang cá nhân rằng từ ngữ “cường hào, địa chủ” và “ác bá” được Chính quyền dùng để gọi những người có của ăn, của để khi tiến hành cải cách ruộng đất vào năm 1953-1956.

Tài sản của tầng lớp cường hào địa chủ do tổ tiên để lại và do lao động mà có. Họ không đi cướp đất của dân và thời phong kiến không có cái luật coi đất đai là sở hữu toàn dân, cho nên không có chuyện thích lấy đất của dân là được như bây giờ.

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, chính vì Điều 53, Hiến pháp Việt Nam quy định “Đất đai là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đã tạo điều kiện cho Chính quyền có lý do để tước đoạt đất của dân, điển hình là vụ án Đồng Tâm:

Chính quyền Hà Nội nói riêng, Chính quyền Cộng sản nói chung họ muốn tước đoạt hoàn toàn đất mà người dân Đồng Tâm đã sở hữu từ nhiều năm trước rồi.

Họ không muốn bồi thường một đồng nào cả. Cho nên khi người dân Đồng Tâm đấu tranh đòi quyền như vậy thì lại sử dụng một lực lượng vũ trang tấn công, giết hại người dân, rồi lại vu cho người dân tội giết người khi mang ra tòa xét xử. Đó là một hành động dã man, có thể nói là hành động chống lại loài người.”

Toà án Nhân dân TP. Hà Nội đang xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra ở xã Đồng Tâm hồi ngày 9/1/2020. Toà sơ thẩm dự kiến kéo dài 10 ngày, kể từ ngày 7/9.

Vào ngày xét xử thứ ba, 9/9, luật sư bào chữa Đặng Đình Mạnh thông tin rằng có đến 19 trong số 29 bị cáo thừa nhận đã bị tra tấn trong quá trình điều tra.

Theo luật sư Phạm Công Út, nếu bị cáo nói rằng bị tra tấn thì Toà phải làm rõ các bằng chứng để xác định có vấn đề nhục hình hay không. Theo luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định những lần hỏi cung phải lắp đặt máy ghi âm, ghi hình và lưu trữ để đối chất khi cần thiết:

Vấn đề thứ hai là khi lấy cung đối với tội danh này thì bắt buộc phải có luật sư tham dự. Tuy nhiên các luật sư đã phàn nàn là đã không được dự cung. Như vậy là một vấn đề vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Những người dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý vì họ kiên quyết chống lại việc thu hồi gần 60 hecta đất nông nghiệp Đồng Sênh bị thu hồi giao cho doanh nghiệp quân đội làm kinh tế.

Trong khi vụ việc chưa được giải quyết thấu tình, đạt lý, thì cơ quan chức năng đưa lực lượng cả mấy ngàn nhân sự vào làng Đồng Tâm giết chết cụ Lê Đình Kình. Ông là người cao niên ngoài tám mươi tuổi với 55 tuổi đảng được xem là thủ lĩnh tinh thần trong công cuộc đất tranh chống lại việc thu hồi đất trái pháp luật.

570730cookie-checkThiếu tướng công an gọi Cụ Kình là  “Cường hào, địa chủ mới” có đúng?