Saturday, July 27, 2024
HomeKINH TẾThanh lý Evergrande: Thực tế đáng lo ngại tấn công lĩnh vực...

Thanh lý Evergrande: Thực tế đáng lo ngại tấn công lĩnh vực địa ốc Trung Quốc.

Tran Thai Hoa

Theo các chuyên gia, lệnh phát mại Evergrande Group (Tập đoàn Hằng Đại) của tòa án Hồng Kông hôm thứ Hai (29/01) có thể có tác dụng như một tiền lệ cho việc tái cấu trúc cần thiết để giải quyết những dư thừa trên thị trường địa ốc Trung Quốc đồng thời bảo vệ lợi ích của các chủ nợ ngoại quốc.

Tuy nhiên, sự lạc quan ban đầu về việc giải quyết những vấn đề còn tồn tại để giúp Bắc Kinh ngăn chặn cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc đang dần nhường chỗ cho một thực tế nghiêm túc: việc thanh lý nhà phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất này có thể làm xói mòn thêm niềm tin vào thị trường vốn và địa ốc của Trung Quốc.

Moody’s cho biết trong một báo cáo hôm thứ Ba (30/01) mà Epoch Times có được: “Quyết định này mang tính tiêu cực về tín dụng đối với lĩnh vực địa ốc nói chung vì nó sẽ làm suy yếu tâm lý vốn đã mong manh của thị trường và nhà đầu tư [và] có thể sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua nhà của người mua nhà trong thời gian tới.”

Theo hãng xếp hạng toàn cầu này, mặc dù đã có những trường hợp các nhà phát triển địa ốc nhỏ hơn của Trung Quốc phá sản trong hai năm qua, nhưng Trung Quốc chưa từng có chủ nợ ngoại quốc nào có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc yêu cầu bồi thường đối với tài sản trong nước của một công ty.

Ngoài ra, Evergrande có nhiều chủ nợ trong nước hơn với mức độ ưu tiên yêu cầu trả nợ cao hơn, tạo ra tình trạng khả năng thu hồi nợ của các chủ nợ ngoại quốc không được bảo đảm so với các chủ nợ trong nước.

Do đó, lệnh của tòa án Hồng Kông sẽ khó thực hiện hơn do cấu trúc tổ chức phức tạp của Evergrande, vốn dùng nhiều công ty con để phát triển và tài trợ cho các dự án địa ốc trên khắp đất nước.

“Nhìn chung, chúng tôi cho rằng việc thanh lý Evergrande sẽ mất thời gian,” ghi chú của Moody’s cho biết.

Tòa án Tối cao thành phố đã ra phán quyết thanh lý sau khi đại công ty địa ốc Trung Quốc ốm yếu này và các chủ nợ quốc tế không thể đạt được thỏa thuận về cách cấu trúc lại khoản nợ hơn 330 tỷ USD của các ngân hàng, chủ nợ, và trái chủ mặc dù đã đàm phán 19 tháng.

Thẩm phán Trần Tĩnh Phần (Linda Chan) cho biết trong phán quyết được công bố hôm thứ Hai (29/01): “Đối với tôi, có vẻ như lợi ích của các chủ nợ sẽ được bảo vệ tốt hơn nếu công ty này được tòa án thanh lý, sao cho các nhà phát mại độc lập có thể nắm quyền kiểm soát công ty.”

Evergrande, ví dụ điển hình cho cuộc khủng hoảng địa ốc của Trung Quốc, vỡ nợ vào năm 2021, làm dấy lên lo ngại về sự lây lan trong nền kinh tế Trung Quốc, vốn vẫn đang gánh chịu hậu quả. Với tổng nợ là 2.39 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 333 tỷ USD) vào thời điểm cuối tháng Sáu năm ngoái, nhà phát triển có trụ sở tại Thâm Quyến này đã tuyên bố phá sản ở New York vào năm 2023.

Theo tài liệu của tòa án Hồng Kông, các chủ nợ ngoại quốc đang bị nợ 25 tỷ USD và một trong số họ, Top Shine Global, đã đệ đơn kiện Evergrande tại Hồng Kông vào tháng 06/2022 để bù đắp một phần tổn thất.

Tuy nhiên, kể cả sau nhiều tháng tranh cãi, nhà phát triển địa ốc này vẫn không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ và người sáng lập Hứa Gia Ấn (Hui Ka-yan) cuối cùng đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hồi tháng Chín năm ngoái (2023) vì nghi ngờ hoạt động tội phạm.

Bà Diana Choyleva, người sáng lập và là nhà kinh tế trưởng tại Enodo Economics, lưu ý trong một bài đăng trên LinkedIn: “Việc phát mại Evergrande là cần thiết trong bối cảnh rộng lớn hơn là khắc phục sự mất cân bằng trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc.”

Tuy nhiên, đó vẫn là tin xấu

Do Hồng Kông và một số khu vực của Trung Quốc có thỏa thuận chung về phá sản và tái cấu trúc, nên về mặt lý thuyết, quyết định này có thể cho phép các nhà phát mại công ty cố gắng nắm quyền kiểm soát một số tài sản của Evergrande ở Hoa lục.

Tập đoàn Evergrande là một trong nhiều nhà phát triển Trung Quốc, gồm cả nhà phát triển tư nhân lớn nhất Country Gardens (Bích Quế Viên), vốn đã phá sản kể từ năm 2020 do áp lực của chính quyền nhắm đến việc kiềm chế nợ gia tăng, điều mà Bắc Kinh coi là mối nguy hiểm đối với sự phát triển kinh tế chậm chạp của Trung Quốc.

Được biết, các nhà phát triển Trung Quốc sẽ phải trả 100 tỷ USD nợ đến hạn trong năm nay, trong khi các nhánh tài chính của chính quyền địa phương — được gọi là các phương thức tài trợ của chính quyền địa phương (LGFV) — hiện đang nợ 650 tỷ USD.

Phán quyết này của tòa án cũng có thể gây ra hậu quả cho các nhà phát triển khác vẫn đang trong quá trình đàm phán tái cấu trúc kéo dài với các chủ nợ ngoại quốc.

Ông Brock Silvers, giám đốc đầu tư của tập đoàn cổ phần tư nhân Hồng Kông Khai Nguyên (Kaiyuan Capital), cho biết trong bài đăng trên LinkedIn của mình, “Sự công nhận trong nước về thẩm quyền của cơ quan thanh lý Evergrande sẽ là một bước đột phá thực sự [và] quan trọng. Hãy cứ nói rằng tôi không lường trước được điều này trong kế hoạch.”

Ông Silvers tin rằng quyết định của tòa án là “tin xấu cho tất cả các bên và là một đòn giáng nữa vào niềm tin đối với các thị trường vốn của Trung Quốc,” vì lệnh phát mại này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình kéo dài nhiều năm, rất tốn kém mà khó có thể mang lại kết quả hồi phục đáng kể.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nói, trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ của Bắc Kinh, thị trường nhà ở tồi tệ nhất trong chín năm, và thị trường chứng khoán chìm ở mức thấp nhất trong năm năm, bất kỳ cú đánh nào nữa đối với niềm tin của nhà đầu tư đều có thể làm nghiêm trọng thêm những khó khăn mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang phải đối mặt trong nỗ lực hồi sinh tăng trưởng.

Chứng khoán Trung Quốc, vốn đã phải chịu đựng tình trạng suy thoái kéo dài trong năm ngoái và thậm chí sang năm mới, vẫn phản ánh sự bi quan sâu sắc.

Theo Bloomberg, thị trường vốn của Trung Quốc được định giá ở mức 13 ngàn tỷ USD vào thời điểm cao nhất hồi tháng 12/2021 nhưng đã giảm ⅓ kể từ đó, khiến tổng vốn hóa giảm hơn 1 ngàn tỷ USD trong năm nay.

Theo báo cáo, sự thất bại này đã khiến hôm thứ Hai (29/01) Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) phải kêu gọi tăng cường trợ giúp cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp ổn định thị trường.

Trong khi đó, Moody’s cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng chậm và áp lực giảm phát của Trung Quốc có thể kéo dài nếu các vấn đề kinh tế căn bản trở nên tồi tệ hơn.

Hãng xếp hạng này cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng: “Các vấn đề về cấu trúc kinh tế và tăng trưởng chậm, nếu không được quản lý, có thể dẫn đến thời kỳ thiểu phát hoặc giảm phát kéo dài.”

Những thách thức mang tính cấu trúc này bao gồm tình trạng dư thừa năng lực của ngành, đầu tư vào các ngành công nghiệp giảm sút, suy thoái lĩnh vực địa ốc kéo dài, và thách thức trong việc thúc đẩy các động cơ tăng trưởng thay thế.

Báo cáo cho biết: “Giảm phát mang tính cấu trúc sẽ làm tăng chi phí gánh nặng nợ, làm suy yếu tâm lý tiêu dùng và đầu tư, đồng thời làm giảm hơn nữa tổng cầu, một ảnh hưởng tiêu cực đối với chính quyền.”

Moody’s cảnh báo nếu những cải tổ của Trung Quốc không giải quyết thỏa đáng những thách thức này, thì quốc gia này có thể phải trải qua tình trạng thiểu phát kéo dài hoặc thậm chí là giảm phát – ET

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular